Thực trạng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam
Theo đại diện của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương thì ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 3 năm trở lại đây. Sản lượng ô tô SXLR trong nước đến nay như sau*: năm 2017 đạt 258.733 chiếc, năm 2018 đạt 258.116 chiếc, năm 2019 đạt 281.606 chiếc và ước thực hiện 8 tháng đầu năm 2020 đạt 154.171 chiếc. Các doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp (SXLR) trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trị đối với thị trường ô tô trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Tính đến hết năm 2019, cả nước có khoảng hơn 40 DN SXLR ô tô với sản lượng SXLR trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước. Nhiều hãng lớn trên thế giới có hoạt động SXLR ô tô tại Việt Nam. Một số DN nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu. Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Philippines…
Các chủng loại xe tải nhẹ dưới 7 tấn, xe khách từ 25 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt mục tiêu đề ra, đáp ứng cơ bản nhu cầu thị trường nội địa (xe tải đến 07 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu). Ngành SXLR ô tô trong nước đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trực tiếp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các diễn giả, khách mời tại buổi tọa đàm cũng đánh giá những hạn chế của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam như: mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô, phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động; ngành SXLR ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự (chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các DN trong SXLR ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện, chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn); giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực; tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp hơn mục tiêu đề ra, đồng thời thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực, các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp.
Chính sách thuế đối với phát triển ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ (CNHT)
Đại diện Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết: đối với chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô, năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định đã đã bổ sung các chủng loại xe ô tô chạy điện, xe ô tô sử dụng pin nhiên liệu, xe ô tô hybrid, xe ô tô sử dụng nhiên liệu sinh học hoàn toàn, xe ô tô sử dụng khí thiên nhiên vào đối tượng áp dụng ưu đãi của Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu; sửa đổi tiêu chí sản lượng chung tối thiểu của các nhóm xe và sản lượng riêng tối thiểu của mẫu xe để phù hợp với thực trạng ngành SXLR hiện nay và tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành SXLR ô tô; sửa đổi quy định về mẫu xe và quy định về thủ tục, hồ sơ thực hiện Chương trình ưu đãi thuế để giảm thủ tục hành chính nhằm góp phần khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô tô theo định hướng của Chính phủ.
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô đã góp phần thúc đẩy sản xuất của các DN SXLR ô tô trong nước, tạo điều kiện DN trong nước mở rộng đầu tư, tiếp tục phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh của xe SXLR trong nước so với xe nhập khẩu. Đánh giá về số thu ngân sách cho thấy việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện nhưng góp phần tăng thu ở các sắc thuế nội địa. Cụ thể: theo số liệu báo cáo của các DN tham gia Chương trình (Công ty Toyota và Công ty cổ phần sản xuất ô tô Huyndai Thành Công Việt Nam, Công ty Trường Hải, công ty Ford Việt Nam) đã nộp thuế vào ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018 tăng khoảng 7.300 tỷ đồng so với năm 2017, năm 2019 tăng khoảng 4.000 tỷ đồng so với năm 2018. Có thể nói thông qua Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô sản xuất của DN SXLR ô tô trong nước, qua đó đã góp phần thúc đẩy, hỗ trợ các DN cung ứng sản phẩm CNHT cho ngành ô tô, từ đó tác động tích cực đến ngành sản xuất sản phẩm CNHT ô tô trong nước phát triển.
Giải pháp thúc đẩy ngành SXLR ô tô trong nước
Tại buổi tọa đàm, các khách mời, DN SXLR ô tô trong nước đã đưa ra các giải pháp, khuyến nghị nhằm thúc đẩy ngành SXLR ô tô trong nước. Các giải pháp chung được đưa ra là: khuyến khích các DN lớn đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô, trong đó cần chú trọng đầu tư vào công tác nghiên cứu phát triển và các ngành công nghiệp hỗ trợ, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành; có các chính sách đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt là nhân sự làm công tác nghiên cứu và phát triển (R&D); Nhà nước cần tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hiện hành, hỗ trợ tháo gỡ cho các DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ thị trường trong nước đồng thời tăng cường kiểm soát chất lượng nhập khẩu ô tô trong nội khối ASEAN, đảm bảo đáp ứng các điều kiện hưởng thuế suất 0%. Về dài hạn, các đại biểu cho rằng cần có các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các DN trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia và hướng tới thị trường xuất khẩu trong khu vực.
Đối với chính sách thuế đối với ngành công nghiệp ô tô, các đại biểu khuyến nghị: 1) Các DN cần nhận thức rất rõ rằng thuế là một vấn đề hết sức phức tạp và thuế cũng chỉ là 1 trong những công cụ (mặc dù là công cụ quan trọng nhất) để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô; 2) Chính sách thuế cần có tính ổn định lâu dài (đầu tư cho sản xuất phụ tùng/linh kiện đòi hỏi vốn lớn, DN Việt Nam lại bị thua thiệt khi phải chịu lãi suất vay gấp 4-5 lần DN nước ngoài, vì vậy nếu chính sách thuế không ổn định lâu dài thì DN ko thể xây dựng được chiến lược phát triển dài hạn mà chỉ dám đầu tư kiểu “ăn xổi”); 3) Chính sách thuế cần có tính tiên liệu được (DN cũng sẽ ko dám mạnh dạn đầu tư nếu chính sách thuế không thể tiên liệu, đoán định được sẽ thay đổi theo hướng nào); 4) Chính sách thuế cần khuyến khích sản xuất trong nước kết hợp với khuyến khích mạnh mẽ việc xuất khẩu phụ tùng/linh kiện.
Vũ Hưng
*Số liệu tính cho loại hình SXLR từ linh kiện rời, không bao gồm loại hình SXLR từ xe sát xi cơ sở hoặc xe mới khác đã được chứng nhận.