Thứ tư, 10/01/2018 13:49

KH&CN 2017 - Một năm đầy khởi sắc

Hương Giang

Trong không khí phấn khởi chuẩn bị đón Xuân Mậu Tuất 2018, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động KH&CN năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018. Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương, đại diện các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp và lãnh đạo 63 Sở KH&CN trong cả nước. Hội nghị đã diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp cho ngành KH&CN.

Những con số khởi sắc

Mở đầu Hội nghị là báo cáo đánh giá các kết quả KH&CN năm 2017 trên các mặt công tác do Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc trình bày. Theo đó, hệ thống pháp luật về KH&CN trong năm qua đã tiếp tục được hoàn thiện theo hướng gắn kết và phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong chuyển giao, đổi mới công nghệ; hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; chuyển mạnh công tác quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu sang chế độ hậu kiểm. Bên cạnh việc ban hành 15 Thông tư để tăng cường công tác quản lý nhà nước, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện để Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), 8 Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 13 Quyết định, 1 Chỉ thị.

Năm 2017, các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã bám sát và cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng XII, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030, áp dụng các quan điểm lý luận cơ bản vào thực tiễn đời sống trong bối cảnh mới. Qua đó, đã góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng; đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả hệ thống chính trị; đề xuất các chủ trương, chính sách lớn nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; chỉ ra được những rào cản về thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh, năng lực đổi mới, sáng tạo...

Trong phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động KH&CN đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng ở các lĩnh vực. Đó là đã đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; mức độ tăng trưởng số lượng máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp tăng 1,5-2% so với với năm trước. Việc thúc đẩy công tác chọn tạo giống cây trồng đã giúp giảm tỷ lệ giống cây trồng phải nhập khẩu chỉ còn khoảng 20% (so với 70% vào những năm 2000); trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, 100% diện tích điều trồng mới sử dụng giống do Việt Nam sản xuất. Năng suất lúa của Việt Nam cao nhất trong các nước ASEAN, năng suất cà phê (sau Brazil) và cao su (sau Ấn Độ) đứng thứ hai trên thế giới, năng suất cá tra và hồ tiêu đứng đầu thế giới. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp đã xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp đăng ký hoạt động KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, điển hình như: Tập đoàn TH True Milk, VinEco, Lộc Trời, Công ty Giống thủy sản Việt Úc…

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, KH&CN tiếp tục khẳng định được vai trò động lực, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của ngành, giải quyết những vấn đề cấp thiết, trọng tâm, trọng điểm. KH&CN đã đóng góp đáng kể vào thành tích hoàn thành vượt mức chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) là 9,4%, cao hơn mức tăng của năm 2016, điển hình là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng 14,5%. Hiện nay, Việt Nam đã sản xuất được nhiều sản phẩm có chất lượng tương đương với nước ngoài như: Hệ thống thiết bị lọc bụi tĩnh điện cho nhà máy nhiệt điện công suất 600 MW; thiết bị cơ khí thủy công cho các dự án thủy điện công suất lớn; thiết kế, chế tạo được nhiều loại bơm đặc thù và công suất lớn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Các nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa trong khai thác than hầm lò, chế tạo giàn chống thủy lực di động 2ANSHA nâng công suất khai thác lên gấp 2 lần, giảm chi phí 7 lần và giảm 16% tổn thất… Nhờ có các dịch vụ công nghệ thông tin - truyền thông rộng khắp, hiện đã có 95% dân số được cung cấp vùng phủ sóng 4G do Viettel, VinaPhone, MobiFone làm chủ nghiên cứu sản xuất trạm eNode 4G…

Trong lĩnh vực y tế, việc ứng dụng các kết quả KH&CN tiên tiến đã góp phần không nhỏ trong công tác bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh. Các kỹ thuật sinh học phân tử hiện đại đã được sử dụng trong chẩn đoán các bệnh nguy hiểm như Thalassemia, loạn dưỡng cơ Duchenne, bệnh huyết tán bẩm sinh, SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, cúm A/H7N9. Việt Nam đã nghiên cứu và làm chủ được quy trình sản xuất một số thuốc bằng công nghệ sinh học như thuốc điều trị viêm gan B, viêm gan C, thiếu máu, giảm bạch cầu, viêm khớp; ứng dụng thành công một số công nghệ tiên tiến trong sử dụng đồng vị phóng xạ phục vụ chẩn đoán và điều trị ung thư; làm chủ các quy trình ghép tạng. Trong y tế dự phòng, đã nghiên cứu và sản xuất thành công 10/11 loại vắc xin phục vụ cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, đồng thời giúp đẩy lùi và hạn chế nhiều bệnh truyền nhiễm. Việt Nam là nước thứ 4 tại châu Á và là một trong 43 nước trên thế giới sản xuất được vắc xin phối hợp sởi - rubella, thay thế vắc xin nhập ngoại với giá thành giảm một nửa.

Với quan điểm lấy doanh nghiệp làm trung tâm, các doanh nghiệp KH&CN đã được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, tín dụng đầu tư, thuế thu nhập doanh nghiệp, tạo điều kiện để phát triển, thúc đẩy việc ứng dụng, đưa các kết quả KH&CN vào sản xuất, kinh doanh để tạo ra sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao. Cả nước hiện có 303 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN và khoảng 2.100 doanh nghiệp đạt điều kiện doanh nghiệp KH&CN. Các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã được đẩy mạnh, với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm, 30 cơ sở ươm tạo, 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, do vậy đã góp phần thúc đẩy số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tăng nhanh với hơn 3.000 doanh nghiệp. Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) năm 2017 của Việt Nam đã có bước nhảy vọt khá ấn tượng, từ vị trí 59/128 lên 47/127 nước và nền kinh tế (tăng 12 bậc), đưa Việt Nam trở thành nước dẫn đầu trong số các quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” do Bộ KH&CN xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18/5/2017, nhằm thực hiện các quy định của Luật KH&CN năm 2013 về việc phổ biến kiến thức KH&CN và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Sự khởi động của Đề án vào ngày đầu tiên của năm 2018 hứa hẹn tạo ra một hệ sinh thái toàn diện để tất cả mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam sáng tạo, phát triển các công nghệ tiên tiến trên nền tảng của dữ liệu lớn, Internet kết nối vạn vật, trí thông minh nhân tạo… là những công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực trong cuộc sống.

Bên cạnh những kết quả ghi dấu ấn quan trọng của ngành KH&CN trong năm qua, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém cần được  khắc phục trong thời gian tới như: Thị trường KH&CN còn phát triển chậm; việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN, chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; nhiều cơ quan, tổ chức KH&CN công lập còn e ngại, chưa quyết liệt trong triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm…

Chia sẻ của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp

Các tham luận của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh đã bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo đánh giá các kết quả KH&CN năm 2017 của Bộ KH&CN, đồng thời nhấn mạnh vai trò then chốt của KH&CN trong sự phát triển bền vững của đất nước, tầm quan trọng của công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Theo đánh giá của Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận trung ương Phùng Hữu Phú: “Chúng ta đã đi qua năm 2017 với một âm hưởng rất vui”, đạt và vượt kế hoạch 13/13 chỉ tiêu cơ bản, trong đó có sự đóng góp thiết thực của ngành KH&CN. Đồng chí Phùng Hữu Phú cũng bày tỏ mong muốn, trong những năm tới có sự quan tâm nhiều hơn nữa đến lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, lý luận chính trị, tập trung vào nghiên cứu những vấn đề lớn như: Sự tác động của cuộc Cách mạng 4.0 tới cách nghĩ, cách làm, cách sống của con người hiện đại; quản trị xã hội, quản trị thông minh, cư dân thông minh…

Các ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến cũng bổ sung những thành quả rất đáng khích lệ trong việc áp dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp ở những nơi xa xôi, khó khăn nhất, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người nông dân như việc hình thành những hội quán nông dân ở Đồng Tháp - nơi kết nối tri thức, giao lưu, trao đổi giữa những người nông dân với các công nghệ hiện đại; dự án cấp nước không dùng điện cho đồng bào vùng cao và các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Hà Giang (gạo Xín Mần, cam sành, mật ong Mèo Vạc, hồng không hạt Quản Bạ). Đại diện cho ngành y tế, Giám đốc Học viện Quân y Đỗ Quyết phấn khởi thông báo Việt Nam đã có mặt trên bản đồ ghép tạng của thế giới, có thể ghép được các tạng khó nhất, đồng thời đề xuất thêm các chương trình nghiên cứu trong lĩnh vực y tế dự phòng, y học thảm họa để chuẩn bị những biện pháp đối phó khi có tình huống xảy ra.

Đại diện cho giới doanh nghiệp là các ý kiến của Tổng giám đốc AGRIMECO Lê Văn An, Tổng giám đốc Vietnam Food Phan Thanh Lộc, Giám đốc Trung tâm cổ phần Trí tuệ AMI Lê Hoàng Nhật. Đây là những doanh nghiệp đã nghiên cứu, chế tạo nhiều sản phẩm làm lợi hàng ngàn tỷ đồng cho đất nước (xy lanh thủy lực dùng cho đóng mở van lớn trong các công trình thủy điện), áp dụng công nghệ sinh học không phế thải (xử lý phụ phẩm tôm thành các sản phẩm dược phẩm, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón), phát triển những thiết bị kết nối Internet, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hướng tới một quốc gia Việt Nam thông minh (Citizen Rank).

4 trụ cột cần đổi mới, 3 đột phá cần tập trung, 5 vấn đề cần lưu ý

Sau khi lắng nghe tất cả các ý kiến trao đổi tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao những kết quả, tiến bộ của ngành KH&CN trong năm 2017, từ xây dựng hệ thống pháp luật đến các nghiên cứu cơ bản, ứng dụng công nghệ cao trong công nghiệp, nông nghiệp, y tế, biểu dương tinh thần quốc gia khởi nghiệp đang phát triển rộng khắp. Từ những điểm còn hạn chế, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&CN chú trọng 4 trụ cột cần đổi mới: 1) KH&CN phải góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong nông nghiệp, nông thôn, phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh; 2) Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo mạnh mẽ ở tất cả các tỉnh, thành phố; 3) Đẩy mạnh việc ứng dụng và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, chú trọng phát triển doanh nghiệp KH&CN; 4) KH&CN phải góp phần nâng cao năng suất chất lượng, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thủ tướng chỉ rõ, trong giai đoạn tới, ngành KH&CN cần tập trung vào 3 đột phá sau: 1) Đột phá thể chế chính sách, xóa bỏ tư duy hành chính hóa khoa học, có các biện pháp đổi mới mạnh mẽ hơn; 2) Đột phá trong phương thức đầu tư, cơ chế đặt hàng cho KH&CN, tập trung đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, huy động đầu tư của xã hội cho KH&CN với tỷ lệ cao hơn; 3) Đột phá trong sử dụng, trọng dụng cán bộ KH&CN, có cơ chế tài chính thu hút các nhà khoa học nước ngoài về làm việc tại Việt Nam.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ KH&CN trong giai đoạn tới, Thủ tướng nêu 5 vấn đề cần lưu ý: 1) Chủ động phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, đồng bộ; 2) Tập trung đầu tư cho các vấn đề KH&CN phục vụ phát triển những vùng kinh tế trọng điểm của đất nước; 3) KH&CN phải gắn với yêu cầu của hội nhập quốc tế, thích ứng với nền kinh tế quốc tế; 4) Đảm bảo tính bền vững trong hoạt động KH&CN, giao trách nhiệm rõ hơn, có bước đi, lộ trình phát triển cụ thể, chú trọng cả khoa học công nghệ, kỹ thuật và khoa học xã hội - nhân văn; 5) Không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của cán bộ KH&CN.

Thay mặt các cán bộ, công chức, viên chức ngành KH&CN, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến sự quan tâm, gợi mở của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với ngành KH&CN, hứa sẽ nỗ lực chỉ đạo toàn ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ của năm 2018, đồng thời tỏ rõ tinh thần quyết liệt hành động theo phương châm: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)