Thứ ba, 12/01/2021 10:07

Nâng cao năng suất lao động dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Nguyễn Thị Lê Hoa,  Lê Xuân Biên

Viện Năng suất Việt Nam

Trong thập kỷ qua, Việt Nam có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất ở khối ASEAN và cũng là một trong những nước có tốc độ tăng năng suất cao nhất ở châu Á. Mặc dù vậy, so với các nước dẫn đầu chúng ta vẫn còn khoảng cách khá xa. Với xu hướng hội nhập quốc tế và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành nền tảng quan trọng nâng cao năng suất trong thập kỷ tới.

NSLĐ và tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam

Trải qua hơn 30 năm đổi mới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 5 lần, chủ yếu dựa vào tăng NSLĐ, đồng thời, hơn một nửa dân số đã thoát khỏi nghèo đói, chất lượng cuộc sống được cải thiện đáng kể. Mặc dù đã có nhiều thành tựu, nhưng vẫn còn một chặng đường khá dài để Việt Nam có thể bắt kịp các nền kinh tế phát triển. Theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tính theo sức mua tương đương năm 2020 khoảng 10.755 USD/người, đứng thứ 106 trên thế giới, tăng 6 bậc so với năm trước.

Cơ cấu lao động của Việt Nam cũng có những thay đổi đáng kể. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp giảm gần một nửa, từ 71% năm 1991 xuống 33% vào năm 2020, trong khi đó, lĩnh vực dịch vụ tăng từ 19 lên 36% và công nghiệp - xây dựng tăng từ 10 lên 31%.

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng năng suất cao nhất ở châu Á.

Về tốc độ tăng năng suất lao động, bình quân giai đoạn 2016-2020, NSLĐ của Việt Nam tăng 5,77%, cao hơn mức tăng bình quân 4,35% của giai đoạn 2011-2015, đạt mục tiêu tăng NSLĐ bình quân hàng năm được đưa ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: “Giai đoạn 2016-2020: tốc độ tăng NSLĐ bình quân hàng năm cao hơn 5,5%”. Tính chung giai đoạn 2011-2020, NSLĐ bình quân tăng 5,06%/ năm1.

Trong thập kỷ qua, Việt Nam có tốc độ tăng NSLĐ cao nhất khối ASEAN và cũng là một trong những nước có tốc độ tăng năng suất cao nhất ở châu Á. Trong khi các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia đang duy trì một tốc độ tăng năng suất vừa phải, còn các nước phát triển như Nhật Bản đang có chiều hướng giảm thì Việt Nam có tốc độ tăng năng suất nổi bật (hình 1).

Hình 1. Tốc độ tăng NSLĐ bình quân năm giai đoạn 2011-2015 và 2016-2019.

Nguồn: Total Economy Database, The Conference Board.

Mặc dù dẫn đầu về tốc độ tăng NSLĐ và sau 2 thập kỷ, NSLĐ của Việt Nam đã tăng gấp ba lần, khoảng cách với các nước đã được thu hẹp đáng kể, nhưng NSLĐ của Việt Nam vẫn ở nhóm thấp trong khu vực châu Á (hình 2). Điều này đang đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ phải tăng cường cải thiện NSLĐ trong thời gian tới.

Hình 2. NSLĐ của Việt Nam so với các nước ASEAN và một số nước châu Á (2019).
Nguồn: Total Economy Database, The Conference Board.

CMCN 4.0 là cơ hội cải thiện NSLĐ

Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 đặt ra mục tiêu tăng NSLĐ bình quân trên 7%/năm giai đoạn đến năm 2025 và tăng trên 7,5%/năm giai đoạn đến năm 2030. Đây là một thách thức lớn, cần có các giải pháp thúc đẩy năng suất toàn diện.
CMCN 4.0 với các công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi các hệ thống sản xuất toàn cầu. Các quy trình của nhà máy và việc quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu đều bị ảnh hưởng. Điều này đang tạo ra một làn sóng cạnh tranh mới giữa các quốc gia, nếu đi đúng hướng, CMCN 4.0 có thể giúp tăng năng suất 30-40% (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới).

Các chuyên gia năng suất Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm nâng cao NSLĐ trong doanh nghiệp với Viện Năng suất Việt Nam.

Trong số các khía cạnh động lực cho sản xuất, công nghệ và đổi mới là một yếu tố quyết định cho sản xuất trong tương lai, vì việc áp dụng và phổ biến các công nghệ mới nổi là mấu chốt của CMCN 4.0.

Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (2018) về sự sẵn sàng cho công nghệ và đổi mới cho sản xuất trong tương lai, Việt Nam đạt 3,09 điểm, đứng thứ 90/100 nước. Điều này cũng nói lên rằng, Việt Nam còn nhiều việc cần phải làm cho việc xúc tiến công nghệ và đổi mới để chuẩn bị cho sản xuất trong tương lai.

Cuộc CMCN 4.0 với sự ra đời của những công nghệ mới và những sáng tạo có tầm bao phủ rộng đang lan tỏa nhanh chóng và rộng rãi hơn nhiều so với các cuộc cách mạng trước đó. Trong bối cảnh đó, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ sớm giải phóng để tạo ra sự bùng nổ về năng suất và tăng trưởng kinh tế cao hơn. Quy luật cạnh tranh của nền kinh tế trong CMCN 4.0 sẽ khác với các thời kỳ trước. Để có được lợi thế cạnh tranh, quốc gia phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo.

Về chỉ số đổi mới sáng tạo, theo báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2020 Việt Nam đứng thứ 42 trên 131 quốc gia/nền kinh tế, đứng thứ 3 trong khối ASEAN (chỉ sau Singapore và Malaysia), thứ hạng này đã cải thiện 20 bậc so với xếp hạng năm 2016 và đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp.

Trong suốt quá trình thực hiện cải cách từ những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để chuyển đổi hệ thống đổi mới sáng tạo, tìm kiếm con đường tăng trưởng và phát triển bền vững. Theo xu hướng này, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và KH&CN. Chiến lược nêu rõ “Hướng trọng tâm hoạt động khoa học, công nghệ vào phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển theo chiều sâu góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ: nâng cao năng lực, đổi mới cơ chế quản lý, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, tăng cường hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ”.

Sau một thập kỷ thực hiện Chiến lược, các chỉ tiêu đầu vào của nghiên cứu và phát triển như số lượng các bài báo khoa học, số bằng sáng chế đã được cải thiện. Năng lực đổi mới, ngoài việc tích lũy kiến thức từ các nghiên cứu và hoạt động sáng chế, còn thể hiện năng lực của một quốc gia khuyến khích sự sáng tạo, sự tương tác và hợp tác giữa các cá nhân và tổ chức, khả năng thương mại hóa các sản phẩm mới. Mặc dù về năng lực cho đổi mới đã được cải thiện nhiều, nhưng các chỉ số vẫn cần được tiếp tục cải thiện để đổi mới, sáng tạo trở thành động lực cho phát triển kinh tế trong giai đoạn tới theo đúng chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam.

Bằng các nỗ lực mở cửa nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài, chúng ta đã thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ các ngành công nghiệp giá trị gia tăng thấp như dệt may sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao như điện tử và viễn thông, công nghiệp chế biến chế tạo. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã góp phần cải thiện năng suất trên cả nước, đồng thời cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu và mở rộng thị trường.

Chiến lược công nghiệp hóa hướng vào thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu tăng trưởng đáng kể. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 14,4 tỷ USD năm 2000 lên 264,2 tỷ USD năm 2019, chiếm 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu bị chi phối bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI vượt qua doanh nghiệp nội địa, khoảng cách này ngày càng mở rộng cho thấy sự phụ thuộc ngày càng lớn vào các doanh nghiệp FDI, trong xuất khẩu chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo2.

Chia sẻ mô hình đào tạo kết hợp với thực hành mô phỏng sản xuất và quản lý tự động tại Trung tâm Đào tạo (Đài Loan) cho các doanh nghiệp Việt Nam 

Khoảng cách về NSLĐ giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam là trên 30% (tính toán của Viện Năng suất Việt Nam năm 2019). Khoảng cách này liên quan đến quyền sở hữu cũng như trình độ công nghệ. Đây cũng là một hạn chế đối với vấn đề tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam.

Cần những giải pháp, chính sách hiệu quả thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao NSLĐ
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đưa ra tầm nhìn đến năm 2045 Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; có NSLĐ cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Hiện tại, trên thế giới đã có khoảng gần 40 nước đang ở giai đoạn nền kinh tế hướng vào đổi mới, trong đó có 4 nước/vùng lãnh thổ châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore. Nâng cao năng suất dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ thúc đẩy phát triển nền kinh tế của Việt Nam chuyển sang hướng nền kinh tế đổi mới. Để làm được điều này, Việt Nam cần chú ý các biện pháp cốt lõi như:

Một là, cần xây dựng một kế hoạch tổng thể nâng cao NSLĐ dựa trên khoa học, công nghệ và đổi  mới sáng tạo. Trong đó, chú trọng sự liên kết bộ, ngành, địa phương và các thành phần kinh tế nhằm xây dựng các chương trình nâng cao năng suất, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo xuyên suốt.

Cho đến nay, được sự quan tâm của Chính phủ, nhiều chương trình KH&CN, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy năng suất đã được triển khai thực hiện ở các bộ, ngành, nhưng các hoạt động tương đối độc lập, thiếu sự liên kết. Để thực hiện hiệu quả các chính sách, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và các thành phần kinh tế là rất quan trọng.

KH&CN, đổi mới sáng tạo vừa là chìa khóa quan trọng tăng NSLĐ trong nội tại nền kinh tế, vừa là yếu tố nền tảng quyết định năng lực của một quốc gia trong việc nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Vì vậy, trong giai đoạn tới, các chính sách thúc đẩy năng suất cần tác động toàn diện, tích cực và đồng bộ tới hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, gồm chính sách đối với các viện nghiên cứu, trường đại học thúc đẩy hoạt động nghiên cứu tạo ra tri thức, công nghệ và chính sách đối với các doanh nghiệp để doanh nghiệp thực sự phát huy vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.

Hai là, xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất.
Để nâng cấp vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, bắt buộc phải có hàng loạt các công ty đổi mới, sáng tạo quan trọng chứ không nhất thiết là các công ty mới khởi nghiệp trong các ngành công nghệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano. Các doanh nghiệp nhà nước truyền thống, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần được nâng cấp để trở thành các công ty đổi mới, sáng tạo. Theo đó, để hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam có thể cạnh tranh, hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hoá, thì doanh nghiệp cần phải triển khai các hoạt động nghiên cứu phát triển, đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Mỗi loại hình doanh nghiệp, cần có những chính sách, biện pháp phù hợp để thúc đẩy hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, cụ thể như sau:

- Nhóm những doanh nghiệp quy mô lớn đi đầu, dẫn dắt những doanh nghiệp vệ tinh, doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp: chính sách cần tập trung vào khuyến khích tiếp cận, đổi mới KH&CN, khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu và phát triển.

- Nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa: tập trung vào nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ.

- Nhóm các doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao: tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký và hoạt động để tiếp nhận các ưu đãi theo luật, hỗ trợ giao tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, li-xăng công nghệ.

- Nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (có tiềm năng tăng trưởng nhanh dựa trên việc khai thác tài sản trí tuệ): chính sách tập trung vào hỗ trợ hình thành, kêu gọi đầu tư, nâng cao năng lực.

Ba là, nâng cao năng lực hấp thụ tiến bộ công nghệ

Ở Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp cả nước, trong đó doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm 74%. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ thường thiếu và yếu trong công tác đào tạo, tập huấn người lao động, cũng như hệ thống quản trị để có thể vận hành được công nghệ mới, hiện đại. Vì vậy, cần có một số hỗ trợ mang tính nền tảng cho việc hấp thụ công nghệ ở các doanh nghiệp, bao gồm các hoạt động:

(1) Đầu tư, phát triển vốn con người: cải thiện giáo dục và đào tạo, đào tạo nghề và phát triển kỹ năng. Các chương trình đào tạo ở các cấp cần có sự cập nhật nhanh chóng xu hướng công nghệ. Trong bối cảnh CMCN 4.0 đang diễn ra (với sự phát triển của công nghệ số, công nghệ sinh học, vật liệu mới, năng lượng và môi trường) thì các chương trình học tập ở các cấp phổ thông hoặc bậc đại học, cao đẳng cũng như đào tạo nghề cần đưa vào các kiến thức và kỹ năng cơ bản để những người lao động trong tương lai hiểu được và có thể tiếp cận được công nghệ mới. Việc thay đổi các chương trình đào tạo cũng cần có sự nghiên cứu và cập nhật nhanh chóng để thích ứng với những thay đổi với tốc độ ngày càng nhanh của nền công nghiệp toàn cầu.

(2) Nâng cao hiệu quả kỹ thuật trong các doanh nghiệp bằng việc đưa vào các giải pháp quản lý, phát triển kỹ năng, tổ chức sản xuất hiệu quả. Ngoài đầu tư đổi mới công nghệ, để sử dụng hiệu quả công nghệ mới, tiên tiến, ở các doanh nghiệp cũng cần tới các giải pháp nâng cao hiệu quả của ứng dụng khoa học công nghệ. Đó là các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, trình độ lao động và tạo điều kiện về môi trường kinh doanh.

Những năm qua, Chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp đã một phần hỗ trợ thực hiện mục tiêu nêu trên, đặc biệt đã truyền bá được ý nghĩa của việc nâng cao năng suất, tạo nhận thức trong cộng đồng về năng suất, nhưng số doanh nghiệp tiếp cận được với Chương trình chưa nhiều và chưa liên kết được việc ứng dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất với đổi mới sáng tạo và đổi mới công nghệ nên chưa tạo ra được những thay đổi đột phá. Vì vậy, cần xây dựng được cơ chế gắn kết các chương trình hỗ trợ khác nhau, ví dụ, khi doanh nghiệp nhận được các chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ thì cần đi kèm với các chương trình đổi mới hệ thống quản trị hoặc các chương trình đào tạo kỹ thuật.

Tóm lại, nâng cao NSLĐ dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không còn là tuyên truyền khẩu hiệu, mà đã được ghi trong những văn bản chỉ đạo cao nhất của Đảng. Trong bối cảnh mới, đây vừa là công cụ, vừa là kim chỉ nam để các doanh nghiệp bứt phá vươn lên. Đó cũng chính là yêu cầu đặt ra đối với tất cả các bộ, ngành, địa phương, mọi thành phần kinh tế cùng chung tay phát triển đất nước nhanh, bền vững.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)