EVFTA vừa được Nghị viện châu Âu thông qua ngày 12/2/2020, mở ra một chương mới trong quan hệ Việt Nam và EU sau gần 30 năm chính thức quan hệ ngoại giao. Theo quy định của EU, Hiệp định EVFTA sẽ cần được Hội đồng châu Âu phê duyệt để có hiệu lực. Về phía Việt Nam, Chính phủ cũng đang thúc đẩy nhanh việc thực hiện các quy trình, thủ tục để sớm được Quốc hội phê chuẩn. Mục tiêu và danh mục đàm phán của EVFTA không chỉ dừng lại ở các lĩnh vực truyền thống như: thương mại hàng hóa, dịch vụ…, mà còn mở rộng thêm nhiều lĩnh vực khác bao gồm: SHTT, mua sắm công, phát triển bền vững… Có thể nói, cùng với CPTPP 1, EVFTA là hiệp định có phạm vi cam kết rộng và cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.
SHTT là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm trong quá trình xem xét môi trường thể chế đầu tư của Việt Nam. Do khoảng cách lớn về trình độ phát triển và thực trạng thực thi quyền SHTT của hai bên, SHTT đã trở thành chủ đề quan trọng trong đàm phán EVFTA. Do vậy, Hiệp định đã dành một chương lớn - Chương 12 quy định về SHTT với nhiều cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ SHTT 2.
Về tổng quan, pháp luật SHTT của nước ta hiện đã tương thích với đa số cam kết trong Hiệp định ở ba chế định lớn là: 1) Các nguyên tắc chung về bảo hộ quyền SHTT; 2) Các tiêu chuẩn bảo hộ quyền SHTT; và 3) Các yêu cầu về biện pháp thực thi quyền SHTT tại biên giới 3. Điều này có nghĩa là về nguyên tắc, đối với đa số các cam kết đã tương thích, khi thực thi EVFTA, chúng ta sẽ không cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật hiện hành. Cụ thể hơn, khung pháp lý về SHTT của Việt Nam cơ bản phù hợp với các cam kết sau: i) các vấn đề chung về bảo vệ quyền SHTT, thực thi quyền SHTT phù hợp với tiêu chuẩn chung tối thiểu của Hiệp định TRIPS; ii) quyền tác giả: bảo hộ quyền tác giả chống lại việc vi phạm bằng các biện pháp công nghệ và bảo hộ thông tin quản lý quyền; iii) nhãn hiệu: khẳng định nghĩa vụ theo Thỏa ước Madrid về đăng ký nhãn hiệu quốc tế; sử dụng bảng phân loại NICE; iv) công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý; v) bảo hộ kiểu dáng công nghiệp; vi) đơn giản hóa thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế phù hợp các cam kết theo Hiệp ước hợp tác sáng chế - PCT; vii) bảo hộ giống cây trồng phù hợp với quy định cam kết theo Công ước quốc tế về bảo hộ các giống cây trồng - UPOV; viii) bảo hộ bí mật thương mại; ix) giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền SHTT, thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền SHTT tại biên giới; x) thực hiện các quy tắc ứng xử quốc gia và tối huệ quốc.
Tuy nhiên, một số quy định của pháp luật Việt Nam hiện chưa hoàn toàn phù hợp với quy định của EVFTA, do đó cần được nghiên cứu, sửa đổi để đáp ứng với các yêu cầu chính của Hiệp định này.
Thứ nhất, vấn đề về hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Hiệp định EVFTA xác định việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ bao gồm cả bảo hộ chống cạnh tranh không lành mạnh được đề cập tại Điều 10bis Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp. Điều 10bis (2) Công ước Paris định nghĩa hành vi cạnh tranh không lành mạnh là “bất kỳ hành vi cạnh tranh nào trái với tập quán trung thực trong công nghiệp và thương mạị”. Điều 10bis (3) cụ thể hóa ba hành vi phải bị ngăn cấm. Bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được pháp luật Việt Nam quy định cụ thể tại Luật SHTT, Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và các thông tư hướng dẫn nghị định này, Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BKHCN-BKHĐT hướng dẫn xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và Thông tư liên tịch số 14/2016/TTLT-BTTTT-BKHCN ngày 6/6/2016 hướng dẫn trình tự, thủ tục thay đổi, thu hồi tên miền vi phạm pháp luật về SHTT. Đồng thời, một số văn bản quy phạm pháp luật như Luật Quảng cáo, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại… cũng có quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tuy nhiên, khái niệm và quy định các hành vi được coi là cạnh tranh không lành mạnh chưa đồng nhất. Ví dụ, Luật Cạnh tranh coi xâm phạm bí mật kinh doanh là hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhưng trong Luật SHTT, xâm phạm bí mật kinh doanh không thuộc nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Luật SHTT dùng thuật ngữ “chỉ dẫn thương mại” nhưng Luật Cạnh tranh dùng thuật ngữ “chỉ dẫn”; định nghĩa về bí mật kinh doanh có điểm không giống nhau (về yếu tố chưa bộc lộ, yếu tố có khả năng sử dụng trong kinh doanh). Việc hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại văn bản luật khác nhau, được thực thi bởi các cơ quan khác nhau dẫn đến có những chồng chéo về thẩm quyền xử lý, thủ tục xử lý hoặc khả năng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan thực thi pháp luật, dẫn đến tổ chức, cá nhân gặp khó khăn trong việc để nghị các cơ quan chức năng xử lý các hành vi này.
Thứ hai, một số vấn đề quy định về quyền tác giả. Nhìn chung, Hiệp định EVFTA có những quy định mang tính nguyên tắc chung trong việc bảo hộ và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó đã yêu cầu các bên phải quy định đầy đủ việc bảo hộ bằng các biện pháp công nghệ đối với bản quyền. Điều này chưa được thể hiện rõ ràng trong pháp luật về SHTT. Hiệp định EVFTA đã yêu cầu các bên phải khẩn trương gia nhập hai điều ước quốc tế về bản quyền quan trọng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực 4. Hiện nay các cơ quan chức năng Việt Nam đang chuẩn bị các thủ tục, hồ sơ để tiến hành gia nhập các Hiệp ước này 5. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải chi tiết, cụ thể hóa hơn nữa và thống nhất các quy định liên quan tới quyền sở hữu và quyền tác giả đối với tác phẩm. Ví dụ, một trong những vấn đề dễ gây tranh cãi là xác định quyền sở hữu đối với các luận văn, luận án, đồ án tốt nghiệp. Liên quan đến cơ sở pháp lý xác định chủ sở hữu quyền tác giả đối với luận văn, luận án, đồ án tốt nghiệp trong trường đại học, trong trường hợp này cũng không dễ dàng xác định theo nguyên tắc ai đầu tư công sức tiền của để làm ra thì là chủ sở hữu? Bộ luật Dân sự và Luật SHTT hiện hành đều quy định một tác phẩm được tạo ra theo nhiệm vụ được giao (luận văn, luận án, đồ án tốt nghiệp cũng thuộc loại này) hoặc theo hợp đồng giao việc (có thể từ trường đại học), thì quyền tài sản thuộc về cơ quan, tổ chức giao việc; còn quyền nhân thân thuộc về các đồng tác giả. Các đồng tác giả có quyền nhận thù lao, nhuận bút do cơ quan, tổ chức giao việc (chủ sở hữu quyền tài sản) chi trả. Chúng ta cũng đã có những quy định liên quan đến suy đoán về tác giả hoặc chủ sở hữu quyền. Các chủ thể quyền sẽ phải xuất trình các bằng chứng chứng minh họ là tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả bằng một số hình thức trong đó việc có tên trên tác phẩm là một trong những chứng cứ chứng minh quyền tác giả 6. Do vậy, theo chúng tôi, vẫn cần phải có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể hóa hơn về vấn đề quyền tác giả, chủ sở hữu đối với loại hình như luận văn, luận án, đồ án tốt nghiệp... để thực sự khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo trong các trường đại học hiện nay.
Thứ ba, vấn đề về thực thi quyền SHTT. Nhìn chung, những điều khoản về thực thi quyền SHTT trong EVFTA đề cập chủ yếu đến hai biện pháp thực thi là dân sự và thực thi tại biên giới, đồng thời tham chiếu tới các điều ước quốc tế khác liên quan. Pháp luật Việt Nam đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về nội dung này, thậm chí có quy định ở mức cao hơn so với quy định của TRIPS. Cũng như về tiêu chuẩn bảo hộ, Liên minh châu Âu đòi hỏi cao hơn cả Tổ chức thương mại thế giới (WTO) về các biện pháp thực thi quyền SHTT, đặc biệt liên quan tới các sản phẩm nhạy cảm như dược phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Có một điểm thuận lợi là, theo cam kết, khi EVFTA có hiệu lực Việt Nam sẽ có sự hỗ trợ của các đối tác để giúp chúng ta thực thi tốt hơn về quyền SHTT. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam cải thiện các khía cạnh, từ nhận thức của người sử dụng về những sản phẩm được bảo hộ cho đến năng lực hay thể chế của cơ quan thực thi cũng như sự chủ động của các chủ thể trong việc bảo vệ quyền của mình. Tuy nhiên công tác thực thi quyền SHTT vẫn còn nhiều bất cập. Thách thức lớn nhất đặt ra liên quan đến việc thực hiện cam kết của EVFTA là tình trạng xâm phạm quyền SHTT vẫn diễn biến phức tạp, các loại sản phẩm hàng hóa xâm phạm về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả… xuất hiện ở nhiều nơi, không chỉ được bày bán theo cách truyền thống mà hàng hóa được giao dịch qua các kênh bán hàng trực tuyến, trên môi trường internet nên các lực lượng chức năng rất khó kiểm tra, bắt giữ. Bên cạnh đó, việc vi phạm bản quyền phần mềm vẫn lớn, nên sẽ dẫn đến tâm lý e dè trong việc đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam 7. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiệu lực thực thi quyền SHTT còn hạn chế ở Việt Nam như: năng lực của các cán bộ thực thi còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT ngày một gia tăng; công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp xử lý xâm phạm quyền SHTT giữa các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi còn chưa kịp thời, chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; chế tài xử lý hành chính chưa thực sự có tính răn đe cao, trong khi biện pháp dân sự ít được sử dụng, bên cạnh đó chế tài hình sự chưa phát huy hiệu quả do thiếu những văn bản hướng dẫn xử lý; người tiêu dùng, công chúng vẫn còn hạn chế trong việc sử dụng và tôn trọng quyền SHTT của người khác; nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của đăng ký bảo hộ cũng như bảo vệ quyền SHTT 8.
Thứ tư, một số đối tượng quyền SHTT cần được quy định cho phù hợp với cam kết trong Hiệp định. Đối với sáng chế, EVFTA đề cập về khả năng kéo dài thời hạn bảo hộ sáng chế, về quy trình kiểm định sản phẩm và cách thức xác định thời gian kéo dài bảo hộ bằng sáng chế vì các hãng dược phẩm của Liên minh châu Âu có thể xin kéo dài thời gian bảo hộ sáng chế nếu việc xin phép lưu hành bị trì hoãn. Đối với bảo hộ dữ liệu thử nghiệm, pháp luật Việt Nam chưa đáp ứng được đủ các yêu cầu của EVFTA vì chỉ quy định bảo mật dữ liệu thử nghiệm, trong khi EVFTA bảo hộ cả dữ liệu thử nghiệm và dữ liệu khác; chưa kể chỉ cho phép bảo hộ trong trường hợp đó là bí mật kinh doanh và nếu người nộp đơn có yêu cầu, trong khi đó theo EVFTA thì dữ liệu được bảo mật không nhất thiết phải là bí mật kinh doanh, cũng không cần có yêu cầu của người nộp đơn mà chỉ cần là dữ liệu, thông tin chưa công bố. Đối với nhãn hiệu, EVFTA đề cập khá chi tiết vấn đề từ chối đăng ký nhãn hiệu, căn cứ, cơ sở để thu hồi nhãn hiệu. Việt Nam cần quy định một cách chi tiết, cụ thể hơn về vấn đề từ chối đăng ký nhãn hiệu theo Điều 5.3 Hiệp định, cơ sở và căn cứ để thu hồi nhãn hiệu theo Điều 5.6 Hiệp định, ví dụ như cam kết thu hồi nhãn hiệu đã đăng ký nhưng không sử dụng thực thụ trong thời hạn ít nhất 5 năm. Đối với kiểu dáng công nghiệp, EVFTA quy định cơ sở đánh giá tính mới và tính độc đáo đối với kiểu dáng công nghiệp của bộ phận tháo rời được của sản phẩm hoàn chỉnh theo các tiêu chí: bộ phận đó phải nhìn thấy được trong quá trình sử dụng thông thường sản phẩm đó và các đặc điểm nhìn thấy được của bộ phận đó phải đáp ứng yêu cầu về tính mới và tính nguyên gốc và việc nhìn thấy được là nhìn bởi người sử dụng/người tiêu dùng không phải do người sửa chữa, cung cấp dịch vụ, duy trì. Pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định riêng về vấn đề này.
Tóm lại, việc ký kết Hiệp định thương mại song phương giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội mới cho hoạt động thương mại, đầu tư của hai bên. Nhưng từng lĩnh vực đều có những thuận lợi và thách thức nhất định, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, rà soát và chuẩn bị các nguồn lực, tiềm lực để đón nhận. Lĩnh vực SHTT cũng sẽ có nhiều tác động khi Việt Nam triển khai các hoạt động để thực thi các cam kết khi EVFTA có hiệu lực. Các quy định của pháp luật SHTT cần được rà soát và sẽ phải sửa đổi những vấn đề chưa phù hợp với Hiệp định, đồng thời phải tăng cường nhiều biện pháp để thực hiện hiệu quả các cam kết của Việt Nam. Nhằm đáp ứng các yêu cầu của EVFTA về bảo hộ và thực thi quyền SHTT, theo chúng tôi các biện pháp sau đây cần phải được thực hiện:
- Thống nhất khái niệm và quy định các hành vi được coi là cạnh tranh không lành mạnh trong toàn bộ hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan;
- Chi tiết và cụ thể hóa một số quy định về quyền tác giả;
- Sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan theo hướng tăng mức xử phạt hành vi xâm phạm quyền SHTT; ban hành các văn bản hướng dẫn xử lý cụ thể các tội danh về xâm phạm quyền SHTT; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp Việt Nam về vai trò thực thi quyền SHTT; có kế hoạch trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu về thực thi quyền SHTT; tăng cường tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác quản lý, thẩm định và thực thi quyền SHTT; có quy định nhất quán về thời gian, bối cảnh, điều kiện để có thể áp dụng các biện pháp trung gian của toà án; cần sửa đổi các quy định hiện hành để bù đắp những thiệt hại về xâm phạm quyền SHTT một cách phù hợp;
- Xem xét khả năng sửa đổi quy định hiện hành để có thể kéo dài thời hạn bảo hộ sáng chế, đồng thời có quy định cụ thể về quy trình kiểm định sản phẩm và cách thức xác định thời gian kéo dài bảo hộ bằng sáng chế, xây dựng cơ chế đền bù cho chủ sáng chế do chậm trễ trong thủ tục cấp phép lưu hành thị trường của dược phẩm là sản phẩm của sáng chế đó;
- Sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành nhằm đáp ứng đủ các yêu cầu của EVFTA bảo hộ cả dữ liệu thử nghiệm và dữ liệu khác;
- Cần rà soát và sửa đổi cụ thể trong trường hợp chấm dứt hiệu lực của nhãn hiệu đã đăng ký cho phù hợp với Điều 12.22 của EVFTA;
- Bổ sung quy định pháp lý về bảo vệ kiểu dáng công nghiệp đối với một phần/một bộ phận của một sản phẩm hoàn chỉnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bạch Dương (2018), Pháp luật về SHTT và các cam kết EVFTA chưa hoàn toàn tương thích, http://nguoibaovequyenloi.com/User/ThongTin_ChiTiet.aspx?MaTT=332016704924976&MaMT=22.
2. Đình Phụ (2018), Thực thi pháp luật về SHTT theo cam kết EVFTA - Khó càng cần làm cho được, http://baocongthuong.com.vn/kho-cang-can-lam-cho-duoc.html.
3. Hoàng Sang (2018), http://www.vipa.com.vn/tin-tuc-su-kien/tin-trong-nuoc/ithuc-thi-quyen-so-huu-tri-tue-dung-cho-tpp-toi-.htm.
4. Khanh Đoàn (2018), http://thoibaonganhang.vn/hoi-nhap-vuong-thach-thuc-so-huu-tri-tue-45721.html.
5. Thanh Tâm (2018), Thực thi EVFTA: cam go vấn đề SHTT, http://vietnamfinance.vn/thuc-thi-evfta-cam-go-van-de-so-huu-tri-tue-20160301155251526.htm.
6. http://trade.ec.europa.eu/doclib/press/index.cfm?id=1437.
7. http://www.cov.gov.vn/tin-tuc/hoi-thao-ve-hiep-uoc-cua-wipo-ve-quyen-tac-gia-wct-hiep-uoc-cua-wipo-ve-cuoc-bieu-dien-va-ban-ghi-am-wppt-hiep-uoc-bac-kinh-ve-cuoc-bieu-dien-nghe-nhin-btap.