Đảng bộ Cục SHTT là tổ chức đảng cơ sở trực thuộc Đảng ủy Bộ Khoa học và Công nghệ, gồm 122 đảng viên, sinh hoạt tại 9 chi bộ trực thuộc. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy Cục đã phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với Cục SHTTT thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao, bám sát Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Cục SHTT lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025 và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lưu Hoàng Long phát biểu tại Đại hội.
Theo Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục SHTT Lưu Hoàng Long, Đại hội diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi cả nước đang quyết liệt triển khai công cuộc cải cách, sắp xếp bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Cục đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu đề ra, thể hiện sự nỗ lực và chuyển biến rõ nét trong hoạt động.
Công tác xây dựng chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ
Trong nhiệm kỳ, Đảng ủy Cục đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về SHTT, nổi bật là việc chủ trì nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật SHTT (sửa đổi) năm 2022 và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực SHTT.
Việc triển khai Chiến lược SHTT quốc gia và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 được tổ chức thực hiện đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với các chương trình phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ lực ở cả cấp Trung ương và địa phương, tạo nền tảng thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đảng ủy Cục đã chú trọng chỉ đạo công tác rà soát, đánh giá, cập nhật chính sách nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn và thích ứng linh hoạt với các xu thế mới như thương mại hoá tài sản trí tuệ trong môi trường số, công nghệ mới nổi, bảo đảm sự đồng bộ với các định hướng lớn của Đảng được nêu trong các Nghị quyết số 57, Nghị quyết 66, Nghị quyết 68. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về SHTT tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức, góp phần nâng cao nhận thức xã hội, thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Công tác tiếp nhận, xử lý đơn sở hữu công nghiệp
Giai đoạn 2020-2024, công tác tiếp nhận, xử lý đơn và cấp văn bằng sở hữu công nghiệp đạt nhiều kết quả nổi bật, thể hiện bước tiến rõ rệt về cải cách thủ tục hành chính và hiệu quả chuyên môn. Cục đã tiếp nhận trên 707.000 đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, tăng 34,4% so với giai đoạn 2015-2019; xử lý hơn 617.800 đơn, tăng 45,2%; cấp 212.370 văn bằng bảo hộ, tăng tương ứng 45,2%. Những kết quả này cho thấy nỗ lực cải tiến quy trình, nâng cao năng lực xử lý và khẳng định vai trò của SHTT trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đảng ủy Cục đã lãnh đạo, chỉ đạo Cục SHTT quyết liệt thực hiện các giải pháp để nâng cao năng lực thẩm định, triển khai tiếp nhận đơn trực tuyến, sử dụng phần mềm WIPO IPAS và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chia sẻ kết quả thẩm định đơn. Tuy nhiên, số lượng đơn tăng nhanh trong khi năng lực thẩm định còn hạn chế, dẫn đến tồn đọng lớn và kéo dài thời gian xử lý.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành xử lý toàn bộ đơn tồn trước ngày 31/10/2025, Đảng ủy, Lãnh đạo Cục đã ban hành các Nghị quyết liên tịch với nhiều giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, tập trung vào phân công nhiệm vụ cụ thể, rà soát lại quy trình nghiệp vụ, bổ sung nhân lực hỗ trợ, ứng dụng công nghệ và tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị quan trọng này.
Công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ
Trong nhiệm kỳ, công tác quản lý nhà nước về SHTT tiếp tục được tăng cường theo hướng đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Với vai trò cơ quan đầu mối quốc gia, Cục SHTT đã thực hiện tốt chức năng quản lý và điều phối toàn hệ thống trên phạm vi cả nước; chủ động phối hợp các bộ, ngành và địa phương triển khai Luật SHTT, Chiến lược SHTT đến năm 2030 và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ.
Giai đoạn 2020-2024, Cục đã tổ chức 4 Hội nghị toàn quốc về quản lý SHTT, tạo diễn đàn quan trọng trao đổi chính sách, tháo gỡ vướng mắc và định hướng thống nhất hoạt động quản lý từ trung ương đến địa phương.
Công tác quản lý hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp được chú trọng, tăng cường, với hàng trăm cá nhân, tổ chức được cấp chứng chỉ hành nghề, nâng tổng số lên 587 cá nhân và 346 tổ chức, đồng thời tăng cường hậu kiểm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Cục cũng đẩy mạnh phát triển đội ngũ giám định viên SHTT, tổ chức kỳ kiểm tra nghiệp vụ và cấp thẻ hành nghề cho 6 người.
Song song, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về sở hữu công nghiệp và số hóa thông tin tiếp tục được đẩy mạnh. Cục tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu với bộ, ngành, địa phương nhằm hiện đại hóa công tác quản lý và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công về SHTT.
Công tác hỗ trợ bảo đảm thực thi quyền sở hữu trí tuệ
Trong nhiệm kỳ, công tác hỗ trợ thực thi quyền SHTT tiếp tục được Cục triển khai chủ động, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của chủ thể quyền và tăng cường hiệu lực pháp luật. Giai đoạn 2020-2024, Cục đã cung cấp trên 1.200 ý kiến chuyên môn hỗ trợ các cơ quan thực thi, tòa án và các bên liên quan trong điều tra, xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp về quyền SHTT. Cục đã phối hợp tổ chức hơn 30 hội nghị, tập huấn chuyên sâu cho lực lượng thực thi và doanh nghiệp, tập trung vào các nội dung mới như xâm phạm quyền trong môi trường số, thương mại điện tử. Đồng thời, Cục tích cực tham gia các mạng lưới thực thi khu vực, chia sẻ chuyên gia với WIPO, JPO, EUIPO…, qua đó nâng cao năng lực xử lý vi phạm và nhận thức pháp lý trong cộng đồng và hệ thống thực thi.
Nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ
Công tác tuyên truyền, đào tạo về SHTT được Đảng ủy Cục quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ, sâu rộng. Trong giai đoạn 2020-2024, Cục đã tổ chức 312 lớp tập huấn, hội thảo, khóa đào tạo, thu hút trên 13.000 lượt người tham gia là cán bộ quản lý, doanh nghiệp, nông dân, sinh viên và công chức chuyên môn.
Hoạt động truyền thông gắn với Ngày SHTT thế giới (26/4) được tổ chức thường niên với quy mô lớn, chủ đề thiết thực, thu hút đông đảo cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Cục cũng đã ký kết hơn 20 thỏa thuận hợp tác với các trường đại học lớn, đưa nội dung SHTT vào chương trình giảng dạy và tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên môn. Đặc biệt, từ năm 2023, Cục phối hợp với WIPO triển khai chương trình đào tạo giảng viên nguồn về SHTT, tạo nền tảng lan tỏa kiến thức trong hệ thống giáo dục và khoa học. Một số mô hình tiêu biểu như “Tư vấn SHTT tại địa phương”, “Hội thi tìm hiểu SHTT cho thanh niên, sinh viên” đã góp phần thúc đẩy hình thành văn hóa SHTT trong cộng đồng.
Công tác hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ
Công tác phát triển tài sản trí tuệ được triển khai đồng bộ, hiệu quả thông qua Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, với vai trò điều phối, thường trực của Cục SHTT. Trong 5 năm qua, đã có trên 600 nhiệm vụ cấp quốc gia và 1.500 nhiệm vụ cấp địa phương được thực hiện, tập trung vào xác lập, quản lý và khai thác quyền SHTT chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, sáng chế, giải pháp hữu ích và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc thù, chủ lực địa phương. Trên 60 tỉnh, thành phố đã ban hành cơ chế hỗ trợ riêng, từng bước hình thành mạng lưới hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cấp địa phương.
Cục cũng chủ động thúc đẩy kế hoạch phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Bộ Công Thương trong phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm chủ lực và đặc sản địa phương và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài. Mạng lưới TISC tiếp tục được duy trì, mở rộng, hỗ trợ viện, trường, doanh nghiệp trong đăng ký và khai thác tài sản trí tuệ. Các hoạt động truyền thông, tư vấn, tập huấn và truy xuất nguồn gốc được lồng ghép đồng bộ, góp phần nâng cao năng lực quản trị và khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ trong toàn xã hội.
Bên cạnh đó, công tác hội nhập quốc tế về SHTT đạt nhiều kết quả quan trọng, thể hiện vai trò nòng cốt của Cục SHTT trong đàm phán, thực thi và nội luật hóa các cam kết về SHTT trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA. Giai đoạn 2020-2024, Cục đã trực tiếp tham gia hơn 50 phiên đàm phán và đối thoại kỹ thuật song phương, đa phương liên quan đến SHTT, góp phần quan trọng trong việc đàm phán thành công và ký kết các hiệp định này.
Trong nhiệm kỳ sắp tới 2025-2030, Đảng bộ Cục xác định phương hướng xuyên suốt là: Tăng cường xây dựng Đảng trên tất cả các mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức - cán bộ và đạo đức; đổi mới phương thức lãnh đạo, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Một số mục tiêu cụ thể về nhiệm vụ chính trị được đặt ra, bao gồm: 100% thủ tục hành chính về SHTT được cung cấp trực tuyến toàn trình; 100% hồ sơ được xử lý trên môi trường điện tử; 100% cán bộ, đảng viên làm việc trên các hệ thống nghiệp vụ điện tử; phấn đấu xây dựng Cơ quan "không giấy tờ" vào năm 2030.

Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Hương Giang
Phát biểu tại Đại hội, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Hương Giang đã đánh giá cao những kết quả nổi bật của Đảng bộ Cục SHTT đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua. Đồng chí đề nghị Đảng bộ tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, phát triển tài sản trí tuệ và hoàn thiện tổ chức bộ máy. Đồng chí tin tưởng, với tinh thần đoàn kết, đổi mới và quyết tâm cao, Cục SHTT sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành thành tựu to lớn hơn nữa, đóng góp tích cực cho Bộ và sự phát triển đất nước.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Cục SHTT nhiệm kỳ 2025-2030 gồm 7 đồng chí. Đồng chí Lưu Hoàng Long tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy Cục.
CT