Thứ ba, 28/04/2020 15:10

Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thông qua chính sách thuế

Lương Thu Thủy, Nguyễn Đào Tùng

Học viện Tài chính

Xây dựng thành công hệ sinh thái khởi nghiệp là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Để triển khai một hệ sinh thái khởi nghiệp hoạt động hiệu quả, kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy, việc xây dựng và thực thi các chính sách thuế hữu hiệu sẽ góp phần thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo phát triển, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thêm động lực cũng như nguồn lực đầu tư mạnh mẽ hơn vào các lĩnh vực đổi mới sáng tạo.

Một số kinh nghiệm quốc tế về ưu đãi thuế cho khởi nghiệp sáng tạo

Để khuyến khích sự ra đời và phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhiều nước trên thế giới thường thực hiện hỗ trợ về thuế thông qua hai hình thức là hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ gián tiếp.

Hỗ trợ trực tiếp: chính sách này thường tập trung vào thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Theo đó, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được áp dụng thuế suất ưu đãi và được miễn, giảm thuế trong thời gian đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoặc quy định giảm trừ nghĩa vụ thuế phải nộp theo đầu tư (đây là hình thức mà hiện nay nhiều nước phát triển đang áp dụng 1, theo đó, các quốc gia này quy định cho phép doanh nghiệp thực hiện đầu tư được khấu trừ bổ sung một tỷ lệ nhất định tính trên giá trị đầu tư vào chi phí trước khi tính thuế hoặc vào số thuế phải nộp nhằm giảm nghĩa vụ thuế phải thực hiện với nhà nước); cho phép tính chi phí cao hơn qua hình thức và phương pháp khấu hao nhanh, trích trước chi phí; giảm gánh nặng lỗ hoặc ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn… Trên thế giới, có khá nhiều quốc gia lựa chọn hình thức ưu đãi này. Tại Ấn Độ, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong Chương trình hành động của Ấn Độ sẽ được miễn thuế TNDN trong vòng 3 năm 2. Tại Singapore, trong 3 năm đầu hoạt động, các doanh nghiệp khởi nghiệp có doanh thu dưới 100.000 SGD 3 được miễn thuế TNDN; doanh thu từ 100 đến 300.000 SGD áp dụng mức thuế suất thuế TNDN là 8,5%. Chính phủ Thái Lan không thu thuế thu nhập cá nhân trong vòng 10 năm đối với nhà đầu tư khi đầu tư vào 10 lĩnh vực công nghiệp chủ chốt về công nghệ và sáng tạo theo quy định.

Hỗ trợ gián tiếp: nhà nước sử dụng các hình thức như miễn, giảm, hoàn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, việc miễn, giảm các loại thuế gián thu (Indirect tax - là loại thuế mà người nộp không phải là người chịu thuế) thường không đem lại nhiều lợi ích và việc bảo hộ thuế quan bị hạn chế hoặc xóa bỏ theo các thỏa thuận hội nhập, các hiệp ước thương mại quốc tế.

Trong hai hình thức ưu đãi thuế nêu trên, ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế là hình thức được áp dụng phổ biến nhất, tiếp đến là ưu đãi về thuế suất và giảm trừ nghĩa vụ thuế phải nộp theo đầu tư. Tuy nhiên, gần đây, một số nước phát triển dần bãi bỏ hình thức ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế do hình thức này không thực sự hiệu quả đối với việc thu hút đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Trên thực tế, chính sách miễn, giảm thuế TNDN có thời hạn trong thời gian mới thành lập thường không đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, do phần lớn doanh nghiệp này chưa có lợi nhuận trong giai đoạn đầu hoạt động, và vì thế nhiều nước thường khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo thông qua thực hiện giảm trừ nghĩa vụ thuế phải nộp theo đầu tư, đặc biệt tập trung ưu đãi đối với đầu tư cho hoạt động R&D. Có thể nói, phần lớn các nước đang phát triển vẫn áp dụng các hình thức ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế. Các nước kém phát triển hơn lại thường áp dụng hình thức ưu đãi về thuế suất. Như vậy, có thể thấy việc áp dụng các ưu đãi về thuế nhằm khuyến khích hoạt động khởi nghiệp sáng tạo nói chung và đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nói riêng là phổ biến trên thế giới. Vậy chính sách này của Việt Nam có điểm gì khác biệt?

Chính sách thuế hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam

Trong thời gian gần đây, nội dung khởi nghiệp sáng tạo được quy định trong các bộ luật có liên quan như: Luật Khoa học và công nghệ 2013, Luật Đầu tư 2014, Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi) 2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, các bộ luật thuế mà chưa có một luật riêng. Tại Khoản 2, Điều 3 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa xác định: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh”. Trên cơ sở đó, các điều kiện và nội dung hỗ trợ cho các doanh nghiệp này được quy định tại Điều 17 và 18 của Luật. Tiếp đó, trong năm 2018, Chính phủ đã ban hành một số nghị định liên quan như: Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết về đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo... Cùng với đó là việc hỗ trợ cụ thể cho hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, trong đó có Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Có thể nói, trong một thời gian ngắn, hệ thống pháp luật và chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo đã được ban hành.

Đặc biệt, chính sách ưu đãi thuế được đề cập tại các văn bản quy phạm pháp luật sau: Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007; Luật Thuế TNDN năm 2008; Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng năm 2013; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế số 106/2016/QH14; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN năm 2013. Có thể nói, các chính sách nêu trên đã tạo ra một hành lang pháp lý cùng với các thủ tục hành chính thuế được đơn giản hóa là những dấu hiệu tốt trong việc quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở nước ta. Tuy nhiên, so với các chính sách liên quan của một số quốc gia cho thấy, chính sách thuế của Việt Nam tính hiệu quả chưa cao và cần tiếp tục được bổ sung, sửa đổi để phát huy hiệu quả cao nhất cho đối tượng được thụ hưởng. Cụ thể:

Một là, chính sách ưu đãi thuế được đề cập trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Thuế TNDN chủ yếu là ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Các nghị định hướng dẫn thi hành chưa có các hướng dẫn ưu đãi chi tiết và riêng biệt về thuế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Hai là, các chính sách hiện hành đã có quy định ưu đãi về thuế, phí khác cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhưng để được hưởng các ưu đãi này, các doanh nghiệp còn phải đáp ứng nhiều tiêu chí khác về thời gian hoạt động, quy mô vốn, mô hình lao động được cung cấp... Đây là một trong những khó khăn cần tháo gỡ hiện nay nếu không sẽ bỏ lỡ những tác động tích cực của chính sách ưu đãi thuế.

Ba là, một số quy định về ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo (quy định trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) hiện chưa khả thi. Nguyên nhân là do Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN chưa được Quốc hội thông qua nên chưa xác định được cụ thể mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất phổ thông hiện hành (Điều 10 của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa).

Bốn là, tiêu chí cho việc xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ sở để xác định doanh nghiệp nào được ưu đãi thuế. Tuy nhiên, theo xu hướng doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh đa ngành hiện nay, tổng số vốn ghi trong bảng thống kê tài sản sẽ phải gồm cả vốn đăng ký và vốn vay nên không phản ánh quy mô thực chất của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, vốn đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp rất khác so với vốn đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, do đó, việc sử dụng các tiêu chí khác nhau theo từng ngành nghề sẽ gây khó khăn cho việc quản lý của cơ quan thuế. Mặt khác, việc sử dụng tiêu chí là doanh thu để xác định doanh nghiệp được ưu đãi về thuế cũng chưa thật sự hợp lý, vì căn cứ để tính thuế là thu nhập.

Năm là, trong các quy định hiện nay (Điều 17, 18 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Khoản 4, Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân), doanh nghiệp đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo khi thực hiện chuyển nhượng vốn chưa được hưởng các ưu đãi về thuế. Trong khi đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có độ rủi ro cao, chính sách thuế hiện tại lại chưa cho phép các nhà đầu tư thực hiện bù trừ lỗ, từ đó phần nào giảm sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Hơn nữa, các ưu đãi cụ thể về thuế thu nhập cá nhân cho các nhà đầu tư và lao động trong các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng chưa được đề cập.

Một số kiến nghị   

Từ góc độ chính sách thuế, để thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần tiếp tục sửa đổi và bổ sung một số nội dung cụ thể sau:

Thứ nhất, cần xây dựng và ban hành các quy định về ưu đãi thuế riêng đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là những lĩnh vực đầu tư mạo hiểm hoặc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao. Các khoản đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo cần được áp dụng mức miễn, giảm thuế như cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật và khu làm việc chung. Việc bổ sung ưu đãi cụ thể cho các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung góp phần thúc đẩy nhà đầu tư tạo cơ sở hạ tầng để thu hút các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa vào hoạt động, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp và hỗ trợ những dịch vụ thiết yếu ban đầu trong quá trình mới thành lập.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN theo hướng xác định cụ thể mức thuế suất ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo thấp hơn mức thuế suất phổ thông hiện hành. Miễn thuế trong 5 năm đầu hoạt động và áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% tối thiểu cho 15 năm tiếp theo; giảm thuế suất thuế TNDN xuống còn 15% thay vì mức thuế 20% hiện nay. 

Thứ ba, xem xét sửa đổi, bổ sung quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TNDN căn cứ vào ngưỡng thu nhập thay vì căn cứ vào doanh thu như hiện nay. Quy định này vừa giúp cơ quan thuế giảm chi phí quản lý, đồng thời giúp tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp cùng quy mô.

Thứ tư, bổ sung quy định các khoản thu nhập từ thặng dư vốn đầu tư, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn, tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư thiên thần trong những lĩnh vực khuyến khích phát triển như công nghệ thông tin, công nghệ nano… mang tính chất động lực chính, dẫn dắt nền kinh tế trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0  được miễn thuế trong trường hợp đầu tư tại thời điểm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chưa có lợi nhuận tính thuế.

Thứ năm, tiếp tục cải cách hệ thống thuế cho phù hợp với thông lệ quốc tế kết hợp với cải cách hành chính thuế liên tục, giảm chi phí tuân thủ luật thuế của các doanh nghiệp khởi nghiệp (doanh nghiệp được phép áp dụng các quy định về thủ tục hành chính thuế để giảm chế độ kế toán).

Ghi chú:

1. S.James (2013), "Tax and non-tax incentives and investments: Evidence and policy implications", FIAS, World Bank Group, Washington DC.

2. https://www.startupindia.gov.in/content/dam/invest-india/Templates/public/Action__Plan.pdf

3. Khoảng hơn 160 triệu VNĐ.
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật Khoa học và công nghệ năm 2013.

2. Luật Đầu tư năm 2014.

3. Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) năm 2017.

4. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.

5. Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008.

6. Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2012.

7. Luật Thuế TNDN năm 2013.

8. Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

9. Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

10. Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

11. Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

12. Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.


   
 
 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)