Thứ ba, 03/05/2016 15:04

Nghị quyết 20-NQ/TW: Động lực cho KH&CN của tỉnh Điện Biên phát triển

Thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết 20-NQ/TW); trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, đầu tư xây dựng mạng lưới nghiên cứu triển khai. Qua đó, đã góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KH&CN trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, phục vụ đời sống và sản xuất của người dân.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định: Phát triển KH&CN là nhiệm vụ giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra. Do đó ngay sau khi Nghị quyết 20-NQ/TW được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 20-NQ/TW tới các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp về phát triển KH&CN; các mục tiêu về KH&CN được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của các cấp chính quyền địa phương; chú trọng ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân, nhất là phục vụ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương.

Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tăng năng suất, sản lượng, chất lượng về cây trồng, vật nuôi, thay đổi tập quán canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững sản xuất hàng hóa và xuất khẩu. Phát triển hình thức chăn nuôi gia trại, trang trại, chăn nuôi trâu bò thịt; mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản; quy mô sản xuất lúa chất lượng cao tiếp tục được duy trì và phát triển về chất lượng; hình thành các vùng sản xuất cây công nghiệp; trồng rừng sản xuất gắn với khoanh nuôi tái sinh; các giống mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào khảo nghiệm, bộ giống cây trồng, vật nuôi chủ lực có hiệu quả kinh tế, chất lượng cao đưa vào sản xuất, chăn nuôi. Trong công nghiệp chế biến có chuyển biến tích cực bước đầu đã ứng dụng KH&CN vào đầu tư, nâng cấp dây truyền, thiết bị chế biến trên một số sản phẩm như: gạo, chè Shan tuyết, cà phê...

Đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật (KHKT) trên một số  lĩnh vực như: Hoạt động của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ công việc, chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; hiện đại hóa trong quản lý tài chính ngân hàng; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao những tiến bộ KHKT trong lĩnh vực y tế từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân; ứng dụng tiến bộ KHKT trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, đã mang lại nhiều thuận lợi, tiện ích và cung cấp ngày cành tốt hơn các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân.

Những kết quả nổi bật, sau 05 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, trước hết là đã nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển KH&CN. Xác định nhiệm vụ phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh là một trong những khâu đột phá cho sự phát triển của tỉnh; thường xuyên rà soát, bổ sung cơ chế chính sách về đầu tư, thu hút đầu tư vào KH&CN, đổi mới hệ thống làm công tác quản lý, nghiên cứu, phát huy nguồn nhân lực, khuyến khích ứng dụng KH&CN vào sản xuất. Coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Trong 05 năm (giai đoạn 2012-2016) thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW toàn tỉnh Điện Biên đã đầu tư 448.947 triệu đồng cho phát triển KH&CN từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Tổ chức bộ máy quản lý KH&CN được củng cố, kiện toàn, bước đầu đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về KH&CN.

Công tác KH&CN cấp cơ sở có tiến bộ, từng bước triển khai công tác quản lý nhà nước về  khoa học về công nghệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, trên địa bàn huyện, thị, thành phố. Hiện có 04/10 huyện, thị xã, thành phố; 18 sở, ban, ngành đoàn thể thành lập Hội đồng KH&CN. Hàng năm, đều có cán bộ nghiên cứu đề tài cấp cơ sở, nhiều đơn vị tham gia nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh có chất lượng. Tiếp tục phát huy vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Điện Biên. Hiện nay, Liên hiệp hội có 7 thành viên (Hội Văn học nghệ thuật, Hội Luật gia, Hội đông Y, Liên minh Hợp tác xã, Hội Sử học, Hội Ngữ văn, Hội Khuyến học) với trên 160.000 hội viên.

Giai đoạn 2012-2016, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có chuyển biến tích cực, số lượng đề tài, dự án tăng, hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng nâng lên, gắn hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN với sản xuất và đời sống, nhu cầu xã hội, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Giai đoạn 2012 - 2016 đã và đang triển khia 93 danh mục đề tài, dự án trong đó:

Lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp: Tập trung khảo nghiệm các giống cây, con giống có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, thích hợp với điều kiện sinh thái tại tỉnh; mở ra một  lĩnh vực mới giúp người dân tăng thêm thu nhập, góp phần bảo vệ môi trường;

Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn giải quyết nhiều lĩnh vực, tổng kết các bài học xây dựng làng, bản văn hóa, phát huy tinh hoa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện một số chính sách dân tộc trên địa bàn. Điển hình là các đề tài: “Vai trò văn hóa truyền thống dân tộc Thái Điện Biên trong tiến trình hội nhập và phát triển”; “Bảo tồn phát huy tri thức dân gian về nước của các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên”; “Các giải pháp văn hóa - xã hội nhằm kiềm chế, đẩy lùi tệ nạn xã hội và hủ tục ở dân tộc Mông và dân tộc Thái tỉnh Điện Biên”; “Tăng cường sự lãnh đạo của đảng ủy xã đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình  trên địa bàn tỉnh Điện Biên”;

Lĩnh vực điều tra cơ bản: Khảo sát thực địa, điều tra phỏng vấn cập nhật thông tin đánh giá các điều kiện tự nhiên, phân vùng địa lý tổng hợp, phục vụ quy hoạch phát triển nông lâm nghiệp, kinh tế xã hội bền vững. Điều tra, đánh giá ảnh hưởng của phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến nhiễm bẩn kim loại nặng trên vùng đất trồng lúa khu vực cánh đồng Mường Thanh và đề xuất các giải pháp khắc phục;

Các lĩnh vực hoạt động KH&CN khác: xét duyệt, công nhận sáng kiến cấp tỉnh; tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật về chuyển giao công nghệ, về sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn đo lường chất lượng, về an toàn kiểm tra bức xạ; tăng cường quản lý các nhãn hiệu sản phẩm được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa với Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN. Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Cà phê Mường Ảng”.

Hoạt động truyền thông, thông tin KH&CN, chuyển biến tích cực về nhận thức xã hội, cung cấp luận cứ khoa học trong việc hoạch định cơ chế, chính sách cho các cấp lãnh đạo, giúp các doanh nghiệp phát triển sản xuất, giới thiệu kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN đến người dân. Triển khai cung cấp thiết bị tại 20 xã/9 huyện thị trong tỉnh; mở 20 lớp đào tạo, tập huấn với 400 lượt người tham gia, phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn và nông dân; Thư viện điện tử và các cơ sở dữ liệu với nội dung thông tin phong phú, thiết thực, dưới nhiều hình thức thuận tiện (với trên 95.000 tài liệu và hơn 450 phim KH&CN đã được số hóa về tất cả các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế (Nông- Lâm- Ngư nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ), xã hội, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, phát triển làng nghề, văn hóa... thuộc các dạng tài liệu catalo, văn bản pháp luật...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động nghiên cứu và triển khai thời gian qua vẫn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công tác ứng dụng và chuyển giao công nghệ còn manh mún, chắp vá, một số kết quả nghiên cứu chậm được ứng dụng vào thực tế. Mối liên kết giữa 4 nhà: Khoa học - Quản lý - Doanh nghiệp và Nhà sản xuất thiếu chặt chẽ trong việc giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội của tỉnh. Nguồn nhân lực KH&CN đã phát triển nhưng còn thiếu và yếu, nhất là trên lĩnh vực công nghệ chế biến, công nghệ thông tin… Những yếu tố đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển khoa học công nghệ của tỉnh.

Trong thời gian tới, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sở KH&CN Điện Biên sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 20-NQ/TW, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết; tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò và động lực của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội. Xác định KH&CN là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và mỗi địa phương đơn vị.

Nguyễn Văn An

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)