Thành tích độc nhất vô nhị của Việt Nam trong khủng hoảng COVID-19
Báo cáo cho biết, Việt Nam đã và đang kiểm soát rất tốt khủng hoảng COVID-19. Số ca nhiễm và tử vong chỉ ở mức tối thiểu, đồng thời chỉ có một vài ca lây nhiễm mới trong cộng đồng kể từ giữa tháng 9. Cho dù phải thực hiện những biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt và đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu chưa từng có tiền lệ, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,9% trong năm 2020. Tuy kết quả đó thấp hơn khoảng 4,2 điểm phần trăm so với thành tích những năm gần đây, nhưng Việt Nam vẫn nằm trong vùng tăng trưởng dương trong khi nền kinh tế thế giới dự bị suy giảm đến 4%.
Khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam được lý giải qua các diễn biến của hoạt động kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại. Sau 3 tuần cách ly toàn xã hội vào tháng 4, hầu hết các hoạt động công nghiệp và dịch vụ đều được khôi phục do người tiêu dùng trong nước và các nhà đầu tư đã lấy lại được niềm tin. Không chỉ khu vực tư nhân mới phản ứng tích cực với động thái từng bước nới lỏng giãn cách xã hội mà cả Chính phủ cũng thay đổi định hướng chính sách tài khóa để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Sau 3 năm củng cố tài khóa, các cấp có thẩm quyền đã ban hành những biện pháp dứt khoát và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, với số vốn giải ngân trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9/2020 tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng ban hành chính sách tiền tệ nới lỏng và các biện pháp tài chính tạm thời của NHNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng, giống như hầu hết các ngân hàng trung ương khác.
Khu vực kinh tế đối ngoại - là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam trong thập kỷ qua đã đạt thành tích ngoạn mục trong giai đoạn khủng hoảng COVID-19. Không chỉ trên đà ghi nhận giá trị xuất siêu hàng hóa cao nhất từ trước đến nay, Việt Nam còn tích lũy được một lượng lớn dự trữ ngoại hối. Những diễn biến tích cực đó là điều khó ai có thể ngờ tới ở giai đoạn đầu của khủng hoảng COVID-19. Tại thời điểm đó, Việt Nam được cho là có nguy cơ bị tổn thương cao trong điều kiện kinh tế toàn cầu bị suy thoái và đóng cửa biên giới.
Triển vọng của Việt Nam được cho là khả quan, nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm 2021, sau đó sẽ ổn định lại quanh mức 6,5%. Dự báo trên dựa trên giả định rằng khủng hoảng COVID-19 sẽ từng bước được kiểm soát, đặc biệt thông qua việc điều chế thành công vắc-xin. Trong kịch bản cơ sở nêu trên, khi sự phục hồi kinh tế được củng cố, các chính sách tài khóa và tiền tệ được ban hành nhằm ứng phó với khủng hoảng dự kiến sẽ được từng bước gỡ bỏ. Chính sách tiền tệ sẽ lại quay về với cách tiếp cận an toàn để cân bằng giữa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, đồng thời theo dõi chặt chẽ sức khoẻ của khu vực tài chính. Tuy củng cố tài khóa là bước đi cần thiết để duy trì nợ công ở mức bền vững, nhưng các cấp có thẩm quyền vẫn cần cải thiện kết quả thu ngân sách để đảm bảo nguồn thu cho nhu cầu chi dự kiến tăng lên về cơ sở hạ tầng và các dịch vụ xã hội có chất lượng mà đất nước sẽ cần đến trong thập kỷ tới.
Mặc dù vậy, quy mô và thời gian hoành hành của đại dịch, cũng như tác động kinh tế của nó, khó có thể dự đoán. Vì vậy, một kịch bản xấu hơn cũng được đưa ra. Trong trường hợp thế giới, và có thể cả Việt Nam, phải hứng chịu những làn sóng COVID-19 mới, sự phục hồi của nền kinh tế sẽ ở mức thấp hơn, và việc đưa nền kinh tế quay trở lại xu hướng tăng trưởng và củng cố tài khóa như trước COVID-19 cũng diễn ra chậm hơn dự kiến.
Bài học từ COVID-19 cho nghị trình về môi trường và khí hậu.
Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ để phục hồi sau COVID-19. Quốc gia cần lựa chọn giữa lộ trình như trước đây hay lộ trình khôi phục theo hướng xanh để giúp xử lý tác động của đại dịch hoặc rủi ro thiên tai và khí hậu, và nâng cao khả năng chống chịu trong tương lai. Kinh nghiệm với COVID-19 của Việt Nam có thể truyền cảm hứng cho các quốc gia khác trong công cuộc chống lại đại dịch này, đồng thời cũng giúp chỉ ra những bài học có thể áp dụng cho các thách thức về môi trường và khí hậu của Việt Nam. Các cú sốc về y tế và khí hậu, tuy khác nhau về tác động đến đời sống con người và cơ cấu kinh tế, nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng. Thiệt hại phải gánh chịu sẽ còn lớn hơn nữa nếu không ai hành động, và cả hai thách thức đó đều đòi hỏi sự thay đổi đáng kể hành vi của cá nhân và tập thể.
Bài học đầu tiên từ COVID-19 là để đối phó tốt nhất với cú sốc từ bên ngoài, cần có sự chuẩn bị sẵn sàng từ trước, phải hành động sớm và mạnh dạn. Có thể nói, Việt Nam đã sẵn sàng để đối mặt với đại dịch, dựa vào kinh nghiệm đối phó với các mối đe dọa dịch bệnh do vi-rút gây ra trước đó, vì mức độ sẵn sàng của hệ thống y tế Việt Nam vào cuối năm 2019 tốt hơn so với các quốc gia tương đồng và gần sát với hầu hết các nền kinh tế có thu nhập trung bình cao. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đầu tiên đóng cửa biên giới và trường học, ngay từ cuối tháng 1. Trên cơ sở kinh nghiệm đó, Việt Nam cần hành động nhanh và chuẩn bị sẵn sàng, bằng cách trở thành quốc gia tiên phong trong phục hồi xanh sau đại dịch COVID-19. Trở thành quốc gia tiên phong trong khôi phục xanh, Việt Nam sẽ đạt được nhiều mục tiêu. Ngoài những lợi ích rõ rệt về môi trường gắn liền với phục hồi xanh, chính sách xanh và đầu tư xanh cũng sẽ tạo thêm nhiều việc làm, thúc đẩy các hoạt động kinh tế và giúp khôi phục dư địa tài khóa. Đây cũng là quyết định thông minh vì nhiều tập đoàn đa quốc gia mà Việt Nam muốn thu hút đang ngày càng quan tâm đến các chính sách xanh, xuất phát từ trách nhiệm của doanh nghiệp này với khách hàng của họ.
Bài học thứ hai là về cơ chế triển khai thực hiện. Đối phó với đại dịch COVID-19, các cấp có thẩm quyền của Việt Nam phải đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ trong nhiều thập kỷ qua. Họ buộc phải ban hành và triển khai thực hiện những quyết định cần thiết dưới áp lực nặng nề, đòi hỏi phải có tầm nhìn chung, năng lực cũng như động lực để thử nghiệm và đổi mới sáng tạo. Vì vậy, ưu tiên trước mắt của Chính phủ là tiếp tục phát huy kinh nghiệm phòng, chống dịch thời gian qua và tạo thêm cơ hội cho thử nghiệm và đổi mới sáng tạo thông qua việc áp dụng bốn nguyên tắc đúc rút từ kinh nghiệm với COVID-19.
Bài học thứ ba là đối phó với thách thức về y tế hay môi trường đòi hỏi phải thay đổi hành vi. Cách thức tối ưu và có lẽ đơn giản nhất để Việt Nam thông tin, tuyên truyền về tính cấp thiết của những thách thức về khí hậu và môi trường là cân nhắc lại việc sử dụng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) làm chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động kinh tế, hoặc đưa thêm vốn tự nhiên vào khái niệm GDP theo khuyến nghị của WB. Do không tính đến những tổn hại và suy thoái môi trường, các chỉ tiêu truyền thống đang vẽ ra bức tranh quá màu hồng về nền kinh tế.