Thứ sáu, 22/01/2021 10:35

KX.01/16-20: Một số kết quả và định hướng nghiên cứu giai đoạn 2021- 2025

GS.TS Trần Thọ Đạt1, PGS.TS Đỗ Hương Lan2

1Chủ nhiệm Chương trình KX.01/16-20,
2Thư ký Chương trình KX.01/16-20

Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” (mã số: KX.01/16-20) đến nay đi đến giai đoạn cuối và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Giai đoạn 2021-2025 đặt ra nhiều vấn đề mới, đòi hỏi Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của giai đoạn này phải có những định hướng mới…

Kết quả đạt được

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm. Nhiệm vụ này càng trở nên đặc biệt quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh chúng ta tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập mạnh mẽ với thế giới đầy biến động. Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế cũng luôn được chú trọng. 

Để có thể đề ra được chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và con người Việt Nam một cách hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của đất nước, đồng thời hội nhập được với khu vực và thế giới, đòi hỏi phải có các nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn chuyên sâu, mang tính dẫn dắt, định hướng, tạo cơ sở khoa học cho các quyết sách phát triển toàn diện đất nước.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của khoa học - xã hội nhân văn trong việc nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, con người Việt Nam, Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” đã ra đời nhằm thực hiện các mục tiêu: i) Cung cấp luận cứ khoa học về những vấn đề trọng yếu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nhằm đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; ii) Đề xuất chính sách và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức, quản lý, phát triển kinh tế - xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam; iii) Xây dựng cơ sở dữ liệu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ công tác hoạch định và thực thi chính sách vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Chương trình đưa ra 3 trụ cột nghiên cứu chính gồm: nghiên cứu các vấn đề kinh tế và phát triển kinh tế; nghiên cứu về xã hội và quản lý xã hội; nghiên cứu về văn hoá, con người và phát triển nguồn nhân lực. Thực tiễn triển khai Chương trình KX.01/16-20 cho thấy những đóng góp đáng kể của khoa học xã hội và nhân văn trong việc phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và con người Việt Nam thời gian qua.

Chương trình KX01/16-20 gồm 52 đề tài, trong đó: 8/52 đề tài nghiên cứu các nội dung mang tính chất giao thoa giữa kinh tế - xã hội - văn hoá - con người, sự tương tác giữa các lĩnh vực này; 16/52 đề tài nghiên cứu các vấn đề về kinh tế và phát triển kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; 14/52 đề tài nghiên cứu về vấn đề về xã hội và quản lý xã hội, và các vấn đề xã hội trong mối quan hệ với phát triển kinh tế thị trường; 14/52 đề tài nghiên cứu và nhận diện mối quan hệ giữa kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, khoa học và công nghệ với phát triển con người, hệ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vấn đề phát triển nguồn nhân lực, xây dựng lối sống trong điều kiện công nghiệp hóa và biến đổi xã hội ở Việt Nam...

Qua hơn 4 năm thực hiện, Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng sau:

Thứ nhất, 40% đề tài nghiên cứu có kết quả (các kiến nghị, giải pháp, mô hình và sản phẩm khoa học khác) đóng góp trực tiếp, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước (vượt mức so với chỉ tiêu đặt ra).

Hai là, 80% số đề tài có kết quả (các kiến nghị, giải pháp, mô hình và sản phẩm khoa học khác) góp phần giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách ở bộ, ngành, địa phương (đạt 100% so với chỉ tiêu đặt ra).

Ba là, 80% số đề tài có kết quả cung cấp những luận giải cho việc nâng cao nhận thức lý luận và thực tiễn, góp phần phát triển khoa học xã hội và nhân văn (đạt 100% so với chỉ tiêu đặt ra).

Bốn là, nhiều đề tài có sản phẩm đầu ra được đánh giá tốt (30/52 đề tài đã có sách chuyên khảo, 127 bài báo công bố trên các tạp chí khoa học và công nghệ chuyên ngành có uy tín trong nước, 15 bài công bố quốc tế, 72 bài tham gia hội thảo quốc gia, 28 bài tham gia hội thảo quốc tế, 86 hội thảo khoa học quốc gia được tổ chức thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, 100% đề tài đảm bảo chỉ tiêu đào tạo sau đại học...).

Một số kết quả nghiên cứu nổi bật có thể kể như: Xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo ở Việt Nam với những phân tích so sánh về những ưu, nhược điểm của các mô hình kinh tế, sự cần thiết phải thực thi mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo ở Việt Nam với các đề xuất cụ thể về lộ trình, điều kiện thực thi…; Đề xuất giải pháp về kiểm soát chuyển giá trong các doanh nghiệp Việt Nam, cung cấp bộ tiêu chí nhận diện dấu hiệu chuyển giá làm căn cứ để xác định những doanh nghiệp có hành vi chuyển giá, đề xuất giải pháp nhằm kiểm soát và hạn chế chuyển giá; Đề xuất bộ công cụ kinh tế nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ở Việt Nam, đóng góp trực tiếp cho việc hoàn thiện các chính sách đất đai, góp phần hoàn thiện mô hình tăng trưởng ở Việt Nam theo hướng bền vững; Đóng góp các quan điểm và giải pháp cụ thể về xây dựng đội ngũ công nhân mới Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực; Làm rõ bản chất, vai trò và ý nghĩa của việc thực hiện quyền tự do liên kết và thiết chế đại diện trong quan hệ lao động trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn và ký kết tham gia các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới (CPTPP, EVFTA), các xu hướng gắn tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản với quan hệ thương mại quốc tế, nội dung các cam kết về lao động công đoàn mà Việt Nam đã ký kết, cơ chế thực hiện và nghĩa vụ thực hiện của nước tham gia, những bài học cho Việt Nam; Cung cấp hệ thống quan điểm, giải pháp xây dựng và quản lý các khu kinh tế xuyên biên giới cho Ban Kinh tế Trung ương và các tỉnh vùng biên, góp phần thúc đẩy các giao dịch ở vùng biên giới; Đề xuất chính sách, giải pháp về quản lý di động xã hội của nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Cung cấp các luận cứ khoa học về mối quan hệ giữa phát triển con người và quyền con người dưới góc nhìn của khoa học truyền thông và báo chí, làm rõ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển truyền thông đại chúng, phát triển con người, quyền con người ở Việt Nam hiện nay…; Đề xuất hệ thống giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công chức của đất nước trong bối cảnh hội nhập; Phân tích và đánh giá ảnh hưởng của cách mạng khoa học và công nghệ đến con người Việt Nam hiện nay. Bên cạnh việc chuyển giao và đóng góp trực tiếp cho công tác quản lý, hoạch định chính sách ở cấp Trung ương, nhiều kết quả nghiên cứu còn được chuyển giao cho các địa phương, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Định hướng trong bối cảnh mới

Bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước với những thay đổi nhanh chóng đang có tác động mạnh tới sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, con người, các giá trị tự nhiên và các giá trị nhân văn, làm xuất hiện những vấn đề mới cần tiếp tục được nghiên cứu để cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương cũng như cung cấp các cơ sở khoa học cho các mô hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh cho khu vực doanh nghiệp nhằm bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới.

Những vấn đề mới phát sinh do những biến đổi của tình hình thế giới, khu vực và Việt Nam trong những năm qua như Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội; những biến đổi về địa chiến lược của các chủ thể trong quan hệ quốc tế; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; xu thế chuyển dịch thương mại, đầu tư trên thế giới; biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng cũng như các vấn đề an ninh phi truyền thống, sự thay đổi các giá trị nhân văn, tác động của đại dịch Covid-19… đặt ra những yêu cầu mới về quản trị quốc gia, vùng, ngành - lĩnh vực và nhóm xã hội, cá nhân con người, nhằm phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và con người Việt Nam… Ngoài ra, các nhân tố khách quan tác động tới một quốc gia không chỉ tác động riêng rẽ tới kinh tế hay xã hội, văn hóa, con người mà tác động cùng lúc tới các đối tượng này và các vấn đề nghiên cứu có xu hướng giao thoa, tiếp cận liên ngành. Trong bối cảnh đó, có thể đề xuất một số nhóm vấn đề đặt ra cần được nghiên cứu trong giai đoạn 2021-2025 gồm:

Một là, nghiên cứu hoàn thiện thể chế tạo động lực phát triển Việt Nam giai đoạn 2021-2030: các vấn đề phát triển kinh tế (động lực, mô hình, chính sách, nguồn lực, phát triển kinh tế vùng, cơ chế giám sát về kinh tế và quản lý kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế...), đảm bảo công bằng xã hội, nâng cao chất lượng dân cư, chất lượng sống, bảo vệ môi trường…

Hai là, nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế gắn với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các chính sách phát triển kinh tế năng lượng, kinh tế biển đảo, các vấn đề về quản trị quốc gia, địa phương trong bối cảnh phát triển nền kinh tế số… đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững, kết nối các khu vực kinh tế; cơ cấu kinh tế trong điều kiện chung sống với đại dịch Covid-19 và hậu Covid-19.

Ba là, nghiên cứu những vấn đề xã hội, phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội Việt Nam trong điều kiện sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (cơ cấu xã hội, môi trường xã hội, an ninh xã hội, an toàn xã hội; công bằng về cơ hội phát triển và công bằng phân bổ nguồn lực phát triển; vấn đề xây dựng xã hội thịnh vượng, khá giả, hài hòa; sở hữu xã hội và quyền lực xã hội; quản lý xã hội giai đoạn hậu Covid-19; liên thông sử dụng nhân tài khu vực công với khu vực tư; liêm chính kinh doanh; an ninh y tế; chính sách công nghiệp dược và công nghiệp y tế; cơ chế bảo hộ quyền tài sản hình thành trong tương lai; quản lý tài sản công và chống “nhóm trục lợi”, di dân và biến đổi khí hậu...).

Bốn là, nghiên cứu về giá trị, sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam với phát triển kinh tế - xã hội; khai thác các tài sản trí tuệ; khai khác và phát triển giá trị văn hóa, con người Việt Nam phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội bền vững, tiến bộ, chất lượng cao; vấn đề tự do con người, đồng thuận xã hội, vai trò của nhà nước, các tổ chức, các nhóm xã hội đối với việc tạo dựng đồng thuận xã hội.

Năm là, nghiên cứu các vấn đề quốc tế, khu vực; hội nhập khu vực và quốc tế gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng trên cơ sở dự báo tình hình vận động của thế giới nhanh chóng, khó lường do tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các vấn đề về an ninh phi truyền thống, an ninh kinh tế trong thế giới mở, bất định, các vấn đề về địa chiến lược, địa chính trị, địa kinh tế và khai thác các yếu tố này để phát triển kinh tế - xã hội…

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)