Đất nước đang vào Xuân. Chúng ta mong muốn được gọi mùa xuân này là Mùa Xuân Khởi nghiệp và Đổi mới. Bởi vì chúng ta cũng mong muốn những cuộc khởi nghiệp rộn ràng diễn ra từ mọi nẻo đường của đất nước.
Cũng bởi vì trước khi bước vào năm nay, chúng ta đã đọc được rất nhiều bài viết về khởi nghiệp và đổi mới, nghe rất nhiều những cuộc trao đổi kinh nghiệm về khởi nghiệp trên các phương tiện truyền thông giữa các CEO trẻ tuổi. Luồng thông điệp khởi nghiệp gây háo hức không chỉ các bạn đồng nghiệp thuộc thế hệ trẻ, mà còn gợi lên mối quan tâm của các thế hệ già, và nhất là lòng mong muốn chia sẻ kinh nghiệm của các nhà kinh doanh dày dạn trên thương trường, những người đã dành hết tâm huyết cho những trăn trở khởi nghiệp và đổi mới, vì họ vẫn đau đáu một kỳ vọng vào sự khởi sắc của đất nước nhờ các sáng kiến từ mỗi con người.
Trong vài thập niên lại đây, ở Việt Nam không thiếu những gương mặt khởi nghiệp thành công. Chúng ta cùng điểm lại ba gương mặt khởi nghiệp với các diễn tiến khởi nghiệp rất khác nhau ở các miền đất nước: Sơn Kova của Nguyễn Thị Hòe khởi nghiệp từ Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Kỹ thuật Nhiệt của Chu Văn Kính khởi nghiệp từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Tập đoàn FPT của Trương Gia Bình khởi nghiệp từ Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam).
Nguyễn Thị Hòe là chủ hãng sơn Kova khởi nghiệp từ một sản phẩm nghiên cứu, lớn lên với một spin-off (entreprise) của Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh.
Chu Văn Kính cũng khởi nghiệp từ một sản phẩm nghiên cứu, phát triển với một spin-off nằm gọn trong lòng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sau đó Chu Văn Kính lại cho ra đời một spin-out (entreprise) tại TP Hồ Chí Minh.
Còn Trương Gia Bình thì lại khác hẳn, người vốn là nhà nghiên cứu đã khởi nghiệp từ một ý tưởng kinh doanh. Ban đầu chỉ là một FPT với nghĩa rất đơn giản, là Food Processing Technology Company, với hình hài hoàn toàn là một spin-off của Viện Khoa học Việt Nam, sau đó trở thành một Công ty cổ phần FPT với một nghĩa hoàn toàn khác: The Corporation of Financing Promoting Technology.
Nói đến khởi nghiệp, cộng đồng rất quan tâm tới việc nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp (Startup ecology). Các nhà nghiên cứu đã hình dung diễn tiến của công cuộc khởi nghiệp tựa như diễn thế sinh thái (Ecology sucession): Khởi nghiệp tựa như sự bắt đầu những loài cây tiên phong giữa hoang mạc hoặc bãi bồi trong diễn thế sinh thái. Đó là sự xuất hiện các loài cây như sú, vẹt, rừng đước và loài cây sau sau. Những loài cây tiên phong tạo tán sum suê và nuôi dưỡng đất trồng cho những loài cây thế hệ con cháu sinh sôi nảy nở.
Thực tế cho thấy, một ý tưởng khởi nghiệp, cũng như một sản phẩm từ phòng thí nghiệm nghiên cứu đi vào sản xuất và thâm nhập thị trường, ngay ở các quốc gia phát triển, không bao giờ suôn sẻ. Sản phẩm ấy luôn phải đi qua những chặng đường gian nan, trước hết là những rào cản tâm lý chính đáng phải đoạn tuyệt với những lề thói quen thuộc xưa cũ, phải dứt tình với những công nghệ truyền thống gắn với cả một cộng đồng những con người của nền công nghệ ấy, những người mà trong cuốn sách Chức năng xã hội của khoa học, John Bernal gọi là nạn thất nghiệp công nghệ. Và cuối cùng là những rào cản từ chính các chính sách không còn thích hợp với công cuộc khởi nghiệp và đổi mới của đất nước.
Kết quả là, xung quanh sự Khởi nghiệp và Đổi mới luôn tạo ra hai dòng người di động ngược chiều nhau: Một dòng người bị thu hút vào cái mới và một dòng người bị cái mới đào thải. Đó là hiện tượng mà các chính sách nhà nước trong đủ mọi lĩnh vực phải đón nhận, bất kể là chính sách KH&CN, chính sách tài chính và chính sách đầu tư, chính sách tiền lương và lao động, chính sách cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Tất cả các chính sách ấy không thể là rào cản ngăn chặn dòng người bị cuốn hút vào cái mới, cũng không thể giữ chân những con người bị cái mới đẩy vào quỹ đạo của công cuộc tái đào tạo để tái hội nhập vào dòng chảy của xã hội đang ngày càng phát triển.
Trong hệ sinh thái khởi nghiệp, pháp luật và chính sách là những thiết chế mang tính quyết định cho sự xuất hiện các loài cây tiên phong và cho hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển bền vững.
Đó là chính sách cởi mở cho sự phát triển nền kinh tế thị trường, là cái nôi cho các công cuộc khởi nghiệp, cho các tư tưởng đổi mới và nhất là chính sách cho thị trường phát triển bền vững.
Đất nước đang vào Xuân. Chúng ta chắc chắn mong đợi một Mùa Xuân Khởi nghiệp và Đổi mới.