Thứ tư, 24/04/2024 15:52

Áp dụng mô hình thông tin công trình cho công trình giao thông trên địa bàn TP Hà Nội

Trong bối cảnh mô hình hóa thông tin công trình (BIM) trong xây dựng không chỉ là một xu thế mà còn trở thành thực tế sinh động trong tất cả các khâu, lĩnh vực của ngành xây dựng, Chính phủ Việt Nam đã chính thức phê duyệt lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng. Nhằm hiện thực hóa chỉ đạo của Chính phủ và tạo điều kiện cho việc triển khai BIM một cách hiệu quả, ngày 24/04/2024, Trường Đại học Giao thông Vận tải đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội, Viện Kinh tế Xây dựng, Công ty TNHH Công nghệ cao Hài Hòa tổ chức Tọa đàm “Áp dụng BIM trong công trình giao thông của TP Hà Nội”.

Cơ sở pháp lý cho ứng dụng BIM

TS Tạ Ngọc Bình - Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế đầu tư và xây dựng số (Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng) cho biết, BIM có thể được hiểu là việc sử dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin để số hóa các thông tin của công trình thông qua mô hình không gian ba chiều (3D) nhằm hỗ trợ quá trình thiết kế, thi công, quản lý vận hành công trình. BIM là việc sử dụng kỹ thuật số chia sẻ về công trình để tạo điều kiện thuận lợi cho các quy trình thiết kế, thi công và quản lý vận hành, tạo nên một nền tảng tin cậy cho việc ra quyết định. Việc triển khai BIM nằm trong chủ trương chung của Chính phủ và các bộ/ngành.

Đã có nhiều đề án, chiến lược được đưa ra để thực hiện ứng dụng BIM. Cụ thể, ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2500/QĐ-TTg phê duyệt Đề án áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình (Quyết định 2500); Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/03/2023 của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng (Quyết định 258). Theo Quyết định 258, lộ trình áp dụng BIM được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2023, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án. Giai đoạn 2, từ năm 2025, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án. Sau khi theo dõi, đánh giá giai đoạn 1 và giai đoạn 2, Chính phủ sẽ đưa ra lộ trình áp dụng cụ thể cho giai đoạn 3.

TS Tạ Ngọc Bình - Viện Kinh tế xây dựng chia sẻ tham luận cơ chế chính sách và chi phí áp dụng BIM tại Tọa đàm.

TS Tạ Ngọc Bình cho rằng, đối với cơ quan quản lý nhà nước, BIM chính là công cụ để hỗ trợ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước (thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu…).

Đặc biệt, Luật Xây dựng năm 2024 đã nhấn mạnh: tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài được khuyến khích và tạo điều kiện nghiên cứu áp dụng khoa học và công nghệ xây dựng tiên tiến, sử dụng vật liệu xây dựng mới, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo; tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở xã hội, tham gia hoạt động đầu tư xây dựng theo quy hoạch ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Áp dụng BIM cho các công trình trên địa bàn TP Hà Nội

TS Đỗ Việt Hài - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, đối với mỗi quốc gia, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đóng vai trò rất quan trọng và là nền tảng cho hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong quá trình phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng cần phải được xem xét, đánh giá và lựa chọn phương án kỹ càng để có thể phát huy hiệu quả tối đa của dự án và giảm thiểu thất thoát, lãng phí.

Hiện nay, để thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số, xây dựng Hà Nội thông minh đến năm 2025 định hướng 2030, TP Hà Nội đang tiến hành thực hiện Đề án xây dựng hệ thống giao thông thông minh. Để có thể thực hiện được đề án này, cần thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu về công trình giao thông của TP một cách đồng bộ và đảm bảo tính kết nối giữa các hệ thống. Qua xem xét đánh giá việc áp dụng BIM cho công trình hạ tầng kỹ thuật tại các quốc gia trên thế giới và qua quá trình thực hiện Quyết định 2500 với các dự án thí điểm trên địa bàn TP, BIM đã từng bước phát huy được hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng và giảm tiến độ trong quá trình thực hiện các dự án. Tuy nhiên, việc áp dụng BIM đòi hỏi một lộ trình chuyển đổi hợp lý về hành lang pháp lý, quy trình BIM, con người và công nghệ. Đặc biệt, đối với các dự án xây dựng công trình giao thông với đặc thù thường có quy mô lớn, triển khai trên phạm vi rộng và tác động lớn đến đời sống, kinh tế - xã hội, việc xây dựng các nội dung hướng dẫn chi tiết áp dụng càng trở nên cấp thiết.

Để tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy việc áp dụng BIM vào các dự án theo Quyết định 258, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã biên soạn Hướng dẫn chi tiết nội dung áp dụng BIM đối với công trình giao thông và được UBND TP Hà Nội công bố để làm căn cứ hướng dẫn áp dụng BIM đối với công trình giao thông trên địa bàn TP. Hướng dẫn đã làm rõ các mục tiêu, nội dung áp dụng BIM tối thiểu, môi trường dữ liệu chung và các yêu cầu thông tin chuyển giao trong các giai đoạn thực hiện dự án đối với công trình giao thông trên địa bàn TP Hà Nội.

TS Đỗ Việt Hải - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội trình bày Hướng dẫn BIM cho công trình giao thông trên địa bàn TP Hà Nội. 

TS Đỗ Việt Hải chia sẻ thêm, Hướng dẫn này có thể áp dụng cho toàn bộ giai đoạn đầu tư xây dựng công trình giao thông, bao gồm các giai đoạn chuẩn bị dự án, giai đoạn thực hiện dự án, giai đoạn kết thúc xây dựng và đưa công trình vào vận hành. Các nội dung trong Hướng dẫn này được hiểu và áp dụng phù hợp với từng quy mô và mức độ phức tạp của dự án. Các bên liên quan cần xem xét các nội dung và thỏa thuận thống nhất trong quá trình triển khai, dựa trên kinh nghiệm của mỗi bên, khả năng huy động nguồn lực, mức độ phức tạp của dự án và các quy định pháp lý khác có liên quan. Tiến trình thực hiện áp dụng BIM trong một dự án không làm thay đổi tiến trình triển khai dự án theo các quy định hiện hành mà hướng tới việc thúc đẩy quá trình chuyển giao thông tin ở dạng số và thúc đẩy quá trình phối hợp, trao đổi thông tin giữa các bên liên quan trong dự án.

PGS.TS Ngô Văn Minh - Trường Đại học Giao thông Vận tải thông tin các nội dung của Tọa đàm.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia cũng đã trao đổi, chia sẻ và thảo luận nhiều vấn đề về việc ứng dụng BIM trong thiết kế, thi công, quản lý dự án cầu đường và áp dụng BIM trong xây dựng hệ thống giao thông thông minh…

Phong Vũ

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)