Thứ năm, 10/05/2018 15:45

Trường đại học và doanh nghiệp có mối quan hệ tương hỗ hết sức chặt chẽ

CTTH

 

Nhìn vào các mối quan hệ giữa các thực thể trong một chỉnh thể đại học, liên kết đại học - doanh nghiệp được xem như là một yếu tố có tác động tới đầu ra của sản phẩm nhà trường và đầu vào của các doanh nghiệp... Vì thế, hiểu đúng về mối quan hệ này sẽ giúp công tác quản lý nói chung và hoạt động giảng dạy, nghiên cứu ở khu vực đại học nói riêng ngày càng hiệu quả cũng như giúp các trường đại học bớt hàn lâm hơn.

Tạp chí KH&CN Việt Nam đã trao đổi với PGS.TS Thái Bá Cần, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh và hiện là hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng xung quanh vấn đề làm gì để thúc đẩy sự gắn kết giữa trường đại học với doanh nghiệp ở nước ta trong thời gian tới.

PGS quan niệm thế nào về mối quan hệ giữa nhà trường doanh nghiệp?

Trong các mối quan hệ trong một trường đại học, mối quan hệ doanh nghiệp - nhà trường là mối quan hệ khá đặc biệt và có đóng góp quan trọng đối với mỗi nhà trường trên con đường xây dựng và phát triển. Từ kinh nghiệm của quốc tế, vấn đề này đã được một số nhà nghiên cứu trong nước đề cập trong các công trình/bài báo khoa học. TS Phạm Thị Ly (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) cho rằng, hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp thể hiện cụ thể dưới các hình thức sau: 1) Hợp tác trong nghiên cứu; 2) Thương mại hóa các kết quả nghiên cứu; 3) Thúc đẩy khả năng lưu chuyển của sinh viên; 4) Thúc đẩy sự vận động, lưu chuyển của giới hàn lâm; 5) Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo6) Học tập suốt đời; 7) Hỗ trợ tinh thần sáng nghiệp và các hoạt động khởi nghiệp; 8) Tham gia quản trị nhà trường (http://www.lypham.net/?p=745). TS Đinh Văn Toàn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, ở một số quốc gia, các hình thức hợp tác đại học - doanh nghiệp gồm: 1) Doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên đến thực tập, thực tế; 2) Doanh nghiệp cung cấp thiết bị công nghệ, hỗ trợ kinh phí phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và học tập cho trường đại học; 3) Tuyển các nhà khoa học từ đại học vào làm tại doanh nghiệp theo thời hạn; 4) Doanh nghiệp tham gia hội đồng tư vấn chuyên môn trong trường đại học; 5) Khai thác giá trị thương mại từ các nghiên cứu theo các hợp đồng chuyển giao công nghệ; 6) Xây dựng công viên KH&CN; 7) Trường thành lập các công ty (sở hữu một phần hoặc toàn bộ) để đầu tư nghiên cứu, thí nghiệm, sản xuất thử ; 8) Trường xây dựng trung tâm ươm tạo doanh nghiệp [file:///C:/Users/Administrator/Downloads/3882-1-7152-1-10-20170228%20(1).pdf)].

Qua đó, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định, doanh nghiệp và trường đại học là hai tổ chức thuộc hai hình thức khác nhau nhưng có mối quan hệ tương hỗ hết sức chặt chẽ. Mối quan hệ dễ thấy nhất, đó là mối quan hệ của người làm ra sản phẩm và người sử dụng sản phẩm. Trường đại học đào tạo ra nguồn nhân lực, còn doanh nghiệp là người trực tiếp sử dụng nguồn nhân lực đó. Trong mối quan hệ này thì nhà trường và doanh nghiệp có chung một mong muốn là có sản phẩm có chất lượng cao phù hợp với những đòi hỏi của người sử dụng. Chính vì vậy mà cả nhà trường và doanh nghiệp đều có mong muốn hợp tác trong việc xây dựng chương trình đào tạo, tham gia vào quá trình đào tạo và chấp nhận sản phẩm đào tạo.

Hợp tác trong việc xây dựng chương trình đào tạo được thực hiện qua trao đổi thông tin phản hồi về năng lực làm việc của sinh viên hoặc tham gia trực tiếp vào các hội đồng biên soạn chương trình đào tạo. Việc tham gia của các doanh nghiệp vào các hoạt động này làm cho chương trình đào tạo sát với thực thực tế hơn, sản phẩm được tạo ra đáp ứng hơn với nhu cầu của doanh nghiệp.

Việc tham gia vào quá trình đào tạo của trường có thể được thực hiện thông qua một số chuyên gia của doanh nghiệp trực tiếp giảng dạy một số chuyên đề hoặc môn học của trường đại học. Bằng cách này, việc nắm bắt những kiến thức, kỹ năng từ những người hàng ngày làm việc trong lĩnh vực đó gắn với với những kinh nghiệm quý báu mà họ tích lũy được ngày càng phong phú. Việc tham gia vào quá trình đào tạo của doanh nghiệp còn được thực hiện thông qua một hình thức hoạt động hết sức quen thuộc: thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Bằng hình thức này, sinh viên được trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất/quản lý thực sự, nâng cao sự hiểu biết và kỹ năng làm việc của sinh viên đối với thực tế sản xuất -kinh doanh, nơi mà trong tương lai họ sẽ đến làm việc.

Nếu việc hợp tác trong việc xây dựng chương trình đào tạo và việc tham gia vào quá trình đào tạo được thực hiện tốt thì việc tiếp nhận sản phẩm đào tạo của doanh nghiệp sẽ diễn ra một cách nhanh chóng và thuận lợi, làm tăng một cách đáng kể hiệu quả đào tạo.

Một mối quan hệ rất quan trọng khác giữa trường đại học và doanh nghiệp là việc phát triển các sản phẩm mới. Doanh nghiệp rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa ra thị trường những sản phẩm mới có tính năng cao hơn nhằm chiếm thị trường sản phẩm mà mình sản xuất. Với thế mạnh về nhân lực KH&CN (phần lớn các nhà khoa học làm việc trong các trường đại học), các trường đại học chính là nơi giúp các doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới một cách hiệu quả nhất. Ngược lại, do có doanh nghiệp đặt hàng, việc nghiên cứu khoa học trong trường đại học: là một trong 2 nhiệm vụ quan trọng của nhà trường, sẽ có điều kiện phát triển tốt và lại có tác động tốt đến quá trình đào tạo của nhà trường.

Có người nói một cách hình ảnh rằng, doanh nghiệp chính là “nhà trường thứ hai” song hành với trường học để hình thành năng lực cho người lao động trong thời đại 4 là hoàn toàn có cơ sở.

Mối quan hệ hai chiều giữa nhà trường và doanh nghiệp quan trọng và hữu ích cho cả hai bên như vậy song theo GS, tại sao vẫn chưa được phát huy ở nước ta?

Đây là một câu hỏi đã được đặt ra khá lâu rồi nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng. Chúng ta phải tìm hiểu tại sao mối quan hệ này chưa được “mặn nồng” như mong muốn. Trước hết, về phía nhà trường, tất cả các trường đại học đều ý thức được rằng quan hệ với doanh nghiệp là điều quan trọng. Tại nhiều trường đại học đã thành lập các tổ chức (các phòng, trung tâm) quan hệ doanh nghiệp nhằm tìm kiếm, kết nối với các doanh nghiệp để tìm chỗ thực hành cho sinh viên và giúp sinh viên tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, để duy trì được mối quan hệ tốt đẹp nhà trường cũng phải bỏ nhiều công sức và cả tài chính. Do chưa có những chế tài bắt buộc nên các trường đại học thường chọn cách dễ hơn để đào tạo sinh viên, đó là sử dụng cơ sở vật chất hiện có của nhà trường hoặc những phần mềm mô phỏng sinh viên thực tập thay vì phải đưa sinh viên xuống các xí nghiệp. Kết quả là mức độ đáp ứng của người được đào tạo với nhu cầu thị trường thấp.

Về phía doanh nghiệp, khi tiếp nhận sinh viên về thực tập, năng suất lao động của doanh nghiệp bị giảm sút, việc để sinh viên tham gia vào quá trình sản xuất còn có thể gây ra những hệ lụy khác, vì vậy mà các doanh nghiệp cũng không mặn mà với việc nhận sinh viên tốt nghiệp.

Vậy nên chăng mối quan hệ này cần dưới sự hướng dẫn phù hợp từ phía Nhà nước để trở nên khăng khít và hiệu quả hơn, thưa PGS?

Để giải quyết những mâu thuẫn này nhằm làm cho quan hệ trường đại học - doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ hơn cần có những cơ chế, bù đắp cho cả hai phía. Về phía nhà trường cần có quy định bắt buộc phải đưa sinh viên đi thực tập doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Nếu trong suốt quá trình học tập ở trường sinh viên không đi thực tập doanh nghiệp thì xem như chưa đạt chuẩn đầu ra. Bằng quy định này, tất cả các trường sẽ phải chủ động đi tìm/tạo ra doanh nghiệp cho sinh viên thực tập tùy vào điều kiện của mỗi trường.

Về phía doanh nghiệp, như đã đề cập việc cho sinh viên về thực tập sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất, vì vậy nhà nước cần có những chính sách ưu đãi về thuế đối với những doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo. Việc tính toán cụ thể những khoản ưu đãi này là không quá khó.

Theo PGS, mô hình nào cho hợp tác đại học - doanh nghiệp hiệu quả mà Việt Nam nên lựa chọn nhằm hướng tới phục vụ phát triển nền kinh tế và cho sự phát triển của trường đại học trong giai đoạn tới?

Theo hiểu biết của chúng tôi, những điều này được làm rất tốt ở Đức bằng hệ thống Dual System trong đào tạo nghề. Ở nước ta, kinh nghiệm của việc kết hợp giữa bệnh viện và trường đại học trong đào tạo lĩnh vực y nói riêng và các ngành thuộc khối khoa học sức khỏe nói chung là một ví dụ tốt cho việc kết hợp giữa doanh nghiệp và trường đại học. Sắp tới, mô hình cần được nghiên cứu để tìm ra mô hình phù hợp, hiệu quả cho các trường đại học trong hệ thống và triển khai thử nghiệm cho một số ngành thuộc lĩnh vực KH&CN theo định hướng ưu tiên của nhà nước. Vấn đề là Nhà nước cần giao nhiệm vụ này cho một số đầu mối và kiểm tra thường xuyên việc triển khai, ví dụ như: giao cho một số bộ, ngành có nhiều trường đại học trực thuộc chẳng hạn... Nói tóm lại, không nên “bỏ mặc” cho các nhà trường và doanh nghiệp mà nhà nước nên tham gia vào quá trình kết nối giữa hai khu vực thông qua xây dựng những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện để hai bên đều có lợi trong mối quan hệ này. Bản thân cả nhà trường và doanh nghiệp cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc nhà trường đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng sẽ là kho báu để doanh nghiệp phát triển trong thời kỳ bùng nổ của khoa học kỹ thuật, thời đại nền công nghiệp.

Xin cảm ơn PGS.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)