Chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam theo WEF
Theo Báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2017-2018[1] vừa được WEF công bố, chỉ số GCI của Việt Nam là 4.4, xếp hạng thứ 55 trên tổng số 137 nền kinh tế có số liệu được WEF đánh giá. Chỉ số GCI được tính từ 12 chỉ số thành phần (mà WEF gọi là trụ cột). Các chỉ số này được phân vào ba nhóm như trong bảng 1.
Bảng 1. Các chỉ số thành phần của GCI.
Nhóm A:
Các yêu cầu căn bản
|
1. Thể chế, 2. Hạ tầng cơ sở, 3. Môi trường kinh tế vĩ mô, 4. Sức khỏe và giáo dục tiểu học.
|
Nhóm B:
Các yếu tố làm tăng hiệu quả
|
5. Giáo dục đại học và đào tạo, 6. Hiệu quả của thị trường hàng hóa, 7. Hiệu quả của thị trường lao động, 8. Sự phát triển của thị trường tài chính, 9. Sự sẵn sàng công nghệ, 10. Quy mô của thị trường.
|
Nhóm C:
Đổi mới và sự tinh vi
|
11. Sự tinh vi trong kinh doanh, 12. Đổi mới.
|
12 trụ cột được đánh giá với điểm số từ 1 đến 7 (cao nhất). Chỉ số của mỗi nhóm A, B, C là trung bình cộng của các chỉ số thành phần trong nhóm đó. GCI là tổ hợp tuyến tính của điểm số của ba nhóm với các trọng số được WEF xác định tùy trình độ phát triển của nền kinh tế theo bảng 2, trong đó GCI của Việt Nam được tính với các trọng số trong cột Giai đoạn I.
Bảng 2. Trọng số của mỗi nhóm qua các giai đoạn.
|
Giai đoạn I
|
Chuyển tiếp
|
Giai đoạn II
|
Chuyển tiếp
|
Giai đoạn III
|
Ngưỡng GDP/người
|
< 2000 USD
|
2000 - 2999
|
3000 - 8999
|
9000 - 17000
|
> 17000
|
Trọng số nhóm A
|
0,6
|
0,6 - 0,4
|
0,4
|
0,4 - 0,2
|
0,2
|
Trọng số nhóm B
|
0,35
|
0,35 - 0,5
|
0,5
|
0,5
|
0,5
|
Trọng số nhóm C
|
0,05
|
0,05 - 0,1
|
0,1
|
0,1-0,3
|
0,3
|
Biểu đồ ở hình 1 so sánh GCI của Việt Nam với GCI bình quân của các nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương năm 2017. Chỉ tiêu GCI của Việt Nam được so sánh với Singapore (hạng 2 trên 137), với bình quân của ASEAN 9 (thiếu Myanmar vì không có số liệu) và của ASEAN 6 (không có Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar) thể hiện trong hình 2.
Hình 2 cho thấy, trừ trụ cột thứ 10 - Quy mô của thị trường, 11 trụ cột còn lại của Việt Nam đều thấp hơn Singapore, ASEAN 6 và cả ASEAN 9. Như vậy, dù có bước tiến, GCI của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước ASEAN 6, chỉ đứng trên Campuchia, Lào, Philippines (năm 2017) và Myanmar không có số liệu.
So với năm 2016, GCI của Việt Nam tăng 0,1 về điểm số và tăng 5 bậc về thứ hạng. Đây là một kết quả tích cực. Bảng số liệu và sơ đồ (hình 3) cung cấp dữ liệu để đánh giá diễn biến của GCI Việt Nam trong 12 năm (2006-2017).
Bảng số liệu và sơ đồ trong hình 4 cung cấp cận cảnh diễn biến của các trụ cột của Nhóm A - Các yêu cầu cơ bản.
Sức khỏe và giáo dục tiểu học đóng góp nhiều nhất vào điểm số nhóm A. Hạ tầng cơ sở có điểm số xuất phát rất thấp, 2,61 năm 2006, tăng trưởng đều nhưng có xu hướng chậm lại từ năm 2015. Điểm số của Thể chế tăng đều từ 2006 đến 2009, giảm từ 2009 đến 2014, rồi tăng từ năm 2015, và 2017 có điểm số thấp nhất trong nhóm. Môi trường kinh tế vĩ mô có điểm số tăng giảm không đều và có xu thế tốt lên trong năm 2017 (hình 4).
Giáo dục đại học và đào tạo xuất phát thấp năm 2006, tăng đều đến nay trừ năm 2011 (hình 5). Các trụ cột về thị trường trồi sụt không đều, rõ nhất là Sự phát triển thị trường tài chính. Hiệu quả thị trường lao động liên tục giảm từ năm 2010. Quy mô thị trường có xu hướng tăng từ năm 2008. Trụ cột Sự sẵn sàng công nghệ thấp nhất và rất thấp.
Điểm số của hai trụ cột Sự tinh vi trong kinh doanh và Đổi mới đều thấp và diễn biến khi trồi khi sụt, đạt điểm số cao nhất vào năm 2009, 2010 (hình 6). Điểm số của nhóm C thấp, dưới 3.70, trong 12 năm qua, lúc lên lúc xuống, lên lại từ năm 2014. Điều này phản ánh tăng trưởng của Việt Nam còn dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và lao động giản đơn.
Dù có bước tiến, nhưng GCI của Việt Nam vẫn còn thấp, nhất là khi so với mục tiêu cụ thể đặt ra tại Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Vậy trong thời gian tới cần làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế? Đâu là dư địa cho GCI tăng trưởng?
Qua nhìn nhận từ các bảng số liệu trong 12 năm qua, các trụ cột Thể chế, Sự sẵn sàng công nghệ, Mức độ tinh vi trong kinh doanh, Đổi mới sáng tạo, Giáo dục đại học và đào tạo đang kìm hãm năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Đối với trụ cột Thể chế mà điểm số trong suốt 12 năm chưa bao giờ vượt qua 3,93 tác giả đã phân tích các yếu tố hạn chế cần tháo gỡ[2].
Sự sẵn sàng công nghệ đạt điểm số trung bình năm 2016 và 4,0 năm 2017. Đây là một bước tiến dài. Trụ cột này rất quan trọng vì nó thể hiện sự nhạy bén của nền kinh tế đối với các công nghệ hiện có và sẽ ra đời để nâng cao năng suất của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nếu được chọn lọc tốt khi cấp giấy phép đầu tư, là một kênh mạnh để nâng cao Sự sẵn sàng công nghệ.
Mức độ tinh vi trong kinh doanh có điểm số không cao (3,7), xếp thứ hạng 100/137. Trụ cột này liên quan đến hai yếu tố: Chất lượng của các mạng lưới kinh doanh tổng thể của quốc gia, và chất lượng hoạt động và chiến lược của từng doanh nghiệp. Hai yếu tố này gắn kết tốt với nhau sẽ mở đường cho Đổi mới sáng tạo. Do vậy, cần tập trung phát triển yếu tố này.
Điểm số của Đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong 12 năm qua rất thấp, chưa bao giờ vượt ngưỡng 3,50, phản ánh giai đoạn phát triển của nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, Đổi mới sáng tạo không chỉ là “quả” của trình độ phát triển của nền kinh tế mà còn là “nhân”. Cần có môi trường thuận lợi cho nó phát triển. Môi trường đó, còn được gọi là “hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo”, bao gồm ít nhất các yếu tố: Thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở nghiên cứu, đầu tư (công và tư) cho nghiên cứu và phát triển, cơ chế và chính sách.
Giáo dục đại học và đào tạo là một kênh chủ lực tạo nên chất lượng của nguồn nhân lực. Trụ cột này đạt điểm số cao nhất trong 12 năm là 4,11 năm 2016 và tụt xuống 4,10 năm 2017, chỉ cao hơn Campuchia và Lào, thấp hơn Singapore đến 2,2 điểm. Rõ ràng giáo dục đại học và dạy nghề là một tồn tại đã nhiều năm chưa được giải quyết.
Cuối cùng, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, không tách rời nhiệm vụ giữ gìn và thu hút tài năng. Cần nhìn tổng thể nguồn nhân lực, sức cạnh tranh quốc gia, đổi mới sáng tạo quốc gia, cuộc chiến giành giật tài năng giữa các quốc gia để có chính sách, chiến lược và biện pháp ứng phó thích hợp. Nhiệm vụ ứng phó của các quốc gia trong bối cảnh đó - theo tác giả - là tạo môi trường thuận lợi để giữ tài năng ở lại và mặt khác thu hút tài năng, sao cho cán cân tài năng giữa phần “chảy đi” và phần “thu hút về” trở nên có lợi nhất cho đất nước về số lượng cũng như về chất lượng.
[1]World Economic Forum, Global Competitiveness Report 2017-2018, Klaus Schwab Editor,
https://www.weforum.org/reports/the-global-competitiveness-report-2017-2018.
[2]Nguyễn Ngọc Trân, Việt Nam: Những nhân tố hạn chế sự tăng trưởng của chỉ số cạnh tranh toàn cầu, 04/11/2016, http://tiasang.com.vn/-dien-dan/Viet-Nam-Nhung-nhan-to-han-che-su-tang-truong-cua-chi-so-canh-tranh-toan-cau-10177.