EVFTA được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8/6/2020, được coi là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hiệp định này gồm có 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, SHTT, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý - thể chế. EVFTA được kỳ vọng là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên quy mô toàn cầu.
EVFTA dành riêng một Chương gồm 63 Điều, 2 Phụ lục (12-A và 12-B) cam kết về SHTT, trong đó có các điều khoản liên quan tới điều kiện bảo hộ các đối tượng quyền SHTT như bản quyền tác giả, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thông tin bí mật, giống cây trồng; nguyên tắc bảo hộ quyền SHTT; phạm vi quyền SHTT; thực thi quyền SHTT... Về cơ bản, các quy định về nguyên tắc tối huệ quốc trong Hiệp định này đảm bảo dành cho các tổ chức, cá nhân của EU cũng như Việt Nam hưởng những lợi ích về tiêu chuẩn bảo hộ cao đối với các đối tượng quyền SHTT theo Hiệp định của WTO về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT (TRIPs). Có thể nói, các cam kết về SHTT trong EVFTA mang tính toàn diện hơn, phạm vi các vấn đề điều chỉnh đa dạng, bao trùm nhiều lĩnh vực hơn so với trước đây.
Về quy định chung, theo EVFTA, các chính sách, quy định liên quan tới SHTT phải được minh bạch hóa hơn nữa, như phải công bố trên internet các quy định của pháp luật, các thủ tục, quy trình, quyết định liên quan đến xác lập và thực thi quyền SHTT…
Về chế độ bảo hộ quyền SHTT, lần đầu tiên có quy định về cơ chế đền bù bằng cách gia hạn thời hạn bảo hộ cho chủ sở hữu độc quyền sáng chế nếu bị chậm trễ một cách bất hợp lý trong thủ tục cấp phép lưu hành dược phẩm (chẳng hạn quá 2 năm kể từ ngày nộp đơn xin cấp phép mà cơ quan quản lý dược phẩm không có phản hồi nào - Điều 12.40); quy định về việc công nhận và bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý (rượu vang, rượu mạnh và các mặt hàng nông sản khác) của EU với mức bảo hộ cao - vốn chỉ dành riêng cho rượu vang, rượu mạnh và 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam cho các sản phẩm khác nhau (Điều 12.25). Đối với nhãn hiệu, độc quyền có thể bị chấm dứt hiệu lực nếu sau ngày đăng ký, nhãn hiệu trở thành tên gọi chung của hàng hóa hoặc dịch vụ được đăng ký (Điều 12.22). Đối với kiểu dáng công nghiệp, hình dáng của toàn bộ sản phẩm hoặc của một phần sản phẩm có thể tách rời và/hoặc không thể tách rời của bộ phận sản phẩm đều có khả năng được bảo hộ nếu pháp luật quốc gia cho phép (Điều 12.35), miễn là nhìn thấy được trong quá trình sử dụng thông thường (sử dụng bởi người sử dụng cuối cùng, không bao gồm việc bảo trì, cung cấp dịch vụ hoặc sửa chữa).
Về chế độ thực thi quyền SHTT, EVFTA đòi hỏi các hành vi xâm phạm quyền SHTT phải được xử lý bằng các biện pháp dân sự, hành chính và hình sự. Trong đó, đối với kiểm soát biên giới, Hiệp định này yêu cầu cơ quan hải quan chủ động kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT trên cơ sở kỹ thuật phân tích rủi ro mà không cần phải có yêu cầu của chủ thể quyền SHTT (Điều 12.59), giúp các cơ quan hải quan chủ động hơn trong hoạt động kiểm tra, giám sát chứ không chỉ phát hiện, xác định hàng hóa xâm phạm và phối hợp với chủ thể quyền như quy định hiện nay. EVFTA cũng quy định rằng cơ quan tư pháp có quyền yêu cầu bên thua kiện phải trả cho bên thắng kiện các chi phí tòa án và phí thuê luật sư hợp lý, hoặc các chi phí khác theo quy định của pháp luật (Điều 12.52).
Việc thực hiện nghiêm túc các cam kết về SHTT trong EVFTA sẽ góp phần thúc đẩy đổi mới, chuyển giao và phổ biến công nghệ, bảo đảm sự cân bằng lợi ích giữa chủ thể quyền SHTT và xã hội, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chứa đựng tài sản trí tuệ, phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng bền vững và toàn diện. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực trong việc hoàn thiện thể chế bảo hộ SHTT, cải thiện hiệu suất và chất lượng xác lập quyền SHTT, nâng cao hiệu lực bảo vệ quyền SHTT và nhận thức của công chúng về SHTT.
Công Thường