Kinh tế Việt Nam năm 2017
Năm vừa qua, kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan với những nỗ lực quyết liệt ở giai đoạn cuối năm, các chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản đều ở mức khả quan. Tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, cao hơn kế hoạch (6,7%), và là mức tăng cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Động lực tăng trưởng chủ yếu về phía sản xuất là vai trò của khu vực FDI với ngành công nghiệp chế biến chế tạo và sự tăng trưởng của ngành dịch vụ; nhu cầu chi tiêu nội địa khá ổn định và chi đầu tư từ khu vực tư nhân gia tăng. Môi trường kinh doanh được cải thiện đã tạo điều kiện tốt hơn cho sự tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân. Khu vực kinh tế đối ngoại đạt được những con số ấn tượng. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh dẫn đến thặng dư cán cân thương mại hàng hóa ở mức 2,7 tỷ USD. Vốn FDI giải ngân đạt mức kỷ lục 17,5 tỷ USD. Lạm phát năm 2017 được kiểm soát ở mức thấp và tỷ giá ổn định.
Tuy nhiên, kinh tế năm 2017 cũng phải đối diện với nhiều tồn tại và thách thức. Chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện, nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào gia tăng tổng đầu tư và tăng trưởng tín dụng, trong khi chất lượng của các nguồn lực vẫn còn thấp. Cách thức tăng trưởng hiện nay khiến dư địa tác động chính sách bị thu hẹp, những chính sách quản lý tổng cầu gây sức ép bất ổn như lạm phát hay bất ổn tài chính. Hệ thống tài chính tiền tệ vẫn đang phải xử lý vấn đề nợ xấu và tỷ lệ an toàn vốn còn mỏng. Ngoài ra, thâm hụt ngân sách và nợ công gia tăng tiếp tục là rủi ro vĩ mô lớn của nền kinh tế. FDI hiện được coi là động lực tăng trưởng chính, nhưng sản xuất của khu vực này chủ yếu mang tính gia công và gây ô nhiễm môi trường, động lực từ khu vực này đóng góp thiếu bền vững vào tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam, dễ đẩy nền kinh tế vào “bẫy thu nhập thấp”.
Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp còn đối diện với nhiều rào cản phát triển. Mặc dù môi trường kinh doanh cải thiện hơn sau những nỗ lực xây dựng “Nhà nước kiến tạo”, số lượng doanh nghiệp và lượng vốn đăng ký đã tăng mạnh trong năm 2017, nhưng khu vực doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Khoảng 98% tổng số doanh nghiệp hiện đang hoạt động là thuộc khu vực kinh tế tư nhân, trong đó đại đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ tăng cao liên tục từ năm 2012, và hiện nay lên đến hơn 48%. Trong ba khu vực, doanh nghiệp tư nhân và FDI có tỷ lệ thua lỗ cao hơn hẳn so với doanh nghiệp nhà nước. Nếu doanh nghiệp FDI thua lỗ một phần từ hoạt động “chuyển giá”, thì con số hơn 48% doanh nghiệp tư nhân thua lỗ đã phản ánh rõ nét những khó khăn rất lớn của khu vực kinh tế tư nhân. Những kết quả này cho thấy, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng vẫn đang đối diện với những rào cản phát triển quan trọng như vốn, lao động, đất đai, công nghệ, cơ sở hạ tầng và logistics; cũng như gặp nhiều tồn tại bất hợp lý khi khởi sự kinh doanh hay thực hiện những nghĩa vụ thuế và hải quan... Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của các doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế.
Triển vọng kinh tế năm 2018
Một số dự báo
Những yếu tố từ bên ngoài được cho là thuận lợi đối với Việt Nam đến từ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới tốt hơn trong năm 2018 (dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế là 3,9% so với 3,7% năm 2017; dự báo của World Bank là 3,1% so với 3% năm 2017 [1]). Các dòng vốn đầu tư (cả trực tiếp và gián tiếp) có xu hướng gia tăng và chuyển hướng nhiều hơn về các nước đang phát triển và mới nổi. Thương mại toàn cầu có xu hướng chững lại so với năm 2017, nhưng vẫn duy trì ở mức cao hơn nhiều so với năm 2016. Những yếu tố này sẽ giúp nền kinh tế giữ nhịp cho việc thu hút dòng vốn nước ngoài và tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là ở các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm chế biến chế tạo trong năm 2018. Ngoài ra, các hiệp định thương mại đa phương như CPTPP (được ký kết đầu năm 2018) sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam. “Hiệp định mới sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam nhờ tự do hóa thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường. Quan trọng nhất là nó sẽ thúc đẩy và tăng tốc quá trình cải cách trong nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau” [1].
Từ bên trong, nếu xét từ khu vực kinh tế thì động lực tăng trưởng sẽ được duy trì chủ yếu từ khu vực FDI và được tăng cường hơn từ khu vực kinh tế tư nhân. Trong năm 2018, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút được dòng vốn FDI quy mô lớn, theo đó, các doanh nghiệp tiếp tục đóng góp cho thương mại quốc tế, sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo và tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực FDI tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân trong năm 2018 được dự báo là sẽ có sự phát triển mạnh mẽ hơn so với trước, xuất phát từ môi trường kinh doanh đã được cải thiện tốt hơn.
Còn xét từ các ngành sản xuất, kinh tế năm 2018 sẽ được thúc đẩy chủ yếu từ khu vực dịch vụ và sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo. Ngành dịch vụ dự báo sẽ duy trì tốc độ gia tăng nhanh chóng như năm 2017, và với tỷ trọng đến hơn 40% GDP, khu vực này tiếp tục đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, với vai trò ngày càng quan trọng của khu vực FDI, ngành sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng vượt bậc kéo dài như trong giai đoạn 2012-2017, hỗ trợ cho tốc độ tăng cao của cả ngành công nghiệp và xây dựng, trong bối cảnh ngành công nghiệp khai khoáng và khai thác tài nguyên đã “tới hạn”.
Xét theo các thành tố chi tiêu, tăng trưởng năm 2018 sẽ được giữ nhịp từ nhu cầu nội địa, với mức tăng trưởng mạnh của chi tiêu tiêu dùng, do sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bán buôn bán lẻ, thu nhập thực tế tốt hơn trong khi lạm phát thấp và ổn định, cùng với sự hỗ trợ từ tín dụng tiêu dùng nới lỏng hơn. Trong khi đó, tổng mức đầu tư xã hội dự báo sẽ duy trì như năm 2017 với sự đóng góp nhiều hơn từ khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.
Ngoài ra, các biến số kinh tế vĩ mô khác được dự báo thuận lợi như lạm phát và tỷ giá. Lạm phát dự báo sẽ được kiểm soát ở mức thấp như 2017 (khoảng dưới 4%) do giá dầu thế giới năm 2018 được dự báo phục hồi ở mức độ thấp hơn, giá lương thực thực phẩm được kiềm giữ ở mức thấp do sản lượng nông nghiệp đang có xu hướng tăng trưởng tốt trở lại, lạm phát cơ bản sẽ vẫn được duy trì ở mức thấp do mục tiêu tăng trưởng phương tiện thanh toán và tín dụng thấp hơn so với thực hiện năm 2017. Lạm phát năm 2018 sẽ chịu rủi ro tăng cao chủ yếu từ việc tăng giá các hàng hóa dịch vụ công thuộc quản lý của Nhà nước và việc tăng giá điện.
Tỷ giá năm 2018 có thể đối diện một số rủi ro. Cụ Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhiều lần trong năm 2018 do tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ phục hồi khá tốt cùng tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm. Lãi suất FED gia tăng sẽ có thể khiến đồng USD tăng giá trở lại, gây áp lực đến VND vốn đang được định giá cao. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối mặc dù đã gia tăng mạnh trong năm 2017, nhưng vẫn còn mỏng (chỉ tương đương mức được khuyến cáo - 3 tháng nhập khẩu, và đang ở mức thấp nhất so với các nước trong khu vực). Ngoài ra, dư địa tác động ổn định tỷ giá thông qua lãi suất không nhiều do mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng rõ ràng thông qua các chỉ tiêu đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua. Tuy vậy, tỷ giá sẽ không có những cú sốc lớn và có thể được duy trì ổn định với sự hỗ trợ lớn từ xu hướng kiều hối, dòng vốn nước ngoài sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2018. Bên cạnh đó, cơ chế điều hành tỷ giá cũng đã có dấu hiệu linh hoạt và chủ động hơn. Trong ngắn hạn, Ngân hàng nhà nước có đủ khả năng để can thiệp nếu vẫn muốn ổn định tỷ giá.
Những thách thức
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, nền kinh tế 2018 cũng sẽ phải vượt qua một số thách thức lớn để đạt được các kết quả như kỳ vọng [2]:
Một là, mô hình tăng trưởng chưa được cải thiện đáng kể, chất lượng tăng trưởng chưa đáp ứng được nhu cầu. Nền kinh tế tăng trưởng vẫn dựa chủ yếu vào gia tăng tổng đầu tư và tăng trưởng tín dụng, trong khi chất lượng các nguồn lực vẫn còn thấp. Trong bối cảnh mô hình tăng trưởng vẫn như cũ, nếu nhìn vào diễn biến như: i) Tín dụng và tổng vốn đầu tư xã hội gia tăng liên tục kể từ năm 2012; ii) Các yếu tố thuận lợi như lạm phát thấp, tỷ giá ổn định; nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn thấp và khó khăn. Điều này cho thấy chất lượng tăng trưởng còn rất thấp, đồng thời nền kinh tế có thể đang tiến sát đến mức sản lượng tiềm năng. Trong năm 2018, vốn đầu tư (hiện đang ở mức cao 33,3%, chỉ thấp hơn năm 2011 ở mức hơn 34% khi bắt đầu thực hiện tái cơ cấu) khó có triển vọng gia tăng hơn sẽ hạn chế khả năng tăng trưởng cao của nền kinh tế.
Hai là, dư địa tác động của các chính sách sẽ dần bị thu hẹp. Với đặc điểm tăng trưởng nêu trên, muốn đạt tăng trưởng cao trong ngắn hạn cần các chính sách quản lý tổng cầu (như nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng cung tín dụng, gia tăng đầu tư công...), nhưng sẽ không tăng được nhiều sản lượng mà đánh đổi là bất ổn vĩ mô. Việc gia tăng mạnh cung tiền và tín dụng phục vụ mục tiêu tăng trưởng có thể gây áp lực đến rủi ro lạm phát. Bên cạnh đó, tốc độ tín dụng gia tăng nhanh sẽ tiếp tục khiến tỷ lệ tín dụng/GDP tăng lên nhanh chóng, các dòng vốn cũng có xu hướng dồn về những khu vực rủi ro hơn, theo đó gây sức ép đến ổn định tài chính, trong khi hệ thống vẫn đối diện với vấn đề nợ xấu và tỷ lệ an toàn vốn còn tương đối mỏng. Trong khi đó, rủi ro thâm hụt ngân sách và nợ công cũng khiến dư địa cho chính sách tài khóa không còn nhiều.
Ba là, yêu cầu định vị lại vai trò động lực tăng trưởng của các thành phần kinh tế. Nền kinh tế hiện nay đang dựa chủ yếu vào sự đóng góp của khu vực FDI, tuy nhiên khu vực này cũng đã bộc lộ những tồn tại lớn như: i) Thiếu vắng công nghệ cao và chuyển giao công nghệ không hiệu quả; ii) Sản xuất chủ yếu ở ngành chế biến chế tạo đang gây ô nhiễm môi trường; iii) Đóng góp vào ngân sách không tương xứng cùng những hành vi chuyển giá; iv) Sản xuất của khu vực FDI vẫn mang nặng tính gia công, ở vị trí cuối của chuỗi sản xuất toàn cầu và Đông Á với giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam rất thấp; v) Luồng tiền chi trả sở hữu ra nước ngoài gia tăng mạnh có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ tiết kiệm quốc gia và khả năng đầu tư của nền kinh tế. Với một nền kinh tế dựa vào khu vực FDI chủ yếu là sản xuất gia công, Việt Nam có thể sẽ bước vào “bẫy giá trị thấp”.
Vì vậy, thách thức đặt ra là cần định vị lại vai trò động lực quan trọng cho khu vực tư nhân trong nước, trong bối cảnh khu vực nhà nước thiếu hiệu quả và dần sẽ bị thu hẹp. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân hiện đang đứng trước nhiều khó khăn. Khu vực này cho đến nay vẫn dựa chủ yếu vào khu vực kinh doanh cá thể (chiếm khoảng 30% GDP), và khối các doanh nghiệp tư nhân thì còn rất nhỏ bé (chỉ đóng góp khoảng 8% GDP). Khu vực kinh tế tư nhân ngoài việc bị khu vực kinh tế nhà nước và FDI chèn lấn, thì còn gặp rất nhiều rào cản khi tiếp cận các thị trường có yếu tố sản xuất phụ thuộc vào vốn, lao động, cơ sở hạ tầng và logistics... (gồm cả khả năng tiếp cận và chi phí tiếp cận, chính thức cũng như phi chính thức) cũng như khi thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước. Cải thiện môi trường kinh doanh và các chính sách hỗ trợ khu vực tư nhân (đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân) phải luôn được coi là trọng tâm chính sách bằng những giải pháp thực chất hướng đến doanh nghiệp, để từ đó xây dựng động lực tăng trưởng cho nền kinh tế một cách bền vững.
Khuyến nghị chính sách
Với những kết quả kinh tế đạt được năm 2017 và những thách thức, vấn đề còn tồn tại của nền kinh tế, có thể thấy vấn đề mấu chốt cần giải quyết trong năm 2018 và đặt nền móng cho các năm tiếp theo là nhanh chóng cải thiện tổng cung cả về ngắn hạn và dài hạn của nền kinh tế. Theo đó, một mặt phải tăng được sản lượng tiềm năng, đóng góp vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ đó gia tăng năng suất, hiệu quả và chất lượng tăng trưởng; mặt khác phải gia tăng dư địa chính sách, tạo cơ hội gia tăng hiệu lực của các chính sách vĩ mô. Vì vậy, Chính phủ nên chuyển mạnh định hướng chính sách gia tăng tổng cung. Để gia tăng tổng cung dài hạn cũng như ngắn hạn, về cơ bản có hai hướng chính sách chính:
Thứ nhất là các chính sách can thiệp: Chính phủ có những động thái tác động trực tiếp để gia tăng số lượng và chất lượng nguồn lực sản xuất. Trong bối cảnh hiện nay, thay vì gia tăng số lượng, cần tập trung gia tăng chất lượng các nguồn lực sản xuất, ví dụ: i) Đầu tư vào nguồn nhân lực trong các lĩnh vực như: Giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe...; ii) Đầu tư vào KH&CN (công nghệ mới, công nghiệp 4.0); iii) Đầu tư vào cơ sở hạ tầng; iv) Xây dựng một số chính sách phát triển công nghiệp phù hợp, chẳng hạn như: Chiến lược công nghiệp cần hướng vào một số ngành mũi nhọn với những ưu đãi lớn.
Thứ hai là các chính sách dựa trên thị trường: Theo đó, Chính phủ thay vì tác động trực tiếp thì nên thiên về việc tạo lập điều kiện để các lực lượng thị trường hoạt động tốt và có hiệu quả nhất. Ví dụ, các chính sách thúc đẩy cạnh tranh (như giảm can thiệp điều tiết của Nhà nước, tư nhân hóa, chống độc quyền, kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực, tháo gỡ các rào cản, đặc biệt là thể chế để khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng). Bên cạnh đó, các chính sách tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng không chỉ cần nhất quán và hài hòa giữa các khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp ngoài Nhà nước và khu vực hộ gia đình, mà còn phải nhất quán và công bằng giữa các doanh nghiệp trong cùng một loại hình thể chế. Với môi trường thân thiện, bình đẳng và minh bạch, bản thân các doanh nghiệp sẽ là đối tượng giúp thực hiện được mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ mong muốn.
Bên cạnh những chính sách gia tăng tổng cung dài hạn, trước mắt, Chính phủ cần có những giải pháp để thúc đẩy tổng cung ngắn hạn, bằng cách giảm nhanh các chi phí nguồn lực sản xuất của nền kinh tế. Ở đây chính là giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp. Hiện nay các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân khó phát triển là do chi phí sản xuất kinh doanh ở mức cao. Các doanh nghiệp khi tiếp cận và thuê mua các yếu tố sản xuất cũng như khi làm các nghĩa vụ thuế phí đối với Nhà nước phải trả các chi phí chính thức và phi chính thức. Vì vậy, muốn giảm chi phí cho doanh nghiệp mà không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách thì cần tập trung vào các yếu tố như thị trường vốn, lao động, đất đai... để kiến tạo thể chế thị trường cạnh tranh, theo đó, các doanh nghiệp có thể tiếp cận các yếu tố với chi phí chính thức thấp hơn. Ngoài ra, cần làm cho việc tiếp cận các yếu tố đơn giản hơn để các chi phí phi chính thức giảm xuống.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] WB (2018), Tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương: Trường hợp Việt Nam, http://documents.worldbank.org/curated/en/530071520516750941/Economic-and-distributional-impacts-of-comprehensive-and-progressive-agreement-for-trans-pacific-partnership-the-case-of-Vietnam
[2] Trần Thọ Đạt và Tô Trung Thành (chủ biên) (2018), Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên: Tháo gỡ rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân.