Thứ ba, 28/04/2020 15:02

Mức thuế thất thu ước tính cho cả 3 khu vực doanh nghiệp có thể dao động 6,4-9,9% số thu thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế được coi là nguồn thu quan trọng, chủ yếu của ngân sách vì nguồn thu này mang tính chất ổn định, đảm bảo tự chủ và độc lập quốc gia. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng trốn và tránh thuế của các doanh nghiệp ở Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp, phạm vi ngày càng rộng, quy mô ngày càng lớn và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Điều này đã gây thất thu hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước cũng như tạo môi trường cạnh tranh thiếu công bằng.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội với sự hỗ trợ của tổ chức Oxfam đã thực hiện nghiên cứu “Trốn và tránh thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp FDI tại Việt Nam”. Mục tiêu chính của nghiên cứu là rà soát thực trạng trốn và tránh thuế thu nhập của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng như đề xuất các gợi ý chính sách cho vấn đề này. Ngày 28/4/2020, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức Hội thảo trực tuyến công bố kết quả nghiên cứu này.

Đại diện của VEPR trình bày kết quả nghiên cứu tại Hội thảo

Báo cáo nghiên cứu của nhóm tác giả khẳng định, trốn và tránh thuế thu nhập doanh nghiệp là một hiện tượng toàn cầu, diễn ra đặc biệt phổ biến ở các công ty đa quốc gia. Báo cáo nghiên cứu cũng đưa ra khái niệm về trốn và tránh thuế. Theo đó, tránh thuế là hình thức doanh nghiệp thực hiện các hoạt động hợp pháp, hoặc bán hợp pháp, khai thác các lỗ hổng trong các quy định về hải quan và thuế nhằm giảm các khoản thuế phải nộp. Trốn thuế là hình thức doanh nghiệp thực hiện các hành vi bất hợp pháp để không phải thực hiện nghĩa vụ thuế.

Có nhiều kênh trốn và tránh thuế, bao gồm: chuyển giá sai, định vị chiến lược quyền sở hữu trí tuệ, chuyển nợ quốc tế, lợi dụng hiệp ước thuế, trì hoãn thuế, hoặc đảo ngược công ty… Công nghiệp 4.0 hay nền kinh tế kỹ thuật số sản sinh ra những mô hình kinh doanh mới với đặc điểm giảm sự hiện diện vật lý của các doanh nghiệp, đồng thời nâng tầm quan trọng và tính di động của tài sản vô hình và mức độ tích hợp cao của chuỗi giá trị, do vậy đang tạo ra những thách thức lớn cho hệ thống thuế quốc tế.

Các nước trên thế giới đang có nhiều nỗ lực phòng chống hiện tượng trốn và tránh thuế với hàng loạt các cải cách hệ thống và chính sách thuế. Các chính sách này có thể được chia thành hai nhóm: (i) nhóm các chính sách cải cách hệ thống thuế theo hướng thắt chặt các quy định và; (ii) nhóm các chính sách tăng cường tính minh bạch về thuế.

Báo cáo nghiên cứu cho rằng: ở Việt Nam, sai phạm thuế trong những năm gần đây diễn ra không chỉ ở thuế thu nhập doanh nghiệp mà còn ở các sắc thuế khác. Các doanh nghiệp có sai phạm về thuế không chỉ là các công ty đa quốc gia mà còn thuộc sở hữu nhà nước và tư nhân trong nước. Hành vi gian lận thuế ngày càng diễn biến phức tạp, phạm vi ngày càng rộng, quy mô ngày càng lớn và thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Việt Nam đã và đang có những thay đổi tích cực liên quan đến các quy định pháp luật về thuế để hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới, cải thiện môi trường cạnh tranh bình đẳng và tránh thất thu thuế. Trong đó, đáng kể nhất là việc cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính, ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 1/5/2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết và thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi) 2019, đồng thời tiếp tục ký kết và áp dụng các hiệp định thuế với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Một trong những kết quả quan trọng nhất của nghiên cứu cho thấy, chính sách thuế (thông qua các quy định về thuế suất phổ thông hay ưu đãi thuế) có vai trò quan trọng quyết định đến động cơ, hành vi trốn và tránh thuế của các doanh nghiệp. Gánh nặng thuế càng lớn thì mức độ trốn và tránh thuế càng lớn. Trong đó, phản ứng của các doanh nghiệp thuộc khu vực FDI và ngoài nhà nước trước những thay đổi về chính sách thuế là lớn hơn nhiều so với các doanh nghiệp nhà nước.

Các công ty đa quốc gia có nhiều cơ hội, và do vậy trốn và tránh thuế nhiều hơn so với khu vực doanh nghiệp trong nước. Sau khi kiểm soát các yếu tố khác, tỷ suất lợi nhuận khai báo của các doanh nghiệp thuộc khu vực FDI có xu hướng thấp hơn hẳn so với các doanh nghiệp trong nước bất chấp việc họ có những yếu tố thuận lợi hơn về thị trường, công nghệ, hay có mức độ thâm dụng vốn thấp hơn hẳn khu vực DNNN. Mức thuế thất thu ước tính cho cả 3 khu vực doanh nghiệp (FDI, nhà nước, ngoài nhà nước có thể dao động trong khoảng 13,3-20,7 nghìn tỷ đồng 6,4-9,9% số thu thuế TNDN), gấp khoảng 3-4 lần con số vi phạm phát hiện hàng năm bởi các cơ quan quản lý.

Trung bình trong giai đoạn 2013-2017, mỗi năm mức thuế thất thu từ khu vực FDI (so với DNNN) có thể lên tới hơn 7-8 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,4-4,0% số thu thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi đó, con số tương ứng của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là cao hơn đôi chút, khoảng gần 10 nghìn tỷ đồng (tương đương 4,6% số thu thuế thu nhập doanh nghiệp). Tuy nhiên, nếu tính bình quân mỗi doanh nghiệp, mức thất thu thuế từ doanh nghiệp FDI cao hơn gấp vài chục lần so với doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Từ việc phân tích thực trạng, nguyên nhân trốn và tránh thuế của doanh nghiệp, Báo cáo nghiên cứu đã đưa ra khuyến nghị: Việt Nam nên tiếp tục duy trì và cải thiện những chính sách hiện có, đồng thời nghiên cứu triển khai những chính sách mới đang được áp dụng rộng rãi và khuyến cáo bởi các nước phát triển và các tổ chức quốc tế. Những chính sách đó có thể bao gồm: dần thắt chặt trần chi phí lãi vay được khấu trừ thuế của các công ty có giao dịch liên kết; các quy định nhằm chống xói mòn cơ sở thuế và chống vốn mỏng; bãi bỏ các ưu đãi thuế thái quá; tăng cường trao đổi thông tin với các nước khác, cải thiện cơ sở dữ liệu phục vụ cho mục đích quản lý thuế; thực hiện các quy định quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số, và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; đưa các vấn đề về cạnh tranh thuế, ưu đãi thuế, và phòng chống trốn và tránh thuế vào chương trình nghị sự của ASEAN nhằm nâng cao nhận thức và khởi xướng các thảo luận cấp khu vực về các chủ đề này.

Nguyễn Văn An









 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)