Mối quan hệ giữa giám định SHTT và GĐTP
Theo Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân, giám định là một từ Hán Việt, theo đó có nghĩa là một cái gì đó được xem xét để quyết định. Theo Từ điển Tiếng Việt online, giám định có nghĩa là xem xét để quyết định một cái gì đó là có hay không [1]. Trong ngữ cảnh pháp lý, giám định (một hoạt động chuyên môn có nhu cầu sử dụng rất lớn, đăc biệt là trong lĩnh vực tư pháp) thường được hiểu là việc sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về một vấn đề chuyên môn cụ thể có liên quan trong các vụ án hình sự, dân sự hoặc hành chính [2]. Trung bình hàng năm, các tổ chức pháp y nhận và thực hiện giám định khoảng 32.000 vụ việc. Chỉ tính riêng hoạt động giám định kỹ thuật hình sự từ năm 2005 đến nay đã thực hiện tới gần 380 nghìn vụ việc, giám định tài chính trong 5 năm trở lại đây được trưng cầu giám định hơn 13 nghìn vụ việc [3]. Đối với lĩnh vực SHTT, hiện nay không có thống kê cụ thể về số lượng giám định theo yêu cầu và trưng cầu giám định do không có báo cáo chính thức nào về vấn đề này. Tuy nhiên, suốt hơn 10 năm qua (từ khi Luật SHTT 2005 có hiệu lực), chúng ta mới chỉ có 4 thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp (SHCN) được cấp theo cơ chế đặc biệt và cũng chỉ mới có duy nhất một tổ chức giám định SHCN được thành lập và đang hoạt động là Viện Khoa học SHTT (VIPRI) [3]. Mặt khác, theo tổng kết của VIPRI thì không có một kết luận giám định nào trong tổng số các kết luận giám định được thực hiện từ tháng 9/2009 đến 9/2016 dưới danh nghĩa cá nhân thực hiện giám định.
Chế định giám định được đề cập trong Luật GĐTP (năm 2012) với tư cách là GĐTP, trong khi theo Luật SHTT sửa đổi năm 2009 là giám định SHTT. Theo Luật GĐTP, “GĐTP là việc người GĐTP sử dụng kiến thức, phương tiện khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định” [3]. Trong khi đó, giám định về SHTT được định nghĩa là việc tổ chức, cá nhân quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 201 Luật SHTT sửa đổi 2009 sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền SHTT. Như vậy, GĐTP và giám định SHTT, dù trên cơ sở được yêu cầu hay trưng cầu đều có bản chất giống nhau ở chỗ chúng đều liên quan tới việc sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để kết luận chuyên môn về vấn đề có liên quan đến một vụ việc dân sự hoặc vụ án hành chính. Tuy vậy, vì GĐTP liên quan đến phạm vi rất rộng, từ các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự cho đến giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính, trong khi lĩnh vực SHTT vốn là một nhánh luật chuyên ngành nên giám định SHTT chỉ là tập hợp con của phạm trù GĐTP.
Liệu có tồn tại khả năng xung đột giữa Luật SHTT và Luật GĐTP về vấn đề giám định SHTT?
Trước khi chế định giám định SHTT được đưa vào Luật SHTT 2005, các vụ việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHCN hoặc các vụ việc tranh chấp quyền SHCN, đặc biệt là liên quan đến nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp (KDCN) và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới SHCN đều được Cục SHTT cung cấp ý kiến chuyên môn mà dựa trên đó các cơ quan thực thi quyền SHTT như tòa án, cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường, hải quan, thanh tra chuyên ngành hoặc UBND các cấp đã thụ lý vụ việc ra phán quyết hoặc quyết định xử lý vụ việc đó. Tuy nhiên, vì Cục SHTT là cơ quan nhà nước duy nhất có chức năng cấp văn bằng bảo hộ nên trong nhiều trường hợp, việc Cục SHTT cung cấp ý kiến cho các cơ quan thực thi bị dư luận phản ứng vì cho rằng không khách quan. Vụ việc điển hình nhất minh họa cho thực trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” và cho thấy Cục SHTT đôi khi bị lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” là vụ Doanh nghiệp tư nhân sản xuất Duy Lợi (chủ sở hữu KDCN khung mắc võng được cấp Bằng độc quyền KDCN số 7173) nộp đơn yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh xử lý lô hàng kiểu dáng khung mắc võng do Công ty Trường Thọ đưa ra thị trường vì bị cho là không khác biệt cơ bản với Bằng độc quyền KDCN số 7173. Rắc rối phát sinh ở chỗ, Cục SHTT vừa tiếp nhận đơn yêu cầu cung cấp ý kiến chuyên môn từ Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh vừa thụ lý đơn yêu cầu hủy Bằng độc quyền KDCN số 7173 do KDCN này được bảo hộ không có tính mới vào thời điểm nộp đơn theo lập luận của Công ty Trường Thọ[1]. Thực tế này có lẽ được xem là nguyên nhân chính dẫn đến Luật SHTT đã chính thức không trao thẩm quyền giám định SHCN cho Cục SHTT[2].
Theo Điều 201 Luật SHTT sửa đổi năm 2009, kết luận giám định có thể được cung cấp trên cơ sở có trưng cầu bởi một trong các cơ quan thực thi theo Điều 200 Luật SHTT hoặc trên cơ sở có yêu cầu của chủ thể quyền SHTT hoặc của cá nhân, tổ chức khác có liên quan. Quy định này được xem là có phạm vi áp dụng rộng hơn so với quy định tại Khoản 1 và 3 Điều 2 Luật GĐTP ở chỗ chủ thể quyền SHTT hoặc cá nhân, tổ chức khác có liên quan có thể chủ động yêu cầu cơ quan giám định cung cấp kết luận giám định thay vì chỉ có quyền thực hiện điều đó khi những người này yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng tiến hành trưng cầu giám định nhưng bị từ chối yêu cầu đó.
Sự khác biệt tuy nhỏ này vẫn có thể dẫn đến xung đột giữa Luật SHTT và Luật GĐTP, đặc biệt liên quan đến vấn đề chứng cứ và công nhận chứng cứ[3], chẳng hạn như nguyên đơn hoặc bị đơn trong một vụ án dân sự liên quan đến một tranh chấp quyền SHTT phản đối kết luận giám định được đưa ra bởi bên kia và yêu cầu tòa án không công nhận nó là chứng cứ vì lý do việc giám định đó đã không được tiến hành theo đúng thủ tục mà Luật GĐTP quy định, mặc dù nó phù hợp với Luật SHTT. Vậy trong trường hợp đó, một câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ là tòa án sẽ căn cứ vào luật nào để quyết định? Cố nhiên vẫn biết rằng, nguyên tắc chung được thừa nhận rộng rãi ở pháp luật nhiều nước trong đó có Việt Nam nhằm giải quyết hiện tượng xung đột pháp luật là trong trường hợp có xung đột luật xảy ra thì luật chuyên ngành được ưu tiên áp dụng[4]. Tuy nhiên, nguyên tắc này chỉ mang tính chất tương đối, vì đôi khi cùng một đối tượng lại đều có thể được điều chỉnh bởi cả hai luật chuyên ngành, theo đó xung đột này không được giải quyết triệt để có thể dẫn đến một quy định của luật này bị phủ nhận thi hành bởi luật kia[5]. Ví dụ mà chúng ta thấy rõ nhất trong thời gian qua là sự chưa thống nhất quan điểm giữa Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT). Theo đó, Bộ KH&CN cho rằng hành vi đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 130 Luật SHTT 2005 phải bị xử phạt vi phạm hành chính kèm theo áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc buộc trả lại tên miền[6]. Tuy nhiên, Bộ TT&TT lại cho rằng, do Điều 76 Luật Công nghệ thông tin (CNTT) 2006 chỉ quy định 3 hình thức giải quyết tranh chấp liên quan đến tên miền .vn gồm thương lượng hòa giải, trọng tài hoặc khởi kiện tại tòa án nên biện pháp hành chính không thể được áp dụng.
Ý kiến chuyên môn hay kết luận giám định mới được coi là chứng cứ?
Như phân tích ở trên, bản chất của giám định SHTT hay GĐTP đều là việc những người (được công nhận và cấp thẻ giám định viên SHTT theo pháp luật SHTT hoặc được bổ nhiệm làm giám định viên tư pháp theo pháp luật GĐTP) cung cấp ý kiến chuyên môn của họ cho tòa án dưới dạng tham gia trả lời trực tiếp tại phiên tòa hoặc dưới dạng văn bản thông qua kết luận giám định. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, ý kiến chuyên môn, tuy mang bản chất là một nguồn chứng cứ mà dựa trên đó giúp thẩm phán xem xét giải quyết vụ việc một cách đúng đắn, không phải lúc nào cũng được coi là chứng cứ hợp pháp. Nó chỉ được coi là chứng cứ hợp pháp khi và chỉ khi nó đồng thời đảm bảo 3 thuộc tính [4]: 1) Tính khách quan (là những gì có thật); 2) Tính liên quan (được dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không bao gồm cả tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự); 3) Tính hợp pháp (được giao nộp bởi đương sự hoặc được thu thập bởi tòa án theo đúng trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) quy định).
Bộ luật TTDS năm 2004 sửa đổi năm 2011, Bộ luật TTDS năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính năm 2010 đều không đề cập đến khái niệm ý kiến chuyên môn với ý nghĩa là một trong các nguồn chứng cứ mà cho rằng, chỉ có “kết luận giám định” mới được coi là nguồn chứng cứ [5]. Khái niệm “kết luận giám định”, với tư cách là một nguồn chứng cứ, tiếp tục được làm hẹp thêm một lần nữa khi pháp luật yêu cầu việc giám định đó phải được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định [4, 5].
Vụ án tranh chấp “cái cốc đỏ” [6] xảy ra năm 2006 giữa Société des Produits Nestlé S.A. (Nestlé) và Gold Roast Viet Nam Co., Ltd (Gold Roast) được xem là một ví dụ tốt giúp chúng ta xem xét đánh giá: Liệu ý kiến chuyên môn của cơ quan không có chức năng giám định hay kết luận giám định mới được coi là thỏa mãn cả 3 thuộc tính nêu trên để được coi là nguồn chứng cứ hợp lệ. Vụ việc này khởi nguyên từ yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu hình cái cốc đỏ (có bề mặt màu đỏ và không có bất kỳ dấu hiệu chữ nào trên nó) gắn liền với sản phẩm cà phê ở nhóm 30 thông qua đăng ký quốc tế số 824804 chỉ định Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Lúc đầu Cục SHTT từ chối bảo hộ nhãn hiệu này vì cho rằng nó hoàn toàn không có chức năng nhãn hiệu, nhưng sau đó Cục SHTT đã rút từ chối dựa trên cơ sở chủ nhãn hiệu khiếu nại và nộp bằng chứng chứng minh nhãn hiệu này có khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng.
Phát hiện thấy Gold Roast sử dụng một chiếc cốc đỏ in trên bao bì sản phẩm cà phê tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ của mình, Nestlé đã nộp đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu được bảo hộ của mình lên Thanh tra Bộ KH&CN dựa trên văn bản cho ý kiến chuyên môn của Cục SHTT vào tháng 10/2006. Thanh tra Bộ KH&CN chuyển hồ sơ cho Thanh tra Sở KH&CN Bình Dương nơi đặt trụ sở của Gold Roast thụ lý giải quyết. Ngày 6/3/2008, Thanh tra Sở KH&CN Bình Dương ban hành Quyết định 653/QĐ-XPHC xử phạt Gold Roast 100 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu chiếc cốc đỏ của Nestlé, đồng thời buộc Goald Roast loại bỏ yếu tố vi phạm.
Không đồng tình với quyết định xử phạt, dựa trên văn bản thẩm định lại của Viện Nghiên cứu SHTT (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), Gold Roast nộp đơn khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bình Dương chống lại Quyết định 653/QĐ-XPHC với lập luận rằng, quyết định xử phạt mà dựa trên ý kiến chuyên môn của Cục SHTT là không đúng bản chất khách quan vì nhãn hiệu hình cái cốc của Gold Roast khác biệt về hình thức thể hiện so với nhãn hiệu hình cái cốc của Nestlé và đặc biệt hơn là Gold Roast còn chứng minh rằng sản phẩm cà phê trên đó có hình cái cốc đỏ đã được nhập khẩu vào Việt Nam từ năm 1996, đến khi mở nhà máy năm 2001 Gold Roast tiếp tục sử dụng hình cái cốc này, trong khi Nestlé mới chỉ đăng ký nhãn hiệu này ở Việt Nam từ năm 2004. Tòa án cho rằng, văn bản giám định của cả Cục SHTT và Viện Nghiên cứu SHTT đều không phải là kết luận giám định nên chúng đều không có giá trị chứng cứ. Tòa án đã trưng cầu giám định ở Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh Bình Dương nhưng bị từ chối vì không có chuyên môn, tiếp đến Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cũng từ chối giám định vì đối tượng giám định không thuộc chuyên môn của mình. Vì không có cơ quan nào giám định trong khi văn bản giám định hiện có trong hồ sơ lại hoàn toàn trái ngược nhau, Tòa án đã quyết định dựa vào văn bản giám định của Cục SHTT để kết luận rằng hành vi của Gold Roast là hành vi xâm phạm quyền và bác đơn kiện của Gold Roast.
Qua vụ việc trên có thể thấy rằng, ban đầu việc từ chối cả hai văn bản giám định bởi tòa án là hoàn toàn chính xác vì mặc dù kết luận giám định được coi là một trong 9 nguồn chứng cứ theo Điều 82 Bộ luật TTDS 2004, nhưng nó chỉ được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định. Vào thời điểm xảy ra tranh chấp, Luật SHTT 2005 đã có hiệu lực từ 1/7/2006, Pháp lệnh GĐTP có hiệu lực từ 1/1/2005, do vậy thẩm phán đã căn cứ vào Pháp lệnh giám định để trưng cầu giám định[7]. Vì không có cơ quan giám định nào có chuyên môn liên quan đến vụ việc tranh chấp đồng ý giám định đã dẫn đến việc tòa án phải miễn cưỡng lựa chọn một trong hai văn bản giám định kể trên làm căn cứ giải quyết vụ án, và cuối cùng không rõ vì lý do cụ thể nào tòa án đã quyết định lựa chọn văn bản giám định của Cục SHTT làm căn cứ đưa ra phán quyết bác đơn của Gold Roast. Một số quan điểm cho rằng, việc tòa án lựa chọn văn bản giám định của Cục SHTT là đúng vì vào thời điểm trước tháng 11/2006 Nghị định 12/1999/NĐ-CP ngày 6/3/1999 của Chính phủ vẫn còn hiệu lực, trong đó Điều 13 quy định Cục SHTT có trách nhiệm thẩm định, trả lời các doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước khác về việc có hay không tình trạng xâm phạm quyền đối với các đối tượng SHCN và ý kiến của Cục SHTT là một trong các chứng cứ để cơ quan có thẩm quyền sử dụng khi xử lý bên có hành vi xâm phạm quyền SHCN. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, bất luận quy định của Điều 13 Nghị định 12/1999/NĐ-CP nêu trên thì việc tòa án coi văn bản giám định của Cục SHTT là chứng cứ là không đúng vì trình tự thủ tục ban hành kết luận giám định (điều kiện để được coi là chứng cứ theo Điều 82 Bộ luật TTDS 2004) là phải tuân thủ Pháp lệnh GĐTP 2004 chứ không phải là Nghị định 12/1999/NĐ-CP (văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý thấp hơn[8]) và mặt khác nó cũng bị xem là trái với tinh thần của Luật SHTT 2005, nghĩa là Cục SHTT không còn thẩm quyền thực hiện chức năng giám định kể từ ngày 1/7/2006.
Vụ việc tiếp theo phản ánh nhu cầu sử dụng kết luận làm giám định mà xuất phát từ chính các cơ quan thực thi quyền SHTT đã trở nên cấp thiết như thế nào. Vụ án dân sự giữa Công ty Văn hóa Đông Tây (nguyên đơn) và Công ty TNHH QGS (bị đơn) được xét xử sơ thẩm bởi TAND TP Đà Nẵng năm 2014[9] liên quan đến tranh chấp hợp đồng dịch vụ và quyền SHTT đối với chương trình phần mềm hệ thống website. Cụ thể, nguyên đơn kiện bị đơn đòi lại 219.152.490 đồng, một phần tiền đã thanh toán cho bị đơn trong tổng số tiền gần 700 triệu đồng, vì lý do sản phẩm cung cấp bởi bị đơn không đảm bảo chất lượng theo hợp đồng. Tuy nhiên, bị đơn đã phản tố kiện nguyên đơn vi phạm nghĩa vụ sử dụng phần mềm thuộc quyền sở hữu của bị đơn kèm theo yêu cầu tòa án trưng cầu giám định đối với phần mềm website mà nguyên đơn đang sử dụng xâm phạm quyền SHTT của bị đơn. Trên cơ sở được yêu cầu giới thiệu giám định viên tư pháp thực hiện giám định hành vi xâm phạm quyền tác giả, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) TP Đà Nẵng trong văn bản trả lời lại đề nghị tòa liên hệ với Văn phòng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại Đà Nẵng. Chín ngày sau khi đề nghị gửi Sở VHTT&DL TP Đà Nẵng, tòa án tiếp tục có công văn gửi Sở TT&TT TP Đà Nẵng với nội dung tương tự. Tuy nhiên, thay vì trả lời tòa án, Sở VHTT&DL TP Đà Nẵng có công văn đề nghị Bộ VHTT&DL hướng dẫn và được Bộ này hướng dẫn tham chiếu với Thông tư 15/2012/TT-BVHTTDL ngày 13/12/2012, theo đó tòa án liên hệ với Cục Bản quyền tác giả. Đến lượt mình được đề nghị trưng cầu giám định, Cục Bản quyền tác giả trong văn bản trả lời tòa án nêu rõ “đến nay chưa có tổ chức giám định quyền tác giả” và đề xuất tòa án trưng cầu hội đồng giám định. Chỉ riêng vấn đề trưng cầu giám định cứ lòng vòng như vậy cho đến ngày 11/2/2014 - gần 2 năm kể từ khi thụ lý vụ án, hội đồng giám định mới chính thức có kết luận giám định về vấn đề này, dựa trên đó TAND TP Đà Nẵng mới ban hành được phán quyết sơ thẩm ngày 23/5/2014.
Khác với hoạt động giám định quyền tác giả vốn dường như vừa mới chỉ bắt đầu (Trung tâm Giám định quyền tác giả mới được thành lập ngày 3/6/2016), hoạt động giám định SHCN đã vận hành được hơn 10 năm do một tổ chức giám định duy nhất là VIPRI cung cấp dịch vụ, song thực tiễn vẫn đang đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với hoạt động này.
Thứ nhất, vì hiện tại vẫn chỉ có duy nhất một cơ quan giám định SHCN là VIPRI, trong khi theo pháp luật về giám định SHCN thì phương thức thực hiện giám định của VIPRI vừa có thể thực hiện dưới dạng theo yêu cầu của đương sự, bên liên quan, vừa có thể được yêu cầu trưng cầu giám định bởi các cơ quan thực thi quyền SHTT, do đó, trường hợp đương sự hoặc bên liên quan đã chủ động có được kết luận giám định của VIPRI thì đương nhiên phương thức trưng cầu giám định của VIPRI sẽ tự động biến mất, như vậy cơ quan thực thi sẽ không còn nguồn giám định hợp lệ nào khác để trưng cầu giám định nhằm đánh giá toàn diện chứng cứ trên cơ sở có kết luận giám định khác làm đối trọng với kết luận giám định đã được yêu cầu từ trước bởi đương sự hoặc bên liên quan. Sự tồn tại của tình huống này đương nhiên sẽ tiếp tục dẫn đến sự bế tắc của cơ quan thực thi trong việc thu thập chứng cứ quan trọng là kết luận giám định làm cơ sở cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc.
Thứ hai, bất kể việc cung cấp kết luận giám định, mà được xem chứng cứ do việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục được pháp luật quy định, bởi chủ thể quyền hoặc các bên liên quan, cơ quan thực thi quyền SHTT vẫn chỉ dựa vào ý kiến chuyên môn được cung cấp bởi Cục SHTT làm căn cứ ra quyết định giải quyết đơn yêu cầu xử lý hành vi vi phạm quyền SHTT hoặc tranh chấp quyền SHTT. Thực tế này theo quan điểm của chúng tôi là đáng quan ngại vì như đã phân tích ở trên, một mặt quyết định hoặc phán quyết liên quan đến tranh chấp quyền SHTT mà dựa trên ý kiến chuyên môn bị xem là vi phạm cả quy định pháp luật TTDS và hành chính về xác định chứng cứ. Mặt khác, điều này còn vô hình chung làm vô hiệu hóa công cụ giám định SHTT được quy định trong pháp luật SHTT.
Đề xuất giải pháp thúc đẩy hoạt động giám định SHTT
Theo Điều 201 Luật SHTT sửa đổi năm 2009, 4 loại chủ thể gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư có thể thực hiện hoạt động giám định SHTT và như vậy xét trên thực tế thì mới chỉ có duy nhất một loại chủ thể đang hoạt động giám định SHCN dưới danh nghĩa của đơn vị sự nghiệp là VIPRI. Theo Điểm a Khoản 3 Điều 44 Nghị định 105/2006/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung theo Nghị định 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ thì giám định viên có thể hoạt động trong một tổ chức giám định SHTT dưới danh nghĩa của tổ chức đó hoặc hoạt động độc lập, theo đó tính chất độc lập ở đây được hiểu là độc lập đưa ra kết luận giám định và chịu trách nhiệm về kết luận giám định của mình. Chúng tôi cho rằng, đây là một quy định rất hay mà dựa trên đó có thể mở đường cho giải pháp được đề xuất dưới đây nhằm tăng cường sự hiện diện của nhiều tổ chức giám định SHTT, góp phần vừa đáp ứng nhu cầu của các cơ quan thực thi và cơ quan tố tụng, vừa góp phần phát triển năng lực xét xử và giải quyết các vụ việc về SHTT của cơ quan thực thi thông qua quá trình thu thập và xác định chứng cứ làm căn cứ giải quyết đúng đắn vụ việc.
Giải pháp được đề xuất là nên chăng thành lập một hoặc hai tổ chức sự nghiệp được thành lập bởi Bộ KH&CN và Bộ VHTT&DL, mỗi tổ chức sự nghiệp này chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ giám định SHCN, bản quyền tác giả và quyền liên quan tương ứng. Tổ chức sự nghiệp này có cơ chế hoạt động gần giống như các trung tâm trọng tài thương mại[10] được thành lập theo Luật Trọng tài thương mại 2010. Vì Khoản 3 Điều 201 Luật SHTT sửa đổi năm 2009 không hạn chế tình trạng công chức hoặc viên chức xin cấp thẻ giám định viên ngoại trừ đáp ứng 4 yêu cầu: i) Là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; ii) Thường trú tại Việt Nam; iii) Có phẩm chất đạo đức tốt; iv) Có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực đề nghị cấp thẻ giám định, đã qua thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực đó từ 5 năm trở lên và đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ về giám định. Do vậy, chúng tôi cho rằng, chúng ta có thể huy động và khuyến khích nhiều cá nhân, những người được đào tạo, có kinh nghiệm và hiểu biết sâu về các lĩnh vực chuyên ngành khác nhau, đang làm việc tại các viện nghiên cứu, Cục SHTT, cơ sở đào tạo tham dự kỳ thi cấp thẻ giám định viên ngoài đội ngũ luật sư, kỹ sư và những người hiện đang hành nghề đại diện SHTT ở Việt Nam. Sau khi những người này được cấp thẻ giám định viên hoặc họ có thể đăng ký ghi danh vào tổ chức sự nghiệp nêu trên và hoạt động tương tự như nguyên tắc của trọng tài viên là độc lập, vô tư và khách quan, hoặc họ có thể đăng ký hoạt động cho các tổ chức giám định khác như đã nêu trên. Cách làm này theo chúng tôi sẽ vừa giúp cơ quan thực thi dễ dàng trưng cầu kết luận giám định được từ những giám định viên có kinh nghiệm và kiến thức làm chứng cứ hợp lệ có đủ khả năng đối trọng với kết luận giám định được chủ động đưa ra bởi đương sự hoặc các bên liên quan, vừa đảm bảo nguyên tắc thu thập và xác định kết luận giám định là chứng cứ hợp lệ theo quy định của pháp luật TTDS và hành chính, vừa nâng cao được năng lực giải quyết vụ việc của cơ quan thực thi. Vì bản chất của hoạt động giám định SHTT cũng là một loại hình dịch vụ, do vậy, các tổ chức giám định cũng như giám định viên phải chấp nhận một thị trường cạnh tranh mà ở đó chỉ có tổ chức giám định và giám định viên có năng lực, kiến thức và kinh nghiệm được xem là đáng tin cậy nhất mới có thể được yêu cầu thực hiện dịch vụ giám định hoặc được trưng cầu giám định.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Từ điển Tiếng Việt online, http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/Dict/.
[2] Luật GĐTP 2012 (Khoản 1, Điều 2).
[3] Bộ Tư pháp (2011), Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh GĐTP số 48/BC-TP ngày 25/3/2011.
[4] Bộ luật TTDS 2015 (Điều 92; Khoản 5, Điều 94; Khoản 6, Điều 95).
[5] Bộ luật TTDS 2004 (Khoản 5, Điều 81; Khoản 5, Điều 83).
[6] Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, http://khoahocvacongnghevietnam.com.vn/ban-can-biet/so-huu-tri-tue/91-tim-hieu-ve-thuc-thi-phap-luat-shtt.html.
[3]Theo Khoản 6 Điều 95 Bộ luật TTDS năm 2015, kết luận giám định chỉ được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
[4]Khoản 2 Điều 5 Luật SHTT 2005 quy định nguyên tắc áp dụng luật chuyên ngành, theo đó trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về SHTT của Luật này với quy định của luật khác thì áp dụng quy định của Luật này.
[5]Khoản 1 Điều 3 Luật CNTT 2006 quy định trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật CNTT với quy định của luật khác về cùng một vấn đề liên quan đến hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT thì áp dụng quy định của Luật CNTT.
[6]Xem Điểm c Khoản 18, Điểm a Khoản 16 Điều 14 Nghị định 99/2013/NĐ-CP.
[7]Xem Điều 24, 27 và 28 Pháp lệnh Giám định 2004.
[8]Theo Khoản 9 Điều 84 Hiến pháp năm 1992, Quốc hội có quyền bãi bỏ các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trái với Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; theo Khoản 5 Điều 91 Ủy ban thường vụ Quốc hội có quyền huỷ bỏ các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.