Thứ tư, 20/05/2020 09:42

Tiêu chuẩn hỗ trợ cộng đồng trong phòng chống đại dịch covid-19

Vũ Thị Tú Quyên

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN

Tại sao tiêu chuẩn đóng vai trò quan trọng trong đại dịch Covid-19? Đây là một câu hỏi lớn và cũng là chủ đề thảo luận tại nhiều hội thảo trực tuyến của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) trong thời gian vừa qua, kể từ khi đại dịch Covid-19 lan ra toàn thế giới. Hơn bao giờ hết, các nước nhận thấy tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng về tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong bối cảnh đại dịch. Làm thế nào để đảm bảo sự sẵn có của các thiết bị y tế quan trọng như bộ kit xét nghiệm, các thiết bị bảo hộ cá nhân; hay độ chính xác của các xét nghiệm?

Vai trò của tiêu chuẩn trong đại dịch Covid-19

Tại hội thảo trực tuyến với chủ đề Tiêu chuẩn và thử nghiệm trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 được tổ chức vào ngày 17/4/2020, ông Bernardo Calzadilla-Sarmiento - Giám đốc Văn phòng Thương mại, Công nghiệp và Đổi mới của UNIDO đã phát biểu: “Sự phát triển của tiêu chuẩn, đo lường và các chứng nhận đã liên quan đến nhiều khía cạnh của thương mại và đầu tư quốc tế trong nhiều lĩnh vực. Đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta thấy, trong một thế giới toàn cầu, sự thống nhất về tiêu chuẩn kỹ thuật có thể cứu mạng sống, cải thiện sức khỏe của con người và giữ cho chuỗi giá trị chủ yếu được duy trì liên tục trong thời điểm khó khăn hiện nay: từ thực phẩm chúng ta ăn, đến hàng hóa sử dụng hàng ngày, hay việc đảm bảo an toàn cho người lao động tại nơi làm việc… hệ thống hạ tầng tiêu chuẩn là vô cùng quan trọng, giúp chúng ta an toàn và tạo điều kiện cho thương mại và đầu tư”.

Covid-19 đã tạo nên cuộc khủng hoảng toàn cầu về mọi mặt. Tại châu Âu, báo cáo của nhiều cơ quan y tế các quốc gia cho thấy, không thể sử dụng các đồ bảo hộ, khẩu trang y tế, bộ kit xét nghiệm có sai lỗi hoặc đơn giản là các sản phẩm này không được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu. Những vấn đề như vậy đã gây áp lực cho ngân sách quốc gia, bỏ qua thời điểm vàng để dập tắt dịch, và làm cho các nhân viên y tế, bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy hiểm, thậm chí phải trả giá bằng tính mạng.

Một ví dụ về khẩu trang cho thấy, khi cả thế giới phải gồng mình trong đại dịch, khẩu trang trở thành mặt hàng khan hiếm và được các công ty tìm mua, săn lùng đến mức “giá cả không phải là vấn đề”. Trường hợp một công ty của Mỹ “giành giật” với công ty của Pháp về lô hàng khẩu trang từ Trung Quốc hồi đầu tháng 4/2020 là một ví dụ. Tờ Giải phóng (Libération) của Pháp ngày 1/4/2020 đưa tin, do số lượng khẩu trang mà các công ty Pháp đặt chỉ vọn vẹn 5 triệu chiếc so với 2-3 tỷ chiếc mà Mỹ đặt, cho nên họ đành phải “chờ tới lượt”. Không những vậy, tình trạng sân bay quá tải, đường sá kẹt cũng khiến cho lô hàng này bị giao chậm hơn so với dự kiến.

Ngày 6/4/2020, trong một cuộc họp, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi châu Âu phải "tự chủ" trong sản xuất khẩu trang, hoặc ít nhất là "tạo ra một trụ cột trong hoạt động sản xuất khẩu trang" ở Đức hoặc một nước nào đó trong EU. Mặc dù các công ty ở Pháp đã tăng hết công suất nhưng chỉ có thể cung cấp khoảng 40 triệu khẩu trang y tế/tháng, trong khi theo tính toán, nước này cần đến 40 triệu khẩu trang/tuần. Trong chuyến thăm ngày 31/3/2020 tới Nhà máy sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế Kolmi-Hopen lớn nhất cả nước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã yêu cầu nhà máy nâng công suất tối đa lên 15 triệu khẩu trang/tuần. Tổng thống cũng tuyên bố sẽ đầu tư bốn tỷ euro cho sản xuất y tế chống dịch bệnh Covid-19*.

Các cơ quan tiêu chuẩn hóa vào cuộc

Ngay từ khi nhận thấy đại dịch Covid-19 có khả năng lan ra toàn cầu, ảnh hưởng nặng nề đến các nước như Trung Quốc, châu Âu, Mỹ…, hầu hết các tổ chức quốc tế, khu vực và quốc gia về tiêu chuẩn hóa đều khẩn trương vào cuộc với một tinh thần quốc tế rất cao, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tự chủ sản xuất các thiết bị thiết yếu để tự cứu mình. Cụ thể, các tổ chức quốc tế và khu vực đã cung cấp miễn phí danh sách các tiêu chuẩn đã có như: tiêu chuẩn đối với khẩu trang, quần áo bảo hộ cá nhân, các thiết bị y tế, máy thở…, thậm chí cả tiêu chuẩn đảm bảo tính liên tục kinh doanh để các doanh nghiệp áp dụng trong quá trình sản xuất.

Các cơ quan tiêu chuẩn hóa ở các quốc gia cũng nhanh chóng cung cấp các tiêu chuẩn miễn phí cho doanh nghiệp của nước mình để áp dụng. Tất cả tạo nên một sự đoàn kết, thống nhất trong mạng lưới các cơ quan tiêu chuẩn hóa của các nước, ví dụ như: Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) cho phép đọc miễn phí nhiều tiêu chuẩn bao gồm các tiêu chuẩn về thiết bị y tế như máy thở, quần áo bảo hộ, găng tay bảo hộ… Ủy ban Tiêu chuẩn hóa châu Âu (CEN) và Ủy ban Tiêu chuẩn Điện tử châu Âu (CENELEC) đã đồng ý phối hợp với tất cả các thành viên EU cung cấp miễn phí một loạt tiêu chuẩn châu Âu (EN) cho các thiết bị y tế và thiết bị bảo vệ cá nhân được sử dụng trong đại dịch Covid-19.

Việc cung cấp quyền truy cập miễn phí để áp dụng tiêu chuẩn quốc gia cho bộ tiêu chuẩn châu Âu này tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của nhiều doanh nghiệp châu Âu đang chuyển đổi dây chuyền sản xuất, từ đó cho phép các thiết bị y tế, thiết bị bảo vệ cơ bản mới vào thị trường nhanh chóng, dễ dàng hơn.

Viện Tiêu chuẩn hóa quốc gia Hoa Kỳ (ANSI) cũng đã mở cổng thông tin điện tử về tiêu chuẩn trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19 cho phép các cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng tiêu chuẩn có thể truy cập trang thông tin điện tử của ANSI để tải tiêu chuẩn miễn phí. Các thành viên của ANSI và các cơ quan tiêu chuẩn hóa được công nhận khác của Mỹ, bao gồm AAMI, IEEE và ASTM cũng đã ra thông báo cung cấp quyền truy cập miễn phí vào kho tiêu chuẩn của họ nhằm mục đích hỗ trợ khả năng chống lại dịch Covid-19.

Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI) sử dụng các nền tảng công nghệ để đảm bảo sự hỗ trợ khách hàng được an toàn và giảm thiểu sự gián đoạn. Đồng thời, BSI đã chọn ra các tiêu chuẩn phù hợp nhất trong các lĩnh vực chính của sản xuất máy thở, thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) và quản lý rủi ro liên tục trong kinh doanh. BSI cung cấp miễn phí các tiêu chuẩn liên quan đến việc ứng phó với Đại dịch Covid-19 cho các doanh nghiệp và Chính phủ Vương quốc Anh.

Tại Đông Nam Á, Singapore đã cung cấp 6 tiêu chuẩn miễn phí liên quan đến vệ sinh nơi công cộng, chuỗi cung ứng, an toàn vệ sinh thực phẩm, rủi ro và khả năng phục hồi... Trong bối cảnh các thiết bị y tế trong phòng chống Covid-19 và cứu chữa các bệnh nhân nhiễm virut đang là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia, đây là hành động kịp thời và có ý nghĩa của cơ quan tiêu chuẩn hóa, giúp giảm thiểu các tác hại do dịch bệnh gây ra.

Tại Việt Nam, với vai trò đại diện đất nước trong 14 tổ chức quốc tế, khu vực về tiêu chuẩn đo lường chất lượng và trong khuôn khổ hợp tác với các cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia của các nước trên thế giới, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã chủ động thu thập, tổng hợp, phân tích các nguồn thông tin, cách thức ứng phó trong đại dịch Covid-19 từ các tổ chức quốc tế, khu vực và các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc gia về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, nhằm đưa ra những phương án hỗ trợ, đồng hành cùng các tổ chức, doanh nghiệp trong việc phòng ngừa và đối phó với dịch bệnh. Được sự cho phép của Bộ KH&CN, Tổng cục TCĐLCL đã cung cấp miễn phí các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế mới nhất liên quan đến lĩnh vực trang thiết bị y tế (máy thở, máy hô hấp, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn…); lĩnh vực về quản lý rủi ro; hệ thống quản lý chất lượng nói chung và đặc thù cho ngành trang thiết bị y tế…

Tổng cục TCĐLCL đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục (tcvn.gov.vn) và Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (vsqi. gov.vn) các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và tiêu chuẩn quốc tế của (ISO, IEC), tiêu chuẩn châu Âu (EN), tiêu chuẩn nước ngoài như Mỹ (ANSI, ASTM) để giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam kịp thời tiếp cận trực tiếp yêu cầu của quốc gia và quy định mới nhất của quốc tế phục vụ cho quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, vượt qua khó khăn, cũng như tận dụng các cơ hội để xuất khẩu các sản phẩm, hàng hóa là thế mạnh của Việt Nam.

Cơ hội và phát triển bền vững trong đại dịch

Đại dịch đã gây ra nhiều tổn thất về con người và kinh tế, nhưng đồng thời cũng mang đến những cơ hội vàng cho những ai nắm bắt được. Riêng tại Việt Nam, trước diễn biến bất thường của dịch, nhiều cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp đã nắm được thời cơ để sản xuất kinh doanh, điển hình như Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất thành công bộ Kit xét nghiệm Covid-19.

Ngày 24/4/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công nhận bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam - KIT LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit được sản xuất theo Quy trình danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00.

Trước đó, ngày 21/4/2020, Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Vương quốc Anh cũng đã cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE) và Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ sản phẩm xét nghiệm này. Nhờ đó bộ KIT xét nghiệm Covid-19 có thể được bán ở tất cả các quốc gia thành viên của Khu vực kinh tế châu Âu (bao gồm cả Vương quốc Anh). Sau khi được Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Vương quốc Anh cấp phép, bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam đã được một đối tác đặt mua độc quyền để phân phối tại Anh, Ấn Độ, Mexico, Mỹ và một số quốc gia tại châu Âu với số lượng cam kết ít nhất 1 triệu test/tháng. Bên cạnh đó cũng đã có nhiều tổ chức quan tâm đến sản phẩm như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Sáng kiến tiếp cận y tế của bà Clinton (Quỹ CHAI)... Việc có thêm sự chấp thuận của WHO sẽ giúp sản phẩm dễ dàng được xuất khẩu ra các nước trên toàn thế giới. Các tổ chức như WB, Quỹ CHAI dự kiến sẽ mua sản phẩm này đưa vào chương trình tài trợ cho các nước trên toàn thế giới.

Một ví dụ khác là, dệt may - một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu, chỉ sau nhóm hàng điện thoại. Sau khi đạt kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD trong năm 2019, ngành dệt may hướng đến mục tiêu vượt 40 tỷ USD trong năm 2020. Tuy nhiên, Covid-19 đã khiến ngành xuất khẩu này đối mặt với nhiều thách thức. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo tại hội thảo trực tuyến của UNIDO ngày 15/5/2020 với chủ đề Thiết bị bảo vệ cá nhân - Thu hẹp khoảng cách về tiêu chuẩn hóa, dự kiến đến cuối năm 2020, nhu cầu khẩu trang y tế đạt tới 2,2 tỷ chiếc. Trong bối cảnh đó, sản xuất khẩu trang trở thành một giải pháp hiệu quả để các doanh nghiệp dệt may có thể duy trì sản xuất, bù đắp thiệt hại do bị tạm dừng các đơn hàng.

Các cơ quan đại diện ngoại giao, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng đã hỗ trợ, tìm kiếm đầu mối để giúp tiêu thụ sản phẩm khẩu trang vải cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng được khuyến cáo thận trọng khi đầu tư quy mô lớn cho sản xuất khẩu trang vải, tránh sản xuất đại trà khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế mà không theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào, bởi các sản phẩm này "rất có thể sẽ không xuất khẩu được vào EU và gây dư thừa, thiệt hại về kinh tế nếu không tiêu thụ được ở các thị trường khác”.

 

* https://www.nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43865902-phap-se-dau-tu-bon-ty-euro-cho-san-xuat-y-te-chong-dich-benh-covid-19.html.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)