Thứ năm, 27/05/2021 14:56

Một số lưu ý khi tiêm vacxin Astra Zeneca

Trần Đình Bình, Trần Thanh Loan, Phạm Trung Hiếu

Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế

Quy trình tiêm vacxin Covid-19 tại Việt Nam: an toàn, tiến bộ và khắt khe

Quy trình tiêm chủng vacxin COVID-19 tại Việt Nam đã và đang được triển khai ở cấp độ an toàn mức cao nhất, tiến bộ và khắt khe hơn rất nhiều so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước phát triển.

Các cơ sở tiêm chủng vacxin COVID-19 tại Việt Nam đều được đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực. Thực hiện nghiêm túc công tác khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Người tiêm vacxin phải ở lại ít nhất 30 phút tại điểm tiêm chủng để theo dõi các phản ứng sau tiêm và hướng dẫn theo dõi các phản ứng tại nhà từ 24-48 giờ. Ngoài ra, các bệnh viện luôn trong tư thế sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu, lường trước các trường hợp biến chứng sau tiêm vacxin COVID-19 nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm [1, 2].

Đối tượng được chỉ định tiêm vacxin COVID-19 là từ 18 tuổi trở lên. Những đối tượng chống chỉ định tiêm vacxin COVID-19: 1) có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần hoạt chất hoặc tá dược nào liệt kê trong mục thành phần vacxin; 2) người có cơ địa dị ứng hoặc đang mắc các bệnh lý khác; 3) người suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch (như corticosteroid liều cao, thuốc ức chế miễn dịch hoặc thuốc điều trị ung thư);đang bị nhiễm trùng, sốt (≥37,5°C); 5) khi có các vấn đề về xuất huyết/chảy máu, bầm tím hoặc đang dùng thuốc chống đông máu [2, 3].

Kỹ thuật tiêm chủng: hầu hết các loại vacxin COVID-19 hiện nay đề sử dụng kỹ thuật tiêm bắp, thường tiêm vào cơ Delta. Vacxin Astra Zeneca cũng được hướng dẫn tiêm chủng theo kỹ thuật này [2].

Các tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm vacxin COVID-19

Trong các nghiên cứu lâm sàng, hầu hết các tác dụng sau khi tiêm vắc xin COVID-19 đều ở mức độ từ nhẹ đến trung bình và đều sẽ tự hết trong vài ngày như [1, 4].

- Tác dụng phụ tại vị trí tiêm (phản ứng tại chỗ tiêm) thường tự khỏi trong vòng vài ngày đến 1 tuần: cảm giác đau; viêm tại chỗ (đau, sưng, đỏ, nóng, ngứa tại chỗ tiêm).

- Các tác dụng phụ toàn thân (phản ứng toàn thân): mệt mỏi, cảm thấy không khỏe (khó chịu); đau đầu (có thể tự khỏi), một số trường hợp cần dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của cán bộ y tế; buồn nôn, nôn, tiêu chảy; đau khớp hoặc đau cơ (có thể tự khỏi), một số trường hợp cần dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của cán bộ y tế; ớn lạnh hoặc cảm thấy sốt, sốt nhẹ <38oC  (thường khỏi sớm, có thể kéo dài 1-2 ngày). Những trường hợp sốt cao >38oC cần theo dõi [3, 5].

Phản ứng phản vệ là trường hợp cực kỳ hiếm gặp, bất kỳ ai bị phản ứng phản vệ đều cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Các triệu chứng sốc phản vệ được cảnh báo bao gồm: tụt huyết áp hoặc ngất; khó thở, tức ngực, thở rít; mày đay, phù mạch nhanh; đau bụng hoặc nôn; rối loạn ý thức. Khi có dấu hiệu của sốc phản vệ cần xử trí khẩn cấp theo phác đồ chống sốc phản vệ, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế theo công văn số 4198/BYT-KCB: triển khai công tác an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 ngày 22 tháng 5 năm 2021 [2].

Việc vô tình tiêm thẳng vacxin COVID-19 vào máu có thể là yếu tố nghi ngờ gây các tai biến nặng, đặc biệt là sốc phản vệ?

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế [6] về tiêm dưới da, tiêm bắp thì sau khi đâm kim nhanh 60o-90o so với mặt da vào vùng cơ (cánh tay, mông, đùi…) thì rút nhẹ nòng bơm tiêm, nếu không thấy máu thì bơm thuốc từ từ, đồng thời quan sát sắc mặt người bệnh. Tốc độ tiêm bắp 1 ml/10 giây. Thực tế, theo dõi thực địa tiêm chủng và các video về hướng dẫn tiêm chủng trên thế giới và Việt Nam thì thấy được triển khai đầy đủ các bước, tuy nhiên rất ít hoặc không thấy việc thực hiện bước rút nòng bơm tiêm kiểm tra có máu sau khi tiêm vào cơ (hơn 90% trường hợp). Vì vậy, đây có thể là một vấn đề cần quan tâm xem xét. Việc vô tình đâm trúng mạch máu chỉ xảy ra một trên hàng trăm nghìn lần tiêm. Hậu quả của nó là làm giảm hiệu quả của vacxin và vacxin phải được tiêm vào cơ và cùng sự hỗ trợ của các tá dược làm cho nó phân tán chậm vào máu, góp phần kích thích đáp ứng miễn dịch với tác dụng kéo dài. Vì vậy, khi thực hiện kỹ thuật tiêm bắp, mọi nhân viên y tế cần kiểm tra để đảm bảo rằng kim tiêm không vô tình đâm vào mạch máu.

Loại vacxin mà chúng ta đang sử dụng là Astra Zeneca - vacxin vector, vacxin này sử dụng adenovirus sống giảm độc làm vector để mang đoạn gen mã hoá cho glycoprotein gai bề mặt của virus gây bệnh COVID-19 (glycoprotein S) vào cơ thể. Đây chính là thành phần giúp cho virus SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào cơ thể để phát sinh chứng bệnh. Sau khi tiêm, glycoprotein S của virus SARS-CoV-2 được trình diện và kích thích đáp ứng miễn dịch tấn công các glycoprotein S khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể để ngăn chặn virus xâm nhập tế bào và gây bệnh [3, 5].

Như vậy, tiêm vacxin là đưa adenovirus sống giảm độc mang thông tin di truyền mã hoá cho cấu trúc glycoprotein bề mặt của SARS-CoV-2, vì vậy nếu adenovirus được đưa thẳng vào máu có thể  sẽ xuất hiện các hiệu ứng, bởi vì bản thân adenovirus cũng là một tác nhân ngoại lai, có thể gây bệnh. Các phản ứng được mô tả như sản xuất các yếu tố viêm (cytokines, chemokines), hoạt hoá bổ thể, tác động đến đông máu vì giảm tiểu cầu do sự phản ứng thụ thể đặc hiệu giữa adenovirus và tiểu cầu cũng được mô tả nhiều trong các tài liệu khoa học [7], thay đổi huyết động, tổn thương gan… Như vậy, rất có thể các phản ứng nặng sau tiêm Astra Zeneca hay vacxin Jansen là nguyên nhân của việc vô tình tiêm thẳng vacxin vào mạch máu [5].

Ngay cả khi tiêm vacxin Pfizer và Moderna với các hạt nano lipid, các hạt nano lipid này được đưa thẳng vào máu có thể gây ra các phản ứng hoạt hóa bổ thể khi sử dụng nhanh và ở nồng độ cao, đồng thời các hạt nano lipid cũng có thể xâm nhập tiểu cầu gây ra các tác dụng phụ điển hình sau tiêm vacxin [5].

Khuyến nghị

Từ quan sát thực tế và tổng hợp được nhiều ý kiến, trong khi chưa có một nguyên nhân cụ thể nào gây sốc phản vệ cho người được tiêm vacxin Astra Zeneca, tuy nhiên trên tỷ lệ và mức độ tai biến nặng sau tiêm vacxin Astra Zeneca, có lẽ cũng cần nghĩ đến nguyên nhân do kỹ thuật tiêm bắp, để dự phòng nguy cơ này. Có lẽ, các nhân viên y tế thực hiện đúng kỹ thuật tiêm bắp theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế phải kéo nòng bơm để kiểm tra có nguy cơ đâm vào mạch máu hay không trước khi bơm thuốc. Thủ thuật này có thể tốn thêm thời gian thao tác, nhưng có thể sẽ an toàn cho người được tiêm. Cần hướng dẫn, tập huấn và giám sát tốt hơn quy trình tiêm chủng để đảm bảo tiêm chủng an toàn [6].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bộ Y tế (2021), Công văn số 1734/BYT-DP: Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vacxin phòng COVID-19 ngày 17 tháng 3 năm 2021.

[2] Bộ Y tế (2021), Công văn số 4198/BYT-KCB: Triển khai công tác an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 ngày 22 tháng 5 năm 2021.

[3] AstraZeneca (2021), COVID-19 Vaccine AstraZeneca, Dung dịch tiêm.

[4] WHO (2021), Side Effects of COVID-19 Vaccines, https://www.who.int/news-room/feature-stories/detail/side-effects-of-covid-19-vaccines.

[5] The European Medicines Agenc (2021), COVID-19 vaccine safety update, COVID-19 VACCINE JANSSEN, Janssen-Cilag International NV.

[6] Bộ Y tế (2012), Quyết định số 3671/QĐ-BYT: Hướng dẫn tiêm an toàn trong các cơ sở, khám bệnh, chữa bệnh ngày 27 tháng 9 năm 2012.

[7] Maha Othman, Andrea Labelle, Ian Mazzetti, Hisham S. Elbatarny, David Lillicrap (2007), “Adenovirus-induced thrombocytopenia: the role of von Willebrand factor and P-selectin in mediating accelerated platelet clearance”, Blood, 109(7), pp.2832-2839.


 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)