Thứ tư, 28/10/2020 15:40

Một số phương thức giải quyết xung đột giữa nhãn hiệu và tên miền được áp dụng tại Hoa Kỳ và kinh nghiệm đối với Việt Nam

ThS Diệp Thị Thanh Xuân

Trung tâm Thẩm định Nhãn hiệu, Cục Sở hữu trí tuệ
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Xu hướng toàn cầu hóa và sự gia tăng giá trị kinh tế, xã hội của tên miền đã kéo theo hàng loạt các vụ việc tranh chấp, xung đột giữa tên miền và các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu. Là quốc gia đi đầu trong việc ban hành các quy định nhằm đối phó với những thách thức của tên miền đối với quyền sở hữu trí tuệ nói chung, nhãn hiệu nói riêng, Hoa Kỳ đã có nhiều nỗ lực trong việc mở rộng và áp dụng linh hoạt các quy định điều chỉnh nhãn hiệu trong môi trường internet. Bài viết giới thiệu một số phương thức trong giải quyết xung đột giữa nhãn hiệu và tên miền ở Hoa Kỳ, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam.

Các biện pháp chủ sở hữu nhãn hiệu tại Hoa Kỳ có thể sử dụng để chống lại sự lạm dụng của người đăng ký tên miền

Theo quy định của pháp luật hiện hành, chủ sở hữu nhãn hiệu tại Hoa Kỳ có thể dựa vào một số quy định dưới đây để chống lại sự lạm dụng của người đăng ký tên miền.

Đạo luật bảo vệ người tiêu dùng chống nạn chiếm dụng tên miền (Anticybersquatting Consumer Protection Act - ACPA)

“Chiếm dụng tên miền” (cybersquatting) là việc một người lấy nhãn hiệu đã được bảo hộ của người khác để đăng ký tên miền với mục đích bán lại cho chủ sở hữu nhãn hiệu để kiếm lời. Ra đời vào năm 1999 và sau này được hợp nhất vào Đạo luật Lanham, ACPA hướng vào việc ngăn chặn hành vi chiếm dụng tên miền. Đạo luật này cho phép chủ sở hữu nhãn hiệu kiện người đăng ký tên miền trong trường hợp người đó đăng ký với “dụng ý xấu” và đăng ký, mua bán, sử dụng tên miền mà tên miền đó thuộc 1 trong 3 trường hợp sau 1: i) Trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu đã được bảo hộ; ii) Trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc làm lu mờ nhãn hiệu nổi tiếng; iii) Là nhãn hiệu liên quan đến một số dấu hiệu đặc biệt như biểu tượng chữ thập đỏ hoặc biểu tượng của Thế vận hội olympic.

Để xác định liệu một người có đăng ký tên miền với “dụng ý xấu” hay không, Đạo luật ACPA đưa ra danh sách bao gồm 9 yếu tố mà Tòa án có thể sử dụng làm căn cứ. Một số yếu tố điển hình được kể đến như: liệu tên miền có chứa tên thông dụng hay pháp lý của người đăng ký hay không; việc sử dụng trước tên miền của người đăng ký liên quan đến việc chào bán hàng hóa/dịch vụ có được thực hiện một cách vô tình hay không; việc đăng ký tên miền của người đăng ký chỉ nhằm chuyển giao tên miền đó cho chủ sở hữu nhãn hiệu để thu lợi về tài chính chứ không phải sử dụng nhãn hiệu đó trong một trang web hợp pháp; người đăng ký tên miền cố tình cung cấp thông tin sai lệch khi đăng ký 2

Như vậy, ACPA quy định rất rõ ràng các cơ sở pháp lý để chủ sở hữu nhãn hiệu ở Hoa Kỳ kiện người đăng ký tên miền. Đặc biệt, các yếu tố để xác định thế nào là đăng ký với “dụng ý xấu” được quy định rất cụ thể, chi tiết, giúp cho chủ sở hữu nhãn hiệu dễ dàng hơn khi xem xét để lấy làm căn cứ cho việc khởi kiện. Mặt khác, các căn cứ để xác định thế nào là “tương tự gây nhầm lẫn” theo ACPA dễ đáp ứng hơn so với các tiêu chuẩn truyền thống.

Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất (Domain - Name Dispute - Resolution Policy - UDRP)

Bên cạnh Đạo luật ACPA, chủ sở hữu nhãn hiệu ở Hoa Kỳ còn có một phương thức khác để kiện người đăng ký tên miền bất hợp pháp là UDRP. UDRP được xem là “luật mềm” cho việc giải quyết các tranh chấp tên miền. Việc đăng ký tên miền được thực hiện bởi nhiều tổ chức trên toàn cầu nhưng không có tổ chức nào có sự hiện diện và quy mô lớn như Tổ chức quản lý tên miền và số hiệu mạng thế giới (ICANN). ICANN đã được Hoa Kỳ và nhiều chính phủ khác công nhận là một tổ chức điều phối việc quản trị kỹ thuật hệ thống tên miền internet. UDRP là chính sách được Ban giám đốc của ICANN thông qua vào ngày 24/8/1999.

Thủ tục hành chính của UDRP rất đơn giản. Cụ thể, khi có bằng chứng về việc chiếm dụng tên miền, chủ sở hữu nhãn hiệu nộp đơn khiếu nại cho tổ chức giải quyết tranh chấp được ICANN công nhận. Bên bị khiếu nại sẽ phải trả lời bằng văn bản cùng với các tài liệu chứng minh. Sau đó, Ban hội thẩm được thành lập để đưa ra quyết định và thông báo cho các bên liên quan. Cuối cùng, cơ quan đăng ký tên miền có liên quan thi hành quyết định của Ban hội thẩm thông qua việc hủy bỏ hoặc chuyển giao tên miền.

Để thuyết phục thành công Hội đồng UDRP, chủ sở hữu nhãn hiệu phải chứng minh được tên miền đang tranh chấp trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc quyền sở hữu của họ, và người đăng ký tên miền không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền. Ngoài ra, chủ sở hữu nhãn hiệu cũng phải chứng minh được tên miền đã được đăng ký với “dụng ý xấu” 3. Bằng chứng để chứng minh “dụng ý xấu” theo quy định của UDRP có nhiều điểm tương đồng với Đạo luật ACPA đã được đề cập ở trên, bao gồm: người đăng ký tên miền đăng ký với mục đích bán, cho thuê, chuyển giao tên miền đó cho chủ sở hữu nhãn hiệu với giá cao và để ngăn chặn việc đăng ký của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc nhằm làm gián đoạn việc kinh doanh của đối thủ cũng như thu hút người dùng internet tới trang web của họ bằng cách tạo ra sự tương tự gây nhầm lẫn rằng nhãn hiệu và tên miền có cùng nguồn gốc.

Có thể nói, mặc dù còn có một số nhược điểm nhưng rõ ràng UDRP ra đời đã tạo cho chủ sở hữu nhãn hiệu một công cụ nhanh chóng với chi phí hợp lý nhằm lấy lại được các tên miền đã bị bên thứ ba đăng ký với dụng ý xấu. UDRP cho phép các bên phản đối việc đăng ký tên miền có chứa các thuật ngữ trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của họ và quy định các chế tài bao gồm việc chuyển giao hoặc hủy bỏ tên miền. Kể từ khi ra đời, UDRP đã được chủ sở hữu nhãn hiệu thường xuyên sử dụng như một công cụ hữu ích để chống lại những kẻ chiếm dụng tên miền.

Ngoài hai phương thức giải quyết xung đột giữa nhãn hiệu và tên miền đã được đề cập ở trên cũng như các quy định khác liên quan đến vấn đề này trong Luật Lanham và trong Quy chế thẩm định đơn nhãn hiệu của Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (TMEP), chủ sở hữu nhãn hiệu ở Hoa Kỳ còn có thêm một lựa chọn khác để bảo vệ nhãn hiệu của mình là Cơ chế giải quyết các vấn đề liên quan đến nhãn hiệu (Clearinghouse) của ICANN. Cơ chế này cung cấp cho chủ sở hữu nhãn hiệu hai dịch vụ là “Đăng ký trước” (Sunrise service) và “Dịch vụ xác nhận quyền sở hữu” (Trademark claim). Mặc dù phương thức này không có quy trình giải quyết tranh chấp riêng nhưng đã cung cấp cho chủ sở hữu nhãn hiệu lợi thế đáng kể trong việc đi trước các đối thủ cạnh tranh và bảo vệ nhãn hiệu của mình trong không gian ảo.

Kinh nghiệm đối với Việt Nam

Có thể thấy, chủ sở hữu nhãn hiệu ở Hoa Kỳ có thể áp dụng các phương thức khác nhau nhằm hạn chế và giải quyết xung đột giữa tên miền và nhãn hiệu. Đây thực sự là những biện pháp rất hữu ích để Việt Nam học hỏi khi mà các xung đột và tranh chấp giữa nhãn hiệu và tên miền ở Việt Nam đang ngày càng gay gắt.

Ở Việt Nam, xung đột giữa nhãn hiệu và tên miền không chỉ thể hiện ở giai đoạn xác lập quyền mà còn ở nội dung và phạm vi bảo hộ của 2 đối tượng. Mặc dù cả pháp luật về nhãn hiệu và pháp luật liên quan đến tên miền đã cố gắng đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn và khắc phục xung đột, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của chủ sở hữu nhãn hiệu, tên miền cũng như quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện các quy định về vấn đề này còn nằm rải rác ở các văn bản khác nhau như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Công nghệ thông tin, Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại điện tử… và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Và cùng một vụ việc liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh đối với nhãn hiệu và tên miền nhưng các văn bản khác nhau quy định hình thức thủ tục giải quyết khác nhau.

Hơn nữa, ở Việt Nam nhãn hiệu là đối tượng điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ, do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, còn tên miền chịu sự điều chỉnh và quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hiện tại, giữa hai cơ quan này không có sự kết nối về cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc tra cứu chéo trước khi đăng ký. Trong quá trình thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu, các thẩm định viên của Cục Sở hữu trí tuệ căn cứ vào cơ sở tuyệt đối (Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ) và cơ sở tương đối (Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ) và các đối chứng tìm được từ hệ thống cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ để đánh giá, kết luận về khả năng bảo hộ của nhãn hiệu. Tên miền không thuộc đối tượng của Luật Sở hữu trí tuệ và hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ mục đích tra cứu nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ không bao gồm dữ liệu liên quan đến các tên miền đã được nộp tại Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC).

Nhãn hiệu và tên miền đang được điều chỉnh bởi các văn bản khác nhau.

Xuất phát từ thực trạng của pháp luật Việt Nam về giải quyết xung đột giữa nhãn hiệu và tên miền cũng như xuất phát từ việc nghiên cứu, phân tích các biện pháp mà Hoa Kỳ đã và đang thực hiện, tác gỉa bài viết đề xuất một số định hướng để giải quyết vấn đề này đối với Việt Nam như sau:

Thứ nhất, nên sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng bổ sung thêm một điều khoản từ chối trong trường hợp nhãn hiệu yêu cầu đăng ký tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên miền. Song cũng cần xem xét kỹ khả năng gây nhầm lẫn và kết luận chính xác về khả năng gây nhầm lẫn giữa nhãn hiệu và tên miền. Xung đột chỉ xảy ra khi việc đăng ký/sử dụng nhãn hiệu và tên miền làm cho người tiêu dùng lầm tưởng về nguồn gốc của hàng hóa/dịch vụ mang theo dấu hiệu. Trên thực tế, không phải trường hợp nào tên miền trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu cũng có khả năng làm cho người tiêu dùng lầm tưởng về nguồn gốc của hàng hóa/dịch vụ. Mặt khác, cần có các quy định cụ thể, chi tiết đối với hành vi “đăng ký, sử dụng tên miền với dụng ý xấu”. Để thực hiện giải pháp này, Việt Nam có thể tham khảo các quy định trong Đạo luật ACPA của Hoa Kỳ.

Đồng thời, Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm của Hoa Kỳ khi xây dựng TMEP, cụ thể là bổ sung vào Quy chế thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu hiện hành các hướng dẫn cụ thể liên quan đến trường hợp đơn đăng ký nhãn hiệu có chứa tên miền, giúp cho thẩm định viên có cơ sở để đưa ra các kết luận nhanh chóng và thống nhất.

Thứ hai, Việt Nam nên ban hành một chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất, trên cơ sở UDRP của ICANN mà Hoa Kỳ đang áp dụng.

Thứ ba, hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ cần được nghiên cứu và sửa đổi. Theo quy định tại điều luật này, một chủ thể có hành vi đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu thì bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là trên thực tế một tên miền có thể trùng hoặc tương tự với nhiều nhãn hiệu (các nhãn hiệu này đăng ký cho các sản phẩm/dịch vụ không trùng hoặc tương tự nhau). Vậy nhãn hiệu bị xâm phạm là nhãn hiệu nào trong số các nhãn hiệu nói trên? Nên chăng pháp luật Việt Nam cần quy định rõ tên miền xâm phạm là tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ của chủ thể khác và đăng ký cho các sản phẩm/dịch vụ trùng hoặc tương tự với sản phẩm/dịch vụ của nhãn hiệu đó. Hoặc tuy không trùng/tương tự về sản phẩm/dịch vụ nhưng nhãn hiệu đó đã được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam.

 

1 Điểm (d)(1)(A) Đạo luật ACPA.
2 Điểm (d)(1)(B) Đạo luật ACPA.
3 “Chính sách giải quyết tranh chấp tên miền thống nhất”, chú thích 35,4(a).

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)