Thứ hai, 26/10/2020 15:54

Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam giai đoạn 2021-2025

 TS Nguyễn Văn Thịnh

Thành viên Ban chủ nhiệm kiêm Thư ký khoa học
Chương trình KH&CN xây dựng nông thôn mới  

Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020 đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần thay đổi diện mạo làng quê, phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên sang giai đoạn mới, bên cạnh những cơ hội cũng có không ít thách thức trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, do vậy để hoàn thành sự nghiệp xây dựng NTM trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là các giải pháp về khoa học và công nghệ (KH&CN).

Mở đầu

Xây dựng NTM là một chương trình phát triển nông thôn toàn diện, được thực hiện trên phạm vi cả nước, hướng đến mục tiêu xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch... Theo đó, Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM (giai đoạn 2011-2020) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 5/1/2012 và Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 5/1/2017. Đây là Chương trình rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình khởi đầu thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, tạo dựng nền tảng khoa học để triển khai nhiệm vụ xây dựng NTM...

Đến nay, sau gần 10 năm triển khai, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả nước và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt; nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả cao; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân được cải thiện; năng lực, nhận thức của cán bộ thực hiện và người dân được nâng cao. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương, đến tháng 9/2020, cả nước đã có 5.385 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 60,63% tổng số xã; số tiêu chí bình quân/xã đạt 16,38 tiêu chí (có 50% số xã đạt chuẩn NTM, bình quân 15 tiêu chí/xã). Ở cấp huyện, đã có 152 huyện thuộc 46 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Có được những thành tựu đó là nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị các cấp và đặc biệt là sự tham gia mạnh mẽ của KH&CN, nhất là Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm mô hình nông thôn mới tại Nam Định.

Diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt ở nhiều địa phương (ảnh Báo Thái Bình).

Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đạt được, quá trình xây dựng NTM còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế: chênh lệch giữa các vùng miền còn cao; sinh kế của người dân khu vực khó khăn còn thiếu bền vững; tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn còn chưa được giải quyết hiệu quả; nhiều kết quả đạt chuẩn chưa đảm bảo duy trì được tính bền vững, kinh tế nông thôn, nhất là thu nhập, đời sống người dân nông thôn còn thấp và thiếu ổn định. Đặc biệt, vai trò của KH&CN, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến bảo quản còn hạn chế... Thực trạng này cùng với những hạn chế của công nghiệp chế biến nông sản, làm cho năng suất, chất lượng của nông sản còn thấp, chi phí sản xuất giảm chậm, dẫn đến giá thành còn cao, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Tuy trình độ ứng dụng KH&CN của nông dân đã có những chuyển biến tích cực nhưng sự đóng góp của KH&CN trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp chưa thực sự nổi bật, đầu tư cho KH&CN nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam.

Yêu cầu và giải pháp KH&CN trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025

Xây dựng NTM là nhiệm vụ, cũng là kết quả để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, hướng đến một kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đồng bộ, có kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, trình độ sản xuất tiên tiến, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bền vững về môi trường. Để làm được điều đó, thời gian tới chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó KH&CN cần phải đáp ứng được một số yêu cầu sau:

Thứ nhất, nâng cao năng lực sáng tạo và thúc đẩy ứng dụng KH&CN là giải pháp căn bản và lâu dài để duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, bền vững cho nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp Việt Nam cần phát huy lợi thế, tận dụng tốt nhất cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế để bước lên đẳng cấp mới, nằm trong Top những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, xây dựng được thương hiệu trên các thị trường lớn trên thế giới và khu vực. Cần đẩy mạnh việc chuyên nghiệp hóa và doanh nhân hóa nông dân, gắn với thu hút đầu tư doanh nghiệp và khởi nghiệp nông thôn để tạo lập và phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững dựa trên nền tảng của kinh tế tri thức. Định hướng phục vụ khách hàng phải trở thành mục tiêu chung của cả công tác nghiên cứu, đào tạo và khuyến nông. Phải dựa trên cơ chế thị trường, huy động mọi nguồn tài nguyên trong xã hội, mọi động lực của người nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng KH&CN. Tuỳ theo lợi thế mà lựa chọn tiến bộ KH&CN thích hợp (tiết kiệm đất đai hay tiết kiệm lao động, hiện đại hay cổ truyền…) và nguồn cung hiệu quả (tự tiến hành nghiên cứu hay nhập khẩu).

Thứ hai, KH&CN cần hướng tới tập trung vào các công trình nghiên cứu ứng dụng thực tiễn, thể chế, chính sách, giải pháp kỹ thuật và triển khai các mô hình KH&CN cụ thể xây dựng NTM; cần phải tập trung cho một số vấn đề cấp thiết theo các yêu cầu mới và nhu cầu thực tế từ các địa phương; cần đúc kết bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai xây dựng NTM; gắn quá trình triển khai Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM với hoàn thiện một số vấn đề khoa học và thực tiễn; bổ sung việc triển khai các nhiệm vụ cấp bách nhằm đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2030.

Thứ ba, Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM cần tiến bước song hành cùng Chương trình MTQG xây dựng NTM 2021-2030, nội dung Chương trình trong giai đoạn tới cần bám sát mục tiêu của Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn mới; cần ưu tiên cho những công trình, vấn đề đóng góp thiết thực cho Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, ổn định đời sống dân cư; xây dựng NTM ở các thôn bản, ấp khó khăn, xây dựng vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, cũng như cho các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được đề ra. Cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng cường năng lực tiếp cận của nông nghiệp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM gắn với quá trình đô thị hóa, các mô hình tổ chức sản xuất, xử lý rác thải, nước sạch nông thôn, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao thu nhập đời sống, nhất là đời sống văn hóa, bảo tồn văn hóa bản sắc các vùng miền, an ninh trật tự nông thôn.

Thứ tư, tăng cường đầu tư kinh phí nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam đạt mức tương đương với các nước trong khu vực (0,5% GDP nông nghiệp). Lồng ghép nguồn lực của các chương trình KH&CN trong cả nước phục vụ mục tiêu xây dựng NTM, nhất là phối hợp có hiệu quả với 3 Chương trình KH&CN vùng: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Ưu tiên nghiên cứu xây dựng các mô hình NTM kiểu mẫu, NTM đặc thù cho các vùng. Huy động các dự án, chương trình hợp tác quốc tế để triển khai Chương trình, nhất là triển khai các dự án xây dựng mô hình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. UBND các tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và bố trí kinh phí phục vụ cho các công trình KH&CN của địa phương.

Thứ năm, về các định hướng, giải pháp cơ bản của xây dựng NTM trong giai đoạn tới, KH&CN cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết để hỗ trợ cho xây dựng NTM sau năm 2020; tập trung vào một số vấn đề quan trọng, nổi cộm của xây dựng NTM tới đây như: cơ cấu lại ngành nông nghiệp; các vấn đề về môi trường, cảnh quan nông thôn, xu thế đô thị hóa nông thôn; các vấn đề về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, kết hợp hài hòa với phát triển các giá trị văn hóa hiện đại; các vấn đề của quản lý xã hội nông thôn với sự tham gia của người dân… Đồng thời, tập trung nghiên cứu giải quyết các mâu thuẫn cơ bản của xây dựng NTM, như mâu thuẫn giữa NTM hiện đại với bảo tồn truyền thống; giữa phát triển kinh tế với giữ gìn cảnh quan, môi trường nông thôn dưới tác động của công nghiệp hóa, đô thị hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách đổi mới để thúc đẩy hoạt động KH&CN trong nông nghiệp, nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân làm KH&CN phát huy tối đa tính sáng tạo, chủ động, tinh thần trách nhiệm đối với kết quả cuối cùng. Chuyển trọng tâm từ quản lý đầu vào sang quản lý đầu ra và hiệu quả của sản phẩm KH&CN được ứng dụng vào sản xuất. Thực hiện triệt để hơn các cơ chế khoán tài chính trong KH&CN. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (khuyến nông) cần được đào tạo và đào tạo lại để cập nhật kiến thức, nâng cao chất lượng về chuyên môn đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu hoa học và chuyển giao công nghệ (đặc biệt là công nghệ cao và nông nghiệp thông minh 4.0).

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)