Thứ bảy, 28/09/2024 10:56

Thách thức về năng suất chất lượng của ngành công nghiệp hỗ trợ

Ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước đang có bước phát triển tích cực, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng các ngành chủ lực. Tuy nhiên, bài toán về năng suất, tiêu chuẩn quốc tế và khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đặt ra nhiều thách thức.

Những bất cập từ nội tại

Trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập và chuyển đổi số, ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước đã có những bước phát triển đáng kể cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện nay, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này chiếm khoảng 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Mặc dù có nhiều thành tựu, nhưng ngành đang đối mặt với không ít thách thức trong việc cải tiến năng suất và nâng cao năng lực cạnh tranh, nhằm đáp ứng yêu cầu của các chuỗi cung ứng toàn cầu và thị trường quốc tế ngày càng khắt khe.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không ngừng đổi mới để cải tiến năng suất.

Trên thực tế, công nghiệp hỗ trợ giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối các ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như: dệt may, da giày, điện tử, nông nghiệp và thủy sản. Những ngành này không chỉ có uy tín trên thị trường nội địa mà còn được các thị trường lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đánh giá cao nhờ chất lượng sản phẩm. Sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các ngành sản xuất chính giúp đảm bảo chuỗi cung ứng vững mạnh, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế.

Bên cạnh những dấu hiệu khởi sắc, ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn tồn tại không ít bất cập. Một trong những vấn đề nổi bật là quy mô và trình độ kỹ thuật của các doanh nghiệp còn hạn chế. Sản phẩm sản xuất trong nước chủ yếu có tính chất đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình đến thấp và chiếm tỷ trọng giá trị trong cơ cấu giá trị sản phẩm ở mức khiêm tốn. Chẳng hạn, tỷ lệ nội địa hóa trong ngành điện tử chỉ đạt 5-10%, ngành ô tô chỉ 7-10%, trong khi các ngành như dệt may và da giày mặc dù có tỷ lệ nội địa hóa cao hơn nhưng chỉ 45-50%. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp trong ngành chưa phát huy hết tiềm năng về mặt công nghệ và giá trị gia tăng.

Ngoài ra, xét theo chuỗi giá trị sản phẩm, tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động ở các phân khúc mang lại giá trị gia tăng cao vẫn còn rất thấp. Cụ thể, chỉ có khoảng 19% doanh nghiệp trong ngành dệt may - da giày và 33% doanh nghiệp điện tử thực hiện được công đoạn thiết kế trong quá trình sản xuất. Việc thiếu đi những bước đi chiến lược nhằm tối ưu hóa chuỗi giá trị không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm mà còn cản trở khả năng khẳng định thương hiệu và mở rộng thị trường của các doanh nghiệp.

Một vấn đề quan trọng nữa chính là việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và các công cụ quản lý sản xuất tiên tiến. Phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa triển khai được các tiêu chuẩn như ISO 9001 (quản lý chất lượng) hay ISO 14000 (quản lý môi trường). Cụ thể, chỉ hơn 20% số doanh nghiệp đạt được chứng nhận ISO 9001 và chỉ khoảng 9% đạt chuẩn ISO 14000. Bên cạnh đó, mặc dù có hơn 20% doanh nghiệp áp dụng phương pháp 5S nhằm cải tiến môi trường làm việc, nhưng các công cụ quản lý tiên tiến khác như: Lean, 6 Sigma, TQM hay TPM vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Việc thiếu đi các hệ thống quản lý hiện đại làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế, nơi mà yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng ngày càng cao.

Giải bài toán năng suất trong kỷ nguyên mới ra sao?

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ), để giải quyết những bất cập trên, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cần chủ động tìm kiếm thông tin từ các tổ chức uy tín nhằm giải đáp những thắc mắc liên quan đến năng suất và cải tiến quy trình sản xuất. Đồng thời, các đơn vị hỗ trợ từ phía nhà nước và tư nhân cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn thông tin chất lượng, cũng như các kinh nghiệm thực tiễn từ các tổ chức nghiên cứu, trường đại học và các diễn đàn chuyên ngành. Việc hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ là chìa khóa giúp nâng cao nhận thức và cải thiện năng suất, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa yêu cầu của thị trường nội địa và tiêu chuẩn của các đối tác quốc tế.

Các kênh thông tin hỗ trợ doanh nghiệp được tổ chức thông qua nhiều hình thức đa dạng. Trước hết, các diễn đàn chuyên đề về năng suất và kiến thức chung do Viện Năng suất Việt Nam tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp kiến thức, kinh nghiệm và thông tin cập nhật về các tiêu chuẩn sản xuất. Bên cạnh đó, các bài viết chuyên sâu trên Tạp chí Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) hay Cổng thông tin của Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cũng là nguồn tham khảo đáng tin cậy giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức về năng suất và chất lượng.

Không chỉ dừng lại ở đó, các tổ chức chuyên về nội dung năng suất chất lượng như Viện Năng suất Việt Nam, Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ cũng đã triển khai các chương trình đào tạo, thông báo và các khóa học nhằm phổ biến kiến thức cơ bản về quản lý chất lượng và nâng cao năng suất. Bên cạnh đó, các trường đại học và viện nghiên cứu cũng đang tích cực tổ chức các chương trình chia sẻ, hội thảo chuyên đề cho giảng viên và nhà nghiên cứu, qua đó gián tiếp truyền tải những thông tin bổ ích cho các doanh nghiệp trong khu vực.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuyển đổi số, các doanh nghiệp không thể tồn tại nếu không nắm bắt được xu hướng của thị trường trong nước cũng như quốc tế. Để có thể tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần hiểu rõ những yêu cầu của thị trường, từ đó điều chỉnh sản xuất và cải tiến quy trình làm việc. Tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9001, ISO 14000 và các tiêu chuẩn kỹ thuật khác từng là rào cản đối với nhiều doanh nghiệp khi bước chân ra thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, theo xu thế hiện nay, các tiêu chuẩn này cũng đã được điều chỉnh nhằm phù hợp hơn với điều kiện sản xuất trong nước và yêu cầu của thị trường quốc tế.

Cụ thể, các tiêu chuẩn mới như ESG (môi trường, xã hội và quản trị), an toàn thực phẩm và giảm phát thải khí nhà kính đang dần trở thành yêu cầu bắt buộc để tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin và đạt được những chứng nhận này, từ đó làm mất đi lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ quốc tế. Để khắc phục tình trạng này, doanh nghiệp cần có động lực mạnh mẽ trong việc bắt kịp thông tin, nâng cao năng lực sản xuất và liên tục cải tiến quy trình quản lý nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe.

Duy Trinh

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)