Thứ ba, 10/04/2018 15:23

Hiệu lực bảo hộ độc quyền sáng chế và động lực sáng tạo

Nguyễn Hữu Cẩn

 

Viện Khoa học sở hữu trí tuệ

 

Hiệu lực bảo hộ độc quyền sáng chế (SC) nói riêng và sở hữu trí tuệ (SHTT) nói chung có mối quan hệ mật thiết với động lực sáng tạo (ĐLST). Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một khi ĐLST được thúc đẩy mạnh mẽ, các tài sản trí tuệ được sáng tạo ra dồi dào sẽ trở thành nguồn lực quý giá vô hạn của mỗi quốc gia. Bài viết phân tích định tính và định lượng tác động của hiệu lực bảo hộ độc quyền SC tới ĐLST của nhà SC trong bối cảnh Việt Nam, từ đó gợi ý một số chính sách nhằm nâng cao hiệu lực bảo hộ độc quyền SC, gia tăng nội lực nền kinh tế trong thời gian tới.

Mở đầu

Bảo hộ độc quyền SHTT nói chung và SC nói riêng được thừa nhận là công cụ hữu hiệu thúc đẩy hoạt động sáng tạo và đầu tư cho sáng tạo, tăng cường chuyển giao công nghệ và tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh. Theo lý thuyết động lực SC vốn quen thuộc trong lĩnh vực SHTT, nếu không có hệ thống bảo hộ độc quyền SC thì sẽ không có SC [1]. Bảo hộ độc quyền SC từ lâu đã trở thành một cấu phần thiết yếu trong hoạt động đổi mới sáng tạo, là công cụ chính sách được coi là phổ biến nhất nhằm thúc đẩy ĐLST [2]. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bảo hộ độc quyền SC với hiệu lực mạnh là nhân tố thúc đẩy động lực của nhà SC, khuyến khích sáng tạo ra SC có khả năng được cấp pa-tăng [3-9]. Sở dĩ như vậy vì nếu thể chế bảo hộ độc quyền SC được thực thi nghiêm chỉnh, pa-tăng cho phép nhà SC kiểm soát việc sử dụng SC của mình trong khoảng thời gian nhất định, mang lại lợi nhuận độc quyền nhằm bù đắp khoản chi phí đầu tư to lớn để sáng tạo ra SC, chống lại các hành vi sao chép bất chính và tạo cơ hội cho nhà SC được hưởng thu nhập từ việc sử dụng SC [3, 10]. Nếu SC không được bảo hộ theo pa-tăng, chi phí biên của việc sao chép trái phép SC gần như bằng 0 và triệt tiêu hầu hết lợi ích kinh tế do SC mang lại cho nhà SC cũng như làm suy giảm nỗ lực đầu tư, kể cả đầu tư trí tuệ, cho hoạt động SC [2, 11] . Do đó, hiệu lực bảo hộ độc quyền SC càng mạnh thì càng khích lệ sáng tạo ra nhiều SC hơn [1, 7, 12].

Việc bảo đảm hiệu lực bảo hộ độc quyền SC là bổn phận của Nhà nước vì thông qua công cụ pháp luật, chỉ có Nhà nước mới có đủ quyền lực, khả năng nhân lực, bộ máy thực thi, tài chính, công nghệ... để bênh vực, bảo vệ cho hoạt động sáng tạo, trong khi cá nhân nhà SC thì không thể có khả năng như vậy. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu gay gắt, những nước có hiệu lực bảo hộ độc quyền SC yếu hơn dường như có xu hướng bị tụt hậu trong cuộc đua tranh đổi mới sáng tạo và bị lệ thuộc công nghệ. Dữ liệu thống kê của OECD cho thấy, các nước có hiệu lực bảo hộ độc quyền SC mạnh như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Hàn Quốc đều là những nước sáng tạo ra nhiều SC nhất thế giới; những nước có hiệu lực bảo hộ độc quyền SC được cải thiện trong nhiều năm qua như Trung Quốc, Ấn Độ cũng có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng SC do công dân của mình sáng tạo ra; nhiều nước đang phát triển như Brazil, Mexico, Hy Lạp, Ukraina, Việt Nam cũng được đánh giá cao về nỗ lực nâng cao hiệu lực bảo hộ độc quyền SHTT [13] nhằm tạo môi trường thúc đẩy mạnh mẽ hơn ĐLST của nhà SC.

Ảnh hưởng của hiệu lực bảo hộ độc quyền SC tới ĐLST

Kể từ khi SC được bảo hộ ở Việt Nam (1981), Nhà nước chủ trương công nhận và bảo hộ độc quyền SC nhằm thúc đẩy ĐLST. Trong thời hạn bảo hộ, chủ sở hữu SC có quyền sử dụng, quyền định đoạt SC, cho phép hoặc ngăn cấm người khác sử dụng SC của mình. Hành vi sử dụng SC thuộc trạng thái độc quyền mà không được phép của chủ sở hữu SC bị coi là xâm phạm độc quyền SC và bị xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, đến nay dường như chưa có nghiên cứu về ảnh hưởng của hiệu lực bảo hộ độc quyền SC tới ĐLST, xét từ góc độ trải nghiệm của bản thân nhà SC ở Việt Nam. Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã tiến hành khảo sát 2 mẫu. Mẫu 1 gồm 5 nhà SC danh tiếng của Việt Nam được phỏng vấn sâu. Mẫu 2 gồm 180 nhà SC của Việt Nam được cấp pa-tăng trong giai đoạn 2011-2015 được khảo sát bằng bảng hỏi.

Đối với mẫu 1, phần lớn nhà SC cho rằng vấn đề hiệu lực bảo hộ độc quyền SC thấp, tình trạng “sao chép” công nghệ, xâm phạm độc quyền SC còn phổ biến như hiện nay khiến cho nhà SC mất niềm tin vào thể chế bảo hộ độc quyền SC và làm giảm ĐLST của họ.

“Hiện tượng ăn cắp là rất nghiêm trọng. SC năng lượng gió của tôi... nhà máy ở Thanh Trì, Hà Nội cứ muốn biến của mình thành của họ...”.

(Một nhà SC về thiết bị khai thác năng lượng gió)

“Công nghệ chiết xuất của tôi đang bị tiếp cận bằng mọi cách... cho nên bảo vệ SC tức là phải bảo vệ được từ ý tưởng... Mà không có cách gì bắt vi phạm... sản phẩm giả cứ để bán đấy thôi”.

(Một nhà SC về dược phẩm và phương pháp bào chế dược phẩm)

“... bảo hộ ở Việt Nam hiện nay còn lỏng lẻo, mọi người chưa tin mấy đâu... SC hiện nay không được bảo hộ một cách đúng mức.

(Một nhà SC về quy trình xử lý đất bằng phương pháp sinh học)

Một số nhà SC lưu ý rằng, bảo hộ độc quyền SC chỉ thực sự có hiệu lực nếu xã hội có ý thức tôn trọng độc quyền SC và bảo đảm thực thi độc quyền SC một cách có hiệu quả. Nếu độc quyền SC được bảo hộ đúng mức thì không chỉ nhà SC mà chủ thể thương mại hóa SC cũng được bảo vệ và hưởng lợi ích từ việc khai thác SC, từ đó thúc đẩy động lực của nhà SC:

“...Luật pháp phải làm sao cho người ta có một ý thức tôn trọng SC của người khác, điều đó quan trọng lắm. Nếu luật pháp bảo hộ, đã công bố SC rồi... nếu người khác bắt chước thì luật pháp phải bảo vệ, tức là làm cho những nhà SC khác tiếp tục tin tưởng... Những người sử dụng SC đó, làm kinh doanh thì phải trả phần nào lợi nhuận cho nhà SC... Nhà nước chưa bảo hộ được SC, thực thi chưa nghiêm cho nên cuối cùng cũng khó thúc đẩy...”.

(Một nhà SC về chế phẩm vi sinh)

Đối với mẫu 2, phần lớn nhà SC cho rằng hiệu lực bảo hộ độc quyền SC là một nhân tố có tác động tới ĐLST (bảng 1). Trong đó, 85,6% nhà SC đồng ý rằng hiệu lực bảo hộ độc quyền SC thấp làm giảm ĐLST, chỉ có 14,4% nhà SC không đồng ý với điều này (ĐLST không bị ảnh hưởng bởi hiệu lực bảo hộ độc quyền SC).

Bảng 1. Tác động của hiệu lực bảo hộ độc quyền SC tới ĐLST.

 

Hiệu lực bảo hộ độc quyền SC thấp                                             làm giảm ĐLST

Không đồng ý

Đồng ý

Tổng số

Số người

26

154

180

Tỷ trọng (%)

14,4

85,6

100,0

(nguồn: Khảo sát của tác giả)

Các nhà SC thuộc mẫu 2 tiếp tục được chia thành hai nhóm: Nhóm nhà SC không đồng ý với nhận định là hiệu lực bảo hộ độc quyền SC thấp làm giảm ĐLST (nhóm 1) và nhóm nhà SC đồng ý với nhận định này (nhóm 2). Kết quả kiểm định Levene cho biết F = 0,16; độ tin cậy cho 2 phía sig. = 0,034 < 0,05 với mức ý nghĩa 0,05 nên hai nhóm nhà SC thuộc mẫu có phương sai không đồng nhất. Kết quả kiểm định t cho biết t = 2,240; độ tin cậy cho 2 phía sig.= 0,031 < 0,05, nghĩa là với mẫu đã khảo sát, ở khoảng tin cậy 95%, có thể kết luận rằng động lực SC của hai nhóm nhà SC là thực sự khác nhau (bảng 2).

Bảng 2. Kết quả kiểm định các mẫu độc lập.

 

Kiểm định Levene

Kiểm định t

F

Sig.

t

Bậc tự do (df)

Sig. (2 phía)

Chênh lệch trung bình

Chênh lệch sai số chuẩn

Khoảng tin cậy 95% của chênh lệch

Giới hạn dưới

Giới hạn trên

ĐLST

Giả định phương sai đồng nhất

0,16

0,69

2,133

178

0,034

0,23227

0,10889

0,01738

0,44715

Giả định phương sai không đồng nhất

 

 

2,240

35,404

0,031

0,23227

0,10368

0,02187

0,44267

(nguồn: Xử lý dữ liệu của tác giả)

Cụ thể, nhóm nhà SC đồng ý rằng hiệu lực bảo hộ độc quyền SC thấp làm giảm động lực SC (nhóm 2) thì sẽ có ĐLST (X̅±SD) thấp hơn nhóm nhà SC không đồng ý với nhận định này (nhóm 1). Trong mẫu khảo sát, chỉ có 26 nhà SC (chiếm 14,4%) có động lực SC cao mặc dù hiệu lực bảo hộ độc quyền SC thấp (bảng 3).

Bảng 3. Ảnh hưởng của hiệu lực bảo hộ độc quyền SC tới ĐLST.

 

Hiệu lực bảo hộ độc quyền SC

Số quan sát hợp lệ

Trung bình (X̅)

Độ lệch chuẩn (SD)

Sai số chuẩn trung bình

ĐLST

Nhóm 1

26

4,3154

0,48389

0,09490

Nhóm 2

154

4,0831

0,51827

0,04176

(nguồn: Xử lý dữ liệu của tác giả)

Như vậy, theo kết quả phân tích trải nghiệm của các nhà SC thuộc mẫu khảo sát, phần lớn nhà SC cho rằng, hiệu lực bảo hộ độc quyền SC thấp làm giảm ĐLST của nhà SC. Trong bối cảnh hiệu lực bảo hộ độc quyền SC thấp, thể chế bảo hộ độc quyền SC chưa được thực thi nghiêm chỉnh, tình trạng xâm phạm độc quyền SC diễn ra phổ biến, phần lớn nhà SC sẽ có ĐLST thấp hơn so với những nhà SC không bị ảnh hưởng bởi hiệu lực bảo hộ độc quyền SC. Tuy nhiên, những nhà SC có động lực cao trong bối cảnh hiệu lực bảo hộ độc quyền SC thấp chỉ chiếm thiểu số. Điều đó có nghĩa là, nếu hiệu lực bảo hộ độc quyền SC được bảo đảm thì hầu hết các nhà SC đều có ĐLST cao. Kết quả này cũng phù hợp với những nghiên cứu trước đây về tác động của hiệu lực bảo hộ độc quyền SC tới ĐLST của nhà SC. Có thể lý giải điều này bởi sự xuất hiện tràn lan của hàng “nhái công nghệ” sẽ gây thiệt hại kinh tế cho chủ sở hữu SC và cản trở hoạt động tái đầu tư cho SC, đồng thời cơ hội tăng thu nhập và đầu tư của nhà SC bị giảm sút, uy tín và danh tiếng của nhà SC bị tổn hại, qua đó gián tiếp làm suy giảm ĐLST của nhà SC.

Một số gợi ý chính sách

Trong thời gian qua, ngoài chính sách khuyến khích và bảo trợ các hoạt động sáng tạo công nghệ dưới các hình thức như bảo trợ các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật, khen thưởng, phổ biến kinh nghiệm, phương pháp sáng tạo, điển hình tiên tiến về lao động sáng tạo; hỗ trợ hoạt động xác lập và bảo vệ độc quyền SC đối với các thành quả sáng tạo; Nhà nước cũng đặc biệt chú trọng tới việc nâng cao hiệu lực bảo hộ độc quyền SC. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu. Theo đánh giá về Chỉ số cạnh tranh toàn cầu của WEF (2016) [14], hiệu lực bảo hộ độc quyền SHTT (trong đó có SC) ở Việt Nam chỉ xếp hạng 92 trong tổng số 138 nước trên thế giới, đứng sau các nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore. Kết quả của nghiên cứu này cũng cho thấy, hiệu lực bảo hộ độc quyền SC còn thấp là một trong những lý do kìm hãm ĐLST của các nhà SC ở Việt Nam.

Vì vậy, để cải thiện hiệu lực bảo hộ độc quyền SC,  thúc đẩy hơn nữa ĐLST của các nhà SC, từ đó sáng tạo ra nhiều hơn các SC có giá trị kinh tế - xã hội, nâng cao nội lực của nền kinh tế, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện một số chính sách sau đây.

Trước hết, cần chú trọng tính hiệu quả của thực thi độc quyền SC bằng các biện pháp hành chính kết hợp với dân sự nhằm ngăn chặn và phòng ngừa hành vi xâm phạm, trong đó đặc biệt ưu tiên biện pháp dân sự. Mặc dù các biện pháp hành chính được coi là nhanh chóng nhưng chủ yếu được áp dụng cho hành vi xâm phạm độc quyền nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp với các chế tài chưa đủ tính răn đe và ngăn chặn, trong khi các biện pháp dân sự vốn có khả năng phòng ngừa hành vi xâm phạm ngay cả đối với SC lại được áp dụng chưa phổ biến. Theo số liệu thống kê của ngành tòa án (tháng 7/2006 đến 9/2016), các Tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 10 vụ tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp, trong đó số vụ xâm phạm độc quyền SC được xử lý không đáng kể [15]. Một trong những nguyên nhân chính của vấn đề trên là năng lực của bộ máy thực thi quyền SHTT còn khá hạn chế, nhất là hệ thống tòa án dân sự. Vì vậy, để cải thiện hiệu lực bảo hộ độc quyền SC, Nhà nước cần điều chỉnh việc phân bổ nguồn lực (cán bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ...) cho các cơ quan thực thi quyền SHTT theo hướng tăng cường giải quyết tranh chấp, xử lý xâm phạm độc quyền SC bằng biện pháp dân sự và chủ yếu bởi hệ thống tòa án dân sự nội địa, lấy trình tự dân sự làm biện pháp chủ yếu trong việc điều chỉnh quan hệ về độc quyền SC. Cần bảo đảm nguyên tắc đền bù thiệt hại thoả đáng cho chủ sở hữu SC bị xâm phạm, coi việc đền bù thiệt hại là biện pháp trừng phạt làm nản chí người xâm phạm. Chế tài hành chính của các cơ quan thực thi quyền SHTT khác như hải quan, quản lý thị trường chỉ nên được áp dụng với vai trò là một biện pháp bổ sung cho chế tài dân sự khi hành vi xâm phạm độc quyền SC vượt quá mức dân sự (gây thiệt hại cho trật tự xã hội, cho lợi ích của người tiêu dùng, có yếu tố vi phạm pháp luật), tránh nguy cơ lạm dụng biện pháp hành chính.

Thứ hai, cần chú trọng ĐLST của các doanh nghiệp nhỏ ngay từ thao tác xác lập độc quyền SC. Trên bình diện vi mô, một số tác giả như Arrow (1962), Cohen và cộng sự (2000) [12, 16] cho rằng, đối với những doanh nghiệp lớn, nhất là thuộc lĩnh vực công nghệ cao (máy tính, mạch tích hợp bán dẫn, máy bay...), ĐLST không nhất thiết dựa vào hiệu lực bảo hộ độc quyền SC vì lợi thế cạnh tranh của những doanh nghiệp này còn dựa vào các nhân tố khác như quy mô hay bí quyết kỹ thuật. Thậm chí, bảo hộ độc quyền SC với hiệu lực mạnh có thể hạn chế khả năng cạnh tranh và kìm hãm ĐLST của các doanh nghiệp nhỏ vì bị lệ thuộc vào pa-tăng của doanh nghiệp lớn trong khi không đủ tiềm lực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu để sáng tạo ra những SC hoàn toàn mới. Để góp phần hạn chế những bất lợi đối với doanh nghiệp nhỏ, bảo đảm hiệu lực bảo hộ độc quyền SC được xác lập, phạm vi bảo hộ SC nhất thiết phải được xác định một cách rõ ràng và thỏa đáng, có ranh giới rõ nét, không mập mờ hay quá rộng, gây cản trở tiến trình cải tiến kỹ thuật và đổi mới sáng tạo. Vì vậy, bên cạnh việc cần tiếp tục đầu tư hạ tầng công nghệ để nâng cấp vượt bậc hệ thống bảo đảm thông tin SC, cần chú trọng việc đào tạo nhằm nâng cao nghiệp vụ thẩm định nội dung đơn đăng ký SC của cơ quan SHTT, trong đó thường xuyên cập nhật những tri thức công nghệ mới thuộc lĩnh vực kỹ thuật tương ứng của SC.

Thứ ba, cần chú trọng giáo dục ý thức tôn trọng quyền SHTT ngay từ các cấp học. Nhìn chung, việc nâng cao nhận thức xã hội về bảo hộ quyền SHTT trong thời gian qua chủ yếu mang tính chất phổ biến, tuyên truyền pháp luật và tập trung vào một số nhóm đối tượng liên quan như cán bộ quản lý, cán bộ thực thi, doanh nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp... Một số trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp đã ban hành những hướng dẫn nội bộ nhằm bảo vệ quyền SHTT thuộc phạm vi quản trị của mình. Tuy nhiên, những hoạt động nêu trên chưa mang tính hệ thống và lâu dài. Kết quả nghiên cứu này cho thấy ý thức tôn trọng quyền SHTT là khía cạnh quan trọng mang tính gốc rễ nhằm thúc đẩy ĐLST và đẩy lùi tệ nạn sao chép bất chính. Việc giáo dục ý thức là một quá trình lâu dài, căn cơ, đòi hỏi nhiều nỗ lực từ chính hệ thống giáo dục và đào tạo các cấp nhằm hình thành nhân cách con người. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy việc giáo dục ý thức tôn trọng quyền SHTT và gây dựng văn hóa tôn trọng nỗ lực sáng tạo của người khác là cấu phần thiết yếu của môi trường đổi mới sáng tạo và tạo lập niềm tin vào hiệu lực bảo hộ độc quyền SHTT.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Freeman Chris, Luc Soete (1997), The Economics of Industrial Innovation, Psychology Press.

[2] Williams Heidi (2012), “Innovation inducement prizes: Connecting research to policy”, Journal of Policy Analysis and Management, 31(3), pp.752-776.

[3] Plant Arnold (1934), “The Economic theory concerning patents for inventions”, Economica, 1(1), pp.30-51.

[4] Schmookler Jacob (1962), Changes in Industry and in the State of Knowledge as Determinants of Industrial Invention - The Rate and Direction of Inventive Activity: Economic and Social Factors, Princeton University Press.

[5] W. MacKinnon Donald (1962), The Rate and Direction of Inventive Activity: Economic and Social Factors - Intellect and Motive in Scientific Inventors: Implications for Supply, Princeton University Press.

[6] Gambardella Alfonso, Paola Giuri, Myriam Mariani (2005), The Value of European Patents Evidence From a Survey of European Inventors: Final Report of the Patval EU Project, European Commission, the European Patent Office.

[7] Mazzoleni Roberto, Richard R. Nelson (1998), “The Benefits and Costs of Strong Patent Protection: a Contribution to the Current Debate”, Research Policy, 27, pp. 273-284.

[8] Khan B. Zorina (2008), Premium Inventions: Patents and Prizes as Incentive Mechanisms in Britain and the United States, 1750-1930, Trong Understanding Long-Run Economic Growth: Geography, Institutions, and the Knowledge Economy, University of Chicago Press.

[9] Bhaduri Saradindu, Hemant Kumar (2011), “Extrinsic and Intrinsic Motivations to Innovate: Tracing the Motivation of ‘Grassroot’ Innovators in India”, Mind & Society, 10, pp.27-55.

[10] No Yeonji (2013), Inventor Motives, Collaboration and Creativity, Georgia Institute of Technology.

[11] Stern Andrew (1981), “Incentives for Inventors: Theory of Market and Planned Economies”, Futures, 13(2), pp.82-92.

[12] Arrow Kenneth (1962), “Economic Welfare and the Allocation of Resources for Invention”, National Bureau of Economic Research, Princeton University Press.

[13] Almeida Don, Raman Chitkara, Brad Nakamoto, Bo Parker (2010), Government's Many Roles in Fostering Innovation, PricewaterhouseCoopers' Center for Technology and Innovation.

[14] Schwab Klaus, Xavier Sala-I-Martin (2016), The Global Competitiveness Report 2016-2017, World Economic Forum.

[15] Cục SHTT (2017), Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật SHTT.

[16] M. Cohen Wesley, Richard R. Nelson, John P. Walsh (2000), “Protecting Their Intellectual Assets: Appropriability Conditions and Why U.S. Manufacturing Firms Patent (or Not)”, National Bureau of Economic Research, Cambridge.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)