Nhu cầu của thực tiễn
Trong xu thế hội nhập và phát triển, các trường đại học cần phải linh hoạt trong việc thay đổi chương trình, mục tiêu đào tạo sao cho phù hợp với sự biến đổi của đời sống kinh tế - xã hội nói chung, nhà tuyển dụng nói riêng; đồng thời, việc triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học phải đáp ứng và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ đáp ứng với nhu cầu doanh nghiệp theo xu thế vận động và phát triển của xã hội. Để tồn tại và phát triển trong xu thế cạnh tranh ngày càng gay gắt, các trường không chỉ có sứ mệnh đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn phải có chiến lược đào tạo đón đầu theo xu thế phát triển. Để thực hiện được nhiệm vụ này, không thể thiếu sự liên kết của các cơ sở giáo dục đại học với cộng đồng doanh nghiệp và cần có sự định hướng của các cơ quan chức năng. Hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp sẽ mang lại lợi ích cộng hưởng cho các bên, bao gồm: hợp tác trong nghiên cứu và phát triển; trao đổi nhân sự (học giả, sinh viên và chuyên gia); thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ; xây dựng và phổ biến chương trình đào tạo, học tập suốt đời, phát triển doanh nghiệp và quản trị.
Động lực của mối liên kết
Liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp phản ánh các mối quan hệ chặt chẽ, ràng buộc lẫn nhau giữa trường và doanh nghiệp để hướng đến một mục đích chung. Đối với các doanh nghiệp, việc hợp tác giúp doanh nghiệp có thể tiếp xúc trực tiếp với rất nhiều sinh viên, có điều kiện để theo dõi, đánh giá tác phong làm việc cũng như kiến thức và năng lực của sinh viên một cách chính xác nhất. Qua đó, doanh nghiệp có hướng tuyển dụng, lựa chọn nhân sự phù hợp và góp phần quảng bá hình ảnh của mình. Ngoài ra, việc liên kết với nhà trường còn giúp doanh nghiệp tiếp cận được với những kết quả nghiên cứu mới nhất, cập nhật nhất và có thể ứng dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình. Đối với nhà trường, việc hợp tác với doanh nghiệp giúp mang lại lợi ích quan trọng đầu tiên là nguồn tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và công việc cho sinh viên. Sinh viên của nhà trường được trải nghiệm các kiến thức chuyên môn và thực tế. Quan hệ hợp tác giữa các trường Đại học và doanh nghiệp là quan hệ biện chứng, vì lợi ích của cả hai phía. Từ mối liên kết này, các cơ sở giáo dục sẽ có thêm điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo, cho ra lò những “sản phẩm” đã được “trải nghiệm” thực tiễn; còn các kết quả nghiên cứu khoa học sẽ có địa chỉ áp dụng rõ ràng nhằm đẩy mạnh ứng dụng vào thực tiễn tạo nên hiệu quả nghiên cứu và hiệu quả triển khai - nghiên cứu. Đây là một yếu tố không thể thiếu trong công tác nghiên cứu và triển khai nghiên cứu hiện nay.
Thời gian qua, về cơ bản chất lượng đào tạo nhiều chuyên ngành ở bậc đại học trong nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Phần lớn doanh nghiệp sau khi tuyển dụng đều phải đào tạo lại. Sự không “ăn khớp” giữa kiến thức lý thuyết trong nhà trường và thực tế công việc là nguyên nhân cơ bản khiến doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng tạo dựng mối quan hệ với các trường đại học. Nhiều trường đại học không có đủ thông tin về nhu cầu sử dụng lao động; mặt khác, sự chuyển đổi công nghệ của doanh nghiệp diễn ra liên tục nên việc gắn đào tạo với sử dụng cũng phải thay đổi theo nếu không muốn trở thành lạc hậu. Hiện nay, quan niệm “giỏi” của chúng ta thực ra mới dừng ở mức học giỏi, thi giỏi, chứ chưa phải là làm giỏi. Tinh thần thực học, thực nghiệp vẫn chưa có được chỗ đứng vững chắc trong nhà trường, nên việc đào tạo còn xa rời (hay chưa theo kịp) yêu cầu của thực tiễn. Vậy nên để tránh sự lạc hậu về tri thức khoa học và công nghệ, phương châm của các trường đại học trong giai đoạn hiện nay cần phải thay đổi theo hướng “Đào tạo cho thị trường những gì thị trường sẽ cần”.
Bên cạnh đó, đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ra vẫn đầu tư theo kiểu chụp giật, ít chú trọng đến phát triển bền vững, không có nhu cầu cho đầu tư nghiên cứu và sáng tạo. Các tổng công ty lớn hay các doanh nghiệp nhà nước thì vẫn được nhà nước bao cấp, ưu ái; các trường đại học công lập thì thường đào tạo theo chương trình đã lên khung cứng nhắc mà ít có sự thay đổi, vì xét cho cùng là chưa có động lực đủ mạnh để thay đổi. Như vậy, mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp ở nước ta nhìn chung còn hời hợt vì trong ngắn hạn, cả hai chủ thể chưa thực sự có nhu cầu bức thiết. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế quốc tế vừa qua cũng như số liệu chênh lệch cung cầu việc làm mới được công bố, đặc biệt là việc mở cửa hội nhập ngày càng mạnh mẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu đã và đang thúc đẩy cả trường đại học và doanh nghiệp phải tư duy lại chiến lược phát triển của mình. Thay vì đào tạo, đầu tư theo kiểu “chụp giật”, thì nhu cầu phát triển bền vững lại được đặt ra cấp thiết.
Liên kết cùng phát triển
Tri thức và công nghệ luôn là những yếu tố quan trọng cho sự phát triển của các trường đại học cũng như doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp luôn có nhu cầu cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất - kinh doanh và quản trị nhằm đem lại lợi nhuận cao nhất nên phải tìm kiếm những phát minh, sáng chế, những sản phẩm khoa học và công nghệ có tính khả thi để tăng sức cạnh tranh trên thị trường và phát triển bền vững. Các trường đại học với vai trò là trung tâm nghiên cứu thường sở hữu các kết quả nghiên cứu, tri thức và công nghệ mới sẽ chính là nơi mà các doanh nghiệp cần. Để giảm chi phí nghiên cứu, mở rộng phạm vi hoạt động và mở ra nhiều hướng phát triển công nghệ, các doanh nghiệp cần hợp tác với các cơ sở giáo dục để tiếp nhận đổi mới công nghệ, đi đầu trong nghiên cứu và phát triển hoặc giải quyết các bài toán về công nghệ, môi trường mà thực tiễn đặt ra với khoảng thời gian ngắn, chi phí hợp lý cùng đội ngũ chuyên gia giỏi từ phía các cơ sở giáo dục. Từ các vấn đề đã được nêu ra, có thể thấy để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì cần tạo liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, trong đó các cơ quan, tổ chức cấp trên sẽ đóng vai trò định hướng và xúc tác.
Mối quan hệ biện chứng cho mô hình liên kết nhà trường - doanh nghiệp là phía doanh nghiệp sẽ đóng vai trò nhà cung cấp thông tin để các cơ sở giáo dục nắm được nhu cầu của thị trường lao động; còn hoạt động đào tạo, nghiên cứu của các cơ sở giáo dục luôn cần hướng tới nhu cầu doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp được hợp tác với cơ sở đào tạo cũng là nhu cầu thiết thực của chính doanh nghiệp và ngược lại. Do đó, mối liên kết này vừa mang tính tất yếu, vừa mang tính khả thi cao trong việc đáp ứng nhu cầu lao động cho doanh nghiệp và đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Việc đẩy mạnh ứng dụng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sẽ thúc đẩy mối quan hệ biện chứng này lên tầm cao hơn, trong đó, việc chuyển giao khoa học và công nghệ có các khía cạnh cần quan tâm:
Thứ nhất, nghiên cứu và chuyển giao giúp nâng cao năng lực nghiên cứu trong nhà trường và đẩy mạnh sản xuất doanh nghiệp theo hướng cải tiến theo nhu cầu. Khi nguồn nhân lực trí tuệ đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và là nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thì việc triển khai và kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp về nghiên cứu khoa học là một xu thế, một biện pháp tích cực của nền giáo dục năng động, sáng tạo.
Thứ hai, các trường đại học có sẵn đội ngũ trí thức, được đào tạo một cách bài bản, có đủ năng lực để tiếp nhận chuyển giao những công nghệ mới tiên tiến, từ đó triển khai áp dụng cho doanh nghiệp. Về mặt này, rõ ràng doanh nghiệp được lợi về mặt tiết kiệm thời gian và tận dụng được nguồn lực bên ngoài. Về phía nhà trường, cũng từ hoạt động này sẽ nhanh chóng tiếp cận được nguồn lực tài chính từ doanh nghiệp để nghiên cứu, hoàn thiện các công nghệ mới.
Để nâng cao hiệu quả mối liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp, thiết nghĩ các trường đại học cần thiết lập bộ phận chuyên trách liên kết, hợp tác với doanh nghiệp. Có chiến lược liên kết với doanh nghiệp bằng hai hình thức chủ yếu: ký thỏa thuận hợp tác về đào tạo và chuyển giao công nghệ, hoặc trở thành cổ đông của những doanh nghiệp (theo hình thức riêng lẻ từng trường hoặc liên kết nhóm trường đại học cùng ngành đào tạo). Cũng từ cách thức liên kết này, nhà trường có thể thâm nhập sâu vào doanh nghiệp để nắm được yêu cầu về nhân lực chất lượng cao, nhu cầu chuyển giao công nghệ... Đây cũng là điều kiện để các trường đại học quảng bá thương hiệu, nâng cao năng lực và hiệu quả đầu tư tài chính trước xu thế “tự chủ đại học”. Bên cạnh đó, một phương án giúp thúc đẩy mối quan hệ giữa các nhà trường và doanh nghiệp hiện nay là Chính phủ cần đóng vai trò định hướng, đưa nguồn lực từ các tổ chức nước ngoài giúp thúc đẩy sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp ở Việt Nam. Với doanh nghiệp, việc tiếp cận các tổ chức nước ngoài mở ra cơ hội mới để doanh nghiệp tiếp cận thị trường và các nguồn lực ngoài nước. Về phía nhà trường, việc dựa vào nguồn lực từ các tổ chức nước ngoài để tiến hành liên hệ và gắn kết với doanh nghiệp sẽ nâng vị thế và uy tín của mình trong mối quan hệ cần thiết này.
Trong bối cảnh hiện nay, khi ngày càng nhiều trường đại học được hưởng cơ chế tự chủ hoàn toàn, nhà trường có thể tiến hành thành lập các doanh nghiệp trực thuộc. Các doanh nghiệp này sẽ có vị thế để tiếp tục kết nối và phát triển các mối quan hệ hợp tác với các tổ chức và doanh nghiệp bên ngoài. Việc thành lập các trung tâm hỗ trợ sinh viên, trung tâm hỗ trợ sáng tạo và khởi nghiệp… sẽ tạo điều kiện để gắn kết hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp.