Thứ ba, 08/12/2020 15:18

Bảo hộ sở hữu trí tuệ - cánh cửa để doanh nghiệp thâm nhập thị trường châu Âu

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được Quốc hội và Nghị viện châu Âu phê chuẩn, là dấu mốc quan trọng đánh dấu hành trình cải cách và hội nhập của nền kinh tế, đồng thời tạo cơ hội để doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu, đa dạng hóa thị trường. Theo đánh giá của giới chuyên gia, phần lớn các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài hiện nay đều chưa được bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT). Do vậy, để phát triển và hội nhập, các doanh nghiệp là chú trọng quan tâm bảo hộ SHTT, góp phần gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm.

Cơ hội cho doanh nghiệp

Ngay sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực, châu Âu sẽ dỡ bỏ 85,6% số dòng thuế, giúp tăng năng lực cạnh tranh cho 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này, Việt Nam xóa bỏ 48,5% tương đương với 64,5% kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam, giúp giảm chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất, giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, khơi thông dòng chảy mới về thương mại giữa với một thị trường có sức mua lớn thứ hai trên thế giới, tạo điều kiện cho cả người dân Việt Nam và châu Âu có thể tiếp cận những hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao và giá rẻ.

Với sự tham gia của các đối tác châu Âu, chúng ta kỳ vọng, giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ của những công đoạn sản xuất tại Việt Nam sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, nỗ lực vươn tới những chuẩn mực quốc tế về quản trị quốc gia và quản trị doanh nghiệp về lao động, môi trường… cũng sẽ tạo ra nguồn năng lượng mới cho chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.

Ông Nguyễn Hải Nam - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp cho biết, cơ hội luôn đi kèm thách thức bởi lẽ với quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, để tận dụng được lợi thế từ EVFTA đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của chính các doanh nghiệp đang tham gia vào thị trường. Trước tiên, doanh nghiệp phải nắm rõ quy tắc về nguồn gốc xuất xứ, các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, biện pháp phòng vệ thương mại, hay việc tìm hiểu về các đối tác, bạn hàng bên EU. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần lưu ý vấn đề về SHTT trong cam kết của EVFTA. Đó là các cam kết về quyền tác giả, sáng chế, chỉ dẫn địa lý... với mức bảo hộ cao hơn so với WTO. Ông Nam nhấn mạnh, các doanh nghiệp khi xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, chuyện đầu tiên phải nghĩ tới là vấn đề SHTT. Nếu các doanh nghiệp “thờ ơ” với vấn đề SHTT thì sẽ không có “cửa” đưa sản phẩm vào thị trường khó tính này.

Một vấn đề quan trọng khác cũng cần lưu ý tới các doanh nghiệp Việt Nam. Đó là các doanh nghiệp nên hạn chế (tốt nhất là không sản xuất hoặc sử dụng) các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến môi trường, như các sản phẩm có bao bì nhựa khó phân hủy, đồ hộp… Bởi lẽ, người tiêu dùng EU hiện rất quan tâm đến vấn đề này. Họ sẵn sàng “tẩy chay” các sản phẩm có thể gây hại đến môi trường sống hay kém thân thiện môi trường.
Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được EU chứng nhận tên gọi xuất xứ (PDO) “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) của Việt Nam từ năm 2013. Theo các chuyên gia phân tích, việc đăng bạ bảo hộ PDO thành công sản phẩm này tại 28 quốc gia thành viên EU là điều kiện tốt để đưa sản phẩm nước mắm Phú Quốc vào thị trường đầy tiềm năng này.

Bà Hồ Kim Liên - Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc cho biết, việc nước mắm Phú Quốc trở thành “đại sứ” sản phẩm hàng hóa nông sản Việt Nam ở thị trường “khó tính” này đã khẳng định vị thế của sản phẩm độc quyền, nổi tiếng của đất đảo ngọc Phú Quốc với thế giới. Trước danh tiếng và chất lượng sản phẩm yêu cầu cao như vậy, thời gian gần đây đã xuất hiện hiện tượng lợi dụng thương hiệu Phú Quốc qua việc lập lờ chỉ dẫn địa lý, mạo nhận nước mắm Phú Quốc. Điều đó không chỉ làm doanh nghiệp sản xuất nước mắm uy tín điêu đứng, mà còn gây ngộ nhận, mất niềm tin ở người tiêu dùng. Do đó, để nâng cao thương hiệu sản phẩm, bà Liên cho rằng, đối với các nhà sản xuất kinh doanh nước mắm Phú Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp còn hoạt động nhỏ lẻ, cần định vị lại thương hiệu riêng của mình, tham gia vào hiệp hội để cùng hoạt động, tập trung sức mạnh, xây dựng chiến lược bảo vệ và phát triển thương hiệu nước mắm Phú Quốc cũng như uy tín của cộng đồng những nhà sản xuất nước mắm Phú Quốc nói riêng và cả nước nói chung.

Đề cao vai trò của SHTT trong quá trình sản xuất và kinh doanh
Để tháo gỡ những khó khăn liên quan đến vấn đề SHTT khi tham gia EVFTA, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, để hội nhập và phát triển, doanh nghiệp cần tạo ra sự khác biệt để nâng cao năng lực cạnh tranh của những sản phẩm dịch vụ mà mình làm ra bởi khác biệt chính là năng lực cạnh tranh lớn nhất. Để làm được điều đó, yếu tố quan trọng chính là đề cao vai trò của SHTT trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) bày tỏ, các biện pháp kỹ thuật chống xâm phạm quyền SHTT, không chỉ áp dụng đối với việc sản xuất, nhập khẩu, phân phối, lắp ráp, bán, cho thuê..., mà còn áp dụng với việc tàng trữ với mục đích thương mại, cung cấp dịch vụ nhằm quảng bá, thúc đẩy. Hay các biện pháp ảnh hưởng thông tin quản lý quyền tác giả không chỉ bảo vệ thông tin đối với bản gốc, mà còn bảo vệ thông tin với bản sao, bản công bố ra công chúng. Đáng chú ý, các cam kết của EVFTA cao hơn WTO ở khía cạnh tăng quyền của tòa án trong quyết định các biện pháp tạm thời đối với không chỉ các chủ thể vi phạm, mà còn cả các chủ thể đang lưu giữ hàng hóa vi phạm, không chỉ bằng các biện pháp hiện tại mà có thể áp dụng các biện pháp khác như đóng băng tài khoản, thu giữ chứng cứ liên quan...

Bà Nguyễn Thu Trang nhấn mạnh, đối với nhóm các doanh nghiệp và chủ sở hữu quyền, các cam kết này không chỉ giúp gia tăng lợi ích kinh tế, tăng động lực sáng tạo mà còn góp phần tiết kiệm chi phí, tự tin trong đăng ký bảo vệ quyền. Tuy nhiên đối với nhóm doanh nghiệp và các chủ thể sử dụng sản phẩm được bảo hộ về SHTT, muốn sử dụng sản phẩm được bảo hộ sẽ phải chi trả chi phí mua cao, giảm khả năng tiếp cận sản phẩm giá rẻ. Cùng với đó, rủi ro vi phạm, rủi ro chi phí do bị xử lý vi phạm tăng lên sẽ là yếu tố đặc biệt đối với các doanh nghiệp và chủ thể sử dụng sản phẩm được bảo hộ.

Trong kỷ nguyên 4.0, những yêu cầu về phát triển bền vững là một nền tảng để tương tác với nền kinh tế thế giới. Phát triển bền vững và thực hiện trách nhiệm xã hội chính là giấy thông hành để tiến ra thị trường thế giới. Thậm chí doanh nghiệp cần trang bị lại công nghệ, nếu công nghệ đó chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đồng thời phải áp dụng chuyển đổi số trong doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả quản trị, hiệu quả quản lý.

Nhiều chuyên gia nhận định, nền kinh tế thị trường tại Việt Nam phát triển không bài bản, dẫn đến nhận thức của người dân nói chung và doanh nghiệp nói riêng về SHTT còn hạn chế. Bảo hộ SHTT chính là bảo vệ tài sản của doanh nghiệp, nếu không có ý thức bảo hộ từ đầu, mất "tài sản" là lẽ tất yếu.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực, quốc gia như hiện nay, thì quyền SHTT không chỉ được coi là những tài sản vô hình, mà đó là những tài sản có giá trị mang lại sự thịnh vượng cho từng đơn vị kinh doanh. Do đó, các doanh nghiệp Việt cần nhận thức sâu sắc hơn nữa tầm quan trọng, sức mạnh của việc bảo hộ tài sản SHTT nói chung và kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa nói riêng nhằm giúp bản thân đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, phải hoạt động thận trọng hơn để không xâm phạm về SHTT của người khác, đặc biệt là của các công ty nước ngoài.

Phong Vũ

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)