Thứ sáu, 13/11/2020 11:13

Cần coi trọng yếu tố môi trường trong phát triển nguồn năng lượng

Trong bối cảnh các nguồn nguyên liệu hóa thạch đang dần bị cạn kiệt, nguồn năng lượng thủy điện đã gần tới giới hạn, việc đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội là bài toán vô cùng khó khăn đối nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đảm bảo hài hòa giữa phát triển năng lượng với môi trường và an sinh xã hội là yêu cầu quan trọng trong Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đánh giá toàn diện nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế

Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia được xây dựng trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về "Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã đặt ra định hướng cho việc phát triển ngành năng lượng theo mục tiêu cao nhất nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu năng lượng của nền kinh tế quốc dân trên cơ sở tối ưu các nguồn cung sơ cấp với giá cả hợp lý và áp dụng cơ chế thị trường trong ngành năng lượng.

Phát biểu tại Hội thảo lần 2 Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Công Thương chủ trì diễn ra ngày 11/11/2020, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, việc xây dựng và hoàn thiện quy hoạch cần đảm bảo các vấn đề trọng tâm như: các dự thảo về chỉ tiêu kinh tế - xã hội cho giai đoạn tới sẽ ảnh hưởng lớn đến kịch bản phát triển và nhu cầu năng lượng. Do đó, cần có tính toán, dự báo trên cơ sở các chỉ tiêu này. Để đảm bảo nhu cầu năng lượng cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt, cần phát triển các nguồn năng lượng thay thế nhưng vẫn đảm bảo an toàn và an ninh năng lượng. Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng phải đi cùng với chi phí hợp lý, để chi phí năng lượng không trở thành gánh nặng cho nền kinh tế, mà còn thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường, xây dựng các kịch bản để phát triển năng lượng bền vững, tác động ít nhất đến môi trường, góp phần phát triển nền kinh tế xanh. Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định, Bộ Công Thương đặt mục tiêu quy hoạch năng lượng lần này nhằm giải quyết việc phát triển hài hòa các phân ngành năng lượng, đưa ra một quy hoạch “mở” hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng. Do đó, việc xây dựng quy hoạch sẽ góp phần đánh giá toàn diện về cung/cầu năng lượng quốc gia và kết nối việc phát triển năng lượng với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường mà Việt Nam đã đặt ra và cam kết với cộng đồng quốc tế.

Phát triển các nguồn năng lượng mới thân thiện với môi trường

Trong những năm tới, xu thế phát triển năng lượng thế giới sẽ tập trung vào việc thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch năng lượng, thực thi mạnh mẽ các chính sách chống biến đổi khí hậu và tăng cường an ninh năng lượng. Theo đó, các nguồn năng lượng mới như năng lượng gió, thủy triều, sinh khối, địa nhiệt… cần được đặc biệt quan tâm trong lúc nguồn năng lượng mặt trời đã và đang được phát triển rầm rộ những năm gần đây. Với việc ngày càng tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong việc đảm bảo phát triển bền vững hệ thống năng lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tất cả những yếu tố trên cần được mô hình hóa và tính toán một cách hài hòa trong kịch bản phát triển năng lượng tổng thể.

Ông Nguyễn Thế Thắng - Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, theo dự báo ở kịch bản cơ sở, điện thương phẩm đạt 490,8 tỷ kWh vào năm 2030 và 976 tỷ kWh vào năm 2050. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá năng lượng tái tạo đang giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đẩu tư thì việc quy hoạch tổng thể năng lượng lần này cần đặc biệt quan tâm nhằm có phương án phát triển kết cấu hạ tầng năng lượng tối ưu.

Các chuyên gia cũng cho rằng, các nguồn năng lượng điện tái tạo có ưu điểm là thân thiện với môi trường hơn các nguồn năng lượng điện làm từ thủy điện và nhiệt điện hiện hữu. Tuy nhiên, trình độ công nghệ sản xuất ra các loại năng lượng thân thiện với môi trường này không riêng gì ở Việt Nam mà ngay cả ở nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới vẫn còn khá cao, chưa phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân. Chính vì thế, việc sản xuất năng lượng mới thân thiện với môi trường vẫn chưa được phổ biến. Ông Hoàng Hữu Thận - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Phát triển điện (Hội Điện lực Việt Nam) cho rằng, việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường như mặt trời, gió, địa nhiệt… phải là chiến lược cần có sự  đầu tư và chuẩn bị lâu dài bởi đây là nguồn năng lượng gần như vô hạn. Tất nhiên, trong chiến lược này phải bao gồm cả kế hoạch phát triển và các cơ chế chính sách hỗ trợ đi kèm.

Phong Vũ

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)