Thứ sáu, 04/12/2020 11:24

Đánh giá khác biệt về sở hữu trí tuệ khi Việt Nam thực hiện EVFTA

Tháng 5/2020, Ngân hàng thế giới (WB) đã công bố báo cáo “Việt Nam: Tăng cường hội nhập và thực thi EVFTA”. Một trong những nội dung quan trọng mà báo cáo đề cập là đánh giá sự khác biệt về pháp lý khi Việt Nam thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Báo cáo cho thấy: “Phần lớn các quy định pháp luật trong nước của Việt Nam tuân thủ các nghĩa vụ theo EVFTA và Việt Nam đã sẵn sàng thực hiện Hiệp định. Có một vài luật và quy định cần được giải quyết và những vấn đề này đã được xác định rõ ràng trong đánh giá những khác biệt về pháp lý để Chính phủ sửa đổi”. Bài viết sẽ đề cập trực tiếp sự khác biệt về SHTT mà báo cáo của WB đã đề cập.

Sự cần thiết của đánh giá sự khác biệt của pháp lý khi Việt Nam thực hiện EVFTA

Liên minh châu Âu (EU) và Chính phủ Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu -Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) vào ngày 30/6/2019. Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn cả EVFTA và EVIPA (sẽ thay thế 21 Hiệp ước đầu tư song phương hiện hành giữa các nước thành viên EU và Việt Nam) vào ngày 12/2/2020. Cùng với đó EVFTA cũng đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8/6/2020.

EVFTA đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8/6/2020.

Việc phân tích những điểm khác biệt về pháp lý đã được thực hiện vào giữa năm 2019, tập trung vào các lĩnh vực của EVFTA mà pháp luật hiện hành của Việt Nam còn có những quy định mâu thuẫn hoặc chưa có quy định, cần được chú ý để đảm bảo sự thống nhất giữa pháp luật trong nước và EVFTA. EVFTA gồm 17 chương, 18 phụ lục, 4 tuyên bố chung, 2 nghị định thư và 2 biên bản ghi nhớ cho các nội dung khác nhau của Hiệp định. Một số chương và điều khoản không yêu cầu sửa đổi luật trong nước khi thực thi Hiệp định.

Theo đánh giá những điểm khác biệt về pháp lý, pháp luật của Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều bởi hiệp định EVFTA là các quy định về SHTT, lao động, môi trường, quy tắc xuất xứ, dược phẩm, xe cơ giới, thương mại hàng hóa, một số dịch vụ và mua sắm của Chính phủ. Trong quá trình phê chuẩn CPTPP, Việt Nam đã tiến hành một số đánh giá về hệ thống pháp luật trong nước. Quá trình này đã góp phần giảm bớt các quy định bị ảnh hưởng bởi các cam kết EVFTA do thực tế là các cam kết theo CPTPP ở một số lĩnh vực tương tự như EVFTA. Do đó, Việt Nam đã sửa đổi (hoặc đề xuất sửa đổi) một lượng lớn các quy định để phù hợp với CPTPP và phù hợp với Hiệp định cùng cấp độ là EVFTA.

Mặc dù về nguyên tắc, các quy định trong nước sau khi điều chỉnh chỉ áp dụng cho EU và các quốc gia thành viên trong một số lĩnh vực nhất định như lao động và môi trường, nhưng một khi luật pháp của Việt Nam thay đổi, điều này sẽ ảnh hưởng đến tất cả các đối tác thương mại. Ngoài ra, một số FTA mà Việt Nam là thành viên có điều khoản về Quy chế tối huệ quốc (MFN) tự động đối với thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Do đó, việc sửa đổi quy định trong nước trong những lĩnh vực này để dành các ưu đãi cho EU cũng sẽ dẫn tới các ưu đãi đó sẽ tự động được áp dụng cho các bên tham gia FTA khác, chẳng hạn như thành viên của CPTPP và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA). Do những quy định như vậy, việc thực hiện cam kết về đầu tư và dịch vụ của Việt Nam theo EVFTA sẽ có tác động không chỉ đối với các thành viên EU, mà cả một số quốc gia khác.

Sự khác biệt về SHTT

Sự khác biệt về SHTT được báo cáo phân tích chỉ ra một số điểm không nhất quán giữa Chương 12 của Hiệp định và các quy định pháp luật của Việt Nam, cụ thể như sau:

Một là, pháp luật Việt Nam đáp ứng các yêu cầu về việc thu hồi nhãn hiệu đã đăng ký của EVFTA, ngoại trừ các yếu tố sau: thuật ngữ “sử dụng một cách thực sự” và trừ trường hợp sử dụng trước ít nhất 3 tháng tính đến ngày có yêu cầu đình chỉ. Do đó, để thực thi Điều 12.22 về việc Đình chỉ hiệu lực nhãn hiệu đã đăng ký, nên đưa thuật ngữ “sử dụng một cách thực sự” vào các quy định trong nước theo như mục đích sử dụng dự kiến trong EVFTA.

Hai là, Điều 12.22.3 có thể được hiểu là việc chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng một nhãn hiệu thương mại đã đăng ký, vốn có thể gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, là hành vi xâm phạm quyền và lợi ích của người khác theo Điều 7.2 của Luật SHTT năm 2009. Mặc dù luật của Việt Nam phù hợp với các cam kết của EVFTA trong lĩnh vực này, nhưng Việt Nam vẫn nên quy định bổ sung về việc chấm dứt bảo hộ nhãn hiệu trong trường hợp việc sử dụng nhãn hiệu có thể đánh lừa người tiêu dùng, để quyết định xem liệu khung pháp lý hiện tại về vấn đề này bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng theo Luật SHTT hoặc pháp luật về ngăn chặn các hành vi phản cạnh tranh hay không.

Ba là, luật pháp của Việt Nam không đặt ra giới hạn về loại hàng hóa đủ điều kiện để bảo hộ các chỉ dẫn địa lý (phạm vi lớn hơn so với EVFTA). Tuy nhiên, để tuân thủ đầy đủ Điều 12.23 về phạm vi áp dụng, nên kiểm tra nhu cầu đối với một mức độ bảo hộ cao cho tất cả các chỉ dẫn địa lý.

Bốn là, để thực hiện Điều 12.27 về bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nên xem xét đến 2 phương án sau: 1) Duy trì 2 cấp độ bảo vệ, bao gồm (i) mức độ bảo hộ cao đối với chỉ dẫn địa lý theo Hiệp định EVFTA; và (ii) mức độ bảo hộ thông thường đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo luật pháp trong nước; hoặc 2) Nếu thống nhất áp dụng ít hơn một cấp bảo hộ, cần quyết định xem cấp bảo hộ đó sẽ được áp dụng cho tất cả các hàng hóa hoặc chỉ các nhóm như được nêu trong EVFTA.

Năm là, để thực hiện Điều 12.27.3 về bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nên bổ sung các điều khoản nhằm bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm, bao gồm nghĩa vụ thông báo trong quá trình đàm phán; và kiểm tra tính hợp lệ của việc bổ sung quy định vào Luật SHTT khi chỉ dẫn địa lý không còn được bảo hộ tại nơi xuất xứ của nó.

Sáu là, Điều 12.28 đưa ra các ngoại lệ về trường hợp miễn trừ đặc biệt đối với các chỉ dẫn địa lý “Asiago”, “Fontina”, “Gorgonzola”, “Feta”, và “Champagne”. Những tên này nên được áp dụng trực tiếp và cụ thể trong các văn bản pháp luật hướng dẫn.

Bảy là, để thực thi Điều 12.29 về Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, Việt Nam nên sửa đổi các quy định để cho phép các cơ quan hành chính cấp giấy phép sử dụng, từ đó giảm thiểu các nghĩa vụ đối với các đối tượng được cấp phép chỉ để công bố. Việt Nam cũng cần có phương pháp thu thập và công bố thông tin về các đối tượng được cấp phép.

Tám là, để thực thi Điều 12.35 về bảo hộ các kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký, nên xem xét thêm và định nghĩa về tính mới. Ví dụ, “tính mới ” có bao gồm “tính sáng tạo” không? Mô tả về “tính mới” và “tính sáng tạo” có thể giống nhau. Do đó, Luật SHTT cần cấu trúc lại cho phù hợp.

Chín là, để thực thi Điều 12.39 về bằng sáng chế và sức khỏe cộng đồng, nên tham khảo kinh nghiệm của các nước đang phát triển như Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Brazil và Argentina khi thực hiện các quy định về bảo đảm tất cả người dân đều có quyền tiếp cận dược phẩm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Vũ Hưng

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)