Thứ ba, 10/04/2018 15:32

Tác động của công nghệ tự nhân bản đến bảo hộ và khai thác sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp

Nguyễn Thị Hồng Hạnh1, Đào Thu Hà1, Nguyễn Văn Lâm2

 

1Trường Đại học Kinh tế quốc dân

2Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN

 

Thông qua phân tích phán quyết của Tòa án tối cao Hoa Kỳ trong vụ Monsanto kiện Bowman, bài viết đánh giá lập luận của các bên và quan điểm của Tòa án tối cao Hoa Kỳ trong việc bảo vệ độc quyền của chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế (ĐQSC) đối với các sản phẩm nông nghiệp chứa đựng SC có thể tự nhân bản hay tái tạo. Công nghệ tự nhân bản hay tái tạo đang ngày càng được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực nông nghiệp và sinh học trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Phán quyết này là một gợi ý đối với Việt Nam trong việc hoàn thiện các quy định về bảo hộ và khai thác SC, nhất là các SC liên quan đến công nghệ tự nhân bản trong lĩnh vực nông nghiệp và sinh học hiện nay.

Mở đầu

Một trong những mục tiêu của pháp luật về sở hữu trí tuệ (SHTT) là khuyến khích sự nỗ lực sáng tạo của những nhà sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học và công nghiệp. Bằng ĐQSC do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho các chủ sở hữu trên cơ sở các quy định của pháp luật về SHTT nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ của họ. Do vậy, chủ sở hữu bằng ĐQSC có độc quyền sử dụng và cho phép người khác sử dụng SC của mình (Điều 123, Điều 124 Luật SHTT năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009).

Tuy nhiên, mục tiêu chính của pháp luật SHTT không phải là tạo ra độc quyền vô hạn, tạo lập một tài sản tư hữu cho các chủ sở hữu tài sản trí tuệ nói chung và chủ sở hữu bằng ĐQSC nói riêng. Chính vì vậy, độc quyền SHTT của các chủ thể này có những giới hạn nhất định. Các giới hạn này có thể chia thành giới hạn trước khi được cấp văn bằng bảo hộ và sau khi được cấp văn bằng bảo hộ [1]. Những giới hạn về chính sách của Nhà nước về SHTT là một trong những giới hạn trước khi được cấp văn bằng bảo hộ. Một SC tuy đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ như tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp theo quy định của Điều 58 Luật SHTT, nhưng nếu SC đó trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh vẫn có thể bị từ chối bảo hộ. Các giới hạn về bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng SC hay vì lợi ích chính đáng của người khác là các minh chứng của giới hạn độc quyền SHTT của chủ sở hữu bằng ĐQSC sau khi được cấp văn bằng.

Một trong các giới hạn của độc quyền SHTT vì lợi ích chính đáng của người khác là hết quyền SHTT được xác định theo tên gọi của học thuyết bán lần đầu (First sale doctrine) hay còn gọi là thuyết hết quyền (Exhaustion doctrine). Hiện nay, thuyết hết quyền SHTT đã chính thức được đề cập tại Điều 6 Hiệp định TRIPs. Do vậy, các quốc gia thành viên WTO khi thực thi yêu cầu tối thiểu của Hiệp định TRIPs phải quy định vấn đề hết quyền SHTT trong luật pháp của quốc gia mình.

Mục đích của thuyết hết quyền SHTT nói chung, hết quyền SC nói riêng là nhằm cân bằng xung đột lợi ích của chủ thể quyền SHTT và lợi ích của người tiêu dùng, cũng như giữa bảo vệ quyền SHTT và bảo đảm sự lưu thông bình thường của hàng hóa, dịch vụ [2]. Nếu không có một sự cấp phép, li xăng mặc định như vậy hay nói cách khác, nếu không có sự thừa nhận rằng quyền phân phối của chủ sở hữu bằng ĐQSC đã bị sử dụng hết sau lần bán đầu tiên thì chủ sở hữu bằng ĐQSC sẽ luôn buộc phải cấp phép cho tất cả những người mua sản phẩm chứa đựng SC và họ phải được sự đồng ý, cho phép của chủ sở hữu bằng ĐQSC để sử dụng các sản phẩm này. Như vậy, sẽ không ai muốn mua các sản phẩm có chứa đựng SC mà không có sự đảm bảo từ người bán rằng việc sử dụng hoặc bán lại chính các sản phẩm đó là không vi phạm bằng SC thuộc sở hữu của người bán.

Thực tế là hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi từ phía các học giả và các tòa án của Hoa Kỳ xung quanh ranh giới của việc hết quyền SHTT sau lần bán đầu tiên, đặc biệt còn nhiều quy định chưa rõ ràng đối với xác định thế nào là bán với sự đồng ý, cho phép của chủ sở hữu quyền SHTT, tức là việc bán này là vô điều kiện hay có điều kiện trên cơ sở đó thuyết hết quyền SHTT có thể được áp dụng [3]. Vấn đề này càng trở nên phức tạp hơn khi có sự xuất hiện của công nghệ tự nhân bản phổ biến trong lĩnh vực nông nghiệp và sinh học. Các giống cây trồng và động vật biến đổi gen không phải là sản phẩm của quá trình tự nhiên mà là kết quả từ sự can thiệp của con người với sự trợ giúp của công nghệ tự nhân bản. Chính vì thế, chúng là đối tượng chứa đựng SC, do đó các tập quán canh tác thông thường trước kia (nông dân giữ lại một số cây trồng thu hoạch từ vụ mùa trước để làm hạt giống trồng lại trong vụ mùa sau) thì ngày nay không phải lúc nào cũng là hợp pháp. Một trong những câu hỏi đặt ra khi người nông dân nuôi trồng cây hoặc động vật biến đổi gen hiện nay là: (i) Người nông dân mua hạt giống gốc (hạt giống biến đổi gen có chứa đựng SC) có quyền sử dụng hạt giống thế hệ thứ hai (có được từ mùa vụ gieo trồng hạt giống gốc) như những hạt giống gốc không? (vì gen biến đổi được bảo hộ theo SC xuất hiện trong các thế hệ hạt giống, hạt giống trong bất kỳ thế hệ nào cũng chứa đựng SC [1]; (ii) Nếu có thì việc này ảnh hưởng như thế nào đến quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu bằng ĐQSC đối với các giống cây trồng và động vật biến đổi gen đó? Một trong những trường hợp liên quan đến câu hỏi trên là vụ Monsanto kiện Bowman được coi là một vụ mang tính bước ngoặt đối với nông dân tại Hoa Kỳ. Phán quyết trong vụ án này cũng rất quan trọng đối với pháp luật SC của Hoa Kỳ vì nó là trường hợp đầu tiên mà Tòa án tối cao Hoa Kỳ phải phân tích và giải thích khả năng có thể áp dụng học thuyết hết quyền SC trong bối cảnh của công nghệ tự nhân bản. Do đó, việc nghiên cứu phán quyết này rất có ý nghĩa đối với Việt Nam trong lần sửa đổi Luật SHTT sắp tới nhằm đáp ứng nhu cầu thích ứng với sự phát triển của khoa học và công nghệ và thực thi các điều ước quốc tế thế hệ mới.

Vụ Monsanto kiện Bowman

Tóm tắt vụ án

Ngày 13/5/2013, Tòa án tối cao Hoa Kỳ ra phán quyết bác bỏ kháng cáo của bị đơn Bowman và công nhận hiệu lực các bản án của Tòa án phúc thẩm cấp liên bang Hoa Kỳ và Tòa án cấp quận phía Nam Indiana trong vụ án số 11-796 [4]. Vụ án được tóm tắt như sau:

Công ty Monsanto (sau đây gọi là Monsanto) đã nghiên cứu và được cấp bằng ĐQSC cho hạt đậu nành biến đổi gen kháng được các loại thuốc diệt cỏ có chứa glyphosate (gọi là hạt đậu nành Roundup Ready). Monsanto đã được cấp 2 bằng ĐQSC bao gồm các khía cạnh khác nhau của công nghệ Roundup Ready. Bằng ĐQSC số 5.352.605 "bao gồm một quy trình mà Monsanto kết hợp 2 chuỗi khác nhau của ADN để tạo ra một gen mới được gọi là gen khảm (chimeric gene)", gen này có thể giúp tạo ra cho cây một đặc điểm mới như có thể kháng được thuốc diệt cỏ. Bằng ĐQSC số RE39.247E đề cập đến quy trình được mô tả trong bằng ĐQSC nêu trên nhằm mục đích tạo ra các gen khảm trong các cây khác (bao gồm cả hạt đậu nành) và làm cho các cây này kháng được thuốc diệt cỏ.

Monsanto hoặc các công ty sản xuất hạt giống được sự cho phép của Monsanto bán lẻ các hạt đậu nành Roundup Ready này cho những người nông dân và cấp phép cho họ sử dụng công nghệ hạt đậu nành Roundup Ready. Theo các điều khoản và điều kiện của hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng, Monsanto cho phép người mua sử dụng các hạt giống có chứa công nghệ gen của mình để trồng một vụ mùa thương phẩm duy nhất. Hơn nữa, Monsanto còn cấm giữ lại bất kỳ hạt giống nào thu hoạch được từ vụ mùa hay sử dụng hạt giống đã mua từ họ để gieo trồng lại vào các vụ mùa sau hoặc bán hay dưới các hình thức cung cấp/chuyển giao khác cho bất kỳ ai những hạt giống đã giữ lại đó vào mục đích gieo trồng. Những người trồng hạt đậu nành Roundup Ready chỉ được phép bán các hạt đậu nành thương phẩm thu hoạch được từ những hạt giống đã mua cho các công ty thu mua và chế biến (tức là những hạt giống thế hệ thứ hai chỉ có thể được bán ra với tư cách là một mặt hàng thương phẩm như làm thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi...).

Vernon Hugh Bowman (sau đây gọi là Bowman) là một nông dân 76 tuổi ở Bang Indiana, Hoa Kỳ chuyên trồng các loại cây, trong đó có đậu nành.

Bowman mua hạt giống chứa đựng SC của Monsanto cho mỗi vụ mùa đầu tiên trong năm kể từ năm 1999. Tất cả những lần đó ông đều mua hạt giống từ Pioneer HiBred (một công ty liên kết với Monsanto) và tuân thủ đầy đủ các điều kiện của Hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nêu trên. Tuy nhiên, do việc gieo trồng hạt đậu nành cho vụ mùa thứ hai trong năm thường gặp nhiều rủi ro hơn nên Bowman đã nghĩ ra một cách mới để mua hạt giống với giá rẻ hơn. Ông quyết định mua hạt đậu nành thương phẩm từ công ty thu mua và chế biến địa phương (chứ không phải hạt giống Roundup Ready) và sau đó trồng chúng. Bowman cho rằng, phần lớn các hạt đậu nành mua ở đây sẽ mang các đặc điểm của Roundup Ready, bởi vì các nông dân địa phương hay bán các sản phẩm thu hoạch của họ cho công ty thu mua và chế biến địa phương này thường sử dụng hạt đậu nành Roundup Ready làm hạt giống gieo trồng. Giả định của Bowman đã chính xác khi ông thử các cây trồng của mình với thuốc diệt cỏ có chứa glyphosate và tất cả các mầm cây không mang gen kháng thuốc diệt cỏ đều bị chết. Sau đó, Bowman thu hoạch sản phẩm từ các hạt đậu nành có chứa gen này và giữ lại một số hạt giống để gieo trồng cho vụ thứ hai của mùa tới. Theo thời gian, Bowman lại mua thêm một số hạt đậu nành từ công ty thu mua và chế biến địa phương để bổ sung vào nguồn cung cho vụ mùa thứ hai của mình. Ông đã thu hoạch được 8 vụ theo cách này. Tuy nhiên, cuối cùng Monsanto cũng phát hiện ra hành vi này, vì nhận ra rằng sản lượng hạt đậu nành thu hoạch của ông Bowman lớn hơn đáng kể so với số lượng hạt giống mà ông mua từ Pioneer Hi-Bred. Do đó, Monsanto đã khởi kiện Bowman về hành vi xâm phạm SC của mình.

Quan điểm của các bên và phán quyết của Tòa án tối cao Hoa Kỳ

Những luận điểm chính của bị đơn được dựa trên học thuyết hết quyền, “học thuyết hết quyền cho trao cho người mua một sản phẩm chứa đựng SC hoặc bất kỳ chủ sở hữu tiếp theo nào của sản phẩm này được quyền sử dụng hoặc bán lại sản phẩm đó”. Bowman tuyên bố rằng, ông đã sử dụng các hạt giống đã mua theo cách thông thường giống như bao nông dân khác vẫn làm, do đó theo ông những phán quyết có lợi cho Monsanto sẽ tạo ra một ngoại lệ quá rộng cho các công nghệ tự nhân bản và do đó phủ nhận các nguyên tắc của học thuyết hết quyền SC. Điều này cũng sẽ ngăn chặn những người nông dân tạo ra và sử dụng một cách thích hợp, hiệu quả các hạt giống đã mua. Ngoài ra, bị đơn cho rằng, đậu nành “tự nhân bản” hoặc “nảy mầm” một cách rất tự nhiên trừ khi được lưu trữ trong các điều kiện có kiểm soát và như vậy “là do đậu nành tự mọc chứ không phải Bowman đã trồng", lập luận của Bowman bắt chước y như cách mà Monsanto mô tả SC của mình.

Trong khi đó, Monsanto lập luận rằng, việc bán một sản phẩm chứa đựng SC không đồng nghĩa với việc cấp phép cho người mua quyền tạo ra, sử dụng hoặc bán các bản sao của sản phẩm đó và tất cả những quyền này phải thuộc về chủ sở hữu bằng ĐQSC và chỉ chủ sở hữu bằng ĐQSC mới có quyền cho phép người nhận chuyển giao quyền sử dụng và những người mua thực hiện những quyền này.

Tòa án tối cao giữ nguyên quyết định của Toà án cấp dưới. Trong một phán quyết nhất trí, Tòa án tuyên bố rằng, học thuyết hết quyền không áp dụng cho các bản sao của sản phẩm, mà chỉ áp dụng cho chính bản thân sản phẩm đó. Tòa án nhấn mạnh rằng, học thuyết hết quyền hạn chế quyền của chủ sở hữu bằng ĐQSC chỉ duy nhất đối với “riêng sản phẩm” đã bán; nó không hề ảnh hưởng đến quyền năng của chủ sở hữu bằng ĐQSC được ngăn chặn người mua tạo ra bản sao mới của sản phẩm chứa đựng SC. Do đó, Tòa án tối cao khẳng định lại quan điểm của Tòa án phúc thẩm cấp liên bang Hoa Kỳ rằng, thực tế là một công nghệ được cấp bằng ĐQSC có thể tự nhân bản không trao cho người mua quyền sử dụng bản sao tự tái tạo của công nghệ ấy. Đối với lập luận của Bowman về ngoại lệ rộng và bị cấm của học thuyết hết quyền, Tòa án tối cao đã chỉ ra rằng, chính Bowman là người đòi hỏi ngoại lệ từ nguyên tắc của học thuyết hết quyền và một ngoại lệ như vậy sẽ làm giảm giá trị của bằng ĐQSC hạt đậu nành. Tòa án cũng lưu ý rằng, bị đơn không phải chỉ là một người quan sát thụ động sự nhân giống hạt đậu nành của mình, hay nói một cách khác, những hạt giống ông mua đã không tự tạo ra 8 vụ mùa đậu tương liên tiếp. Tòa án cũng đã quan tâm đến việc chính Bowman đã chủ động mua hạt đậu nành thương phẩm được dành làm thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi, do đó theo quan điểm của Tòa, Bowman khó có thể thuyết phục người khác rằng ông không thể sử dụng hạt đậu nành của mình một cách hiệu quả” [5].

Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã giải quyết vấn đề hết quyền SC trong bối cảnh của công nghệ tự nhân bản trong phán quyết Bowman. Tòa nhận định việc tạo ra bản sao mới của sản phẩm chứa đựng SC nằm ngoài phạm vi của học thuyết hết quyền SC. Mặc dù Tòa án cũng nhấn mạnh rằng, phán quyết được giới hạn trong các sự kiện cụ thể của vụ án, nhưng phán quyết này có thể sẽ có tác động về lâu dài đối với công nghệ tự nhân bản. Ngoài ra, rất nhiều ý kiến phê bình xung quanh phán quyết này như sự bảo hộ tuyệt đối lợi ích của các chủ sở hữu bằng ĐQSC có thể dẫn đến độc quyền và tăng giá lương thực, gây trầm trọng thêm nạn thiếu lương thực ở một số vùng trên thế giới, gia tăng khoảng cách giàu nghèo, xâm phạm quyền được tiếp cận lương thực của con người…

Giả sử cũng trong vụ việc trên, Tòa án tối cao Hoa Kỳ đưa ra phán quyết ngược lại, ủng hộ những người nông dân như Bowman và tập quán canh tác truyền thống của họ thì điều gì sẽ xảy ra? Tiếp cận dưới góc độ kinh tế, Giáo sư J.N. Sheff [6] cho rằng, công nghệ tự nhân bản là những SC có tính năng đặc trưng của một hình thức tự tiết lộ ở mức độ cực đại. Vì vậy, việc áp dụng các nguyên tắc hết quyền cho thế hệ thứ hai và tiếp theo của hạt giống có thể dẫn đến một số thay đổi trong hoạt động của các chủ sở hữu bằng ĐQSC. Thứ nhất, các chủ sở hữu bằng ĐQSC có thể quyết định bán những hạt giống thế hệ đầu tiên với giá cao để có khả năng thu hồi nguồn lực tài chính đã đầu tư của mình. Tuy nhiên, trong trường hợp này có một nguy cơ rằng các chủ sở hữu bằng ĐQSC sẽ không tìm thấy một người mua chấp nhận mức giá này khi biết rằng một thời gian sau đó, anh ta cũng có thể phải đối mặt với những mối đe dọa tương tự tiếp theo về cạnh tranh. Thứ hai, các chủ sở hữu bằng ĐQSC không còn hào hứng, sẵn sàng đầu tư và tạo ra công nghệ tự nhân bản mới nữa. Cuối cùng, thay vì bán các sản phẩm tự nhân bản ban đầu, các chủ sở hữu bằng ĐQSC có thể quyết định chỉ bán các sản phẩm thành phẩm được sản xuất từ những SC đó dùng làm thực phẩm hay thức ăn cho gia súc (ví dụ, sữa đậu nành, bột đậu nành, thức ăn cho gia súc từ đậu nành…). Tất cả những thay đổi hành vi kinh doanh này của chủ đầu tư từ góc độ kinh tế là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, nó có thể gây hại cho xã hội nói chung và nhà nước, vì giá cao của các hạt giống thế hệ đầu tiên có thể làm tăng giá lương thực, trong khi sự thiếu hứng thú đầu tư vào nghiên cứu và đầu tư cho các công nghệ tự nhân bản mới có thể cản trở sự đổi mới. Cuối cùng, quyết định của các chủ sở hữu bằng ĐQSC chỉ bán các sản phẩm thành phẩm cuối cùng có thể hạn chế sự tự do lựa chọn của công chúng, bởi vì các chủ sở hữu bằng ĐQSC có thể sau đó sẽ chỉ quan tâm đến việc bán những sản phẩm tiêu dùng này mà không muốn tiết lộ các công nghệ của họ nữa. Như vậy có thể kết luận rằng, việc áp dụng các nguyên tắc của học thuyết hết quyền với một số loại công nghệ tự nhân bản có thể gây hại không chỉ cho các chủ sở hữu bằng ĐQSC về công nghệ này mà còn cho cả xã hội.

Một số kiến nghị cho Việt Nam

Theo Quyết định số 487/QĐ-SHTT ngày 31/3/2010 của Cục trưởng Cục SHTT, giống thực vật/động vật sẽ không được bảo hộ với danh nghĩa SC (Điều 59 Luật SHTT). Tuy nhiên, các SC liên quan đến thực vật/động vật vẫn có thể được bảo hộ với điều kiện các đặc điểm kỹ thuật của SC đó không bị giới hạn ở giống thực vật/động vật cụ thể. Ngoài ra, bằng ĐQSC/độc quyền giải pháp hữu ích có thể được cấp cho các quy trình được sử dụng để tạo ra giống thực vật/động vật. Các quy trình sản xuất ở đây là những quy trình không mang bản chất sinh học và không bao hàm những quy trình tạo ra thực vật/động vật thông qua các quy trình mang bản chất sinh học. Một quy trình có được coi là “quy trình mang bản chất sinh học” hay không phụ thuộc vào mức độ can thiệp về mặt kỹ thuật của con người trong quy trình đó. Nếu sự can thiệp về mặt kỹ thuật của con người là yếu tố kiểm soát hoặc quyết định đối với việc thu được kết quả hoặc hiệu quả của quy trình này, thì quy trình đó không mang bản chất sinh học. Điều đó có nghĩa là SC của Monsanto vẫn có thể được bảo hộ ĐQSC tại Việt Nam.

Phù hợp với quy định tại Điều 6 Hiệp định TRIPs, pháp luật Việt Nam cũng có quy định về hết quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) nói chung và hết quyền SC nói riêng tại Điều 125 Luật SHTT. Thực chất, Điều 125 Luật SHTT quy định về quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng SHCN. Điểm b Khoản 2 Điều 125 là một ngoại lệ của quyền này, theo đó chủ sở hữu quyền SHCN không có quyền ngăn cấm người khác thực hiện hành vi lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp, trừ sản phẩm không phải do chính chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu đưa ra thị trường nước ngoài. Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về SHCN quy định: “Sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 125 của Luật SHTT được hiểu là sản phẩm do chính chủ sở hữu, người được chuyển giao quyền sử dụng, kể cả chuyển giao quyền sử dụng theo quyết định bắt buộc, người có quyền sử dụng trước đối tượng SHCN đã đưa ra thị trường trong nước hoặc nước ngoài”. Như vậy, các quy định pháp luật của Việt Nam đã mở rộng cả trường hợp sản phẩm chứa đựng SC theo quyết định chuyển giao bắt buộc quyền sử dụng SC và bởi người có quyền sử dụng trước đối với SC là chưa hợp lý. Và như vậy vô hình chung giới hạn độc quyền của các chủ sở hữu bằng ĐQSC. Theo phân tích ở trên, giới hạn của học thuyết hết quyền và theo phán quyết Bowman cùng một số phán quyết khác của Tòa án tối cao Hoa Kỳ (phán quyết trong vụ Chafee kiện Boston năm 1859 [1]), Tòa án tối cao Hoa Kỳ đều nhấn mạnh, việc hết quyền chỉ diễn ra khi sản phẩm chứa đựng SC được người mua hợp pháp từ chủ sở hữu SC hay bên thứ ba được chủ sở hữu SC cho phép. Do vậy, chủ sở hữu bằng ĐQSC không thể hết quyền trong trường hợp SC bị bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng hay sản phẩm chứa đựng SC được đưa ra thị trường bởi người có quyền sử dụng trước đối với SC. Cả hai trường hợp này đều được hiểu là không có sự cho phép, đồng ý của chủ sở hữu bằng ĐQSC.

Thực tiễn xử lý các vụ việc của Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay thường liên quan đến hết quyền nhãn hiệu mà chưa có vụ nào về hết quyền SC. Các vụ việc cũng hầu như được giải quyết tại các cơ quan quản lý nhà nước (Cục SHTT và Thanh tra Bộ KH&CN), hiếm khi đưa ra tòa án. Do vậy, các cơ sở pháp lý và điều kiện hết quyền SHTT nói chung, hết quyền SC nói riêng chủ yếu dựa vào các quy định pháp luật mà chưa có sự giải thích pháp luật đến từ phía cơ quan xét xử.

Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, các quy định về pháp luật trong đó có pháp luật SHTT phải tạo cơ chế pháp lý khuyến khích các SC ứng dụng trong nông nghiệp, nhất là ứng dụng công nghệ tự nhân bản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta. Dựa trên các phân tích nêu trên, chúng tôi có một số đề xuất kiến nghị sau:

Một là, công nghệ tự nhân bản là công nghệ mà trong quá trình sử dụng, người sử dụng tự tạo ra một công nghệ tương tự mà chuyên gia trong lĩnh vực tương ứng rất khó nhận biết sự khác biệt của công nghệ vừa được nhân bản ra. Đặc điểm của công nghệ này là sau n chu kỳ hay n lần nhân bản công nghệ thì chuyên gia trong lĩnh vực tương ứng lại có thể dễ dàng nhận ra được sự khác biệt của công nghệ thứ n đó so với công nghệ ban đầu. Trong vụ Bowman kiện Monsanto trên đây, những hạt giống thế hệ thứ hai là bản sao giống hệt nhau của các hạt giống gốc. Tuy nhiên, công nghệ tự nhân bản trong lĩnh vực sinh học sẽ phức tạp hơn nhiều. Ví dụ, những thay đổi cụ thể và có chủ ý hoàn toàn có thể thực hiện được đối với các trình tự ADN của một gen trong quá trình sinh sản. Khi có bất kỳ sự thay đổi nào trong một phân tử ADN sẽ làm thay đổi trình tự của nó, nó không còn thể hiện một bản sao chính xác của phân tử ADN từ bố mẹ; thay vào đó, nó tạo thành một đột biến. Trong một phương pháp được sử dụng rộng rãi, các đột biến có thể dễ dàng tạo ra và nhân bản ADN với trình tự sửa đổi có thể được sản xuất. Vì vậy, trong lĩnh vực công nghệ sinh học, hoạt động của con người có thể gây ra những thay đổi nhỏ đối với các chuỗi ADN gốc hoặc các dòng tế bào. Chính vì thế, công nghệ nhân bản trong sinh học hoàn toàn khác biệt với vụ Bowman trên đây. Do đó, pháp luật SHTT phải quy định rõ công nghệ thứ n có còn thuộc sở hữu của chủ sở hữu bằng ĐQSC ban đầu hay không? Và các điều kiện cụ thể để công nhận là gì?

Hai là, các nhà SC phải nắm được bản chất các SC công nghệ tự nhân bản của mình, đến một chu kỳ nào đó nếu xét thấy công nghệ được tạo ra có sự khác biệt so với công nghệ ban đầu thì phải chủ động ngắt ra khỏi chuỗi công nghệ tự nhân bản và phải đăng ký SC mới cho công nghệ đó, tránh trường hợp người khác có thể đăng ký trước công nghệ đó.

Ba là, cần xem xét sửa đổi hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 103/2006/NĐ-CP và quy định tại Khoản 2 Điều 125 Luật SHTT cho phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bốn là, các quy định về công bố và áp dụng án lệ của Tòa án nhân dân tối cao cần tiếp tục được phổ biến, bổ sung chặt chẽ để đảm bảo chức năng hướng dẫn và thống nhất xét xử. Mặc dù đã có vai trò quan trọng nhất định với hoạt động xét xử, nghiên cứu và giảng dạy nhưng hệ thống các án lệ của Tòa án nhân dân tối cao, đặc biệt là các án lệ trong lĩnh vực SHTT, trong đó có SC, hiện nay là chưa đủ để đảm bảo điều này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguyễn Thanh Tú, Lê Thị Thu Hiền (2014), Nhập khẩu song song dưới góc độ pháp luật SHTT, hợp đồng và cạnh tranh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật.

[2] Nguyễn Như Quỳnh (2012), Hết quyền đối với nhãn hiệu trong pháp luật, thực tiễn quốc tế và Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật.

[3] Li Guo (2013), “Self-replicating technologies: Do they exhaust patent rights?”, J. of Tech. Law & Policy, 18(2), pp.197-205.

[4] D. Caruvana, C.A. Holton-Basaldua, Bowman v. Monsanto Company, https://www.law.cornell.edu/supct/cert/11-796 (truy nhập ngày 8/9/2017).

[5] Ruta Lazauskaite (2014), “Bowman v. Monsanto case: The European perspective”, European Scientific Journal, 10(34), pp.23-45.

[6] J.N. Sheff (2013), “Self-Replicating Technologies”, Stanford Technology Law Review, 16(2), pp.229-256.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)