Khuyến khích doanh nghiệp tham gia Chương trình nghiên cứu quốc gia
Ông Lưu Quang Minh - Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lưu Quang Minh - Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN cho biết, qua hơn 15 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04/03/2005 của Ban bí thư về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu, tạo ra những cơ hội và đột phá trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, y dược, môi trường, quốc phòng và an ninh. Tuy nhiên, công nghệ sinh học phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, năng lực công nghệ sinh học chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh KH&CN phát triển mạnh mẽ.
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới đã xác định mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ sinh học, với vai trò là trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh trong lĩnh vực này tại khu vực châu Á. Đồng thời, phát triển ngành công nghệ sinh học thành một ngành kinh tế then chốt, đóng góp tích cực vào GDP của đất nước. Triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ, Bộ KH&CN đã xây dựng, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 14 Chương trình KH&CN quốc gia, bên cạnh đó là 20 Chương trình KH&CN quốc gia do Bộ trưởng Bộ KH&CN ký ban hành.
Hiện nay, sau 2 đợt kêu gọi, số lượng đề xuất khá nhiều nhưng tỉ lệ đề xuất hình thành các nhiệm vụ còn thấp. Trong thời gian tới, Bộ KH&CN mong muốn các nhà khoa học, chuyên gia đồng hành cùng Bộ KH&CN để góp phần đẩy mạnh triển khai các chương trình KH&CN nói chung trong đó có 3 Chương trình KC.10/21-30, KC.11/21-30, KC.12/21-30. Bộ KH&CN sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia thực hiện hiệu quả các chương trình, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị.
Theo Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong giai đoạn 2005-2020 ngành nông nghiệp thực hiện 279 nhiệm vụ với kinh phí khoảng 36 triệu USD. Nguồn kinh phí này chưa bằng 1/3 quy mô một tập đoàn đa quốc gia đầu tư cho nghiên cứu trong một năm, sự tham gia của các doanh nghiệp vào các đề tài nghiên cứu, phục vụ hoạt động thương mại hóa đang còn ít.
Hiện nay, tại nhiều quốc gia phát triển, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ giai đoạn nghiên cứu phát triển (R&D) và các dự án khởi nghiệp. Việc mở rộng tiếp tục đưa sản phẩm nghiên cứu ra thực tiễn phải có sự tham gia của doanh nghiệp, với vai trò đầu tư cho hoạt động thương mại hóa, xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện chưa có cơ chế đặc thù đủ hấp dẫn doanh nghiệp tham gia đầu tư cho nghiên cứu. Nhiều doanh nghiệp hạn chế về quy mô nên chưa thể đảm bảo việc đầu tư cho nghiên cứu, vốn mang tính dài hạn. Ngoài ra, hành lang pháp lý cho ngành công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp chưa đồng bộ. Riêng với công nghệ chỉnh sửa gen, hiện mới chỉ quy định cho nhóm cây trồng, còn nhóm vật nuôi, vi sinh vật chưa có quy định cụ thể. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, vấn đề pháp lý là một trong những trụ cột để nhà khoa học, doanh nghiệp tư duy đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ thông qua việc khảo nghiệm, kiểm nghiệm nghiên cứu để ứng dụng vào sản xuất.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học
GS.TS Lê Huy Hàm - Chủ nhiệm Chương trình KC.12/21-30 về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học giai đoạn 2021-2030 cho rằng, với khoản đầu tư chưa nhiều, nhưng thời gian qua Việt Nam đã phát triển được nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong những lĩnh vực quan trọng của đất nước, như nông, lâm, ngư nghiệp, chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường. Từ đó, đặt nền móng cho công nghiệp sinh học toàn quốc gồm: nhân giống, chọn tạo giống, công nghệ tế bào, sinh học phân tử, sản xuất vắc-xin thú y, các chế phẩm sinh học, các quy trình chẩn đoán chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con người, cây trồng và vật nuôi. Nhiều sản phẩm của công nghệ sinh học đã và đang đóng góp cho sản xuất trên đồng ruộng, trang trại của nông dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành công nghệ sinh học còn xa với tiềm năng và nhu cầu của đất nước. Mới có các công nghệ phổ thông như cấy mô, chế phẩm vi sinh, chỉ thị phân tử... được ứng dụng thành công, mà chưa khai thác được nhiều nghiên cứu ứng dụng các công nghệ cao. Ngoài ra, hợp tác đa ngành, đa lĩnh vực giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp còn yếu. Sự tham gia của khối doanh nghiệp còn rất lẻ tẻ, chủ yếu nhắm tới tận dụng vốn của các chương trình, yếu tố công nghệ chưa được coi trọng.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã tập trung thảo luận về các nội dung: Tiến bộ của công nghệ sinh học hiện đại trong nông nghiệp trước bối cảnh an ninh lương thực và biến đổi khí hậu; định hướng ưu tiên và các quy định trong nghiên cứu KH&CN của ngành y tế; ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực y tế; đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong nghiên cứu phát triển thuốc dược liệu; ứng dụng kỹ thuật công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cây trồng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long; nghiên cứu ứng dụng hệ gen, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo cho chọn tạo giống cây trồng...
PT