Cần mô hình mang tính đột phá
Hệ sinh thái KNST Việt Nam đã và đang dần tạo lập được nền tảng bền vững và có những bước phát triển được đánh giá cao trong thời gian gần đây: hành lang pháp lý đã hình thành và đang hoàn thiện; các khu làm việc chung, cơ sở ươm tạo, trường đại học tích cực triển khai các hoạt động cùng hàng trăm sự kiện, cuộc thi, kết nối, hội nghị, hội thảo được tổ chức hàng năm, tạo nên một môi trường năng động và hấp dẫn đối với cộng đồng đầu tư trong nước và quốc tế.
Đến nay 52 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844 và sắp xếp nguồn lực triển khai. Đến hết năm 2019, Đề án đã hỗ trợ được hàng nghìn ý tưởng KNST, 504 doanh nghiệp KNST (trong đó 52 doanh nghiệp KNST nhận được hỗ trợ thông qua các hoạt động của Đề án đã kêu gọi được khoảng 900 tỷ đồng). Một số điểm nhấn của Đề án bao gồm:
(i) Đề xuất các sáng kiến xây dựng chính sách thúc đẩy KNST, đặc biệt hướng tới thu hút nguồn vốn cho KNST trong các lĩnh vực đầu tư, tài chính, thuế, chứng khoán, ngân hàng, thông tin và truyền thông, quản lý lao động nước ngoài, thị thực nhập cảnh...
(ii) Tổ chức thí điểm và nhân rộng mô hình tổ chức sự kiện thuyết trình gọi vốn đầu tư mạo hiểm cho KNST ở phạm vi địa phương, vùng, quốc gia, quốc tế (Techfest). KNST của Việt Nam đã đạt giải thưởng cao ở phạm vi quốc tế: Abivin đạt giải nhất trong Techfest quốc gia 2018 đã giành giải vô địch tại Cuộc thi KNST thế giới 2019 tại Thung lũng Silicon Hoa Kỳ. Khối lượng vốn đầu tư mạo hiểm cho KNST của Việt Nam năm 2018 đạt 889 triệu USD, năm 2019 đạt 850 triệu USD, cao hơn gấp 3 lần so với năm 2017 2.
(iii) Hình thành được một số mô hình quản lý KNST hiệu quả tại một số địa phương như: Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng, Tổ công tác khởi nghiệp tỉnh Quảng Nam do lãnh đạo Sở KH&CN làm tổ trưởng, phối hợp, điều tiết thống nhất các nguồn lực từ các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp.
(iv) Tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ thể trong hệ sinh thái KNST. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương cùng tập trung triển khai nhiệm vụ này để cùng hướng đến sự thống nhất về tư duy, nhận thức và phương pháp triển khai hoạt động KNST và hỗ trợ KNST hiệu quả, cập nhật với tình hình phát triển của khu vực và thế giới. Đến hết năm 2019, với hơn 244 khóa đào tạo KNST triển khai từ Đề án 844 ở trung ương và rất nhiều khóa đào tạo triển khai tại các địa phương cho các loại hình chủ thể trong hệ sinh thái (cán bộ quản lý nhà nước, quản lý vận hành các cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tổ chức hỗ trợ, doanh nghiệp KNST, nhà đầu tư tiềm năng), mặt bằng chung về tư duy, kiến thức KNST đã được nâng lên, được nhiều chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao.
Hiện có 38 cơ sở ươm tạo (Business Incubator - BI) và 23 tổ chức có triển khai các chương trình thúc đẩy kinh doanh (Business Accelerator - BA), tăng thêm 14 cơ sở ươm tạo và 13 tổ chức triển khai các chương trình thúc đẩy kinh doanh so với năm 2017 3. Các chương trình hoạt động nâng cao năng lực, hỗ trợ gọi vốn, mở rộng thị trường, cung cấp không gian làm việc chung cho KNST đã tạo ra hệ sinh thái khá sôi động. Số lượng không gian làm việc chung cho KNST hiện tại là 170 khu, tăng từ khoảng 70 khu năm 2018 và 41 khu năm 2017, đáp ứng nhu cầu về nơi làm việc của nhiều doanh nghiệp KNST.
Để tiếp tục nâng cao và phát huy hơn nữa tiềm năng KNST Việt Nam, cần thiết phải có những giải pháp đột phá hơn nhằm đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp KNST cũng như các thành phần khác của hệ sinh thái, hướng tới phát triển một hệ sinh thái bền vững. Một số giải pháp có thể bao gồm: (i) Tiếp tục xây dựng nền tảng căn bản của hệ sinh thái vững chắc trên cơ sở phát triển giáo dục và đào tạo, KH&CN gắn với đổi mới sáng tạo và nhu cầu thực tiễn, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4; (ii) Đẩy mạnh kết nối quốc tế, thu hút các nguồn lực tài chính, chuyên gia, công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp KNST Việt Nam nâng cao năng lực, vươn ra chiếm lĩnh thị trường quốc tế; (iii) Tăng cường trao đổi, hợp tác, thông tin, truyền thông quảng bá về hệ sinh thái KNST Việt Nam với quốc tế.
Để hiện thực hóa điều này, việc cấp bách là hình thành và phát triển mạng lưới khởi nghiệp quốc gia, phát triển các trung tâm hỗ trợ KNST quốc gia và cấp địa phương, cấp vùng. Qua đó, hình thành đơn vị đầu mối với chức năng, nhiệm vụ tổng hợp, cung cấp những thông tin liên quan của các chủ thể hệ sinh thái, các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KNST, hoạt động đào tạo, liên kết, hợp tác và tăng cường liên kết, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức hành động thống nhất; hướng đến mục tiêu chung - mô hình kinh tế mới dựa trên đổi mới sáng tạo. Đơn vị này cũng sẽ tiếp tục triển khai, mở rộng các hoạt động với trọng tâm tập trung vào phát triển các hoạt động liên kết, hình thành các mạng lưới hỗ trợ cho hệ sinh thái KNST. Đơn vị này chính là trung tâm hỗ trợ KNST. Trước mắt cần được xây dựng tại các thành phố lớn, sau đó là triển khai đến các địa phương.
Các mô hình phổ biến
Trên thế giới, các mô hình hỗ trợ KNST khá đa dạng như trung tâm đổi mới sáng tạo, công viên khoa học công nghệ (science technology park), tổ hợp dịch vụ tập trung (startup hub/innovation hub), ... Các đơn vị này có thể trực thuộc trường đại học, viện nghiên cứu, địa phương hay quốc gia. Tuy nhiên, tựu trung lại có 2 mô hình phổ biến mà Việt Nam có thể học hỏi, đó là:
Công viên khoa học công nghệ
Theo Liên minh công viên khoa học quốc tế (IASP), công viên khoa học công nghệ là một tổ chức được quản lý bởi các chuyên gia chuyên ngành, với mục đích chính là thúc đẩy sự phát triển của kinh tế thông qua phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như các tổ chức dựa trên tri thức nằm trong công viên đó. Để thực hiện được các mục tiêu này, công viên khoa học công nghệ đẩy mạnh liên kết và quản lý luồng kiến thức và công nghệ giữa các trường đại học, tổ chức R&D, doanh nghiệp và thị trường; tạo điều kiện cho sự thành lập và phát triển của các công ty dựa trên sự đổi mới thông qua các quy trình ươm tạo và spin-off; cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng khác cùng với không gian và cơ sở hạ tầng chất lượng cao.
Ngoài không gian văn phòng và nhà xưởng, các công viên khoa học công nghệ có thể cung cấp nhiều chương trình, dịch vụ và không gian phục vụ KNST như tập huấn, dịch vụ kinh doanh, cho thuê văn phòng, chuyển giao công nghệ, pháp lý... Mô hình của công viên khoa học công nghệ không cố định và có mức độ đa dạng cao, thường là các công ty trách nhiệm hữu hạn, trong đó có các chủ sở hữu công cộng và tư nhân (chính phủ, thành phố, trường đại học, ngân hàng, tập đoàn...). Các khu công viên khoa học công nghệ luôn có sự hợp tác quốc gia và quốc tế, ví dụ như IASP - mạng lưới các công viên khoa học trên toàn thế giới và các lĩnh vực đổi mới sáng tạo có vai trò kết nối các chuyên gia quản lý và cung cấp các dịch vụ thúc đẩy tăng trưởng và hiệu quả cho các thành viên.
Công viên khoa học Catalyst
Sự phát triển của Catalyst Inc (trước đây là Công viên khoa học Bắc Ireland) là một ví dụ thành công trong việc thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Bắc Ireland.
Catalyst Inc cung cấp cả cơ sở hạ tầng và mạng lưới kết nối tuyệt vời cho sự phát triển của hơn 170 công ty tại Belfast và Londonderry, tạo công ăn việc làm cho hơn 2.700 nhân sự trình độ cao trong các lĩnh vực từ phần mềm, viễn thông, kỹ thuật tài chính, phương tiện kỹ thuật số, y tế/sinh học, game tới công nghệ sạch, hàng không và dịch vụ kinh doanh. Cơ sở vật chất tại Catalyst Inc rất hiện đại, không gian làm việc đa năng có thể thích ứng cho mọi thứ từ phòng thí nghiệm đến nghiên cứu tại bàn; văn phòng cho các công ty lớn và các doanh nghiệp KNST… Ngoài ra, Catalyst Inc cũng là nơi đặt trụ sở và khu nghiên cứu của các tập đoàn công nghệ lớn như Citi, Novosco, Dow, Path XL, 8over8, Wurkhouse, Taggled, IRP Commerce, Automated Intelligence, IBM and Qualcom.
Bên cạnh đó, Catalyst Inc cũng hợp tác chặt chẽ với khối trường đại học, viện nghiên cứu bao gồm Đại học Ulster, Đại học Queen, Belfast và Viện Nghiên cứu nông nghiệp - thực phẩm và khoa học sinh học.
|
Khu tổ hợp dịch vụ tập trung
Khác với vườn ươm, khu thử nghiệm hay khu làm việc chung với dịch vụ đơn lẻ, các khu tổ hợp dịch vụ tập trung được ví như những cửa hàng một điểm đến (one-stop shop) đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, ở đây có thể là doanh nghiệp KNST, nhà đầu tư hay thậm chí là sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp.
Mặc dù không có định nghĩa chung về khu tổ hợp dịch vụ tập trung, song có thể hiểu rằng, các khu tổ hợp này có chức năng chủ yếu là thu hút và kết nối nguồn lực của các tổ chức hỗ trợ, cung cấp dịch vụ sẵn có cho KNST tại một không gian tiện lợi trên cơ sở khai thác hạ tầng sẵn có với cơ chế khuyến khích của chính phủ. Thông thường, các trung tâm này sẽ tập trung kết nối mạng lưới, khai thác hiệu quả thế mạnh và nguồn lực của các tổ chức hỗ trợ, cung cấp dịch vụ cho KNST trong cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân thay vì tự thực hiện tất cả chức năng, nhiệm vụ như mô hình công viên công nghệ. Một số điển hình về khu tổ hợp dịch vụ tập trung có thể kể đến như Factory (Berlin, Đức), NUMA (Pháp), iHub (Nairobi, Kenya), …
Tại các khu tổ hợp dịch vụ tập trung, các doanh nghiệp KNST có thể được tiếp cận với cộng đồng khởi nghiệp đa lĩnh vực, với cơ hội hợp tác tiềm năng hay nguồn cố vấn, nhà đầu tư và các dịch vụ chất lượng cao, đa dạng. Theo các chuyên gia từ Đại học Pennsylvania (Mỹ), các khu tổ hợp dịch vụ mang lại giá trị cộng đồng rất lớn và các thành viên cảm thấy như đang làm việc ở trung tâm của thế giới với các tiện nghi và kết nối quan trọng xung quanh họ. Thậm chí cộng đồng tại một số khu tổ hợp cũng đã hình thành bản sắc văn hóa riêng.
Nhiều khu tổ hợp sử dụng mô hình cộng đồng được quản lý, nơi họ chọn lọc các công ty KNST có thể sử dụng cơ sở vật chất và tham gia vào cộng đồng sau khi hoàn tất quy trình đăng ký. Điều này trái ngược với mô hình khu làm việc chung, nơi bất kỳ tổ chức/cá nhân nào trả tiền đều có thể sử dụng không gian. Vị trí thuận lợi, các tiện nghi và không gian mở rộng là những yếu tố tiên quyết để thu hút sự tham gia của các thành phần trong cộng đồng KNST nói chung và doanh nghiệp KNST nói riêng. Một số khu tổ hợp thậm chí có cả danh sách chờ được xét duyệt tham gia.
Về thiết kế, các khu tổ hợp dịch vụ thường đáp ứng đủ yêu cầu để thúc đẩy sự sáng tạo, năng suất và hợp tác, khuyến khích hình thành sản phẩm mới từ tài sản trí tuệ. Đây chính là lý do phần lớn các khu tổ hợp dịch vụ thường bao gồm cả khu nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm với cơ sở vật chất hiện đại, phục vụ đa dạng lĩnh vực. Các khu tổ hợp thường hướng tới không gian chung và các thiết bị dùng chung để giảm chi phí và tối ưu hóa nguồn lực. Tuy nhiên, tùy vào mức độ và giai đoạn phát triển, doanh nghiệp KNST cần phải có không gian riêng để sử dụng một cách độc lập dưới dạng văn phòng hay khu vực thử nghiệm riêng. Chính vì vậy, các khu tổ hợp cũng bao gồm những văn phòng riêng bên cạnh không gian làm việc chung và phân chia một số khu vực trong phòng nghiên cứu, chế tạo.
Các khu tổ hợp dịch vụ tập trung cũng rất đa dạng về mô hình, chúng có thể thuộc quyền quản lý của nhà nước, tư nhân hay các tập đoàn công nghệ (Google, Facebook, IBM, Microsoft…); viễn thông (True, Singtel…) hay thậm chí là các ngân hàng lớn. Việc tham gia của các tập đoàn viễn thông, công nghệ góp phần hoàn thiện và nâng cao cơ sở hạ tầng vật chất phục vụ KNST.
JTC LaunchPad@One-North - Một khu tổ hợp dịch vụ của Singapore
Đối với Singapore thì JTC LaunchPad@One-North là minh chứng rõ ràng nhất về những nỗ lực của Chính phủ nước này trong quyết tâm xây dựng đất nước trở thành một trong những hệ sinh thái KNST hàng đầu thế giới. Sau thành công của Block 71 được coi là trái tim hệ sinh thái khởi nghiệp Singapore, Chính phủ đã tiếp tục giao Tập đoàn JTC phát triển thêm tòa 73 và 79.
Bên cạnh các tổ chức thuộc Chính phủ, One-North cũng kết hợp với đối tác là các trường đại học, viện nghiên cứu, liên minh các khối trường và các quỹ đầu tư để cung cấp dịch vụ tư vấn, ươm tạo, cố vấn tại khu tổ hợp này.
One-North tạo ra một không gian chung, nơi mà các doanh nghiệp KNST và các chủ thể khác trong hệ sinh thái như nhà đầu tư, vườn ươm, các tổ chức thúc đẩy kinh doanh được kết nối một cách hiệu quả. Đây đồng thời cũng là nơi triển khai các chương trình hỗ trợ của nhà nước đối với các ý tưởng KNST giai đoạn đầu. Ngoài ra, bằng cách tái sử dụng đất và các tòa nhà bỏ không, LaunchPad@One-North hiện có giá thuê hết sức ưu đãi dành cho doanh nghiệp KNST.
Điểm đặc biệt là vị trí của LaunchPad@One-North nằm ở trung tâm của hệ sinh thái; kết nối với nhiều trường đại học lớn như Đại học quốc gia Singapore, Đại học công nghệ Nanyang; các viện nghiên cứu, khu nghiên cứu trọng điểm khác như Fusionopolis - công nghệ thông tin và truyền thông, phương tiện truyền thông, khoa học vật lý và công nghiệp kỹ thuật hay Biopolis - khu nghiên cứu khoa học y sinh. Hệ thống giao thông (tàu điện ngầm và xe buýt công cộng) kết nối với khu One-North cũng vô cùng thuận lợi.
|
Trung tâm kinh tế sáng tạo và đổi mới sáng tạo (Center for Creative Economy & Innovation - CCEI)
CCEI đầu tiên ở Hàn Quốc được thành lập tại thành phố Daegu vào tháng 9/2014 thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Kế hoạch tương lai (Ministry of Science, ICT and Future Planning). Kể từ đó, tổng cộng 19 CCEI đã được thành lập tại các thành phố và địa phương trên khắp đất nước Hàn Quốc. Các trung tâm hoạt động độc lập và được chuyển qua sự quản lý của Bộ Doanh nghiệp nhỏ và vừa và KNST (Ministry of SMEs and Startups) vào năm 2017. Điều này cho thấy cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ Hàn Quốc cho một nền kinh tế tri thức dựa trên đổi mới sáng tạo.
Mô hình hoạt động của CCEI dựa trên trụ cột là liên minh hợp tác giữa bộ chủ quản, chính quyền địa phương và tập đoàn tư nhân với mục đích thúc đẩy môi trường tăng trưởng cho KNST và đổi mới của Hàn Quốc. Mục đích quan trọng nhất của việc thiết lập CCEI là giúp thành lập và phát triển các doanh nghiệp KNST song hành cùng tập đoàn lớn.
Tại mỗi địa phương, CCEI thiết lập một trung tâm chuyên trách với chiến lược phát triển phù hợp với thế mạnh và ngành công nghiệp mũi nhọn của địa phương đó. Có thể nhận thấy rằng, việc dựa vào ngành công nghiệp địa phương là bước đi chiến lược vô cùng đúng đắn bởi KNST chỉ thực sự tạo được hiệu ứng và giá trị lớn nhất khi gắn với nền kinh tế và thế mạnh của địa phương, vùng, quốc gia.
|
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra hết sức nhanh chóng và có nhiều diễn biến khó lường, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế dựa trên tri thức và đổi mới sáng tạo là xu hướng tất yếu và cũng là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việc hình thành và phát triển các trung tâm hỗ trợ KNST là rất cấp thiết khi hệ sinh thái cũng như doanh nghiệp KNST Việt đã bước sang một giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi những hỗ trợ và dịch vụ chất lượng cao, mang chiều sâu và kịp thời. Với bối cảnh nước ta, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng mới, hiện đại như các nước trong khu vực và trên thế giới là khó khăn và tốn kém (đặc biệt là đối với mô hình công viên khoa học công nghệ).
Nhìn chung, so với xây dựng công viên khoa học công nghệ thì việc phát triển trung tâm KNST theo mô hình tổ hợp dịch vụ dễ thực hiện và khả thi hơn với điều kiện nước ta, do tính chất linh động và đòi hỏi về cơ sở hạ tầng không quá cao. Bên cạnh đó, việc tận dụng cơ sở vật chất sẵn có cũng khả thi hơn đối với mô hình này. Điển hình như JTC LaunchPad@One-North của Singapore, trước đây vốn là khu công nghiệp với các nhà xưởng và khu chế xuất công nghiệp nhẹ đã ngưng hoạt động và có kế hoạch bị phá bỏ. Tuy nhiên với sáng kiến của NUS Enterprise (Đại học quốc gia Singapore), năm 2011, Tập đoàn viễn thông Singtel Innov8 và Cơ quan phát triển truyền thông Singapore đã biến Block 71 từ một tòa nhà của khu công nghiệp cũ, trở thành biểu tượng thành công và trái tim của hệ sinh thái KNST Singapore. Tiếp theo thành công của Block 71, Chính phủ Singapore đã trao quyền vận hành cho Tập đoàn JTC phát triển thêm Block 73 và 79 để hình thành nên JTC LaunchPad@One-North.
Khi nhìn vào mô hình hoạt động của Launchpad tại Singapore, CCEI của Hàn Quốc hay các khu tổ hợp lớn tại Thái Lan, châu Âu và Hoa Kỳ, có một điều có thể dễ dàng nhận thấy là vai trò vô cùng nổi bật và rõ ràng của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đồng hành cùng cộng đồng khởi nghiệp. Việc các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia hỗ trợ KNST không còn xa lạ trên thế giới, nhất là tại những quốc gia có hệ sinh thái KNST phát triển như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore… Mô hình hợp tác cùng có lợi này hiện cũng dần phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây với các thương vụ đầu tư hay hợp tác nổi bật. Chính vì vậy, cần cân nhắc việc thúc đẩy các công ty/tập đoàn lớn trở thành đối tác trong xây dựng, phát triển hay triển khai các chương trình hỗ trợ tại các trung tâm KNST của nước ta.
Dù là mô hình khu tổ hợp dịch vụ tập trung hay công viên khoa học công nghệ, điểm chung và chìa khóa của sự thành công trong các mô hình này là liên kết và hợp tác không chỉ với các đối tác trong hệ sinh thái KNST, viện nghiên cứu, trường đại học, quỹ đầu tư, tập đoàn lớn mà còn tập trung phát triển kết nối và hợp tác quốc tế thông qua các mạng lưới.
Cơ sở vật chất hạ tầng đảm bảo thành công về “phần cứng” khi đáp ứng được nhu cầu về không gian, phòng thí nghiệm, khu chế xuất thử nghiệm của doanh nghiệp KNST, tuy nhiên “phần mềm” là các chương trình, dịch vụ chất lượng cao, cộng đồng là điểm khác biệt tạo lợi thế cũng như giữ chân “khách hàng” một cách lâu dài. Việc đảm bảo về hạ tầng giao thông hay vị trí thuận lợi cũng là điểm mấu chốt cần chú trọng khi lựa chọn địa điểm đặt các khu này.
Ghi chú:
1. Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016.
2. Theo báo cáo của Topica Founder Institute và dữ liệu do Văn phòng Đề án 844 tổng hợp.
3 Thống kê của Văn phòng Đề án 844.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016.
2. Phua Shi Hui (2018), Urban Systems Studies: One-North fostering research, innovation and entrepreneurship.
3. Ulster Business (2019), The Catalyst to putting Northern Ireland on the global map.
4. Tracy Carbasho (2018), Innovation Hubs and Incubators Drive Academic Research to Commercialization.
5. https://www.gsma.com/mobilefordevelopment/blog/618-active-tech-hubs-the-backbone-of-africas-tech-ecosystem/.
6. UNESCAP (2019), Establishing Science and Technology Parks: A Reference Guidebook for Policymakers in Asia and the Pacific.
7. David Allan Wolfe (2014), Technology and Innovation Centres: Lessons from Germany, the UK and the USA.
8. Malcolm Parry (2018), The Future of Science Parks and Areas of Innovation: Science and Technology Parks Shaping the Future.