Thứ hai, 09/11/2020 15:03

Hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới sáng tạo: Chính sách và xu hướng

Năng lực tiếp cận của doanh nghiệp (DN) để khai thác các nguồn lực và sự trợ giúp của Chính phủ thường là hạn chế. Đây là kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển DN (INBUS), Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ gần đây ở một số DN. Kết quả cũng cho thấy, “năng lực hấp thụ chính sách” chỉ ở mức trung bình (dưới 3 điểm trên thang 5 điểm). Những trở ngại do quy trình xét duyệt và cơ chế giải ngân là nguyên nhân chính của thực trạng này. Vậy làm thế nào để các chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ (ĐMCN) nói riêng và cho hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) nói chung của Chính phủ cho các đối tượng đươc hưởng thụ phải đi song hành với năng lực hấp thụ chính sách và năng lực hấp thụ công nghệ của các đối tượng được hưởng thụ. Đó cũng là chủ đề thảo luận chính tại hội thảo khoa học “Chính sách và xu hướng hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng và ĐMST” được Quỹ Đổi mới công nghệ (NATIF) tổ chức ngày 6/11/2020.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Giám đốc NATIF cho biết, quỹ đóng vai trò đại diện cho Chính phủ cung cấp định hướng phát triển, nguồn lực (tài chính), hạ tầng cơ sở pháp lý (cơ chế, chính sách); DN nói chung, DN có nhu cầu đầu tư, phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) nói riêng là đối tượng mục tiêu của các hoạt động hộ trợ và các nguồn lực của chương trình/quỹ; các tổ chức KH&CN đóng vai trò là các nhân tố trung gian giúp kết nối DN với sự trợ giúp của quỹ/chương trình quốc gia. Tuy nhiên, dù có hỗ trợ theo hình thức nào, đối tượng nào được hưởng thụ thì mong muốn cuối cùng của Chính phủ nói riêng và của cả xã hội nói chung là các kết quả của sự hỗ trợ sẽ cho ra được những sản phẩm, công nghệ cụ thể giúp doanh nghiệp có thể sản xuất được những sản phẩm mới, hoặc những sản phẩm có chất lượng tốt hơn, đem lại giá trị gia tăng cho chính doanh nghiệp và xã hội. Đó cũng chính là mục tiêu, là định hướng chính sách của Đảng và Nhà nước khi xác định DN làm trung tâm của ĐMST quốc gia. Định hướng này đã được cụ thể hóa thành các chương trình hành động của Chính phủ trong đó có hoạt động của các quỹ (Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia - NAFOSTED và NATIF).

Đại diện của NATIF cho biết, giai đoạn 2015-2020, NATIF đã tập trung tài trợ cho các dự án, đề tài và hoạt động ĐMCN với hơn 1.000 ý tưởng/đề xuất, đã và đang xét chọn hơn 300 nhiệm vụ, tài trợ được gần 30 nhiệm vụ. NATIF hiện đang xây dựng dự thảo theo điều lệ điều chính mới của Luật CGCN 2017, Luật Ngân sách 2015 và một số luật, quy định liên quan nhằm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ tín dụng cho các DN. Dự thảo điều lệ hoạt động mới của NATIF được điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung một số khía cạnh: cho vay gián tiếp (giao vốn cho ngân hàng thương mại thực hiện việc cho vay), cho vay trực tiếp (NATIF trực tiếp thực hiện việc cho vay), quy định về hỗ trợ lãi suất vay, quy định về bảo lãnh để vay vốn, quy định về hỗ trợ vay vốn…

Đối với NAFOSTED, trong 10 năm (2009-2018) đã tài trợ cho 2.192 nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản thuộc linh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật với kinh phí bình quân khoảng gần 700 triệu đồng/nhiệm vụ; tài trợ cho 349 nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn với kinh phí bình quân 745 triệu đồng/nhiệm vụ. Đối với chương trình nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, giai đoạn 2011-2018, NAFOSTED đã tài trợ cho 11 nhiệm vụ với kinh phí bình quân 3,36 tỷ đồng/nhiệm vụ. Ngoài ra, trong thời gian qua, NAFOSTED cũng đã tài trợ cho các nhiệm vụ khác như: chương trình hợp tác song phương, chương trình đột xuất - tiềm năng, chương trình hỗ trợ phát triển công nghệ.

Đánh giá về hiệu quả của NAFOSTED trong thời gian qua, các đại biểu tại hội thảo đều đồng tình cho rằng, đây là một trong số ít các chương trình liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực và hiệu quả. Điều này được thể hiện ở một số khía cạnh: 1) Nhà nước chỉ cần hỗ trợ một khoản kinh phí không lớn (dưới 30% tổ kinh phí thực hiện dự án) là đã “kích cầu” các DN mạnh dạn đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và đổi mới công nghệ; 2) Cơ chế cấp thanh toán cho các dự án đảm bảo an toàn và hiệu quả cho phần hỗ trợ của Nhà nước (chỉ cấp sau khi DN đã thực hiện xong một phần hay toàn bộ dự án với tỷ lệ hỗ trợ tương ứng); 3) Sự gắn kết/liên kết giữa các DN với các nhà tư vấn, khoa học của các trường đại học, viện nghiên cứu ngày càng được củng cố và thực tế hơn; 4) Chỉ có các công nghệ phù hợp và các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường mới có thể đem lại sự thành công của dự án.

Mặc dù mới được thành lập (2019), nhưng VINIF đã có những kết quả ấn tượng trong tài trợ cho nghiên cứu và ĐMST. Đại diện của VINIF cho biết, VINIF tài trợ cho 4 nhóm: nghiên cứu thường niên, tài trợ học bổng sau đại học, hợp tác đào tạo thạc sỹ, tài trợ hội nghị/hội thảo khoa học. Năm 2019 tổng kinh phí mà VINIF tài trợ cho nghiên cứu lên là 124 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án khẩn cấp phòng, chống COVID-19. Đối với đào tạo, VINIF hỗ trợ học bổng 120 triệu/năm (đối với thạc sỹ), 150 triệu/năm (đối với học bổng tiến sỹ); hỗ trợ chi phí đăng ký, đi lại, ăn/ở tham gia hội nghị khoa học quốc tế. Đánh giá về VINIF, nhiều đại biểu cho rằng, VINIF là một trong những quỹ tư nhân đầu tiên ở Việt Nam tài trợ cho nghiên cứu và ĐMST, đây là dấu hiệu tích cực cho thấy hoạt động nghiên cứu và ĐMST đã có sự thu hút mọi nguồn lực của xã hội đầu tư, đặc biệt là các DN.

Những thay đổi khi Luật Ngân sách 2015 có hiệu lực từ năm 2017 khiến cho hoạt động của các quỹ quốc gia (trong đó có 2 quỹ quốc gia thuộc Bộ KH&CN là NAFOSTED và NATIF) cũng có nhiều thay đổi trong phương thức tổ chức, quản lý và hỗ trợ cho DN, kể cả cho các tổ chức KH&CN. Đây cũng là chủ đề để các đại biểu tham dự hội thảo góp ý cho dự thảo mà NAFOSTED và NATIF đang soạn thảo để trình Chính phủ ban hành điều lệ hoạt động cho phù hợp với Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) 2017 và Luật Ngân sách mới 2015.

Vũ Hưng

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)