Thứ năm, 10/12/2020 14:03

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế số

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm đảm bảo an toàn trong các giao dịch, mang lại tiện ích cho người dân và tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Giải pháp nào để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là chủ đề của Hội thảo quốc gia “Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế số” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội.

Nhiều rào cản trong việc thanh toán không dùng tiền mặt

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, việc Chính phủ số hóa, các doanh nghiệp số hóa và ngân hàng số hóa chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho người dân quen dần với việc thanh toán không dùng tiền mặt trong tương lai không xa. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng tiếp tục tăng; nhiều tính năng, tiện ích đã được tích hợp vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng không ngừng nâng cao công nghệ, chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ.

Tuy nhiên, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng đang gặp phải một số rào cản như: 1) Thói quen của người dân, cơ sở hạ tầng và sự kết nối, tích hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ với các hệ thống thanh toán tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán còn nhiều hạn chế; 2) Thiếu đồng bộ giữa các trung gian thanh toán và các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, nhất là tại các khu vực vùng sâu vùng xa, không có điều kiện tiếp cận với dịch vụ ngân hàng; trong khi các đơn vị chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt chỉ tập trung ở các đô thị lớn…
Nâng cao khả năng tiếp cận tài chính

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt có vai trò đặc biệt quan trọng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các chủ thể tham gia và cả nền kinh tế, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao khả năng tiếp cận tài chính và thúc đẩy tài chính toàn diện. Bên cạnh đó, thanh toán không dùng tiền mặt còn giúp giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, góp phần vào công tác quản lý thuế, phòng, chống tội phạm, tham nhũng, các vấn đề về gian lận lợi ích; người dân, doanh nghiệp có thêm kênh giao dịch tiện ích, thuận lợi; các nguồn vốn trong xã hội được luân chuyển một cách an toàn, hiệu quả, tiết kiệm chi phí, thời gian...

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Hội thảo.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng, với việc triển khai tích cực, đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp, hoạt động trên trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực như hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã được hoàn thiện; hạ tầng kỹ thuật, công nghệ phục được mở rộng, đầu tư và nâng cấp; các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đã được đa dạng hóa. Thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2020, số lượng và giá trị giao dịch không dùng tiền mặt đã có sự tăng trưởng đáng kể, tương ứng 75,2% và 30,4% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt là số lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng mạnh tương ứng gần 125% và 130% so với cùng kỳ năm 2019.

Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trong thời gian tới các chuyên gia tại Hội thảo cho rằng, điều quan trọng là phải thay đổi thói quen, hành vi tiêu dùng của một bộ phận lớn dân cư trong xã hội. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, kể cả các nhân viên, cán bộ trong ngành ngân hàng về những thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát phát hiện các giao dịch đáng ngờ; hoàn thiện cơ chế pháp lý; chủ động triển khai phương án phòng chống rủi ro, tấn công mạng... Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng bộ tiêu chí đo lường tỷ lệ sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; ban hành quy định quản lý công ty công nghệ tài chính, ví điện tử, tiền di động… Thêm nữa, cần sớm có quy định về chia sẻ thông tin, dữ liệu; cơ chế công nhận kết quả thẩm định, xác thực lẫn nhau giữa các tổ chức tín dụng, xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia.

Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết thêm, mới đây, Thông tư về xác thực điện tử (eKYC) đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành. Đây là nền tảng đầu tiên để thanh toán số, ngân hàng số có thêm cơ chế để phát triển. Bên cạnh đó, để thúc đẩy thanh toán số phát triển trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đang nhanh chóng hoàn thiện khung khổ pháp lý và nghiên cứu, xem xét nên quy định vào Luật Thanh toán để thay thế cho Nghị định Thanh toán trước đây.

Phong Vũ

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)