Thứ tư, 20/05/2020 10:46

Hoàn thiện chính sách về cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo

TS Đào Quang Thủy, Nguyễn Thị Thơ,
Phùng Thị Hồng Vân, Trần Thị Vân Anh

Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN

Bài viết đề xuất một số vấn đề nhằm hoàn thiện chính sách liên quan tới hệ thống cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), để từ đó nâng cao năng lực hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo trong thời gian tới.

Ngày 12/6/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV, có hiệu lực từ 1/1/2018. Luật quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ DNNVV; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ DNNVV. Để triển khai các quy định của Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh DNNVV. Đây là văn bản quy định nhiều vấn đề mang tính nền tảng, cụ thể hóa một số quy định liên quan đến nhiều khía cạnh về hỗ trợ phát triển DNNVV và là căn cứ quan trọng để các bộ, ngành liên quan tiếp tục hướng dẫn và triển khai các chính sách cụ thể đối với hoạt động hỗ trợ phát triển loại hình doanh nghiệp này. Theo đó, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung có vai trò quan trọng và là hạ tầng không thể thiếu để giúp DNNVV khởi nghiệp sáng tạo.

Triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV, ngày 30/3/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2020/NĐ-CP về việc bổ sung danh mục, ngành nghề ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư, theo đó đã bổ sung ba đối tượng cơ sở ươm tạo DNNVV, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ DNNVV, khu làm việc chung cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo thuộc danh mục ưu đãi đầu tư. Nghĩa là các tổ chức, cá nhân khi đầu tư thành lập một trong ba hoặc kết hợp ba đối tượng trên sẽ được hưởng chính sách ưu đãi về đầu tư, cụ thể được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước. Đây là quy định rất quan trọng giúp hoàn thiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ các cơ sở ươm tạo DNNVV, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ DNNVV, khu làm việc chung cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trong thời gian tới.

Tuy nhiên, hiện nay các văn bản quy định việc thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung còn chưa tập trung, thiếu thống nhất cũng như chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong bối cảnh và xu thế mới, đó là lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới sáng tạo. Vì vậy, bài viết cung cấp một số thông tin cũng như gợi mở đề xuất hoàn thiện chính sách liên quan tới các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung trong thời gian tới.

Thực trạng thành lập và hoạt động các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung

Theo các quy định liên quan đến cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung tại các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14, Luật Đầu tư số 67/2014/QH13. Luật Chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14; Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước thì các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn, giảm tiền thuê đất. Tuy nhiên, chưa có quy định xác định thế nào là cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung, để làm cơ sở cho việc thực hiện các chính sách ưu đãi. Chính vì vậy cần có quy định cụ thể hơn về vấn đề này.

Đối với cơ sở ươm tạo

- Về thành lập các cơ sở ươm tạo: tại Việt Nam hiện có một số mô hình cơ sở ươm tạo: Thứ nhất, mô hình do cơ quan nhà nước thành lập và hoạt động dưới hình thức đơn vị sự nghiệp do các bộ, ban, ngành và UBND cấp tỉnh/thành phố trực tiếp quản lý, nhằm tổ chức và triển khai các hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân có ý tưởng và kết quả nghiên cứu KH&CN thực hiện việc hoàn thiện công nghệ, sản xuất thử nghiệm và thành lập doanh nghiệp. Ví dụ như: Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Vườn ươm doanh nghiệp chế biến và đóng gói thực phẩm Hà Nội, Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại TP Cần Thơ. Thứ hai, mô hình nằm trong trường đại học và viện nghiên cứu, dưới hình thức đơn vị sự nghiệp hoặc doanh nghiệp trực thuộc, ví dụ như: Trung tâm ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KH&CN (thuộc Viện Ứng dụng công nghệ), Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK-Holdings) do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành lập. Thứ ba, mô hình thuộc doanh nghiệp, do tư nhân đầu tư thành lập và hoạt động theo hình thức là doanh nghiệp hoặc một bộ phận thuộc doanh nghiệp, hoạt động vì lợi nhuận.

- Về hoạt động của các cơ sở ươm tạo: tính đến hết năm 2018, cả nước có 47 cơ sở ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp KH&CN, doanh  nghiệp nhỏ và vừa  trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, nông nghiệp, công nghệ cao, chế biến thực phẩm, cơ khí, tự động hóa...

- Những khó khăn gặp phải: các cơ sở ươm tạo chủ yếu được thành lập và hoạt động khoảng 5-10 năm, đã trải qua thời gian đầu sau khi kiện toàn bộ máy và dần đi vào hoạt động, tuy nhiên hầu hết đang phải đối mặt với nhiều thách thức để tạo được sức hút thực sự đối với các doanh nghiệp, điển hình là:

+ Công tác triển khai xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, tìm kiếm đối tác, các đơn vị tham gia và vận hành các cơ sở ươm tạo thiếu đồng bộ, thời gian kéo dài… Sự chậm trễ trong triển khai các dự án đã và đang làm giảm hiệu quả tài trợ, gây sức ép đối với hoạt động của các cơ sở ươm tạo (nhất là nỗ lực tăng thu để tự chủ), kể cả các đơn vị chủ quản và động lực, tinh thần làm việc của bản thân đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành cơ sở này.

+ Việc huy động kinh phí cho hoạt động của các cơ sở ươm tạo vẫn còn nhiều khó khăn. Nguồn vốn tài trợ từ ngân sách nhà nước, địa phương cho hoạt động rất ít, chủ yếu là dành cho mặt bằng và cơ sở nhà xưởng. Đây là điểm khác biệt lớn giữa Việt Nam và nhiều nước, nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan (các nước này trong giai đoạn 10 năm đầu phát triển, các cơ sở ươm tạo nhận được sự hỗ trợ toàn diện từ chính phủ để đảm bảo sự phát triển bền vững và theo định hướng của nhà nước, tránh tình trạng phát triển tự phát). Các nguồn vốn khác tài trợ cho hoạt động ươm tạo vẫn còn hạn chế. Điều này chủ yếu do khung pháp lý chậm được ban hành, các quỹ hỗ trợ trực tiếp đến nay chưa hoạt động; thiếu nhận thức đầy đủ của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò của cơ sở ươm tạo và lợi ích trong tài trợ cho các cơ sở này.

+ Còn bất cập trong thực hiện các vấn đề sở hữu trí tuệ trên các phương diện: yếu kém trong thực thi, chưa có quy định rõ ràng về việc phân chia quyền lợi liên quan đến bản quyền khi được ươm tạo thành công cho các bên tham gia cơ sở ươm tạo, đặc biệt là cơ chế phân chia lợi ích hậu quá trình ươm tạo, cũng như khi thương mại hóa thành công.

+ Các cơ sở ươm tạo chưa có đủ mạng lưới chuyên gia và dịch vụ chuyên nghiệp phục vụ công tác ươm tạo; các dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp còn ở mức đơn giản. Một số cơ sở ươm tạo còn chậm hình thành pháp nhân. Tiến độ triển khai xây dựng các cơ sở này tại các trường đại học thường chậm so với kế hoạch vì cán bộ hầu hết là kiêm nhiệm, thời gian dành cho hoạt động của cơ sở hạn chế; nếu tìm cán bộ chuyên trách thì không dễ vì lương thấp trong khi đòi hỏi kỹ năng đặc biệt (quản lý theo mô hình doanh nghiệp nhưng phi lợi nhuận).

+ Hàng năm các cơ sở ươm tạo của Việt Nam thường có chương trình tuyển chọn các hạt giống, kết nối với một số doanh nhân hàng đầu trong ngành để tìm sự tư vấn, đỡ đầu và cả nguồn vốn. Thế nhưng, những khó khăn trong việc tìm vốn và thương mại hóa sản phẩm vẫn luôn cản bước phát triển và hiệu quả của các cơ sở này. Thách thức lớn nhất của hoạt động ươm tạo doanh nghiệp là chưa có đầu vào tốt và thiếu công cụ hỗ trợ, nhất là công cụ tài chính như các quỹ đầu tư mạo hiểm, bởi lẽ đầu tư vào lĩnh vực này cũng được xem là đầu tư mạo hiểm.

Có thể thấy, nguyên nhân chính dẫn đến các cơ sở ươm tạo hoạt động chưa hiệu quả là: hệ thống các văn bản chính sách, pháp luật liên quan đến ươm tạo tuy đã được ban hành từ rất sớm, nhưng nhìn chung chưa hoàn chỉnh, chưa thống nhất và còn nhiều khoảng trống; nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp.

Đối với cơ sở kỹ thuật
- Về việc thành lập các cơ sở kỹ thuật: các cơ sở kỹ thuật được thành lập theo ba hình thức sau: Thứ nhất, do bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh/thành phố thành lập và hoạt động dưới hình thức là đơn vị sự nghiệp tự chủ (hoặc tự chủ một phần), ví dụ: chi cục, trung tâm nghiên cứu, trung tâm kỹ thuật, văn phòng công nhận, phòng nghiên cứu... Thứ hai, do các viện nghiên cứu, học viện, trường đại học, bệnh viện thành lập theo hình thức là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc hoặc doanh nghiệp trực thuộc, ví dụ: phòng thí nghiệm, trung tâm... Thứ ba, được thành lập theo Luật Doanh nghiệp dưới hình thức: công ty cổ phần, công ty TNHH hoặc là một bộ phận của doanh nghiệp và hoàn toàn tự chủ về kinh phí.

- Về hoạt động của các cơ sở kỹ thuật: theo thống kê sơ bộ, hiện có 1.010 phòng thí nghiệm (phòng thực nghiệm), 54 tổ chức công nhận và 66 tổ chức giám định đã được Văn phòng Công nhận chất lượng (BoA, thuộc Bộ KH&CN) chứng nhận 2, cụ thể như sau:

Phòng thí nghiệm (phòng thực nghiệm): theo thống kê của BoA, đến nay, có 1.010 phòng thí nghiệm đã được đánh giá và công nhận phục vụ các lĩnh vực Cơ học, Hoá học, Sinh học, Dược phẩm, Điện - Điện tử, Vật liệu xây dựng, Không phá huỷ, Đo lường hiệu chuẩn, An toàn sinh học, Y tế và được đánh giá dựa trên Chương trình công nhận phòng thí nghiệm (VILAS) - là một trong các chương trình công nhận của BoA.

Tổ chức chứng nhận: hiện có 54 tổ chức chứng nhận 3 được BoA đánh giá công nhận theo Chương trình công nhận tổ chức chứng nhận (VICAS).

Tổ chức giám định: hiện có 66 tổ chức giám định được BoA 4 đánh giá công nhận theo Chương trình công nhận tổ chức giám định (VIAS).

- Những khó khăn gặp phải:

+ Một bộ phận các cơ sở là các phòng thí nghiệm, phòng thử nghiệm ban đầu khi thành lập và hoạt động còn gặp khó khăn trong việc đầu tư trang thiết bị do cần số vốn lớn.

+ Một số phòng thí nghiệm công lập hiệu quả sử dụng chưa cao. Chưa thật sự phục vụ cho các đối tượng là doanh nghiệp mà chủ yếu phục vụ hoạt động nghiên cứu trong viện nghiên cứu, trường đại học hoặc các nhà khoa học do còn vướng về thủ tục, cơ chế hoạt động.


 Một buổi thảo luận tại không gian làm việc chung của SIHUB.

Đối với khu làm việc chung

- Về thành lập các khu làm việc chung: hiện nay việc thành lập các khu làm việc chung thường theo 3 hình thức sau: Thứ nhất, do bộ, ngành, địa phương, tổ chức công lập đứng ra thành lập, ví dụ như: SIHUB do Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh thành lập và triển khai các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, được mở cửa từ tháng 8/2016 và miễn phí hoàn toàn đối với các đối tượng tham gia; BIHUB do Sở KH&CN Bình Định triển khai, Trung tâm Phân tích và Kiểm nghiệm là đơn vị trực tiếp quản lý vận hành. Đặc điểm của các mô hình này là sử dụng mặt bằng sẵn có từ quỹ đất công và không phát sinh tiền thuê đất. Kinh phí cho hoạt động từ ngân sách nhà nước thông qua việc triển khai các đề án, nhiệm vụ; nhà tài trợ; vốn ODA. Các doanh nghiệp, nhóm khởi nghiệp không mất phí khi tham gia tại đây. Thứ hai, do viện nghiên cứu, trường đại học, hoặc kết hợp giữa trường đại học với doanh nghiệp, ví dụ như: Không gian sáng tạo BKHUP là sự hợp tác giữa BK-Holdings (Hệ thống doanh nghiệp của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) và Công ty Up (UP Coworking Space) thực hiện triển khai. Thứ ba, do các doanh nghiệp trong nước và một số công ty nước ngoài thành lập. Các loại hình này hiện nay đang phát triển rất nhanh chóng, thường là cung cấp đơn thuần không gian làm việc chung, có thu phí đối với các đối tượng tham gia. Hoạt động nhằm mục đích lợi nhuận, kinh phí cho hoạt động là từ nguồn vốn của doanh nghiệp, thu phí các đối tượng tham gia sử dụng dịch vụ.

- Về hoạt động của các khu làm việc chung: theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có trên 70 không gian làm việc chung do 48 đơn vị cung cấp, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như: TP Hồ Chí Minh (27 khu, do 17 đơn vị cung cấp), Hà Nội (34 khu, do 21 đơn vị cung cấp), Đà Nẵng (6 khu, do 6 đơn vị cung cấp)... Đây là mô hình khá mới trên thế giới và hoàn toàn mới tại Việt Nam, đang hoạt động tương đối hiệu quả, đem đến những hỗ trợ toàn diện và tập trung hơn cho doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ.

- Những khó khăn gặp phải:

+ Nhìn vào số đơn vị điều hành/số khu làm việc chung có thể thấy, mô hình này tại Việt Nam vẫn phát triển khá manh mún, chưa thành hệ thống.

+ Số lượng khu làm việc chung do khối công lập thành lập còn rất ít, chủ yếu là do tư nhân thành lập và cung cấp dịch vụ có thu phí để duy trì hoạt động.

+ Việc đầu tư xây dựng khu làm việc chung đang gặp một số khó khăn mà lớn nhất chính là mặt bằng. Cụ thể, các địa phương như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh... tại các khu trung tâm, việc tìm kiếm địa điểm đủ lớn để xây dựng một khu làm việc chung hoàn thiện, có vị trí thuận tiện thường có chi phí thuê mặt bằng quá cao. Do đó, những đơn vị cung cấp là tư nhân thường phải thu phí của doanh nghiệp cao khi tham gia để bù cho các chi phí đầu tư và hoạt động.

+ Việc phát triển khu làm việc chung còn tự phát, chưa có định hướng, mô hình chuẩn để các địa phương áp dụng. Tại các cơ sở công lập, việc quản lý vận hành thường là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản. Nguồn vốn cho hoạt động thường xuyên còn hạn chế, chủ yếu từ ngân sách, tài trợ của tổ chức phi chính phủ, nguồn thu từ doanh nghiệp tham gia khá ít hoặc không thu phí tham gia.

+ Việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia hoạt động kết nối đầu tư, gọi vốn tại các khu làm việc chung còn hạn chế do thiếu kinh nghiệm, hạn chế về nhân lực.

Đề xuất một số giải pháp phát triển đồng bộ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung

Trong thời gian tới, để các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung phát triển và thực sự đóng vai trò quan trọng là hạ tầng giúp DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, cần quan tâm giải quyết một số vấn đề chính sau:

Thứ nhất, cần hoàn thiện thể chế chính sách theo hướng thống nhất, đồng bộ, từ việc thành lập và ưu đãi, hỗ trợ hoạt động cho các mô hình này trong các văn bản luật, nghị định và thông tư. Hiện nay việc thành lập các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung theo Luật Hỗ trợ DNNVV chưa có văn bản hướng dẫn một cách chi tiết và phù hợp với thực tiễn (trừ cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN được hướng dẫn theo Thông tư 16/2014/TT-BKHCN). Cho nên, việc thành lập các cơ sở này chưa đảm bảo điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, kỹ thuật để thực hiện hoạt động hỗ trợ các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tín dụng phải được quy định đồng bộ, nhất quán trong các luật, nghị định và thông tư. Về thuế thu nhập, cần được ưu đãi ở mức cao nhất như thuế suất 10%, miễn 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo đối với dự án đầu tư cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung. Ưu đãi tín dụng đối với các dự án thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được vay lãi suất thấp tại Ngân hàng phát triển Việt Nam, bảo lãnh vay vốn tại các quỹ của Nhà nước.

Thứ hai, cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương. Việc thành lập các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung cần có vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN để đánh giá trước khi tổ chức, cá nhân tiến hành thành lập. Việc này nhằm nâng cao vai trò quản lý nhà nước để hỗ trợ và giám sát hoạt động của các cơ sở trên, từ đó có biện pháp chính sách nhằm kiện toàn hệ thống các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung tiệm cận với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thứ ba, ban hành và thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ hiệu quả. Hiện nay các ưu đãi, hỗ trợ các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo đã được quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV, vì vậy để đảm bảo quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân khi thành lập các cơ sở này được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai, đầu tư theo quy định thì nhất thiết phải có văn bản hướng dẫn cụ thể và biện pháp thực thi chính sách phù hợp.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần quan tâm, tạo điều kiện cho việc hình thành các mô hình này bằng các hành động thiết thực như cung cấp mặt bằng cho đối tác tư nhân đầu tư xây dựng khu làm việc chung hoặc đầu tư theo mô hình công tư. Phần lợi nhuận thuộc về địa phương sau khi mô hình này đi vào hoạt động có thể được sử dụng để bù vào chi phí phải trả của các doanh nghiệp khởi nghiệp, giúp họ tiết giảm được chi phí ban đầu. Như vậy, các địa phương sẽ không phải bỏ vốn trực tiếp, giảm bớt nỗi lo thất thoát vốn khi thực hiện đầu tư mạo hiểm, đồng thời tạo ra sự hỗ trợ thiết thực đối với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)