Thứ ba, 23/04/2024 10:12

Bộ Khoa học và Công nghệ: 65 năm những mốc son lịch sử

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), tiền thân là Ủy ban Khoa học Nhà nước (UBKHNN), được thành lập theo Sắc lệnh số 016-SL ngày 04/03/1959 của Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 65 đồng hành cùng đất nước và dân tộc theo chiều dài lịch sử, ngành KH&CN Việt Nam đã góp phần tích cực vào công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; phục vụ tái thiết đất nước sau thống nhất; đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

KH&CN góp phần giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước

Sau năm 1954, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành đồng thời 02 cuộc cách mạng: xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam.

Giai đoạn từ năm 1959 đến năm 1965

Trong phiên họp ngày 29/04/1958 kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá I đã quyết nghị thành lập UBKHNN để giúp Chính phủ xây dựng và phát triển khoa học và kỹ thuật (KH&KT). Ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã cử Ban trù bị do ông Tạ Quang Bửu làm Trưởng ban để xúc tiến việc thành lập Ủy ban Khoa học Nhà nước (UBKHNN).

Trụ sở của UBKHNN.

Ngày 04/03/1959, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thừa ủy quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 016-SL thành lập UBKHNN; và ngày này đã được lấy làm ngày truyền thống của Bộ KH&CN.

Ngày 04/04/1962, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định 43-CP quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của UBKHNN. Theo đó, UBKHNN là cơ quan của Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm quản lý công tác KH&KT theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ và kế hoạch phát triển KH&KT, đưa nền KH&KT Việt Nam lên trình độ tiên tiến nhằm phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh, phục vụ quốc phòng, góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Cơ quan lãnh đạo của UBKHNN là một tập thể gồm 21 thành viên, hầu hết là cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể cấp trung ương kiêm nhiệm, đa số là cán bộ KH&KT tiêu biểu. Chức vụ Chủ nhiệm Uỷ ban do các Phó Thủ tướng Chính phủ lần lượt đảm nhiệm: ông Trường Chinh (12/1958-07/1960), ông Võ Nguyên Giáp (07/1960-01/1963), ông Nguyễn Duy Trinh (01/1963-10/1965). Giúp Uỷ ban thường xuyên chỉ đạo mọi mặt công tác của Uỷ ban có Ban thường trực gồm các ông: Bùi Công Trừng, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm, Lê Khắc. Giúp Uỷ ban điều hành công việc hằng ngày có Tổng thư ký và Phó tổng thư ký: ông Tạ Quang Bửu là Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký, ông Chu Văn Biên là Phó tổng thư ký.

Giai đoạn từ năm 1965 đến năm 1975

Từ năm 1965, Mỹ trực tiếp tiến hành chiến tranh xâm lược miền Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam. Trong hoàn cảnh chiến tranh gay go, ác liệt, với niềm tin vững chắc ở thắng lợi cuối cùng, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, chỉ đạo kịp thời việc chuyển hướng và tăng cường công tác KH&KT nhằm phục vụ sản xuất, chiến đấu, bảo đảm đời sống trước mắt của nhân dân và chuẩn bị phục vụ sự nghiệp xây dựng CNXH với quy mô lớn, trình độ cao sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ra quyết định số 165 NQ/TVQH ngày 11/10/1965 về việc phân chia UBKHNN thành 2 cơ quan: Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (UBKH&KTNN) và Viện Khoa học xã hội Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, phát triển cả khoa học tự nhiên - kỹ thuật và khoa học xã hội - nhân văn. Thời kỳ này, UBKH&KTNN không hoạt động theo chế độ tập thể lãnh đạo như UBKHNN trước đây, mà được tổ chức và làm việc theo chế độ thủ trưởng kết hợp với bàn bạc tập thể, Chủ nhiệm Uỷ ban chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Hội đồng Chính phủ về toàn bộ công tác của Uỷ ban. Chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban suốt thời kỳ này do ông Trần Đại Nghĩa - Chủ nhiệm Uỷ ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước kiêm nhiệm.

Có thể khẳng định, KH&CN Việt Nam dưới sự lãnh đạo của UBKHNN đã trở thành một lực lượng hậu phương quan trọng, một mặt, phục vụ đắc lực sự nghiệp kiến thiết xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, nâng cao năng suất lao động và đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân miền Bắc, mặt khác, chủ động và sáng tạo phát triển tiềm lực kỹ thuật quân sự để chống trả cuộc chiến tranh kỹ thuật cao của Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

KH&CN phục vụ tái thiết sau thống nhất đất nước

Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước ta bước vào giai đoạn lịch sử mới “cả nước độc lập thống nhất và làm nhiệm vụ chiến lược duy nhất là tiến hành cách mạng XHCN”. Tư tưởng chủ đạo của giai đoạn này (theo tinh thần Nghị quyết Đại hội IV của Đảng) là tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng, trong đó cách mạng KH&KT là then chốt. Giai đoạn này, đất nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn: “cơ sở vật chất - kỹ thuật còn yếu kém, cơ cấu kinh tế chưa cân đối, năng suất lao động thấp, sản xuất chưa đảm bảo được nhu cầu đời sống và tích lũy, bắt nguồn từ nền kinh tế phổ biến là sản xuất nhỏ, lại bị chiến tranh lâu năm và chủ nghĩa thực dân mới kìm hãm, phá hoại nặng nề”.

Trước yêu cầu to lớn và cấp bách về phát triển KH&KT trong giai đoạn mới, Hội đồng Chính phủ đã quyết định tách khối nghiên cứu ra khỏi UBKH&KTNN để thành lập Viện Khoa học Việt Nam (Nghị định 118-CP ngày 20/05/1975) nhằm tạo điều kiện tăng cường đồng thời cả 2 lĩnh vực nghiên cứu KH&KT và quản lý KH&KT.

UBKH&KTNN lúc này chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực KH&KT trong phạm vi cả nước, nhằm phục vụ công cuộc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của CNXH. Tổ chức bộ máy UBKH&KTNN về cơ bản thực hiện theo Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Uỷ ban ban hành kèm theo Nghị định số 192-CP ngày 13/10/1975 của Hội đồng Chính phủ. Theo đó, UBKH&KTNN được tổ chức và làm việc theo chế độ thủ trưởng kết hợp với bàn bạc tập thể. Chủ nhiệm UBKH&KTNN chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Hội đồng Chính phủ về mọi hoạt động của Ủy ban.

Chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban thời kỳ này do ông Trần Đại Nghĩa (1976-02/1977), ông Trần Quỳnh (03/1977-04/1980), ông Lê Khắc (05/1980-03/1982), ông Đặng Hữu (04/1982-9/1992) lần lượt đảm nhiệm.

KH&CN trong thời kỳ đổi mới

Giai đoạn 1986-1992

Giai đoạn 1986-1992 là thời kỳ có những thay đổi quan trọng trong đường lối, chủ trương, chính sách về xây dựng đất nước, tác động mạnh mẽ và quyết định đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung, KH&CN nói riêng. Đường lối đổi mới toàn diện đất nước, chủ trương chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu sang nền kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN đã tác động trực tiếp tới việc đổi mới cơ chế quản lý KH&KT. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đã khẳng định: Cơ chế quản lý kinh tế, quản lý KH&KT phải đòi hỏi và khuyến khích việc sáng tạo và ứng dụng rộng rãi các thành tựu KH&KT, đưa lại hiệu quả thiết thực.

Tổ chức bộ máy của UBKH&KTNN trong giai đoạn này cơ bản thực hiện theo Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Uỷ ban ban hành kèm theo Nghị định số 192-CP ngày 13/10/1975 của Hội đồng Chính phủ. Ông Đặng Hữu được giao giữ chức Chủ nhiệm UBKH&KTNN (bắt đầu từ tháng 04/1982 đến tháng 09/1992).

Giai đoạn 1993-2002

Đất nước tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, đầu tư nước ngoài trong giai đoạn này tăng mạnh, theo đó, hoạt động nhập khẩu và chuyển giao công nghệ ngày càng phổ biến, vấn đề bảo vệ môi trường trở thành cấp thiết không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn mang tính toàn cầu. Việc quản lý nhà nước về công nghệ và môi trường càng trở nên cấp bách, đặt ra yêu cầu khách quan phải hình thành cơ quan quản lý nhà nước có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để đảm nhiệm trọng trách này. Vì vậy, ngày 30/09/1992, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX đã ban hành Nghị quyết thành lập Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT).

Ngày 22/05/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 22-CP quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ KH,CN&MT. Theo đó, Bộ KH,CN&MT là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tiêu chuẩn hoá, sở hữu công nghiệp và bảo vệ môi trường trong phạm vi cả nước. Chức vụ Bộ trưởng do ông Đặng Hữu (từ tháng 10/1992 đến tháng 10/1996), ông Phạm Gia Khiêm (từ tháng 11/1996 đến tháng 09/1997), ông Chu Tuấn Nhạ (từ tháng 10/1997 đến tháng 07/2002) lần lượt đảm nhiệm.

Hoạt động KH&CN giai đoạn này đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vai trò của KH&CN được thể hiện ngày càng rõ nét, các kết quả nghiên cứu đã cung cấp các luận cứ khoa học, phục vụ kịp thời cho Lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong việc ra những quyết sách lớn, hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng của đất nước, thực hiện hội nhập quốc tế thành công.

Giai đoạn 2003 đến nay

Để tập trung hơn cho các nhiệm vụ quản lý nhà nước về KH&CN trong phạm vi cả nước, khẳng định vị thế và vai trò của cơ quan giúp Chính phủ trong điều phối và thúc đẩy các hoạt động KH&CN, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế và hội nhập của đất nước, tháng 08/2002 tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XI đã đổi tên Bộ KH,CN&MT thành Bộ KH&CN trên cơ sở điều chỉnh một số chức năng, nhiệm vụ của Bộ.

Kể từ sau khi được đổi tên từ Bộ KH,CN&MT thành Bộ KH&CN, từ năm 2003 đến nay, để KH&CN ngày càng đóng góp thiết thực và toàn diện hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ không ngừng được củng cố và hoàn thiện để phù hợp với bối cảnh của thế giới và tình hình thực tế của đất nước.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng trao tặng Huân chương Sao vàng cho Bộ KH&CN nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (tháng 01/2010).

Giai đoạn 2003-2023, Bộ KH&CN đã phát triển và hoàn thiện tổ chức bộ máy, trong đó có sự ra đời một số đơn vị mới với chức năng, nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu phát triển KH&CN phục vụ phát triển đất nước trong từng giai đoạn, đồng thời phù hợp với xu thế chung của thế giới. Đặc biệt, Nghị định số 95/2017/NĐ-CP ngày 16/08/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ KH&CN và Nghị định số 28/2023/NĐ-CP ngày 02/06/2023 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ KH&CN đã bổ sung thêm chức năng quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo. Theo đó, “Bộ KH&CN là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bao gồm: hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển tiềm lực KH&CN; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc bộ quản lý theo quy định của pháp luật” (Điều 1 Nghị định số 28/2023/NĐ-CP ngày 02/06/2023 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ KH&CN). Điều này thể hiện việc tăng cường trách nhiệm, vai trò điều phối mang tính chiến lược của Bộ KH&CN đối với hoạt động đổi mới sáng tạo trên phạm vi toàn quốc cũng như phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Chức vụ Bộ trưởng Bộ KH&CN trong giai đoạn 2002-nay do các ông Hoàng Văn Phong (08/2002-08/2011), ông Nguyễn Quân (08/2011-04/2016), ông Chu Ngọc Anh (04/2016-11/2020), ông Huỳnh Thành Đạt (11/2020 đến nay) lần lượt đảm nhiệm.

Từ năm 1993 đến nay là thời kỳ đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, KH&CN tiếp tục có những bước tiến quan trọng về mọi mặt, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, củng cố tiềm lực quốc phòng và an ninh, phát triển bền vững đất nước. Các nỗ lực đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ trong hệ thống quản lý KH&CN đã bắt nhịp với xu thế đổi mới chung về kinh tế - xã hội.

*

*      *

Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và xu thế phát triển dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngày càng sâu rộng. Để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, chúng ta cần tiếp tục kiên trì thực hiện các giải pháp đổi mới toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển tiềm lực và trình độ KH&CN, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hợp tác mạnh mẽ với các lực lượng doanh nghiệp và thị trường, chủ động kết nối và hợp tác đối tác chiến lược với các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

65 năm - một chặng đường nhìn lại, KH&CN Việt Nam đạt được các thành tựu quan trọng là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là những hy sinh thầm lặng và lao động quên mình của các thế hệ cán bộ KH&CN Việt Nam, các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, công chức Bộ KH&CN qua các thời kỳ. Chúng ta vui mừng, tự hào về sự trưởng thành của ngành KH&CN, về đóng góp xứng đáng của ngành vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc để cùng nhau tiếp tục vun đắp, phát huy truyền thống tốt đẹp, đoàn kết vượt mọi khó khăn, thách thức, đưa ngành KH&CN tiến nhanh hơn, mạnh hơn, đóng góp thiết thực và hiệu quả hơn cho sự phát triển phồn vinh của dân tộc và đất nước.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)