Thứ tư, 20/01/2021 14:27

Đạo đức nghiên cứu và chương trình tầm soát công bố khoa học của Trường Đại học Tôn Đức Thắng

TS Lê Văn Út - Giám đốc Quỹ Phát triển KHCN

Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Khi nói tới đạo đức nghiên cứu chúng ta thường nghĩ nhiều tới đạo văn, liêm chính, nhưng ít nói tới một chức năng quan trọng khác của đạo đức nghiên cứu là bảo vệ quyền lợi của đối tượng tham gia nghiên cứu khoa học là con người. Một hội đồng có vị trí rất quan trọng để tư vấn, giám sát các vấn đề đạo đức trong nghiên cứu này là hội đồng đạo đức nghiên cứu. Từ thực tiễn của Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho thấy, việc thành lập Ủy ban đạo đức nghiên cứu chính là để đảm bảo việc tuân thủ luật pháp và các quy định liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người nghiên cứu, đảm bảo sự thật về khoa học, phòng ngừa việc làm sai và mâu thuẫn lợi ích.

Từ thực tế ở các trường đại học nổi tiếng

Tại hầu hết các đại học uy tín trên thế giới đều có ủy ban đạo đức nghiên cứu và thông tin về các hoạt động của những ủy ban này đều được công bố trên website của các đại học đó. Trong đó, có đầy đủ các quy ước về đạo đức nghiên cứu, các hướng dẫn thực hiện và quan trọng là các cách thức giải quyết tranh chấp phát sinh trong nghiên cứu khoa học. Cách làm này góp phần tạo uy tín khoa học cao cho các đại học đó và gần như là hình mẫu để các đại học khác trên thế giới tham khảo. Các ủy ban ban đạo đức nghiên cứu của các đại học lừng danh của thế giới như Đại học Cambridge (Anh), Đại Stanford (Mỹ) hay Đại học Helsinki (Phần Lan) đều có 3 chức năng chính gồm:

Thứ nhất, thông qua yếu tố đạo đức của các đề tài/dự án nghiên cứu. Trong thực tế, các đề tài nghiên cứu liên quan đến con người, tôn giáo, hay động vật thì cần phải cam kết là không vi phạm các nguyên tắc đạo đức, tính nhân đạo, tính nhân văn trong nghiên cứu. Do đó, ủy ban đạo đức nghiên cứu không thông qua thì có thể không được triển khai.

Thứ hai, tư vấn cho những người làm nghiên cứu (nhất là những nghiên cứu viên trẻ) thông hiểu các nguyên tắc đạo đức, tính liêm khiết trong nghiên cứu khoa học, đề từ đó họ có thể tránh được các vi phạm trong quá trình nghiên cứu.

Thứ ba, có trách nhiệm xem xét và tư vấn cho các đại học xử lý các vụ việc vi phạm đạo đức nghiên cứu, cũng như các khiếu nại hay tranh chấp trong nghiên cứu khoa học.

Trong thực tế, khi phát triển nghiên cứu thì chắc chắn rằng các đại học phải đối diện với các vấn đề liên quan đến đạo đức nghiên cứu, tùy theo đẳng cấp của đại học mà vấn nạn này có ít hay nhiều. Để có thể giúp cho giảng viên, sinh viên của đại học hiểu và có thể thực hiện đúng các nguyên tắc trong nghiên cứu khoa học, cũng như để có thể xử lý các vi phạm trong nghiên cứu khoa học một cách đúng thông lệ thì việc thành lập ủy ban đạo đức nghiên cứu tại các đại học là vấn đề rất quan trọng.

Đạo đức ở đây không phải là đánh giá bản tính con người tốt hay xấu, mà là so sánh cách thức thực hiện nghiên cứu với các quy tắc chuẩn mực về đạo đức, để đảm bảo nghiên cứu liêm chính, đúng đắn. Nghiên cứu khoa học là một quá trình với nhiều quy trình nghiêm ngặt như tìm kiếm chủ đề, xác định phương pháp nghiên cứu, tiến hành nghiên cứu (khảo sát, thí nghiệm...), phân tích và công bố kết quả. Ở tất cả các bước này, đạo đức nghiên cứu luôn đóng một vai trò then chốt.

Thiếu đạo đức nghiên cứu, kết quả nghiên cứu không chỉ không có giá trị mà còn có thể gây hại đến uy tín của chính nhà khoa học. Để bảo đảm tuân thủ đạo đức trong nghiên cứu, các trường đại học thường ban hành quy định chặt chẽ và chi tiết về vấn đề này. Hội đồng đạo đức là một cơ quan bắt buộc cần có tại đa số các trường đại học uy tín trên thế giới.

Và kinh nghiệm triển khai tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Trong quá trình phát triển nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, có những lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến quyền con người, tôn giáo, văn hóa và hơn nữa việc lạm dụng hay tha hóa trong công bố khoa học cũng dễ xuất hiện. Do đó, từ năm 2016, Nhà trường đã quyết định thành lập Ủy ban đạo đức khoa học để giải quyết những vấn đề này.

Một khi đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu khoa học thì việc bị lạm dụng là không thể tránh khỏi. Riêng việc công bố trên các tạp chí kém chất lượng thì Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã ngăn chặn triệt để sau khi ban hành danh mục các tạp chí/nhà xuất bản không được công nhận từ nhiều năm trước, trên cơ sở tư vấn của Ủy ban đạo đức nghiên cứu của Trường.

Đối với việc nghiên cứu và công bố quốc tế tại Trường, Nhà trường luôn khuyến khích sự tự do lựa chọn chủ đề (miễn sao không vi phạm pháp luật) và hợp tác trong công bố. Do đó, có những công bố khoa học mà trong đó tác giả từ lĩnh công nghệ thông tin và khoa học xã hội đứng chung với nhau là chuyện hết sức bình thường. Ngoài ra, không ít nhóm tác giả gửi công bố công trình vào những tạp đa ngành, ví dụ Scientific Reports của Nhà xuất bản Nature (Anh, mới nhượng lại cho Springer của Đức; H-index=179 theo Scimago) và thế là họ có thể trở thành người công bố đa lĩnh vực.

Việc khuyến khích và tạo điều kiện của Trường trong giai đoạn đầu có thể đã không tránh được việc bị lợi dụng của một số nhà khoa học có dấu hiệu tha hóa trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là hiện tượng đứng tên chung vào các công trình nhưng thực tế không có hoặc có rất ít cống hiến để hưởng lợi. Xác định đây là vấn đề nghiêm trọng, có thể dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm nên Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã triển khai một chương trình hết sức kịp thời. Đó là Chương trình tầm soát các công bố khoa học, là một phần trong hoạt động của Ủy ban đạo đức khoa học của Trường. Đối với những nhà khoa học có dấu hiệu đột biến trong công bố khoa học thì sẽ nhận được những câu hỏi mở từ Trường (thư đầu tiên là chúc mừng thành tựu và đề nghị chia sẻ kinh nghiệm công bố nhiều bài; thư tiếp theo là thời gian, công sức, đóng góp vào những công trình này; thư tiếp theo thì tùy vào tình huống và tất cả các thư đều bằng tiếng Anh và phải trả lời bằng tiếng Anh để khi cần thì chuyên gia nước ngoài đánh giá), nếu không trả lời hoặc trả lời theo kiểu cho có thì sẽ bị đưa ra hội đồng chuyên gia của Ủy ban đạo đức khoa học của Trường; trưởng đơn vị và cá nhân nhà khoa học phải giải trình các chất vấn của hội đồng này.

Thông qua Chương trình tầm soát này, nhiều nhà khoa học đã có những chia sẻ rất thú vị về thành tựu công bố, họ cho biết là họ bị sốc (từ thư thứ 2) với chương trình này nhưng cũng hết sức cảm ơn vì đã tạo cơ hội cho họ nói hết nỗi lòng. Bên cạnh đó, cũng có những nhà khoa học đã không thể giải trình hoặc không thể có giải thích thuyết phục về sự đột biến trong công bố nên đã bị cắt hợp đồng hay tự nguyện thôi thực hiện hợp đồng hoặc đã bị đưa ra hội đồng chuyên gia (và đa số đã bị cắt hợp đồng). Những nhà khoa học bị cắt hợp đồng nghiên cứu thông qua Chương trình tầm soát công bố khoa học của Trường cũng rất thê thảm vì những công trình của họ kể từ thời điểm bị cắt hợp đồng sẽ không được tài trợ ngay cả khi có hợp tác với Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Cũng cần lưu ý là có thể họ đã công bố các công trình của họ từ năm/những năm trước nhưng tới hiện tại thì mới được liệt kê vào các cơ sở dữ liệu như WoS, Scopus nhưng không có nghĩa là họ đang còn làm việc cho Trường, và cũng không ít nhà khoa học cứ cố gắng công bố cho nhiều nhưng cuối cùng được công nhận chẳng bao nhiêu, ví dụ như đăng ký công bố ISI (SCIE, SSCI, AHCI) mà cuối cùng ra ESCI/Scopus hoặc đăng ký Scopus Qi (i=1, 2, 3) nhưng cuối cùng ra Q4 thì không được đồng lương nào (mà đôi khi còn phải làm việc với Ủy ban đạo đức nghiên cứu).

Ngoài ra, để phục vụ tốt cho công việc của Ủy ban đạo đức khoa học, Trường Đại học Tôn Đức Thắng còn mua bản quyền một phần mềm kiểm tra sự trùng lắp đối với các ấn phẩm khoa học. Tất cả các công trình nghiệm thu tại Trường đều phải được phần mềm này kiểm tra, trước khi được xem xét bởi quy trình thẩm định nghiêm ngặt. Tác giả nhiều công trình đã phải giải trình rất cực khổ vì công trình của họ vô tình hay cố ý có sự trùng lắp với các công trình khác; có những công trình đã bị loại ngay từ giai đoạn này hoặc đã bị đưa ra hội đồng chuyên gia của Ủy ban đạo đức khoa học để xem xét.

Thông qua Chương trình tầm soát công bố khoa học, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã phải liên tục cập nhật lại chính sách, các quy định về nghiên cứu khoa học để hạn chế hoặc ngăn chặn kịp thời các rủi ro trong đầu tư và phát triển nghiên cứu khoa học. Một trong những cải tiến rất quan trọng của Trường trong thời gian gần đây là tất cả các nhà khoa học khi đăng ký nhiệm vụ nghiên cứu được khuyến nghị công bố không quá một số lượng công trình công trình ISI/Scopus nhất định hàng năm dù đẳng cấp thế nào; trong trường hợp đăng ký vượt thì trưởng đơn vị và cá nhân nhà khoa học phải có giải trình hợp lý và phải được phê duyệt trước khi thực hiện.

Tính đến thời điểm này, các vụ vi phạm hoặc nghi vấn vi phạm trong nghiên cứu khoa học tại Trường đều đã được xem xét và đề xuất xử lý triệt để bởi Ủy ban đạo đức nghiên cứu của Trường. Việc phân xử trong nghiên cứu khoa học phải là công việc của các hội đồng gồm các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học hoặc quản lý khoa học, hơn là những ý kiến cảm tính. Đó là cách ứng xử hay trên cơ sở tham khảo các mô hình tiên tiến trên thế giới. Ngay cả khi các nhà khoa học có sai thì cũng nên cho họ cơ hội sửa sai và cũng nên giữ thể diện cho họ để họ còn có thể tiếp tục, thay vì không cho họ bất kỳ cơ hội nào.

Trong quá trình nghiên cứu khoa học, khó mà tránh được việc này, việc kia nhưng điều quan trọng là phải phòng ngừa, phát hiện kịp thời và có giải phải điều chỉnh hợp lý. Chính ủy ban nghiên cứu khoa học trong các đại học góp phần quan trọng vào quá trình này. Chính vì vậy, mỗi trường đại học ở Việt Nam nên có một ủy ban đạo đức nghiên cứu để có thể giúp cho hoạt động nghiên cứu của đại học phù hợp với thông lệ quốc tế, an toàn và bền vững.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)