Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) đặt ra mục tiêu đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt 50%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%. Trong các năm gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và hậu đại dịch, các vấn đề địa chính trị thế giới có nhiều diễn biến bất thường, tác động không nhỏ tới nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh suy giảm của nền kinh tế thế giới, sản xuất gặp nhiều khó khăn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nguồn vốn eo hẹp… Mặc dù chịu sự tác động nặng nề nhưng với những chủ trương, chính sách kịp thời, nền kinh tế Việt Nam vẫn được quốc tế đánh giá là có sự tăng trưởng nhanh, bền vững. Tuy vậy, diễn biến về tăng TFP các năm gần đây có xu hướng chậm lại, đòi hỏi cần kịp thời có lời giải cho bài toán này, để đạt và vượt các mục tiêu mà Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) đã đặt ra.
Từ năm 2015 đến nay, thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, vai trò của nâng cao năng suất đã được khẳng định, trở thành nội dung rất then chốt. Cụ thể, mục tiêu cải thiện TFP đã đề cập trong các quyết định như: Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/05/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”; Nghị quyết số 05-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong đó đưa ra mục tiêu: “Năng suất TFP đóng góp vào tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 30-35%”; Quyết định số 36/QĐ-TTG ngày 11/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030.
Dấu hiệu TFP tăng chậm lại
Để thực hiện các mục tiêu cải thiện năng suất, chất lượng, nhiều chính sách, chương trình, hoạt động nhằm nâng cao năng suất đã được thực thi ở các bộ/ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Thông qua đó, các kết quả cải tiến năng suất đã được ghi nhận. TFP không ngừng được cải thiện, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của nền kinh tế đất nước.
Theo Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2011-2015, TFP đóng góp khoảng 33,5% vào tăng trưởng kinh tế, đến giai đoạn 2016-2020, TFP đóng góp khoảng 45,42%. Năm 2021, TFP tiếp tục gia tăng và đóng góp khoảng 37,5%, năm 2022, TFP đóng góp khoảng 43,8% và năm 2023 đóng góp 44,8% vào tăng trưởng kinh tế.
Theo các chuyên gia, mức đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế đã giảm mạnh trong các năm 2020, 2021 là do nền kinh tế Việt Nam ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, trong đó bao gồm các biện pháp chống dịch đã khiến cho các hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều địa phương trên cả nước bị gián đoạn.
Kể từ năm 2022-2023, khi nền kinh tế được phục hồi, đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế cũng đã tăng lên, nhưng mức đóng góp vẫn thấp hơn giai đoạn 2016-2020. Điều đó cho thấy, mặc dù các hoạt động kinh tế đã được phục hồi nhưng chất lượng tăng trưởng vẫn chưa được cải thiện rõ nét so với giai đoạn trước. Thậm chí, có một số doanh nghiệp, lĩnh vực còn chịu ảnh hưởng nặng nề cho tới hiện nay, điều này cũng làm ảnh hưởng không nhỏ, kéo TFP tăng chậm lại.
Giai đoạn từ năm 2021-2023, đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế chưa đạt được mục tiêu mong muốn, nhưng nhìn chung, TFP vẫn đang tiếp tục gia tăng, có sự đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của nền kinh tế. Điều này có được là do Việt Nam đã có những biện pháp, chính sách kịp thời nhằm sử dụng hiệu quả nguốn vốn và lực lượng lao động trong nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu mà Chiến lược phát triển kinh tế 2021-2030 đề ra về TFP và thúc đẩy cho TFP tăng trưởng thì cần đẩy mạnh hơn nữa chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng sang chiều sâu, dựa vào tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao, phát triển các lĩnh vực tạo giá trị gia tăng cao.
Điểm sáng của khu vực
Cũng giống như các yếu tố ảnh hưởng tới năng suất lao động, các yếu tố ảnh hưởng tới TFP cũng có yếu tố khách quan và chủ quan. Bối cảnh kinh tế khó khăn cũng đã làm suy giảm động lực phát triển kinh tế. Cải thiện TFP cũng góp phần tác động tới tăng năng suất lao động. Trong hai yếu tố tác động cải thiện năng suất lao động bao gồm trang bị vốn trên lao động và TFP, số liệu cho thấy, trang bị vốn trên lao động gia tăng liên tục với tốc độ tăng cao, kể cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và góp phần đáng kể vào tăng năng suất lao động.
Trong giai đoạn 2010-2019, nền kinh tế của châu Á đã tăng trưởng TFP vào khoảng 1,3%/năm, trong đó Việt Nam tăng trưởng TFP đứng thứ 2 của khu vực (sau Malaysia). Theo đánh giá của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), trong khi nhiều nền kinh tế có tốc độ tăng TFP âm, thì Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng TFP dương và thuộc nhóm các nước tăng TFP cao nhất. Với tốc độ tăng TFP bình quân 1,8%/năm (2010-2020), Việt Nam là nước có sự thay đổi về TFP nhanh nhất so với các nước đã phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và so với các nước đang phát triển khác ở khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Philippines. Tốc độ tăng trưởng TFP cao cho thấy khoa học, công nghệ, kỹ năng, trình độ lao động, trình độ quản lý được cải thiện rõ nét. Đây là kết quả tích cực của các nỗ lực thay đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Các nguồn tăng trưởng kinh tế theo quốc gia và khu vực, tính trung bình từ năm 2000 đến năm 2021, tăng trưởng GDP 5,1% của châu Á 25, bao gồm 0,1 (vốn công nghệ thông tin (CNTT) + 2,8 (vốn phi CNTT) + 0,4 (tăng giờ lao động) + 0,5 (tăng chất lượng lao động) + 1,3 (tăng trưởng TFP). Những điều này cho thấy, 59% tăng trưởng kinh tế của châu Á 25 đạt được nhờ tích lỹ vốn (54% cho lĩnh vực phi CNTT và 5% cho vốn CNTT), cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng TFP với tỷ lệ đóng góp 25%, cho thấy vai trò quan trọng của tích lỹ vốn trong tăng trưởng kinh tế.
Một số giải pháp cải thiện TFP quốc gia
Tại Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30/07/2024 của Ban Bí thư cho thấy, hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng bước đầu góp phần thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng kỹ thuật quan trọng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá, của các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế.
Để thúc đẩy tăng trưởng, tăng TFP, theo các chuyên gia cần tập trung vào một số nội dung cụ thể như sau:
Một là, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế thông qua tăng cường tích lũy vốn và đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực.
Hai là, Nhà nước phối hợp với nhà đầu tư nước ngoài đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của phát triển trong tình hình mới.
Ba là, nâng cao năng lực của hệ thống quản trị, phương thức sản xuất của các doanh nghiệp/cơ sở sản xuất kinh doanh để tạo ra năng suất cao hơn.
Bốn là, nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư, tạo cơ hội việc làm và tạo điều kiện cho doanh nghiệp/cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động năng suất, hiệu quả.
Năm là, phát triển ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tăng cường chuyển giao công nghệ, sản phẩm và quá trình, đào tạo phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, tiếp tục tăng đầu tư nguồn lực về vốn, cơ sở hạ tầng.