Thứ sáu, 11/12/2020 14:23

EVTFA: Chuẩn bị kỹ lưỡng để thực thi đầy đủ

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được kỳ vọng sẽ mang đến những cơ hội chưa từng có đến với các doanh nghiệp tại Việt Nam. Song, cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).

Chú trọng SHTT trong thương mại

Ngày 30/6/2020, Hiệp định EVFTA đã chính thức được ký kết tại Hà Nội. Đây được đánh giá là một trong những hiệp định thương mại tự do lớn nhất mà Việt Nam từng tham gia, góp phần tăng cường mối quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và EU theo hướng toàn diện, bền vững và chiến lược. Trong hiệp định EVFTA, cam kết của EU với Việt Nam cao hơn cam kết của EU trong WTO, tương đương với mức cao nhất của EU trong các FTA gần đây. Đồng thời, cam kết của Việt Nam với EU cao hơn cam kết của Việt Nam trong WTO, ít nhất là ngang bằng với độ mở tối đa mà Việt Nam thỏa thuận với các đối tác FTA khác.

Cam kết SHTT trong EVFTA được quy định ở chương 12 của Hiệp định với 62 điều và hai phụ lục với mục tiêu bảo hộ đầy đủ và hiệu quả quyền SHTT. Việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT phải đóng góp vào việc thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển giao và phổ biến công nghệ, vì lợi ích chung của các nhà sản xuất và người sử dụng kiến thức công nghệ, theo cách thức có lợi cho phúc lợi xã hội và kinh tế, vì sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ.
Trong quá trình đàm phán để ký kết Hiệp định Thương mại EVFTA, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nhiều lần nhấn mạnh về tính toàn diện, chất lượng tổng hợp của Hiệp định này, bởi EVFTA điều chỉnh rất nhiều vấn đề khác nhau, trong đó vấn đề SHTT được đặc biệt chú trọng và trở thành khung pháp lý trong quá trình thực thi. “Trong xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay, hệ thống SHTT là cơ sở, tiền đề để một quốc gia kiểm soát các hoạt động kinh doanh và bảo vệ thương hiệu; từ đó giúp thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia, tăng cơ hội tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, tạo môi trường, cũng như hành lang pháp lý vững chắc để các cá nhân, tổ chức yên tâm phát triển ý tưởng sáng tạo, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, có tính ứng dụng cao” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Những cam kết cụ thể về mức độ bảo hộ và thực thi quyền SHTT trong Hiệp định EVFTA nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp của hai bên được hưởng sự bảo hộ cao nhất, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp hai bên.

Một số chuyên gia kinh tế cho biết, thực thi EVFTA, trong trao đổi hàng hóa, xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư, các quy định về chống xâm phạm quyền SHTT sẽ nghiêm minh, thậm chí rất “hà khắc”, có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát (ví dụ như kiểm soát tại biên giới), đặc biệt là nguy cơ bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng, mất thị trường… khi doanh nghiệp để xảy ra các vụ tranh chấp về SHTT.

Chuẩn bị kỹ lưỡng để thực thi đầy đủ

Là một trong các hiệp định thương mại lớn thế hệ mới, Hiệp định EVFTA yêu cầu minh bạch hóa hơn nữa các chính sách, quy định liên quan đến SHTT, cụ thể như phải công bố trên Internet quy định pháp luật, các thủ tục, quyết định liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền SHTT, hay minh bạch hơn trong quy trình xác lập cũng như thực thi quyền SHTT… Việc nhận thức và thực thi đầy đủ các cam kết về quyền SHTT có ý nghĩa quan trọng, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng vị thế thị trường và phát triển bền vững.

Trong xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay, hệ thống SHTT mạnh là cơ sở, tiền đề để một quốc gia kiểm soát các hoạt động kinh doanh và bảo vệ thương hiệu; từ đó giúp thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia, tăng cơ hội tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, tạo môi trường, cũng như hành lang pháp lý vững chắc để các cá nhân, tổ chức yên tâm phát triển ý tưởng sáng tạo, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, có tính ứng dụng cao.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược SHTT đến năm 2030, trong đó gồm nhiều giải pháp nhằm đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền SHTT vào năm 2030. Theo đó, hệ thống SHTT Việt Nam được phát triển đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, gia tăng đóng góp của tài sản trí tuệ vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền SHTT cũng như của xã hội, góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu bảo hộ của chủ thể quyền SHTT, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể xác lập và bảo vệ thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo, từ sáng tạo đổi mới công nghệ, mẫu mã, bao bì đến nhãn hiệu sản phẩm và dịch vụ một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Điều này sẽ có nhiều tác động tích cực đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài cũng như thương mại của Việt Nam.

Xuân Bình

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)