Thứ năm, 26/09/2024 15:40

Thực thi ESG: Cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững

Lương Mỹ Hạnh

Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội

ESG là viết tắt của Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị doanh nghiệp). Đây là các bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững cũng như tác động của doanh nghiệp đối với cộng đồng và môi trường. Các nhà đầu tư đang sử dụng ngày càng nhiều các yếu tố phi tài chính để đánh giá hiệu quả hoạt động của một tổ chức, như một phần của quá trình phân tích, nhằm xác định các rủi ro quan trọng và cơ hội tăng trưởng. Các sáng kiến ESG cũng giúp các công ty đạt được thành công lâu dài thông qua các chiến lược kinh doanh và quản lý có trách nhiệm.

Hiện nay, ESG là một khái niệm tương đối mới với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trước bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và xu hướng tiêu dùng bền vững ngày càng tăng, Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững. Trong tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam không chỉ đặt mục tiêu trở thành nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới mà còn phát triển ngành công nghiệp chế biến hiện đại, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển theo hướng bền vững, từ trợ cấp vốn đến các khoản vay ưu đãi, thể hiện thiện chí chung tay thay đổi nền kinh tế để bắt nhịp với thế giới.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và thực hiện các tiêu chuẩn ESG tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều trở ngại. Chi phí sản xuất tăng cao do đầu tư vào công nghệ và quy trình mới, khiến giá sản phẩm, dịch vụ bị đẩy lên. Điều này dễ khiến khách hàng e ngại và doanh nghiệp mất đi lợi nhuận. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt kiến thức về ESG trong ban lãnh đạo nhiều doanh nghiệp khiến việc xây dựng và triển khai chiến lược ESG trở nên khó khăn. Không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ năng lực để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe này. Việc thay đổi quá nhanh và thiếu sự chuẩn bị kỹ càng có thể dẫn đến thất bại. Thậm chí, việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn ESG cũng chưa chắc đã đảm bảo thành công, khi mà nhà đầu tư vẫn ưu tiên các doanh nghiệp có thể cân bằng giữa lợi nhuận và trách nhiệm xã hội.

Do đó, để không bị bỏ lại phía sau, Việt Nam cần khuyến khích doanh nghiệp thực hiện báo cáo ESG để tăng uy tín và đáp ứng các điều kiện về thuế quan của các thị trường yêu cầu "xanh" như Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ. Áp dụng nguyên tắc ESG và đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh sẽ là lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức và vấn đề mới đối với các doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, khoảng cách giữa nhận thức về tầm quan trọng của ESG và việc thực hiện hiệu quả các tiêu chuẩn này tại các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá lớn. Tuy nhiên, đây chính là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp chủ động hành động. Việc áp dụng ESG không chỉ là một yêu cầu bắt buộc để đáp ứng các quy định và kỳ vọng của đối tác, nhà đầu tư mà còn là một cơ hội để doanh nghiệp khai thác những tiềm năng mới. Bằng việc tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp không chỉ đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng mà còn tạo ra giá trị gia tăng, nâng cao uy tín thương hiệu và mở ra những cánh cửa mới cho sự tăng trưởng trong tương lai.

Báo cáo toàn cảnh thị trường châu Á của Ngân hàng United Overseas Bank về việc thực thi ESG.

Theo báo cáo toàn cảnh thị trường châu Á của Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) năm 2023, Việt Nam và Thái Lan là 2 nền kinh tế dẫn đầu về việc triển khai hoạt động phát triển bền vững ESG. Không dừng lại ở mức nhận thức, các doanh nghiệp đã lên kế hoạch và bắt tay hành động. Ngoài ra, 94% doanh nghiệp Việt thực hiện khảo sát cho rằng ESG quan trọng và là định hướng trọng tâm của họ trong thời gian tới.

Từng bước triển khai ESG trong doanh nghiệp

Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp tại Việt Nam thực hiện hoạt động trách nhiệm đối với xã hội theo kiểu tự phát và chưa lưu tâm đến các chiến lược dài hạn của việc thực hành ESG. Hệ thống đo lường, quản trị dữ liệu của các công ty để thực hiện báo cáo ESG vẫn còn nhiều hạn chế và không theo chuẩn quốc tế. Vì thế, để thực hành ESG dài hạn, các doanh nghiệp cần từng bước xây dựng 1 hệ thống đo lường quản trị dựa trên các khung báo cáo quốc tế.

Việc thực hành ESG tại các doanh nghiệp, thực chất nên được thực hiện từng bước một, dựa trên khả năng và bối cảnh của từng công ty. Các doanh nghiệp có thể cân nhắc tập trung từ khía cạnh “Môi trường - E” để bắt đầu. Ví dụ như những giải pháp mang tính nội bộ như hạn chế số lượng rác thải nhựa dùng một lần tại doanh nghiệp, sử dụng điện mặt trời, giảm phát thải khí nhà kính, do các giải pháp ở khía cạnh “E” luôn là phần minh bạch và dễ đo lường. Sức ép từ các chính sách như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), hoặc Đạo luật Cạnh tranh sạch (Clean Competition Act) đang khiến việc chuyển dịch xanh trở nên được ưu tiên hơn bao giờ hết, để các doanh nghiệp có thể xuất khẩu hàng hóa.

Thực hành ESG và chuẩn hóa các hành động sẽ là 1 phần xu hướng khó thay đổi trong thời gian tới. Trong đó, bên cạnh việc triển khai các hệ thống năng lượng tái tạo - như 1 phần rất quan trọng trong khía cạnh “E” để giảm khí thải nhà kính, thì những giải pháp cụ thể khác cũng sẽ cần được thực hiện, nhằm phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp có mức phát thải lớn, nằm trong danh mục của Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính sẽ tập trung nhiều vào các phần có thể dễ dàng đo đạc và theo dõi một cách minh bạch như khía cạnh “E” qua các hoạt động kỹ thuật như: tối ưu hóa năng lượng, xử lý chất thải hoặc thông qua các công cụ tài chính như giao dịch tín chỉ carbon, bù trừ hạn ngạch phát thải sau khi đã đầy đủ dữ liệu kiểm kê phát thải theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ: quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.

Trong khi đó, các doanh nghiệp khác không nằm trong danh mục, có thể cân nhắc dựa trên tiềm lực của mình để lựa chọn cách thức triển khai ESG phù hợp, hài hòa giữ lợi ích và chi phí bỏ ra, thông qua các hoạt động đơn giản hơn, như đảm bảo quyền lợi người lao động; thực hiện chính sách cân bằng về giới; thúc đẩy đào tạo và phát triển cơ hội nghề nghiệp cho phụ nữ, người khuyết tật và các cộng đồng yếu thế khác. Điều này không chỉ giúp nâng cao uy tín của doanh nghiệp trước công chúng mà còn tạo ra môi trường làm việc tích cực và hấp dẫn cho nhân viên. Việc thực hiện các biện pháp ESG không chỉ mang lại hiệu quả kinh doanh mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội và môi trường sống. Đó chính là con đường mà mọi doanh nghiệp cần hướng đến trong tương lai.

Xây dựng chiến lược và thực hành ESG hiệu quả

Tùy ngành nghề, quy mô và mục tiêu mà mỗi doanh nghiệp có kế hoạch xây dựng chiến lược cũng như tốc độ thực hiện ESG phù hợp. Quy trình 5 bước dưới đây là cơ sở giúp các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và thực hành ESG hiệu quả hơn.

Thứ nhất, xác định tầm nhìn, mục tiêu và hiện trạng: Trước hết, doanh nghiệp cần có một tầm nhìn và mục tiêu bền vững cụ thể, chẳng hạn như xác định những vấn đề về môi trường và xã hội quan trọng liên quan đến lĩnh vực của mình, cùng với các mục tiêu cụ thể để xử lý chúng (như giảm phát thải, gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo, đảm bảo chuỗi cung ứng công bằng…). Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đánh giá lại tình hình tài chính, nguồn nhân lực, vị trí của mình… và tìm hiểu mức độ ảnh hưởng khi triển khai các quy tắc phát triển bền vững ESG vào hoạt động của doanh nghiệp.

Thứ hai, thiết lập chiến lược: Dựa trên 3 trụ cột môi trường - xã hội - quản trị của ESG, doanh nghiệp lên ý tưởng và thiết lập chiến lược phù hợp. Doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch dựa trên các chỉ số và tiêu chí để theo dõi quá trình phát triển và đánh giá tác động, chẳng hạn như lượng năng lượng tiêu thụ, khí thải carbon, tỷ lệ tái chế. Từ đó, họ có thể đề ra các chiến lược sử dụng tài nguyên một cách hợp lý và hiệu quả nhằm giảm thiểu lãng phí và tăng cường giá trị. Việc áp dụng công nghệ và quy trình sản xuất hiện đại có thể giúp cắt giảm lượng chất thải, nước và năng lượng đang sử dụng. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng nên phát triển các kế hoạch cho chuỗi cung ứng và hợp tác với các đối tác để nâng cao hiệu suất và giảm thiểu tác động tới môi trường. Những mối quan hệ hợp tác bền vững sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện phát triển bền vững hiệu quả hơn, đồng thời mở ra cơ hội kinh doanh mới và nâng cao thương hiệu của công ty.

Thứ ba, xây dựng lộ trình chuyển đổi: Nhằm giúp quá trình thực thi thuận lợi hơn thì xây dựng lộ trình chuyển đổi các mô hình trong các doanh nghiệp là việc hết sức cần thiết. Đây cũng là căn cứ quan trọng để các nhân sự thích nghi và phối hợp thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Thứ tư, triển khai phát triển bền vững: Trước khi thực hiện, doanh nghiệp cần tổng hợp lại các yếu tố cần điều chỉnh và nhân sự liên quan nhằm đảm bảo tiến độ và khả năng thành công. Trong quá trình thực hiện các giải pháp phát triển bền vững theo kế hoạch đã đề ra, doanh nghiệp nên khuyến khích và thông báo nội bộ một cách thường xuyên để nhân viên hiểu rõ và có động lực cho sự phát triển bền vững thật sự.

Thứ năm, đánh giá, báo cáo và tối ưu: Để đảm bảo chiến lược phát triển bền vững đạt hiệu quả, doanh nghiệp cần thực hiện việc theo dõi và đánh giá thường xuyên. Việc này giúp xác định các điểm mạnh và yếu, từ đó cải thiện hiệu suất và tối ưu hóa quy trình. Các công cụ và phương pháp đánh giá có thể bao gồm theo dõi tiến độ đối với các mục tiêu bền vững đã đề ra, đánh giá tác động môi trường, kiểm tra sự tuân thủ quy định, khảo sát ý kiến khách hàng… Cuối cùng, doanh nghiệp cần truyền đạt thông tin về ESG đến các tổ chức liên quan và cộng đồng để thể hiện nỗ lực phát triển bền vững của mình với khách hàng, đối tác và cổ đông.

Một doanh nghiệp khó có thể phát triển bền vững nếu hoạt động độc lập; cần phải có sự kết nối chặt chẽ trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Do vậy, nhiều chuyên gia khuyến nghị rằng mỗi doanh nghiệp nên hành động quyết liệt hơn và cần hợp tác để cùng nhau thúc đẩy sự phát triển bền vững, đồng thời cùng với cộng đồng tham gia vào nỗ lực này.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)