Xu thế tất yếu của hội nhập và toàn cầu hóa
FTA đã trở thành một xu thế tất yếu của quá trình hội nhập và toàn cầu hóa, mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế và đã được nhiều quốc gia lựa chọn. Không nằm ngoài quá trình đó, Việt Nam đã ký kết và tham gia 16 FTA, trong đó có 13 FTA đã có hiệu lực. Đặc biệt mới đây nhất, việc thực thi các FTA: Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ có những tác động sâu rộng đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Việc tham gia các FTA đã giúp thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa, thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA...
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Trong khi nhiều quốc gia phải phong tỏa vì dịch bệnh, nguồn cung và nhu cầu bị gián đoạn, nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm so với cùng kỳ thì lĩnh vực bán lẻ hàng hóa nổi lên là một trong những điểm sáng của nền kinh tế thế giới. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam quý III năm 2020 ước tính đạt 1.305,8 nghìn tỷ đồng (tăng 14,4% so với quý II năm 2020 và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước); xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2020 đạt 2.907,1 nghìn tỷ đồng (tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước). Đây là kết quả tích cực, thể hiện rõ vai trò của nguồn cung hàng hóa nội địa trong các bối cảnh dịch bệnh, thiên tai diễn biến khó lường, đồng thời khẳng định vị trí của hàng Việt tại thị trường nội địa. Ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, trong lĩnh vực kinh doanh thì hàng Việt vẫn đang được đánh giá cao và được các nhà phân phối, bán lẻ ưu tiên trong cơ cấu hàng hóa bày bán trong siêu thị, cụ thể: hàng hóa Việt ở Co.opmart chiếm 90-93%, Satra 90-95%, Vinmart 96%, Vissan 95%, Hapro 95%…
Doanh nghiệp cần chủ động
Bên cạnh những lợi ích mà các FTA mang lại, các doanh nghiệp Việt cũng đứng trước nhiều thách thức khi hàng hóa của nhiều quốc gia sẽ gia tăng nhập khẩu vào Việt Nam nhờ được hưởng những ưu đãi về thuế quan. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chia sẻ, mặc dù là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế và chiếm tới gần 98% tổng số doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế nhưng đa số các doanh nghiệp ở Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Do quy mô không lớn nên khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao trình độ quản lý... của doanh nghiệp bị hạn chế. Chưa kể, ý chí và nhận thức của chủ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có tư duy chiến lược dài hạn, bài bản. Do vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước chủ động hội nhập thị trường, các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ, học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh.
Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối, nhằm đảm bảo chất lượng và giá thành sản phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chủ động trong việc tìm hiểu quy định của FTA để vận dụng linh hoạt vào sản xuất kinh doanh; đồng thời, cần phát huy sức mạnh đoàn kết, khắc phục tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Theo đó, doanh nghiệp có thể bước vào sân chơi mới với tâm thế tự tin, tiếp tục phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.
Phong Vũ