Chủ nhật, 15/11/2020 19:00

"Nhà Tivi": Mơ một thời đã qua

Sự cạnh tranh khốc liệt của các phương tiện truyền thông số, nội dung đơn điệu, nhàm chán, thiếu sáng tạo… là những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm khán giả nghiêm trọng của ngành truyền hình trong những năm qua. Tuy nhiên, truyền hình vẫn có thể thu hút khán giả với điều kiện bản thân nhà đài cần có sự nỗ lực không ngừng, sẵn sàng đột phá cả về tư tưởng và đầu tư để tạo ra những sản phẩm sáng tạo, hợp thời và phản ánh chân giá trị.

Thị trường phình to, thị phần teo tóp

Trong khoảng gần một thập niên trở lại đây, cùng với sự bùng nổ mạnh mẽ của internet, các nội dung trên môi trường số gồm tất cả các thể loại có sự tăng trưởng vượt bậc ở mọi quốc gia trên thế giới. Cũng theo đó, lượng khán giả quay lưng với tivi ngày càng trở thành hiện tượng khó cưỡng với tất cả các đơn vị sản xuất nội dung và phát sóng truyền hình.

Hiện nay, chỉ với một chiếc smartphone kết nối internet, người dùng có thể truy cập một kho nội dung khổng lồ về số lượng, đa dạng về chủ đề, phong phú về hình thức. Không những thế, khác với truyền hình truyền thống, khán giả xem nội dung số hoàn toàn có quyền chủ động tiếp cận và thưởng thức chương trình một cách chủ động (ở bất kể nơi đâu, bất cứ lúc nào) thay vì phải phụ thuộc vào lịch phát sóng của nhà đài. 

Trên thực tế, lượng khán giả xem các nội dung video gồm cả truyền hình và trên internet những năm gần đây không giảm, thậm chí tăng đáng kể. Nói cách khác, chiếc bánh thị trường ngày càng lớn lên song tỷ lệ thị phần đang ngày càng nghiêng về các kênh phát trên mạng. Chưa cần đến những con số đo lường phức tạp của các đơn vị chuyên môn, bất kể ai, bằng sự quan sát đơn giản nhất từ bản thân đến những người xung quanh đều có thể nhận thấy một hiện thực rõ ràng, đó là phần lớn mọi người đều xem tivi ít đi nhưng “dán mắt” vào điện thoại, máy tính bảng nhiều lên.

Phần lớn mọi người đều xem tivi ít đi nhưng “dán mắt” vào điện thoại, máy tính bảng nhiều lên.

Từ nghiên cứu “Xu hướng thời gian sử dụng phương tiện truyền thông và gợi ý của nó tới tính gắn kết gia đình”, ThS Nguyễn Thị Hiền - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định, thời gian xem truyền hình của nhóm cư dân đô thị tại một số thành phố lớn từ năm 2015 đến 2020 đã giảm đáng kể (từ gần 200 phút/người/ngày xuống còn xấp xỉ 150 phút/người/ngày - tương đương mức giảm là 25%). Tác giả này cũng cho biết, ngược lại với thời gian xem truyền hình, xu hướng sử dụng internet trên các phương tiện cá nhân có sự tăng trưởng đột biến (từ 50 phút/người/ngày năm 2015 lên gần 200 phút/người/ngày năm 2019). “Trong khoảng từ năm 2005 trở về trước, tivi thường là phương tiện truyền thông có tiềm năng gắn kết các thành viên trong gia đình. Song kể từ những năm 2010 trở lại đây chúng ta chứng kiến sự bùng nổ của điện thoại thông minh, khả năng phủ rộng của mạng 3G, 4G với kho nội dung vô cùng phong phú thì việc các cá nhân dần rời các phương tiện truyền thông truyền thống như tivi, radio, báo/tạp chí giấy là xu hướng tất yếu không thể tránh khỏi. Xu hướng này không chỉ xảy ra trên thế giới mà Việt Nam cũng không phải trường hợp ngoại lệ” - ThS Hiền nhấn mạnh.

Thượng đế buồn, Thượng đế bỏ đi

Ở Việt Nam ngành truyền hình từ lâu đã giữ ngôi vương, nhưng giờ đây dường như “ngai vàng” của các ông lớn truyền hình cũng đang có nguy cơ lung lay, chí ít là xét trên phương diện giải trí. Nguyên nhân có nhiều, trong đó những nguyên nhân khách quan do sự phát triển của các phương tiện truyền thông số. Về mặt chủ quan, các đơn vị sản xuất nội dung và nhà đài đang vướng vào một vòng luẩn quẩn: ít quảng cáo - doanh thu thấp - thiếu kinh phí đầu tư cho nội dung - ít khán giả - ít quảng cáo. Như chúng ta đều biết, lợi thế truyền thống của quảng cáo trên truyền hình là thông điệp quảng cáo trong một thời gian ngắn có thể đạt được độ phủ rất lớn, nhưng lợi thế này đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi các hình thức quảng cáo trên các phương tiện số (do số lượng, thời gian dùng internet của người Việt tăng rất nhanh và vẫn đang có xu hướng tiếp tục tăng. Thêm vào đó, các hình thức quảng cáo số có một lợi thế là thông điệp quảng cáo gắn sát với mối quan tâm hoặc nhu cầu của người dùng và thường có mức giá rẻ hơn so với quảng cáo phát trên các kênh truyền hình lớn. 

Cái khó bó cái khôn, nhiều công ty sản xuất nội dung và nhà đài dù không muốn song cũng khó có lựa chọn khác là mua các nội dung cũ ở nước ngoài như phim truyền hình, format gameshow về Việt hóa hoặc phát lại với hy vọng mong manh vẫn giữ và thu hút được thêm khán giả. Trên thực tế, với cách làm này xác suất để thành công chẳng khác nào mò kim đáy biển bởi phần lớn các nội dung, chẳng hạn như phim truyền hình, khán giả nếu muốn đều có thể xem trước tới cả hai đến ba năm nguyên bộ (không chờ, không quảng cáo) ở đâu đó trên môi trường mạng. 

Một khó khăn khác mà truyền hình truyền thống lâu nay bị “dán nhãn” và cũng chính là sứ mệnh của truyền hình là phải cung cấp các nội dung có tính chính thống, có độ chính xác cao (nếu là tin tức), có tính giáo dục và phù hợp với thuần phong mỹ tục (nếu là nội dung giải trí)… Điều này dẫn đến sự bất lợi trong việc cạnh tranh với nội dung số đủ loại trên mạng. Có lẽ một phần vì lý do này mà trong mấy năm vừa qua, do “sốt ruột” để kéo khán giả trở lại, một số đài đã hợp tác với các đơn vị xã hội hóa nội dung giải trí, ồ ạt nhập phim ngoại hoặc sản xuất các gameshow song do khâu kiểm soát nội dung có lúc bị lơ là dẫn đến những tình huống phản cảm, bị xã hội lên án và điều đó cũng là một nhân tố làm cho khán giả tiếp tục bỏ đi.

Rõ ràng truyền hình truyền thống ngày nay đang ở trong cảnh “tứ bề thọ địch” nên dù muốn hay không các nhà sản xuất và nhà đài đều phải có những bước đi đột phá mới mong muốn duy trì và xây dựng được một lượng khán giả trung thành.

Quả ngọt dành cho người chịu khó trồng cây

Cũng từ kết quả nghiên cứu của mình, ThS Nguyễn Thị Hiền khẳng định: “Truyền hình tuy đang gặp trùng trùng khó khăn nhưng hoàn toàn vẫn còn cơ hội. Thực tế cho thấy lượng khán giả truyền hình thời gian qua tuy giảm nhưng so với nhiều nước trên thế giới Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ khán giả xem truyền hình vào loại cao. Với người dân Việt Nam, đài, báo, tivi vẫn là những nơi rất đáng tin cậy”. Thực vậy, dù thông tin và nội dung giải trí hiện nay đang ở tình trạng khủng hoảng thừa, song với tin tức, cơ bản người dân vẫn đặt niềm tin ở những đơn vị truyền thông chính thống, có uy tín như VTV, VOV, HTV… và những tờ báo lớn. Đơn cử, trong thời gian qua khi cả nước phải gồng mình chiến đấu với đại dịch Covid-19, người dân dù có rất nhiều thông tin trên mạng nhưng vẫn thường xuyên tìm đến các nguồn tin chính thống từ tivi, radio và các báo lớn như những nguồn để kiểm định tính chính xác của thông tin. Sự nỗ lực, lăn xả của các phóng viên và nhà đài ở những nơi nguy hiểm để có được những thông tin giá trị vẫn được khán giả đến đáp xứng đáng.

Tương tự vậy, trên phương diện giải trí, những đơn vị chịu khó đầu tư cả chất xám và tài chính để có được những tác phẩm truyền hình hấp dẫn vẫn luôn được khán giả ủng hộ như gameshow: Rap Việt (HTV2), King of Rap (VTV3), Giọng ải giọng ai (HTV7)… hoặc phim truyền hình có thể kể đến sự thành công liên tiếp của VFC với các phim: Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử, Hoa hồng trên ngực trái, Tình yêu và tham vọng…

Những thành công này của các nhà đài và các đơn vị sản xuất nội dung một lần nữa khẳng định truyền hình vẫn hoàn toàn có thể đóng vai trò như một thỏi nam châm để thu hút khán giả với điều kiện bản thân nhà đài có sự nỗ lực không ngừng, sẵn sàng đột phá cả về tư tưởng và đầu tư để tạo ra những sản phẩm sáng tạo, hợp thời và phản ánh chân giá trị.

VVH

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)