Think tank: Định nghĩa và phân loại
Theo định nghĩa của Chương trình think tanks và xã hội dân sự (TTCSP) của Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ (2018), think tanks là các tổ chức nghiên cứu, phân tích và vận động chính sách, cung cấp các phân tích và tư vấn chính sách cho các vấn đề trong nước và quốc tế, hỗ trợ cho quá trình ra quyết định của các nhà hoạch định chính sách cũng như công chúng. Think tanks có thể là các tổ chức gắn liền với các đảng chính trị, các cơ quan thuộc chính phủ, các nhóm lợi ích, các tập đoàn kinh tế hoặc tồn tại như một tổ chức phi chính phủ (NGOs). Các tổ chức này hoạt động như cầu nối giữa giới hàn lâm và giới hoạch định chính sách, là tiếng nói độc lập chuyển tải các kết quả nghiên cứu thành ngôn ngữ dễ hiểu, đáng tin cậy và dễ tiếp cận với mọi đối tượng.
Các think tanks tập trung nguồn lực vào việc xây dựng và công bố các nghiên cứu và phân tích chính sách trong nhiều lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, chính sách công, quan hệ quốc tế… Sản phẩm của các think tanks là sách, báo cáo, tóm lược chính sách, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, các đề xuất - kiến nghị chính sách chính thức hoặc các thảo luận không chính thức với các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan, quan điểm trên blogs, mạng xã hội.
Các think tank tuy có sự khác biệt (phong cách hoạt động, mô hình tuyển dụng, tiêu chuẩn học thuật, tính khách quan, sự hoàn thiện trong nghiên cứu…), song hầu hết đều có xu hướng thuộc vào các nhóm sau: Độc lập hoàn toàn (độc lập với các nhóm lợi ích, các nhà tài trợ, tự chủ trong hoạt động và ngân sách); độc lập tương đối (độc lập với chính phủ, nhưng lại phụ thuộc vào một nhóm lợi ích cung cấp phần lớn nguồn tài chính và có ảnh hưởng rõ rệt tới hoạt động của mình); thuộc trường đại học (có nền tảng hàn lâm); thuộc đảng chính trị (gắn liền với hoạt động/tôn chỉ của một đảng chính trị); thuộc chính phủ; một nửa thuộc chính phủ (được tài trợ hoàn toàn bởi chính phủ, nhưng không phải một cơ quan trực thuộc chính phủ); vì lợi nhuận (tổ chức nghiên cứu trực thuộc một tập đoàn kinh tế hoặc là một cơ quan độc lập nhưng hoạt động vì lợi nhuận).
Xếp hạng think tank toàn cầu
Báo cáo xếp hạng think tank toàn cầu là một nỗ lực của TTCSP nhằm thừa nhận những đóng góp quan trọng của các think tank trên toàn thế giới; từ đó, giúp cải thiện năng lực và hiệu suất của các tổ chức này. Kể từ năm 2006, quá trình xếp hạng đã được tinh chỉnh hợp lý hơn, số lượng và phạm vi của các tổ chức, cá nhân tham gia liên tục tăng. Gần 8.000 think tank được liệt kê trong Cơ sở dữ liệu toàn cầu của TTCSP được liên lạc và khuyến khích tham gia vào quá trình đề cử và xếp hạng. Ngoài ra, hơn 62.000 nhà báo, nhà hoạch định chính sách, nhà tài trợ và các chuyên gia cũng đã được mời tham gia vào quá trình này.
Tiêu chí đề cử
Để có thể được đề cử vào bảng xếp hạng think tank toàn cầu, các think tank cần phải đảm bảo các tiêu chí sau: Khả năng và mức độ cam kết của bộ máy lãnh đạo; khả năng và uy tín của các thành viên; chất lượng và uy tín của các nghiên cứu và phân tích; khả năng tuyển dụng và duy trì đội ngũ các nhà nghiên cứu và phân tích tài năng; uy tín trong học thuật; số lượng, chất lượng của các ấn phẩm, xuất bản phẩm; khả năng ảnh hưởng tới các nhà hoạch định chính sách và các tác nhân khác trong quy trình xây dựng và hoạch định chính sách; cam kết trong việc đưa ra các nghiên cứu và phân tích độc lập; khả năng tiếp cận tới các nhóm đối tượng tiềm năng/các bên liên quan; khả năng kết nối tới các tác nhân trong quá trình hoạch định chính sách và khả năng kết nối với các think tanks khác; tổng khối lượng sản phẩm của tổ chức (số đề xuất chính sách, lượng truy cập web/mạng xã hội, số cuộc phỏng vấn, số ấn phẩm); mức độ hữu ích của các nghiên cứu, đề xuất chính sách và các sản phẩm khác; khả năng truyền thông các kết quả nghiên cứu; uy tín với giới truyền thông; khả năng sử dung các phương tiện truyền thông hiện đại (bao gồm cả website, mạng xã hội); quy mô, mức độ đa dạng và ổn định của các nguồn tài trợ; mức độ hiệu quả trong quản lý nhân sự và tài chính; khả năng hoàn thành các hợp đồng, cam kết với các nhà tài trợ; khả năng đưa ra các ý tưởng, các đề xuất chính sách mới mang tính sáng tạo; khả năng trở thành cầu nối và thu hẹp khoảng cách giữa giới hàn lâm và giới hoạch định chính sách; khả năng đưa ra tiếng nói trong quy trình hoạch định chính sách; sự hiện diện của tổ chức trong các vấn đề của xã hội và các mạng lưới vận động chính sách; khả năng thách thức những hiểu biết thông thường và đưa ra các ý tưởng chính sách mới; khả năng ảnh hưởng tới xã hội.
Công cụ đánh giá
Khi đánh giá và xếp hạng think tanks, TTCSP đưa ra bộ 4 chỉ số: Nguồn lực, mức độ hữu dụng, sản phẩm đầu ra và khả năng tác động:
Nguồn lực: Khả năng tuyển dụng và duy trì đội ngũ các nhà nghiên cứu và phân tích chính sách tài năng; quy mô, chất lượng và mức độ ổn định của các nguồn tài trợ; mức độ chuyên nghiệp của đội ngũ trong việc tạo ra các sản phẩm đúng hạn và có chất lượng; chất lượng và mức độ tin cậy của các mạng lưới và các kết nối.
Mức độ hữu dụng: Uy tín như một tổ chức “dấn thân” trong con mắt của giới hoạch định chính sách và giới truyền thông; chất lượng, tần suất xuất hiện và được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông; các cuộc gặp chính thức với các cơ quan hoạch định chính sách; số lượng sách, báo cáo được phát đi; tần suất tham khảo các ấn phẩm; số lượng người tham dự các sự kiện.
Sản phẩm đầu ra: Số lượng và chất lượng của các ý tưởng và đề xuất chính sách của các ấn phẩm được xuất bản, các bài phỏng vấn trên truyền thông, các buổi hội thảo/hội nghị/tọa đàm, số lượng các thành viên được đề cử vào các hội đồng tư vấn cho chính phủ.
Khả năng tác động: Các đề xuất được chấp nhận bởi chính phủ và các nhóm xã hội; vai trò tư vấn cho các đảng chính trị; các giải thưởng được nhận; sự tham gia vào các cuộc thảo luận chính sách và khả năng ảnh hưởng tới quá trình ra quyết định; mức độ ảnh hưởng tới truyền thông, sự thành công trong việc thách thức các hiểu biết và quy trình thông thường của đất nước.
Quy trình xây dựng Báo cáo xếp hạng think tank toàn cầu
Trước khi xây dựng Báo cáo xếp hạng think tank toàn cầu, TTCSP dành 1 tháng để thu thập dữ liệu và cập nhật các think tank vào cơ sở dữ liệu để tất cả think tank trên khắp thế giới có thể tham gia trong quá trình đề cử và xếp hạng. Trước khi có báo cáo chính thức, các think tank phải trải qua 3 vòng như sau:
Vòng 1 (đề cử): TTCSP kêu gọi hơn 7.500 think tank và các nhà báo, nhà tài trợ, và các nhà hoạch định chính sách từ khắp nơi trên thế giới đề cử những Think Tank mà họ cho là xứng đáng. Chỉ những think tank với 10 đề cử trở lên mới được đưa vào vòng tiếp theo.
Vòng 2 (xếp hạng): Các think tank qua vòng đề cử sẽ được xếp hạng. Thông báo xếp hạng sẽ được gửi tới tất cả các nhóm chuyên gia, nhà báo, nhà tài trợ và các nhóm nhà hoạch định chính sách đã đồng ý tham gia vào quá trình này. Các think tank được phân lần lượt theo các bảng và kết quả sẽ được gửi tới Hội đồng chuyên gia.
Vòng 3 (xét duyệt): Hội đồng chuyên gia duyệt lại danh sách các thins tank được xếp hạng và gửi kết quả xếp hạng cuối cùng cho TTCSP.
Vị trí của các think tank Việt Nam năm 2017
Với hạng mục think tank hàng đầu khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Việt Nam có 5 think tank được xếp hạng, bao gồm: Viện Kinh tế và chính trị thế giới (IWEP) xếp thứ 30; Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV) xếp thứ 40; Viện Kinh tế Việt Nam (VIE) xếp thứ 42; Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) xếp thứ 56; Viện Nghiên cứu châu Mỹ (VIAS) xếp thứ 97.
Ở các hạng mục xếp hạng khác, một số think tank của Việt Nam cũng góp mặt như: Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) được xếp hạng thứ 69 trong số các think tank hàng đầu về chính sách kinh tế trong nước; VEPR đứng thứ 123 trong bảng xếp hạng các think tank hàng đầu về phát triển quốc tế; IWEP và DAV được xếp hạng lần lượt là 24 và 40 trong bảng xếp hạng các think tank thuộc Chính phủ tốt nhất; Trung tâm Nghiên cứu hệ thống y tế - Trường Đại học Y Hà Nội (CHSR) được xếp hạng thứ 24 trong bảng xếp hạng các think tank hàng đầu về chính sách y tế quốc gia và thứ 23 trong các think tank hàng đầu về chính sách y tế quốc tế.
Có thể nói, số lượng think tank ở Việt Nam không phải là ít, với rất nhiều viện nghiên cứu nhà nước, viện nghiên cứu trực thuộc trường đại học hay các cơ sở khoa học. Tuy nhiên, trong Bảng xếp hạng think tank toàn cầu năm 2017, Việt Nam chỉ có sự hiện diện của 7 think tank và đều chưa lọt vào top các think tank của thế giới. Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết: “Trong số 173 tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới, gồm cả lãnh thổ Mỹ và ngoài Mỹ; rất tiếc là chưa có một cái tên nào của Việt Nam, trong khi đó, có tên những tổ chức nghiên cứu của một số nước có cùng hoặc thậm chí thấp hơn mức độ phát triển/thu nhập bình quân đầu người so với Việt Nam, như Kenya (xếp thứ 67), Indonesia (78), Bangladesh (102), Campuchia (161)...”.
Think tanks không phải là tổ chức nghiên cứu thuần tuý mà nó gắn với các chính sách và đời sống, có thể làm thay đổi chính sách của chính phủ và nhận thức của người dân về các vấn đề KT-XH. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, diễn biến kinh tế, chính trị, khoa học, công nghệ, xã hội trên thế giới diễn ra nhanh và phức tạp, các think tanks Việt Nam cần phát triển chuyên nghiệp và toàn diện hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của xã hội. Các tổ chức này cần phải hoạt động như cầu nối giữa giới hàn lâm và giới hoạch định chính sách, là tiếng nói độc lập chuyển tải các kết quả nghiên cứu, mang lại những giá trị và lợi ích thiết thực cho xã hội. Chỉ có như vậy mới đảm bảo được tính trung dung, hài hoà cho lợi ích của toàn xã hội và người dân.