Thứ sáu, 26/04/2024 14:10

Tài sản công cộng: Liệu có thực sự thuộc về “công cộng”?

Trịnh Quốc Đạt

Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Yes4All

Hiện nay, pháp luật của hầu hết các quốc gia quy định, tác phẩm khi hết thời hạn bảo hộ sẽ trở thành tài sản chung của công chúng (tài sản công cộng). Tuy nhiên trên thực tế, việc khai thác các tài sản công cộng, đặc biệt là với các tác phẩm nổi tiếng thường khó khăn hơn so với những gì chúng ta nghĩ.

Từ câu chuyện về chú chuột nổi tiếng…

Chuột Mickey, chuột Minnie, vịt Donald, vịt Daisy, chó Pluto, chó Goofy là những nhân vật hoạt hình nổi tiếng, trở thành một phần quan trọng trong ký ức tuổi thơ của nhiều người. Trong số đó, chuột Mickey có thể được xem như biểu tượng của Walt Disney. Mickey xuất hiện trong rất nhiều ấn phẩm truyền thông, trò chơi điện tử cũng như các mặt hàng của Hãng Walt Disney. Thậm chí, chuột Mickey còn trở thành nhân vật hoạt hình đầu tiên có một ngôi sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood.

Khi đồng hồ thế giới điểm sang ngày đầu năm 2024 cũng là lúc thời hạn bảo hộ bản quyền của chuột Mickey chấm dứt, cho phép bất kỳ ai cũng có thể khai thác và sử dụng hình ảnh chú chuột này vào các tác phẩm của riêng họ mà không phải trả tiền hay xin phép Walt Disney. Điều này cũng tương tự như nhiều nhân vật nổi tiếng khác cũng đã thuộc về phạm vi công cộng như Sherlock Holmes, Dracula. Tuy nhiên, việc khai thác Mickey so với các nhân vật kia lại không hề đơn giản.

Sherlock Holmes trong một bức minh họa năm 1904 của Sidney Paget.

Đầu tiên, Sherlock Holmes và Dracula là những nhân vật đến từ thế giới văn học. Sự hấp dẫn, lôi cuốn của những câu chuyện được kể có tính trường tồn theo thời gian. Đây chính là phần gốc, phần lõi vững chắc để các nhà sáng tạo dựa vào nhằm tạo ra các tác phẩm mới (truyện tranh, phim ảnh chuyển thể). Sự nổi tiếng trước đó của tác phẩm văn học cũng là một “điểm cộng” cho công tác quảng bá, đưa các tác phẩm phái sinh đến gần hơn với công chúng. Do vậy, những nhà sáng tạo có thể dựa hoàn toàn vào nguyên mẫu của nguyên tác để tạo ra một tác phẩm phái sinh mới từ 2 nhân vật này mà vẫn có thể nhận được sự chấp nhận từ khán giả.

Trong khi đó, chuột Mickey ra mắt công chúng lần đầu tiên năm 1928 trong bộ phim hoạt hình “Steamboat Willie”. Bộ phim này chỉ kéo dài trong khoảng 7 phút và không có lời thoại, độ chi tiết trong câu chuyện gốc không thể so sánh bằng những tác phẩm văn học. Điều này đòi hỏi tác giả sáng tác các tác phẩm phái sinh phải đầu tư và tự viết một câu chuyện, chủ đề hoàn toàn mới dựa trên sức sáng tạo của bản thân nếu muốn khai thác hiệu quả chuột Mickey, không thể “dựa hơi” được tác phẩm gốc nhiều như trường hợp của 2 tiền bối kể trên.

Tiếp theo, từ năm 1928 đến 2023, chuột Mickey đã trải qua gần 1 thế kỷ với rất nhiều phiên bản khác nhau. Phiên bản gốc được bộc lộ trong bộ phim năm 1928 là một chú chuột màu đen, mang chiếc quần trắng, mũ trắng và mắt hoàn toàn màu đen.

Hình ảnh chuột Mickey phiên bản gốc.

Phiên bản này khác khá nhiều so với phiên bản chuột Mickey hiện đại mà mọi người vẫn quen thuộc, với chiếc quần màu đỏ chấm trắng, đôi giày vàng và đôi mắt đủ hai màu trắng đen.

Hình ảnh chuột Mickey hiện đại.

Theo nguyên tắc, chỉ có phiên bản đầu tiên của Mickey thuộc về phạm vi công cộng, tức người dùng chỉ có thể sử dụng chính xác phiên bản chú chuột này trong các tác phẩm mới của họ. Việc sử dụng các phiên bản chuột Mickey khác sẽ tiềm ẩn rủi ro pháp lý, do Hãng Walt Disney có thể tìm cách chứng minh các phiên bản sau của chuột Mickey thuộc về các tác phẩm phái sinh và từ đó thiết lập quyền bảo hộ độc lập với các phiên bản này.

Để đối chiếu so sánh, ta có thể nhìn sang ví dụ cụ thể là bộ phim truyền hình “Sherlock” do diễn viên Benedict Cumberbatch thủ vai chính. So với tác phẩm Sherlock Holmes của Conan Doyle, bối cảnh bộ phim đã có rất nhiều thay đổi, trong đó rõ ràng nhất là phim lấy bối cảnh London hiện đại, với nhiều công cụ hỗ trợ việc phá án thay vì thời đại Victoria như tác phẩm gốc. Lúc này, tác phẩm Sherlock sẽ được xem là một tác phẩm hoàn toàn độc lập và phát sinh quyền độc lập. Nếu một người khác sử dụng tác phẩm Sherlock này mà không xin phép, họ hoàn toàn có thể vi phạm đến tác quyền tác phẩm điện ảnh này.

Như vậy, cụ thể mọi người sẽ được phép làm những gì khi bộ phim “Steamboat Willie” hết hiệu lực bảo hộ? Đầu tiên, họ có thể phát sóng/trình chiếu bản gốc của bộ phim trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tiếp đó, họ có thể sử dụng phiên bản gốc của chuột Mickey vào các ấn phẩm của riêng mình. Có thể lấy ví dụ như việc MC nổi tiếng John Oliver đã sử dụng một diễn viên mang hình thù chuột Mickey gốc làm linh vật vào tháng 04/2023 trong chương trình “Last week tonight with John Oliver”. Hay gần đây nhất, bộ phim kinh dị “Mickey Mouse: Horror House” cũng đã tung trailer đầu tiên, với phần hình ảnh một tên sát nhân mang bộ đồ chuột Mickey gốc.

Thêm vào đó, các nhà sáng tạo nội dung hoàn toàn có thể phát triển nhân vật chuột Mickey của riêng mình dựa vào chú chuột gốc, ví dụ họ có thể vẽ thêm chi tiết, đổi màu da, trang phục của chú chuột này tùy thích. Tuy nhiên, họ cần phải lưu ý tránh làm trùng lặp với hình ảnh các phiên bản Mickey khác của Walt Disney để hạn chế thấp nhất các rủi ro pháp lý.

Đến các nhân vật nổi tiếng khác

Từ câu chuyện của chuột Mickey, chúng ta có thể thấy rằng, việc một tác phẩm thuộc về phạm vi công cộng sẽ không mang lại cho công chúng sự tự do sử dụng như nhiều người nhầm tưởng. Tác phẩm càng nổi tiếng, các chủ sở hữu quyền lại càng muốn kéo dài thời gian bảo hộ hết mức có thể. Với trường hợp của chuột Mickey, Hãng Walt Disney đã sử dụng danh tiếng và ảnh hưởng của mình để tiến hành vận động hành lang, nhằm khiến các nhà lập pháp Mỹ thay đổi bộ luật bản quyền theo theo hướng có lợi cho họ. Ngoài sử dụng “quyền lực mềm” như Walt Disney, nhiều chủ sở hữu bản quyền các tác phẩm nổi tiếng khác cũng sử dụng các “thủ thuật” tinh vi cho mục đích tương tự.

Một ví dụ dễ thấy nhất là nhân vật “Sherlock Holmes”. Sherlock Holmes là một tuyển tập các câu chuyện riêng lẻ, được nhà văn Conan Doyle viết trong các thời điểm khác nhau. Tổng cộng, tác giả đã viết 4 tiểu thuyết, 56 truyện ngắn và 2 truyện cực ngắn liên quan đến vị thám tử nổi tiếng. Trong số đó, có 10 truyện được xác định ra đời sau năm 1923, các truyện còn lại đều được xuất bản trước 1923. Tại Mỹ, 10 truyện này chỉ lần lượt hết thời hạn bản quyền từ đầu 2019 đến hết 2022. Vì thế, trước 2019, dù đa số các truyện ngắn về Sherlock Holmes đều đã thuộc vào phạm vi công cộng, The Conan Doyle Estate (Tổ chức nắm bản quyền cho tác phẩm) vẫn thường xuyên sử dụng 10 truyện này như một cái cớ yêu cầu các tác phẩm phái sinh từ Sherlock Holmes phải trả tiền tác quyền. Năm 2014, Leslie Klinger (luật sư và biên tập viên của tác phẩm The New Annotated Sherlock Holmes) đã nộp đơn kiện The Conan Doyle Estate nhằm chống lại yêu cầu này. Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm đều đưa ra phán quyết có lợi cho Leslie Klinger khi kết luận rằng, tác phẩm của ông không vi phạm tác quyền với 10 truyện ngắn trên. Tuy nhiên sau đó, The Conan Doyle Estate vẫn tiếp tục khiếu nại tác quyền đối với bộ phim Enola Holmes với lý do tương tự vào năm 2020.

Một ví dụ khác là tác phẩm “Nhật ký của Anne Frank” - cuốn nhật ký ghi lại câu chuyện của một cô bé người Do Thái trong khi đang lẩn trốn cùng gia đình ở thời kỳ Đức quốc xã chiếm đóng Hà Lan. Ban đầu, cuốn nhật ký được xác định chỉ có một tác giả là cô bé Anne Frank. Cô bé mất vào năm 1945 và ấn bản đầu tiên của cuốn nhật ký được xuất bản lần đầu tại Hà Lan vào năm 1947. Vào thời điểm đó, tại Hà Lan, bản quyền sẽ hết hạn 50 năm sau khi lần đầu được xuất bản (tức năm 1997), do một điều khoản riêng dành cho các tác phẩm được xuất bản sau khi tác giả mất (tác phẩm di cảo).

Nhật ký của Anne Frank phiên bản tiếng Việt.

Vào năm 1995, đạo luật bản quyền EU (mà Hà Lan là một nước thành viên) được sửa đổi, loại bỏ quy định về thời hạn của tác phẩm di cảo và chuyển thời hạn bảo hộ thành “70 năm sau khi tác giả/đồng tác giả cuối cùng qua đời”. Do vậy, thời hạn bảo hộ của tác phẩm được kéo dài đến hết năm 2015. 

Vào tháng 10/2015, Quỹ Anne Frank - Tổ chức quản lý tác quyền tác phẩm đã gây bất ngờ khi công bố thêm bố cô bé - ông Otto Frank với tư cách là đồng tác giả của cuốn sách do ông đã làm công tác biên tập thông qua việc “thay đổi một số tên người và bỏ bớt một số đoạn trong tác phẩm” khi nó được tái bản. Do ông Otto Frank mất năm 1980 nên tác quyền của tác phẩm đã được gia hạn đến tận năm 2050.

Có thể thấy rằng, việc một tác phẩm/nhân vật nổi tiếng rơi vào phạm vi công cộng không đồng nghĩa với việc công chúng được tự do và thoải mái hoàn toàn trong việc khai thác. Nguyên nhân chủ yếu đến từ lợi ích kinh tế khi các chủ sở hữu tác quyền muốn khai thác đến mức tối đa các tác phẩm nổi tiếng. Đây thực chất là một bất cập khi nó làm lệch cán cân lợi ích giữa tác giả và công chúng theo tinh thần của các bộ luật bản quyền. Hy vọng trong tương lai, luật sở hữu trí tuệ các nước có thể đặt ra một số giới hạn nhằm tránh các tình huống “lách luật” của chủ sở hữu, để trả lại đúng bản chất của luật bản quyền, đó là thúc đẩy sự sáng tạo chứ không phải cản trở chúng.

Thay lời kết

Khác với thế giới, bản quyền chỉ mới thực sự được chú trọng tại Việt Nam sau khi nước ta gia nhập Công ước Berne vào năm 2004. Trong những năm gần đây, các tranh chấp về bản quyền xuất hiện ngày càng nhiều, chứng tỏ nhận thức của người Việt về bản quyền nói riêng và các quyền sở hữu trí tuệ nói chung đã có sự gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, dường như vấn đề khai thác các tác phẩm thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam lại chưa được chú ý nhiều. Sự khai thác chỉ mới dừng lại ở mức độ đơn giản như sử dụng, biểu diễn, phân phối các tác phẩm, việc sáng tạo ra các tác phẩm phái sinh, chất lượng vẫn còn nhiều hạn chế.

Trong khi đó, xét về phạm vi công cộng, Việt Nam không thiếu các tác phẩm văn học xuất sắc và nổi tiếng vươn tầm thế giới, tiêu biểu nhất là “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Nguyên nhân của thực trạng này không đến từ luật pháp hay sự bảo hộ quá mức như các trường hợp phía trên mà xuất phát từ các yếu tố chuyên môn như trình độ, kinh phí, thị hiếu khán giả, kinh nghiệm của những nhà sáng tạo nội dung. Ví dụ, cả 3 tác phẩm điện ảnh lấy ý tưởng từ Truyện Kiều là Sài Gòn nhật thực, Kiều@ Kiều đều không tạo được tiếng vang cũng như ấn tượng trong mắt các khán giả.

Poster phim “Sài Gòn nhật thực”.

Việc không tận dụng hết các tác phẩm này thực sự là một điều rất đáng tiếc, vì như đã nói các tác phẩm thuộc phạm vi công cộng là nguồn tư liệu rất quý giá. Nếu biết khai thác một cách khéo léo, những nhà sáng tạo hoàn toàn có thể tạo ra các tác phẩm phái sinh tốt, tạo được giá trị cao cho xã hội.

 

 

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)