Thứ hai, 07/07/2025 16:09

Xu hướng đăng ký và cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam giai đoạn 2001-2024

Trong hơn hai thập niên qua, chỉ dẫn địa lý đã trở thành một trong những công cụ quan trọng góp phần định danh, khẳng định chất lượng và nâng cao giá trị thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản gắn với từng vùng miền tại Việt Nam. Từ con số khiêm tốn ban đầu, hoạt động đăng ký và cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý đã có những bước tiến nhanh, đặc biệt là giai đoạn 2017-2024 với sự bùng nổ cả về số lượng và chất lượng. Kết quả này không chỉ phản ánh sự chủ động ngày càng cao của các địa phương mà còn là minh chứng cho hiệu quả của các chính sách hỗ trợ từ Trung ương, cũng như nhận thức ngày càng rõ nét của người dân về vai trò của sở hữu trí tuệ trong phát triển nông nghiệp bền vững và hội nhập quốc tế.

Mở đầu

Chỉ dẫn địa lý là một dạng quyền sở hữu trí tuệ dùng để bảo hộ tên gọi xuất xứ địa lý của sản phẩm, nhằm khẳng định uy tín, chất lượng, đặc thù của sản phẩm gắn liền với vùng lãnh thổ cụ thể. Tại Việt Nam, chỉ dẫn địa lý đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá thương hiệu nông sản địa phương, hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Trong giai đoạn 2001-2024, tổng cộng đã có: 207 đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được nộp. Trong đó 189 đơn từ tổ chức/cá nhân Việt Nam (chiếm 91,3%), 18 đơn từ nước ngoài (chiếm 8,7%). Kết quả có 143 giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý được cấp, trong đó có 130 chứng nhận cho người nộp đơn Việt Nam (90,9%) và 13 chứng nhận cho người nộp đơn nước ngoài (9,1%). Xu hướng này phản ánh sự quan tâm ngày càng cao của các địa phương, tổ chức và cá nhân Việt Nam trong việc bảo hộ tài sản trí tuệ đặc thù gắn với bản sắc địa phương.

Diễn biến theo giai đoạn

Giai đoạn 2001-2010: Trong giai đoạn này chứng kiến số lượng đơn đăng ký còn khá khiêm tốn, dao động từ 2 đến 12 đơn mỗi năm. Tổng số đơn trong giai đoạn này là 60 đơn, chiếm 29% tổng số đơn của toàn kỳ. Số giấy chứng nhận cũng còn ít, phần lớn mỗi năm chỉ cấp 0-2 chứng nhận. Đáng chú ý, một số năm như 2003 và 2004 không có bất kỳ giấy chứng nhận nào được cấp.

Giai đoạn 2011-2016: Tổng số đơn trong giai đoạn này đạt 37 đơn, trung bình 6,1 đơn/năm. Tuy vẫn ở mức vừa phải, nhưng so với giai đoạn đầu đã có sự chuyển biến tích cực hơn trong nhận thức và sự chủ động của các địa phương. Số lượng giấy chứng nhận được cấp dao động 1-9 chứng nhận/năm, với năm 2016 nổi bật khi cấp tới 7 chứng nhận, phản ánh sự cải thiện về cả năng lực thẩm định và chất lượng hồ sơ.

Giai đoạn 2017-2024: Đây là giai đoạn bùng nổ về số lượng đăng ký và cấp chứng nhận. Tổng số đơn đăng ký giai đoạn này là 110 đơn, chiếm 53% tổng số đơn toàn kỳ. Đặc biệt, các năm như 2020 và 2022 ghi nhận con số cao nhất (22 đơn mỗi năm). Năm 2020 cũng là năm có số lượng chứng nhận nhiều nhất: 22 chứng nhận, gần bằng tổng số chứng nhận của cả giai đoạn 2001-2010 cộng lại.  Các năm tiếp theo như 2021, 2022, 2024 cũng có mức cấp chứng nhận cao và ổn định, phản ánh tính chuyên nghiệp, đồng bộ và chủ động trong cả hệ thống từ khâu lập hồ sơ đến xử lý của cơ quan chức năng.

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Lạng Sơn" cho sản phẩm quả Na.

Trong suốt hơn 20 năm, chỉ có 18 đơn đăng ký từ nước ngoài, tức chưa đến 1 đơn/năm. Số lượng chứng nhận được cấp cho người nộp đơn nước ngoài là 13 chứng nhận, chiếm tỷ lệ 9,1% trên tổng số. Điều này phản ánh rằng, Việt Nam chưa phải là địa bàn phổ biến để các sản phẩm nước ngoài đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, có thể do: rào cản ngôn ngữ và thủ tục hành chính; ưu tiên chỉ dẫn địa lý nội địa; thiếu chính sách thu hút đăng ký chỉ dẫn địa lý quốc tế. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng các chủ thể nước ngoài lựa chọn hình thức bảo hộ khác như nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể thay vì chỉ dẫn địa lý.

Khuyến nghị và định hướng

Sự gia tăng đáng kể trong giai đoạn 2020-2024 cho thấy hiệu quả từ: Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung tạo điều kiện pháp lý thuận lợi hơn; các chính sách hỗ trợ địa phương lập hồ sơ chỉ dẫn địa lý từ Trung ương như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường); tăng cường nhận thức của người dân và chính quyền địa phương về giá trị của chỉ dẫn địa lý trong nâng tầm nông sản địa phương. Đồng thời, hợp tác quốc tế và hội nhập giúp một số sản phẩm chỉ dẫn địa lý Việt Nam được công nhận và bảo hộ tại EU (ví dụ: nước mắm Phú Quốc, vải thiều Lục Ngạn…).

Mặc dù có nhiều bước tiến tích cực, nhưng hoạt động chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam vẫn còn một số điểm cần cải thiện sau: i) Tỷ lệ chuyển đổi từ đơn đăng ký sang chứng nhận chưa cao: Nhiều năm tỷ lệ cấp chỉ đạt dưới 50%, cho thấy vẫn còn tồn tại hồ sơ chưa đạt chuẩn, thiếu thông tin hoặc vướng quy trình; ii) Sự tập trung không đồng đều giữa các địa phương: Một số tỉnh/thành phố dẫn đầu về số lượng chỉ dẫn địa lý (như Quảng Nam, Lâm Đồng, Bắc Giang…), trong khi nhiều địa phương vẫn chưa khai thác tiềm năng đặc sản địa phương; iii) Công tác quản lý và hậu kiểm chỉ dẫn địa lý sau cấp: Một số nơi sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý chưa thực sự triển khai hiệu quả việc khai thác giá trị thương mại, quản lý chất lượng, duy trì danh tiếng của sản phẩm.

Để nâng cao hiệu quả và giá trị thực tiễn của chỉ dẫn địa lý trong giai đoạn tới, có thể đề xuất: đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ chuyên môn cấp tỉnh về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là hồ sơ chỉ dẫn địa lý; thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc đồng bộ và áp dụng công nghệ số vào quản lý chất lượng chỉ dẫn địa lý; khuyến khích doanh nghiệp địa phương liên kết nông dân để đầu tư chế biến sâu, xây dựng thương hiệu sản phẩm dựa trên chỉ dẫn địa lý; mở rộng hợp tác quốc tế và bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài nhằm nâng cao vị thế sản phẩm Việt trên thị trường toàn cầu.

Thay lời kết

Từ năm 2001 đến 2024, Việt Nam đã có bước tiến dài trong phát triển hệ thống chỉ dẫn địa lý, cả về số lượng lẫn chất lượng. Sự gia tăng đều đặn về số đơn đăng ký và chứng nhận được cấp phản ánh sự chuyển mình tích cực của hệ thống sở hữu trí tuệ trong nước. Tuy nhiên, để chỉ dẫn địa lý thực sự trở thành đòn bẩy phát triển nông nghiệp và thương mại, cần có những chính sách mang tính đột phá về đào tạo, truyền thông, hậu kiểm và quốc tế hóa.

CM

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)