Thứ sáu, 29/01/2021 14:33

Lưu trữ năng lượng từ điện mặt trời: Giải pháp quan trọng sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả

Trước nguy cơ nguồn thủy điện đã được khai thác quá mức và các nguồn nguyên liệu hóa thạch dần cạn kiệt, năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời nổi lên như một nguồn năng lượng thay thế tất yếu. Tuy nhiên, với việc phát triển quá nhanh các dự án điện mặt trời đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống truyền tải điện quốc gia. Lưu trữ hợp lý nguồn năng lượng từ điện mặt trời là quan điểm của nhiều chuyên gia tại Hội thảo Lợi ích của hệ thống lưu trữ năng lượng tích hợp điện mặt trời và các khuyến nghị về chính sách nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực lưu trữ năng lượng do Tập đoàn Macquarie, Công ty Blueleaf Energy và Công ty Ecoteck đồng tổ chức ngày 27/1/2021 tại Hà Nội.

Tiềm năng lớn

Là một quốc gia nằm ở vùng nhiệt đới gió mùa, Việt Nam là quốc gia có lượng ánh năng mặt trời chiếu sáng nhiều nhất trên bản đồ bức xạ mặt trời thế giới. Thống kê cho thấy, trung bình ở Việt Nam hàng năm lượng bức xạ mặt trời sẽ dao động 4,3-5,7 triệu kWh/m2; trong đó những vùng như Tây Nguyên, Nam Trung Bộ số giờ nắng có thể đạt được 2.000 đến 2.600 giờ mỗi năm. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo - Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về phát triển năng lượng điện mặt trời với dự kiến sẽ đạt 20.000 MW vào năm 2030, thậm chí, trong Quy hoạch điện VIII, Viện Năng lượng đã phân tích và dự kiến tiềm năng lớn phát triển năng lượng mặt trời mái nhà có thể lên tới gần 50.000 MW.

Bức tranh về tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời là rất lớn so với thực tiễn. Để tạo cơ chế thúc đẩy năng lượng mặt trời phát triển, Bộ Công Thương đang dự thảo trình Chính phủ xin triển khai chương trình đấu thầu các nhà máy điện mặt trời, trong đó sẽ thiết lập kế hoạch phát triển điện mặt trời hai năm một năm lần, sau đó giao cho các địa phương chịu trách nhiệm triển khai đấu thầu... Tuy nhiên, một thực tế có thể nhận thấy là cơ cấu nguồn và phân bổ nguồn năng lượng chưa đồng đều, năng lượng mặt trời hiện chỉ tập trung chủ yếu ở Nam Trung Bộ. Bên cạnh đó, hệ thống lưới điện có tổng số giờ quá tải các đường dây tương đối lớn, nhiều khu vực vào đợt cao điểm quá tải hơn 100%, thậm chí quá tải cục bộ, từ đó xuất hiện nhiều khó khăn trong vận hành của hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Bài toán cấp thiết trong việc lưu trữ điện

Với nhu cầu tiêu thụ điện năng rất lớn trong tương lai, năng lượng mặt trời sẽ có sự tăng trưởng cực kỳ nhanh chóng. Nhằm đảm bảo sự phân bổ cũng như không để xảy ra sự tắc nghẽn trên lưới điện, thì việc tăng cường các hệ thống lưu trữ, tích trữ điện mặt trời là bài toán cấp thiết hiện nay.

Theo Quy hoạch điện VIII, từ năm 2030 đến 2045 nhu cầu sử dụng điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn, trong khi năng lượng mặt trời sẽ có sự tăng trưởng nhanh chóng, do vậy rất cần phải có hệ thống lưu trữ, tích trữ điện để phân bổ và sử dụng hiệu quả. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, hiện có rất nhiều hệ thống lưu trữ điện năng khác nhau và mỗi một hệ thống lưu trữ lại có đặc tính, công nghệ khác nhau. Do đó, việc nghiên cứu để lựa chọn những hệ thống tối ưu, giảm nhẹ tác động của nguồn năng lương tái tạo, tăng cường các hệ thống lưu trữ điện là những bài toán cấp thiết đang đặt ra.

Theo các chuyên gia tại Hội thảo, để đáp ứng nhu cầu phụ tải trong tương lai, có nhiều phương pháp tích hợp các công nghệ mới có thể có ích cho Việt Nam như điện mặt trời tích hợp hệ thống lưu trữ năng lượng là giải pháp chi phí thấp và ít phát thải. Đây là giải pháp hỗ trợ tích hợp nguồn điện mặt trời vào lưới điện bằng cách giới hạn công suất phát lên lưới để hỗ trợ cho quá trình nạp xả của hệ thống lưu trữ. Giải pháp này rẻ hơn, ít phát thải hơn các dạng nguồn có thể dự báo như than, khí... Điều này sẽ giúp Việt Nam theo đuổi mục tiêu phát triển phát thải thấp trong khi vẫn đảm bảo phát triển kinh tế.

Trong thời gian qua, việc tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo phát lên hệ thống đã đặt ra nhiều thách thức khi cân bằng năng lượng trong thời điểm phụ tải thấp. Càng tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo thì càng giảm năng lượng truyền thống; điều này sẽ làm suy giảm khả năng điều tiết hệ thống điện.

Để phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng điện mặt trời, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần sớm có chính sách thúc đẩy ứng dụng giải pháp tích trữ với các nhà máy năng lượng tái tạo hoặc cho toàn hệ thống để không lãng phí nguồn đầu tư hiện tại của xã hội và thực hiện chuyển dịch sang năng lượng sạch nhanh nhất có thể.

Lê Cường - Viện Năng lượng (Bộ Công Thương)
 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)