Mở đầu
Tây Nguyên không chỉ được biết tới như vị trí chiến lược quan trọng của đất nước mà còn là mảnh đất đầy tiềm năng về kinh tế, nơi đi đầu trong việc sản xuất hàng loạt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cao su, cà phê, mác ca, hồ tiêu. Theo Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, năm 2017 ghi nhận kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu của vùng (đạt trên 2,662 tỷ USD). Trong số các sản phẩm chủ lực, cà phê Đắk Lắk đã có mặt trên 75 nước và vùng lãnh thổ, ghi nhận 36 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD, đáng chú ý có các thị trường hàng đầu như Đức, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Italy đạt kim ngạch trên 10 triệu USD. Sự phát triển ấn tượng trong sản xuất và xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu mà còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao nguồn thu nhập, cải thiện điều kiện sống của hàng nghìn hộ gia đình tham gia vào chuỗi cung ứng.
Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng đã và đang đặt ra cho các ngành hàng chủ lực của Tây Nguyên những cơ hội và thách thức mới. Thập kỷ qua đã chứng kiến sự tham gia của Việt Nam vào một loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Á - Âu (FTA VN-EUEA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA). Các đối tác chiến lược (trong đó đáng chú ý là EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga…) đã có những cam kết mạnh mẽ về hợp tác và mở cửa thị trường với sản phẩm Việt Nam. Xuất khẩu sản phẩm chủ lực Tây Nguyên nói chung đang đứng trước những cơ hội lớn để tiếp cận các thị trường hàng đầu thế giới với nhiều điều kiện ưu tiên hơn. Nói cách khác, hội nhập cho phép sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên có cơ hội tiếp cận thị trường mới và gia tăng giá trị; hội nhập cũng góp phần thúc đẩy quá trình sản xuất, chế biến và thương mại hóa sản phẩm chủ lực của toàn vùng, qua đó tạo đà cho phát triển kinh tế theo hướng bền vững trong tương lai.
Tác động của các chính sách
Trong thời gian qua, đã có nhiều chính sách khuyến khích ứng dụng KH&CN cụ thể vào từng khâu trong quá trình sản xuất và chế biến nông sản xuất khẩu. Các chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ và thương mại điện tử trong khâu phân phối, tiêu thụ; các chính sách khuyến khích truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa đã được triển khai, song vấn đề đặt ra là khả năng tiếp cận và hưởng lợi từ các chính sách này đối với chính người dân, những cơ sở trồng trọt, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên đạt được kết quả như thế nào? Để trả lời cho câu hỏi này, nhóm tác giả đã thực hiện một cuộc điều tra, khảo sát với số phiếu hợp lệ thu được từ 160 doanh nghiệp và 250 hộ gia đình. Kết quả cụ thể như sau:
- Các doanh nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên có quy mô nhỏ (trên 70% doanh nghiệp có quy mô dưới 50 nhân viên lao động thường xuyên). Số lượng doanh nghiệp có quy mô trung bình từ 100 nhân viên trở lên chiếm khoảng 20%. Nếu so sánh với một công ty xuất khẩu thủy sản niêm yết tại Việt Nam như Camimex (quy mô 2.500 công nhân tay nghề kỹ thuật cao) thì quy mô của các doanh nghiệp vùng Tây Nguyên còn khá nhỏ. Quy mô khiêm tốn còn thể hiện ở mức vốn bình quân của doanh nghiệp (khoảng trên 80 tỷ đồng/doanh nghiệp).
- Xét về cơ cấu, trong 160 doanh nghiệp được khảo sát, có 75 doanh nghiệp (47%) doanh nghiệp chế biến, 8 doanh nghiệp chỉ xuất khẩu (5%) và 77 doanh nghiệp (48%) tham gia cả chế biến và xuất khẩu. Đặc biệt, có 34 doanh nghiệp (22%) vừa cung cấp cho thị trường nội địa vừa tham gia xuất khẩu, 38 doanh nghiệp (24%) còn lại là các doanh nghiệp chỉ tập trung phân phối cho thị trường nước ngoài. Trong 3 hình thức xuất khẩu phổ biến, có 46/72 doanh nghiệp (64%) xuất khẩu chính ngạch trực tiếp, và hai hình thức còn lại là ủy thác qua công ty dịch vụ lần lượt chiếm 23% và 3%. Các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cùng một lúc bán cho nhiều thị trường. Số liệu cho thấy, hiện Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất, 42 doanh nghiệp khảo sát (58%) tham gia xuất khẩu cho nước này. Sau Trung Quốc là các nước thuộc EU (54%) và ASEAN (53%). Nhật Bản và Mỹ cũng là những thị trường quan trọng của các doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên nhưng còn chiếm tỷ lệ nhỏ.
- Đối với các hộ trồng trọt, độ tuổi trung bình của chủ hộ gia đình là gần 47 tuổi với trình độ học vấn phổ thông trung học trở xuống (chiếm tỷ lệ gần 90%). Hộ gia đình có quy mô canh tác nhỏ lẻ, trung bình dưới 2 ha, dẫn đến thu nhập trung bình hàng tháng tương đối thấp, phổ biến nhất là 10-15 triệu đồng/tháng (27%), và có dưới 10% hộ khảo sát có thu thập dưới 5 triệu đồng/tháng. Một đặc điểm đáng lưu ý là khoảng 2/3 chủ hộ là nam giới và 1/3 là nữ giới, là tín hiệu phản ánh vai trò quan trọng của nữ giới trong việc đóng góp vào chuỗi giá trị xuất khẩu của khu vực Tây Nguyên. Cà phê là nông sản phổ biến nhất với 172 hộ tham gia sản xuất (69%), với diện tích khai thác trung bình là 1,59 ha và đem lại doanh thu hàng năm trung bình đạt 181 tỷ đồng. Cây trồng phổ biến thứ 2 là hồ tiêu với 103 hộ trồng (41%) trên diện tích khai thác trung bình là 0,8 ha và ghi nhận doanh thu hàng năm trung bình hơn 91 tỷ đồng. Đặc biệt, cây điều và rau quả dù diện tích trồng nhỏ nhưng đang được hộ gia đình khai thác tốt hơn nhóm doanh nghiệp.
- Các chính sách hỗ trợ ứng dụng KH&CN trong phát triển thị trường bao gồm chính sách hỗ trợ ứng dụng KH&CN trong sản xuất, tạo nguồn hàng và ứng dụng thương mại điện tử, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Kết quả chỉ ra tỷ lệ doanh nghiệp khảo sát được hỗ trợ là 30%. Về chính sách liên quan đến truy xuất nguồn gốc xuất xứ, mở rộng thị trường, ứng dụng thương mại điện tử được các doanh nghiệp ghi nhận khá rõ rệt. Cụ thể, có khoảng 54,6% doanh nghiệp khảo sát được “hỗ trợ truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm chủ lực”, và 46,9% được khuyến khích mở rộng thị trường sử dụng thương mại điện tử.
Trên khía cạnh lợi ích thu được của các chính sách hỗ trợ tại địa phương, điểm đánh giá cho chính sách hỗ trợ tạo nguồn hàng xuất khẩu nói chung ở mức khá tốt với điểm trung bình (mean) là 7,40 (trên thang điểm 10), độ lệch chuẩn (SD) = 0,70, nhìn chung thể hiện mức độ hài lòng của các doanh nghiệp với chính sách hỗ trợ. Tính trung bình, doanh nghiệp đánh giá cao nhất ở chính sách “Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm chủ lực” (mean = 8,12; SD = 2,16) trong số những chính sách hỗ trợ phát triển thị trường xuất khẩu.
- Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được chính sách hỗ trợ còn thấp. Các lý do chủ yếu dẫn đến hộ trồng trọt không nhận được chính sách hỗ trợ, ưu đãi bao gồm: “Thiếu thông tin” và “Thủ tục để được nhận hỗ trợ ưu đãi phức tạp, phiền hà”. Đây là hai lý do phổ biến nhất với tỷ lệ lần lượt là 30,4% và 25,6%. Các trở ngại còn lại có tỷ lệ tương đương nhau, và đáng lưu ý là hơn 13% số hộ khảo sát cho rằng “Không có quan hệ với chính quyền địa phương” và “Chi phí phi chính thức cao” là lý do chính dẫn đến việc không nhận được hỗ trợ tại địa phương.
- Kết quả khảo sát thực trạng phát triển sản phẩm chủ lực của các hộ trồng trọt tại các tỉnh vùng Tây Nguyên cho thấy, trong số 250 cơ sở trồng trọt khảo sát, có 134 hộ (53,6%) có truy xuất nguồn gốc xuất xứ cho sản phẩm của mình. Về áp dụng tiêu chuẩn đạt chuẩn cho quy trình sản xuất, chỉ có 86 hộ (41,15%) sử dụng VietGap, 10 hộ (4,8%) và 16 hộ (7,7%) lần lượt sử dụng tiêu chuẩn GlobalGap và GMP. Đáng lưu ý là một tỷ lệ lớn hộ trồng trọt (hơn 46%) áp dụng một quy trình sản xuất khác so với 3 chuẩn phổ biến.
- Xét về chính sách ưu đãi cho cơ sở trồng trọt tại địa phương, kết quả khảo sát cho thấy, “Hỗ trợ ứng dụng KH&CN vào trồng trọt” là chính sách ưu đãi phổ biến nhất vì có đến 189 hộ (75,6%) được hỗ trợ KH&CN. Về chính sách phát triển thị trường, có 140 (56%) hộ trồng trọt khảo sát được “hỗ trợ truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm chủ lực”.
- Khả năng tiếp cận, lợi ích thu được và tính hiệu quả của các chính sách hỗ trợ tại địa phương đối với hộ trồng trọt được đánh giá trên thang Likert 5 điểm (5 là giá trị cao/tích cực nhất). Về khả năng tiếp cận, kết quả cho thấy điểm đánh giá cho chính sách hỗ trợ tạo nguồn hàng xuất khẩu ở mức dưới trung bình (mean = 2,31, SD = 0,65). Trong đó, điểm đánh giá cao nhất ở chính sách “Hỗ trợ ứng dụng KH&CN vào trồng trọt sản xuất” (mean = 3,30, SD = 1,31) và thấp nhất ở chính sách “Hỗ trợ đất đai và mặt bằng sản xuất” (mean = 1,51, SD = 1,03). Đối với nhóm chính sách hỗ trợ phát triển thị trường xuất khẩu, điểm đánh giá đại diện cho nhóm này ở mức thấp (mean = 1,85, SD = 0,38). Hộ gia đình đánh giá cao nhất ở chính sách “Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm chủ lực” (mean = 2,64, SD = 1,44). Nhìn chung, hộ gia đình đánh giá tương đối tốt lợi ích của chính sách ứng dụng KH&CN, truy nguồn gốc xuất xứ.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, các hộ trồng trọt chỉ hài lòng tương đối về khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ ứng dụng KH&CN. Trong số 5 chính sách hỗ trợ được coi là cần thiết nhất trong giai đoạn hiện nay, kết quả tổng hợp cho thấy, gần 80% số hộ được khảo sát cho rằng: chính sách ưu đãi tín dụng là cần thiết nhất, tiếp theo là chính sách “Hỗ trợ ứng dụng KH&CN” và “Hỗ trợ tìm kiếm nguyên vật liệu đầu vào, cây giống”.
Kết luận và kiến nghị
Để có thể tăng cường hơn nữa hiệu quả của các chính sách hỗ trợ ứng dụng KH&CN vào phát triển thị trường đối với sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên cần phải hoàn thiện hơn nữa các chính sách hỗ trợ và khuyến khích ứng dụng KH&CN, đặc biệt ở khâu chế biến, bảo quản và truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho chính quyền địa phương trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong phát triển thị trường cho sản phẩm chủ lực Tây Nguyên phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng tỉnh. Quan trọng hơn, cần tăng cường năng lực thực thi chính sách, giảm bớt thủ tục hành chính trong việc cấp phát và quản lý các nguồn kinh phí hỗ trợ, kiểm soát tình trạng chi phí không chính thức làm giảm hiệu quả của các nguồn hỗ trợ, tăng cường các biện pháp hậu kiểm thay cho tiền kiểm và những thủ tục hành chính phiền hà trong quá trình giải ngân, mở rộng phạm vi hỗ trợ nhằm thúc đẩy ứng dụng KH&CN trong các khâu quản lý ở cả chuỗi cung ứng. Tăng cường và đa dạng hóa các kênh cung cấp thông tin đến doanh nghiệp, người trồng trọt, tăng cường các hoạt động tập huấn cho người trồng trọt, doanh nghiệp để họ khai thác tốt các chính sách hỗ trợ ứng dụng KH&CN vào sản xuất, chế biến và tiếp cận thị trường xuất khẩu cũng là những nhiệm vụ cần ưu tiên giải quyết trong thời gian tới.