Thứ tư, 30/09/2020 09:41

Tháo gỡ khó khăn cho phát triển điện lực

Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, hạn chế phát triển các nhà máy nhiệt điện than và khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành điện chính là những điểm mới trong “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045” (Quy hoạch điện VIII) đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trước khi trình Chính phủ phê duyệt nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển đất nước.

Đột phá trong Quy hoạch điện VIII

Tại Hội thảo tham vấn ý kiến của các bộ/ngành, chuyên gia, nhà khoa học… do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) và Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 28/9/2020 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, việc xây dựng Quy hoạch điện VIII đã được Lãnh đạo Bộ đặc biệt quan tâm quán triệt theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải được xây dựng trên 3 quan điểm lớn, gồm: 1) Phải đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội theo yêu cầu của Đảng, Chính phủ; 2) Phát triển mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo và 3) Hạn chế phát triển nhiện điện than gắn với khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành điện.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra chỉ đạo trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trong giai đoạn khó khăn hiện nay đến 2025, Việt Nam cũng không thể để thiếu điện để ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Quan điểm này cần phải được đưa vào quy hoạch để có được tầm nhìn chiến lược, dài hạn, đảm bảo từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Bên cạnh đó, quan điểm tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng nhấn mạnh, sẽ phát triển mạnh mẽ và có hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) mà Việt Nam rất có tiềm năng; đồng thời, hạn chế phát triển các nhà máy nhiệt điện than vốn được đưa rất nhiều vào Quy hoạch điện VII. Nhìn lại quy hoạch điện VII, đến nay mới có khoảng 87,7% khối lượng nguồn điện trong tổng sơ đồ điện VII được thực hiện, khoảng 72% khối lượng lưới điện 500 kV và khoảng 80% khối lượng lưới điện 220 kV được triển khai, thực hiện. Đặc biệt, Quy hoạch điện VII đã được điều chỉnh khá nhiều lần, trong đó, có việc tạm dừng dự án điện hạt nhân và một số trung tâm nhiệt điện than lớn ở khu vực Tây Nam Bộ không triển khai cùng nhiều dự án điện đầu tư theo hình thực BOT chậm tiến độ...

Do đó, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, Quy hoạch điện VIII là một trong những hoạt động quốc gia có tầm quan trọng về điện lực, với mục tiêu nhằm đưa ra một chương trình phát triển lưới điện cho giai đoạn 10 năm tới và tầm nhìn tới năm 2045. Đây là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước quản lý các hoạt động cũng như thu hút các nhà đầu tư trong mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế cùng tham gia sản xuất điện, đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Khuyến khích đầu tư nhằm xã hội hóa nguồn điện

Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cơ cấu nguồn điện theo chủ sở hữu hiện nay khá đa đạng, có sự tham gia rất tích cực của các nhà đầu tư tư nhân. Chỉ số tiếp cận điện năng đã có bước tiến vượt bậc, trong vòng 5 năm (2013-2018) đã cải thiện 129 bậc, vươn lên vị trí 27/190 quốc gia và nền kinh tế vào năm 2019 và hiện đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN. Thị trường phát điện cạnh tranh, bán buôn đã bước đầu hình thành và đang ngày càng hoàn thiện… Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, ngành điện phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như nhu cầu điện đang tăng trưởng cao, sự phát triển của nguồn điện không cân đối với nhu cầu phụ tải giữa các vùng miền; hệ số đàn hồi điện/GDP còn ở mức cao; tình hình triển khai nhiều dự án nguồn điện lớn, đặc biệt là các dự án nhiệt điện than còn chậm tiến độ; các địa phương chủ yếu ủng hộ các nguồn điện lớn theo xu hướng xanh, sạch. Đặc biệt, sự phát triển nhanh của các nguồn năng lượng tái tạo khi có các cơ chế khuyến khích phát triển nhưng lưới điện chưa theo kịp dẫn tới thực tế công suất nguồn điện tại một số nơi còn dư thừa, chưa giải tỏa hết và cơ chế giá điện chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thu hút được đầu tư, vấn đề bảo vệ môi trường vẫn đặt ra nhiều thách thức…Trong bối cảnh đó, việc lập Quy hoạch điện VIII được mong đợi sẽ đề ra các giải pháp toàn diện để giải quyết và tháo gỡ các nút thắt hiện nay trong phát triển điện lực.

TS Nguyễn Mạnh Cường - Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, những kết quả nghiên cứu cho thấy tốc độ tăng trưởng phụ tải giai đoạn 2021-2030 được dự báo vẫn ở mức cao, khoảng 8,6% giai đoạn 2021-2025 và 7,2% trong giai đoạn 2026-2030. Nhiều kịch bản phát triển nguồn điện đã được nghiên cứu, xem xét, phân tích thấu đáo. Kịch bản phát triển nguồn điện tối ưu là kịch bản đáp ứng các mục tiêu đề ra của Nghị quyết số 55, hướng tới thân thiện với môi trường và khai thác tối đa lợi ích từ các nguồn năng lượng tái tạo. Dự kiến tới năm 2030, công suất đặt toàn hệ thống dự kiến đạt khoảng 138.000 MW và tới năm 2045 khoảng 302.000 MW, trong đó ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với tiềm năng từng vùng/miền, bảo đảm an toàn hệ thống; nhiệt điện than có xu hướng giảm dần, tăng nhanh nhiệt điện khí trong cơ cấu phát triển nguồn điện. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có cơ chế đấu thầu rộng rãi nhằm lựa chọn chủ đầu tư có đủ năng lực để thực hiện các dự án điện, cơ chế xã hội hóa lưới điện truyền tải… nhằm khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển ngành điện.

Phong Vũ
 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)