Thứ sáu, 13/11/2020 11:16

Quản trị dữ liệu thông minh trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng

Đây là yêu cầu cấp thiết của các tổ chức tài chính, ngân hàng trong bối cảnh hội nhập và phát triển được nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đề cập tại Hội thảo “Quản trị dữ liệu thông minh trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính” do Viện Chiến lược Ngân hàng phối hợp cùng Học viện Ngân hàng tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Yêu cầu cấp thiết

Ngày nay, dữ liệu trở thành tài sản chiến lược và quản trị dữ liệu là yêu cầu cấp thiết đối với mọi tổ chức trong nền kinh tế. Đối với ngành tài chính, ngân hàng, một trong những ngành sở hữu khối lượng dữ liệu lớn, cũng là ngành đi đầu trong hành trình chuyển đổi mô hình hoạt động theo xu hướng số thì quản trị dữ liệu trở thành vấn đề sống còn. Dữ liệu được tận dụng triệt để nhằm tối ưu hóa hành trình và trải nghiệm khách hàng trên các điểm tiếp xúc số cũng như tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ, quản trị nội bộ của ngân hàng.

Ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, để đẩy mạnh hội nhập và phát triển, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng và chính sách phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho mọi lĩnh vực ngành nghề trong nền kinh tế có thể chủ động trước những tác động to lớn của CMCN 4.0. Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng đã luôn chủ động trong việc tiếp cận các nghiên cứu, xây dựng chính sách, tạo điều kiện để ứng dụng sức mạnh của dữ liệu trong công tác quản lý và phát triển các sản phẩm dịch vụ, tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, để có thể phát huy được lợi thế của mình trong việc sở hữu khối lượng lớn về dữ liệu, giữ vai trò tiên phong trong hành trình chuyển đổi mô hình hoạt động theo xu hướng số, quản lý dữ liệu thông minh trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đã trở thành một yêu cầu cấp thiết, thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, nhà khoa học, các tổ chức tín dụng, các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và các công ty công nghệ lớn (Bigtech).

Nâng cao công tác quản trị

Tại Hội thảo, các diễn giả đều đồng quan điểm cho rằng, hoạt động quản lý dữ liệu trong lĩnh vực ngân hàng trên cơ sở kết hợp hiệu quả với các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0 sẽ giúp các ngân hàng tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, tối ưu hóa tiềm năng, giảm thiểu chi phí, đưa ra các quyết định hiệu quả, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng…

Thống kê cho thấy, hầu hết các tổ chức tài chính, ngân hàng hiểu rõ giá trị của việc quản lý dữ liệu, tuy nhiên vẫn chưa được định hình rõ nét, dẫn đến chưa hình thành được văn hóa sử dụng dữ liệu trong hoạt động kinh doanh. Các dữ liệu của ngân hàng phần lớn vẫn còn ở tình trạng phân tán, lượng thông tin rác khá lớn, chất lượng dữ liệu vẫn còn chưa cao; phần lớn các ngân hàng đang chưa có một đơn vị độc lập, chuyên trách quản trị và khai thác dữ liệu…

TS Cấn Văn Lực - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho biết, một trong những lý do chính là môi trường pháp lý thay đổi tương đối nhanh như yêu cầu về bảo mật thông tin khách hàng, quy định về các dịch vụ mới như eKYC, P2P… dẫn đến nhiều ngân hàng chưa theo kịp với xu thế phát triển… Bên cạnh đó, quy mô và chất lượng dữ liệu chưa đủ lớn, đội ngũ lãnh đạo am hiểu về dữ liệu và nghệ thuật kinh doanh cũng là những thách thức trong khai thác dữ liệu trong bối cảnh hiện nay. Do vậy, để quản trị dữ liệu thông minh trong thời điểm hiện tại, Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét xây dựng chiến lược dữ liệu ngành ngân hàng; cung cấp các dịch vụ dữ liệu kết nối với cổng dữ liệu quốc gia. Đặc biệt, việc quản trị dữ liệu thông minh cần được đề cập như một cấu phần quan trọng trong chiến lược phát triển của các ngân hàng trong quá trình hội nhập và phát triển.

Phong Vũ

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)