Khẩn trương, quyết liệt rà soát các văn bản pháp quy
Bộ KH&CN đang khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Các dự thảo này đã hoàn thiện và đang trình Chính phủ phê duyệt.
Trong năm 2017, Bộ KH&CN đã ban hành 3 Thông tư, gồm: Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN ngày 28/9/2017 của Bộ trưởng Bộ KH&CN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 26/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường; Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN ngày 16/6/2017 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN theo tinh thần đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu như đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian kiểm tra hàng nhập khẩu, quy định về miễn kiểm tra hàng nhập khẩu (đối với hàng hóa có cùng tên gọi, công dụng, nhãn hiệu, kiểu loại, đặc tính kỹ thuật của cùng một cơ sở sản xuất, xuất xứ do cùng một người nhập khẩu) và đẩy mạnh sang áp dụng biện pháp hậu kiểm; Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và các phương thức đánh giá sự phù hợp, theo tinh thần sửa đổi các quy định liên quan đến công bố hợp quy với mục đích đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành, chuyển sang áp dụng biện pháp hậu kiểm. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng đang hoàn thiện để ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2009/TT-BKHCN ngày 20/3/2009 quy định Danh mục sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN và Quyết định 1171/QĐ-BKHCN ngày 27/5/2015 về việc công bố danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN.
Bộ KH&CN đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bãi bỏ Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 7/3/2006 về việc ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng tại Quyết định số 37/2017/QĐ-TTg ngày 17/8/2017. Với việc bãi bỏ Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg, đã giảm được danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, đặc biệt là sản phẩm, hàng hóa không có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ quản lý chuyên ngành rà soát, bãi bỏ hoặc kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi các quy định chứng nhận hợp quy, quản lý chất lượng không phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật An toàn thực phẩm theo hướng bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, giảm thiểu thời gian xử lý về thủ tục hành chính đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, tăng cường hậu kiểm. Đã tổ chức Hội thảo rà soát hàng hóa nhóm 2 và văn bản quy phạm pháp luật về thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu của 12 bộ quản lý chuyên ngành để triển khai Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 9/8/2017 về phiên họp thường kỳ tháng 7 năm 2017. Kết quả nổi bật của Hội thảo là các bộ quản lý chuyên ngành đã nhất trí, thống nhất chung tay cùng phối hợp thực hiện để hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao.
Về việc sửa đổi Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN ngày 13/11/2015 của Bộ KH&CN quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, Bộ KH&CN đã thành lập Tổ biên tập xây dựng dự thảo Thông tư, đang xin ý kiến một số bộ, ngành liên quan về dự thảo Thông tư. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về việc đưa nội dung quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng vào dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương, Bộ KH&CN đã đề nghị Bộ Công thương và Bộ Tư pháp đưa nội dung trên vào dự thảo Nghị định.
Hình thành và phát triển hệ thống ĐMST quốc gia
Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 đã đạt được một số kết quả bước đầu, ghi nhận sự nỗ lực của các chủ thể có liên quan:
Thứ nhất, tổ chức đánh giá, lựa chọn các nhiệm vụ triển khai các hoạt động thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; các nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cần thiết về: Đăng ký thành lập, hoạt động của tổ chức, cá nhân đầu tư mạo hiểm; cơ chế, chính sách đầu tư hỗ trợ ban đầu của Nhà nước và khuyến khích đầu tư trực tiếp cho khởi nghiệp ĐMST của các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội; đề xuất ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về chính sách thuế, tài chính đặc thù đối với tổ chức và cá nhân có hoạt động khởi nghiệp ĐMST hoặc đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST.
Thứ hai, tổ chức Ngày hội khởi nghiệp ĐMST quốc gia (Techfest 2017) thu hút trên 4.500 lượt đại biểu tham dự; 29 thương vụ có khả năng đầu tư lên đến 4,5 triệu USD; 250 doanh nghiệp khởi nghiệp tham dự; triển lãm sản phẩm khởi nghiệp ĐMST, giới thiệu dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp của hơn 150 doanh nghiệp và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; thu hút đại diện khoảng 50 quỹ đầu tư trong nước và quốc tế tham dự; hơn 170 cuộc kết nối đầu tư sâu trước và trong sự kiện được thực hiện.
Thứ ba, phối hợp tổ chức thành công sự kiện Diễn đàn khởi nghiệp APEC vào tháng 9/2017 tại thành phố Hồ Chí Minh (APEC Startup Forum) với sự tham gia của gần 30 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, hơn 30 nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm, các đại diện của Việt Nam và quốc tế về khởi nghiệp ĐMST.
Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khởi nghiệp ĐMST; đặc biệt với các quốc gia mạnh về khởi nghiệp ĐMST như Hoa Kỳ, Israel..., các tổ chức quốc tế như UberExchange (Hoa Kỳ), N15 (Hàn Quốc), chương trình đào tạo thạc sỹ quản trị kinh doanh VietMBA (liên kết với Đại học Hawaii, Hoa Kỳ), Quỹ đầu tư mạo hiểm Canada Asia Pacific Foundation và các đối tác khác nhằm tăng cường giới thiệu hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với các đối tác quốc tế, thu hút các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST của quốc tế về với Việt Nam.
Thứ năm, phát triển được hệ thống khởi nghiệp ĐMST ở các vùng, miền với trọng tâm là các vùng kinh tế và hệ thống khởi nghiệp ĐMST ở các trường đại học trong cả nước để thông qua đó giúp tạo dựng và lan toả văn hóa khởi nghiệp. Bộ KH&CN phối hợp với các cơ quan quản lý KH&CN ở các địa phương, các đại học vùng đã tổ chức chuỗi “Hội thảo khoa học liên kết vùng xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST” tại 7 Vùng kinh tế: Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long để lan tỏa hoạt động khởi nghiệp ĐMST trong vùng, quốc gia và quốc tế.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng đã tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ và hỗ trợ chuyển giao công nghệ như: Tổ chức hoạt động Trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ năm 2017 khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên tại thành phố Đà Nẵng; phối hợp với các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ cho 8 lĩnh vực phục vụ nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm trọng điểm, sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia, có nhiều khả năng phát triển như chọn tạo giống và sản xuất lúa gạo, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ gen, tế bào gốc tại Việt Nam, sản xuất vắc xin cho người, sản xuất vật liệu và linh kiện điện tử, cơ khí nông nghiệp, cơ khí ô tô...
Đổi mới về tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động bảo hộ quyền SHTT
Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) giai đoạn 2016-2020 được đẩy mạnh thực hiện, tạo bước đột phá, dịch chuyển lớn về quan điểm tiếp cận đối với hoạt động bảo hộ, phát triển TSTT so với giai đoạn 2011-2015: Đa dạng về chủ thể tham gia đề xuất; phong phú về loại dự án; đầy đủ về lĩnh vực triển khai và toàn diện về nội dung. Điểm nhấn của Chương trình năm 2017 là có nhiều đề xuất dự án khai thác quyền SHTT theo chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp làm hạt nhân và bước đầu giúp cho các doanh nghiệp khai thác tốt thông tin sáng chế của nước ngoài phục vụ hoạt động ĐMST.
Tổ chức hướng dẫn và tăng cường các giải pháp chủ động hỗ trợ các địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ. Tính đến tháng 11/2017, đã xử lý 121 đơn đề nghị cung cấp ý kiến chuyên môn của các cơ quan thực thi trên cả nước để hỗ trợ quá trình thực hiện nhiệm vụ thực thi quyền SHTT, cụ thể: 4 đơn đề nghị cung cấp ý kiến chuyên môn về sáng chế; 110 đơn đề nghị cung cấp ý kiến chuyên môn về nhãn hiệu; 7 đơn đề nghị cung cấp ý kiến chuyên môn về kiểu dáng công nghiệp.
Bộ KH&CN đã xây dựng và triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho 38 thủ tục hành chính và tất cả công văn, tài liệu đến và đi (khoảng 85 loại tài liệu trung gian trong quá trình xử lý đơn).
Tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp về SHTT; tăng cường công tác đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ trong hệ thống SHTT: Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức được 42 khoá đào tạo tập huấn về SHTT với 3.510 lượt đại biểu tham dự đến từ các các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội, các trường đại học. Trong đó, Bộ đã tổ chức 5 khóa đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ của các Sở KH&CN địa phương. Các nội dung tập huấn phong phú, đa dạng, phù hợp với các đối tượng tham dự như: Đăng ký bảo hộ và khai thác nhãn hiệu; bảo hộ quyền SHTT đối với đặc sản địa phương; đăng ký và khai thác sáng kiến; đăng ký và khai thác kiểu dáng công nghiệp; thông tin sở hữu công nghiệp; thực thi quyền SHTT...
Báo cáo kịp thời, thường xuyên về chỉ số, chỉ tiêu ĐMST
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là hàng quý có báo cáo chuyên đề về tình hình, kết quả cải thiện các chỉ số, chỉ tiêu về ĐMST gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ vào tháng cuối quý, cuối năm; Bộ KH&CN đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng:
Một là, thu thập thông tin, số liệu cung cấp cho Tổ chức SHTT thế giới (WIPO): Đã chủ động rà soát số liệu, thông tin của các chỉ số ĐMST năm 2016 để xác định những số liệu còn thiếu hoặc chưa được cập nhật và đã cung cấp số liệu cho WIPO; tiếp tục rà soát kết quả chỉ số ĐMST toàn cầu năm 2017 do WIPO công bố vào ngày 15/6/2017, từ đó tổng hợp, phân tích các chỉ số đã được cải thiện và chưa được cải thiện về điểm số và thứ hạng so với các năm 2015, 2016 và đưa ra các kiến nghị cụ thể đối với từng bộ, ngành, địa phương có liên quan.
Hai là, hướng dẫn các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tìm hiểu phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa các chỉ số xếp hạng ĐMST: Đã tổ chức 4 hội thảo cho các bộ, ngành, địa phương; thường xuyên trao đổi thông tin, hướng dẫn cho một số bộ, cơ quan, địa phương có nhu cầu về định nghĩa, nguồn thông tin, đánh giá hiện trạng chỉ số ĐMST toàn cầu được phân công chủ trì hoặc về yêu cầu, nhiệm vụ mà cơ quan chủ trì cần thực hiện; xây dựng Tài liệu hướng dẫn về “Định nghĩa, cách tính toán và nguồn dữ liệu của các chỉ số ĐMST toàn cầu” gửi tới các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương được Chính phủ phân công chủ trì cải thiện chỉ số ĐMST toàn cầu.
Ba là, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương theo dõi tình hình thực hiện cải thiện chỉ số ĐMST toàn cầu. Bộ KH&CN đã xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra một số bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai cải thiện chỉ số ĐMST toàn cầu. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông về chỉ số ĐMST toàn cầu và Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP.
*
* *
Trên cơ sở những kết quả đạt được của năm 2017, để có thể tiếp tục thực hiện việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018, Bộ KH&CN tiếp tục thực hiện và kiến nghị một số giải pháp sau: Tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp luật, cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường ngày càng thông thoáng cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh; phối hợp với Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối Ngân sách nhà nước (NSNN) để tổng mức chi từ NSNN cho KH&CN hàng năm không ít hơn 2% tổng chi NSNN; tiếp tục xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách để khuyến khích thực hiện các nhiệm vụ KH&CN gắn với doanh nghiệp và phát triển theo chuỗi giá trị các sản phẩm trọng điểm của quốc gia có tiềm năng xuất khẩu và giá trị kinh tế cao; hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược SHTT quốc gia, đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn đăng ký xác lập quyền và thực thi quyền sở hữu công nghiệp, phát triển và khai thác TSTT; xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp, khuyến khích hoạt động R&D trong các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… Những giải pháp này được thực hiện liên tục, đồng bộ hy vọng môi trường kinh doanh năm 2018 sẽ tiếp tục được hoàn thiện và cải thiện theo hướng tích cực, phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.