Thứ tư, 09/12/2020 15:35

Thực thi EVFTA: Những vấn đề cần quan tâm về SHTT

Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đây là bước tiến quan trọng trong lộ trình tăng cường quan hệ song phương toàn diện, đặc biệt là quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU. Trong EVFTA, sở hữu trí tuệ (SHTT) là một chương khá lớn với 4 phần, 62 điều khoản và hai phụ lục.

Cơ hội cho cả hai bên

EVFTA là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, toàn diện, khác với 12 FTA mà Việt Nam đã ký kết trước đây. Đó là yêu cầu mở cửa thị trường của hiệp định này. Hơn 99% dòng thuế các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được xoá bỏ sau 7 năm EVFTA có hiệu lực... Vì lẽ đó, Hiệp định này không chỉ giúp Việt Nam nâng cao kim ngạch xuất, nhập khẩu hai chiều, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mới.

Ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ hơn 85% dòng thuế với hàng xuất khẩu của Việt Nam (tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU). Số dòng thuế được xoá bỏ sau 7 năm Hiệp định này có hiệu lực là hơn 99% (tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam). Với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Đây là mức cam kết cắt giảm thuế cao nhất mà EU áp dụng đối với Việt Nam so với các hiệp định FTA đã được ký kết.
Ngược lại, với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm Hiệp định này có hiệu lực, 91,8% số dòng thuế (tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU) được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức thuế quan xóa bỏ là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

4 vấn đề lớn về SHTT trong EVFTA

EVFTA đã chính thức ký kết ngày 30/6/2019 tại Hà Nội là cú hích lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, trong đó có xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt, Hiệp định này còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế, góp phần tăng trưởng thương mại của 28 nước thành viên trong EU. Việt Nam cần phải làm gì trong lĩnh vực SHTT khi thực thi EVFTA là vấn đề được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Tại Hội thảo “CPTTP & EVFTA: Sở hữu trí tuệ và doanh nghiệp Việt” do Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) tổ chức tháng 7/2020, các chuyên gia đã cho rằng, có 4 vấn đề lớn về SHTT trong EVFTA:

Một là, về chỉ dẫn địa lý: đàm phán nội dung về chỉ dẫn địa lý (CDĐL) là một trong những phần chiếm nhiều thời gian nhất, bởi đây là vấn đề quan tâm lớn không chỉ của EU mà còn cả từ phía Việt Nam và các nước khác như Hoa Kỳ, Australia và New Zealand. Kết quả đạt được, ngoài lời văn về các tiêu chí chung đối với hệ thống đăng ký CDĐL là 2 danh sách CDĐL của 2 bên (169 CDĐL của EU sẽ được bảo hộ tại Việt Nam và 39 CDĐL của Việt Nam sẽ được bảo hộ tại EU khi EVFTA có hiệu lực). Đồng thời, theo EVFTA các CDĐL này sẽ được hưởng mức bảo hộ cao, vốn chỉ dành cho rượu vang và rượu mạnh trong Hiệp định về các khía cạnh thương mại của SHTT (Hiệp định TRIPS) của WTO. Đối với Việt Nam, việc 39 CDĐL được bảo hộ tại một thị trường xuất khẩu quan trọng với 28 quốc gia thành viên mà không phải tốn chi phí đăng ký là một điều rất có ý nghĩa. Việc này không chỉ bảo đảm quyền đối với các CDĐL dùng cho nông sản của Việt Nam vốn đã có mặt trên thị trường này từ lâu như cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc, mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cho các đặc sản khác như: vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn; trà Mộc Châu, Tân Cương.

Hai là, về quyền tác giả, quyền liên quan: EVFTA tập trung vào việc đảm bảo sự bảo hộ hiệu quả quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường kỹ thuật số trên cơ sở yêu cầu các bên gia nhập 2 điều ước của Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) về quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường Internet trong vòng 2 năm sau khi EVFTA có hiệu lực và quy định trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ trung gian trong các vụ xâm phạm quyền SHTT trên Internet. Hiệp định cũng quy định thêm một số nghĩa vụ khác như phải có biện pháp ngăn chặn các hành vi nhằm vô hiệu hóa các biện pháp công nghệ bảo vệ quyền tác giả (TPMs) và thông tin quản lý quyền (RMIs); quyền của nghệ sỹ đối với việc bán lại tác phẩm…

Ba là, về quyền sở hữu công nghiệp: EVFTA đặc biệt chú trọng vấn đề tạo thuận lợi cho việc xác lập quyền ở cả trong và ngoài nước. Theo đó, về sáng chế, ngoài việc khẳng định quyền và nghĩa vụ theo Hiệp ước Hợp tác sáng chế (về thủ tục đăng ký sáng chế quốc tế), các bên còn có nghĩa vụ tiến tới đơn giản hóa thủ tục đăng ký hơn nữa, tham khảo mô hình trong Hiệp ước Luật Sáng chế. Đối với nhãn hiệu, Hiệp định yêu cầu các bên khẳng định quyền và nghĩa vụ theo Nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu; đồng thời tiến tới đơn giản hóa quy trình đăng ký, trong đó tham khảo mô hình trong Hiệp ước Luật Nhãn hiệu hay Hiệp ước Singapore về Luật Nhãn hiệu. Ngoài ra, EVFTA còn đề cập một số nghĩa vụ khác như: quy định nghĩa vụ “bù đắp” cho các trường hợp thời gian bảo hộ sáng chế thực tế của một dược phẩm bị rút ngắn do chậm trễ trong thủ tục cấp phép lưu hành thị trường; kéo dài thời gian bảo hộ cho kiểu dáng công nghiệp lên đến 15 năm và khả năng được bảo hộ quyền tác giả…

Bốn là, tăng cường hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ: EVFTA đặt ra thêm một số yêu cầu về thực thi dân sự và kiểm soát biên giới so với Hiệp định TRIPS, nhằm tăng cường tính hiệu quả của hoạt động thực thi quyền. Về thực thi dân sự, EVFTA hướng tới thủ tục yêu cầu thực thi bằng biện pháp dân sự thuận lợi và cân bằng hơn thông qua việc đưa ra quy định về giả định về chủ thể quyền; quy định nghĩa vụ chi trả án phí và phí luật sư theo hướng bên thua kiện (dù là nguyên đơn hay bị đơn) có nghĩa vụ chi trả các phí này…

Trong bối cảnh EVFTA đã được thông qua, để hội nhập và phát triển, các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến SHTT, nhằm tăng “sức đề kháng” để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng, để làm được điều đó có cần tập trung vào các giải pháp, đó là: đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền  nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân về SHTT. Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công chúng về SHTT đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi Việt Nam đã tham gia vào EVFTA với các nước, các điều kiện ràng buộc về SHTT sẽ được nâng cao hơn, chặt chẽ và minh bạch hơn. Ngoài ra, cần tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ quản lý, khai thác và thực thi quyền SHTT, đặc biệt dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; chủ động và mở rộng các quan hệ quốc tế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thể đăng ký bảo hộ và khai thác quyền SHTT của mình một cách tốt nhất.

PV

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)