Chủ nhật, 21/04/2024 15:11

Sẽ có nghị định quy định về cơ sở dữ liệu dùng chung

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang xin ý kiến nhân dân về dự thảo Quy định về cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung. Đây là văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giao dịch điện tử 2023.

Theo dự thảo Nghị định Quy định về CSDL dùng chung (Dự thảo), CSDL dùng chung là CSDL được cập nhật từ tối thiểu 2 cơ quan, tổ chức và được khai thác, sử dụng bởi tối thiểu 2 cơ quan, tổ chức. Trong đó, các cơ quan, tổ chức liên quan cùng có quyền và trách nhiệm tương đương trong việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng dữ liệu trong CSDL đó.

Thực trạng CSDL quốc gia và CSDL của các bộ, ngành, địa phương

Bộ TT&TT cho biết, thực hiện quy định Luật Công nghệ thông tin năm 2006; Chính phủ đã ban hành các nghị định về CSDL dùng chung bao gồm: Nghị định 64/2007/NĐ-CP ngày 10/04/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước; Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/04/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số trong cơ quan nhà nước. Theo quy định của pháp luật hiện tại, CSDL dùng chung bao gồm CSDL quốc gia và CSDL của các bộ, ngành, địa phương.

Đối với CSDL quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/05/2015 ban hành Danh mục CSDL quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử (Quyết định số 714). Sau 09 năm thực hiện Quyết định số 714, việc xây dựng các CSDL quốc gia đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, kinh tế - xã hội; thực hiện cải cách hành chính toàn diện.

Tuy nhiên, thực tiễn việc đề xuất và xây dựng các CSDL quốc gia vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể: hầu hết các CSDL quốc gia quy định tại Quyết định số 714 đều có tiến độ xây dựng và triển khai chậm so với yêu cầu đặt ra; mô hình triển khai các CSDL quốc gia còn có những khác biệt và chưa thống nhất; tiêu chí xác định các CSDL quốc gia cũng chưa rõ ràng và thống nhất, chưa có một cơ quan tham mưu giúp Chính phủ đánh giá sự phù hợp đối với việc đề xuất một CSDL là CSDL quốc gia; các bộ, ngành, địa phương bị động trong việc xây dựng các CSDL dùng chung phục vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử của mình do e ngại sự chồng lấn trong việc thu thập dữ liệu với các CSDL quốc gia; kinh phí xây dựng CSDL quốc gia rất lớn, trong khi việc bố trí để đầu tư khó khăn hoặc kéo dài…

Đối với CSDL của các bộ, ngành, địa phương, thực trạng cũng đang có những bất cập, tồn tại như: việc chia sẻ dữ liệu quốc gia nói riêng và các CSDL từ Trung ương tới địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến các địa phương chờ đợi hay tự xây dựng các CSDL của riêng mình; việc hoạch định các CSDL của các bộ, ngành, địa phương chậm; nhiều danh mục CSDL của các bộ, ngành, địa phương chưa phân rõ các CSDL đã hoàn thành xây dựng và CSDL sẽ xây dựng theo lộ trình trong thời gian tới; các bộ, ngành, địa phương có sự khác biệt và chưa đồng bộ về việc hoạch định các CSDL; việc xây dựng các quy định/tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật chậm; tiến độ cung cấp dữ liệu mở chưa đáp ứng yêu cầu; các hoạt động quản trị dữ liệu, quản trị chia sẻ, khai thác dữ liệu theo quy định của pháp luật chưa được quan tâm triển khai…

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, dữ liệu được xem là “dầu mỏ” mới trong phát triển kinh tế số. Đồng thời, đối với Việt Nam, việc xây dựng CSDL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên phục vụ phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, cải cách thủ tục hành chính nói riêng và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Do vậy, việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định về CSDL dùng chung là hết sức cần thiết, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, rõ ràng trong triển khai xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng CSDL dùng chung.

Nội dung cơ bản của Dự thảo

Dự thảo Nghị định Quy định về CSDL dùng chung có 6 chương, gồm 37 điều.

Chương I: Quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 2). Quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ. Theo đó, Dự thảo quy định về cơ sở dữ liệu dùng chung, bao gồm xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng CSDL quốc gia; việc chia sẻ CSDL quốc gia với CSDL của cơ quan khác của Nhà nước; kết nối, chia sẻ dữ liệu; khung kiến trúc tổng thể quốc gia số; dữ liệu mở và điều kiện đảm bảo thực hiện của cơ quan nhà nước.

Chương II:  chia sẻ CSDL quốc gia với CSDL của cơ quan khác của nhà nước (từ Điều 3 đến Điều 7). Chương này quy định cụ thể về vai trò CSDL dùng chung, việc đảm bảo việc thống nhất và phân cấp các CSDL trong cơ quan nhà nước; xác định dữ liệu chủ của CSDL dùng chung, nguyên tắc tham chiếu giữa các CSDL và mối quan hệ giữa các CSDL dùng chung.

Chương III: Xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng CSDL quốc gia (từ Điều 8 đến Điều 21). Chương này quy định việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng CSDL quốc gia; các yêu cầu, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng CSDL quốc gia, gồm nội dung: yếu tố cơ bản của CSDL quốc gia; xây dựng CSDL quốc gia; cập nhật thông tin trong CSDL quốc gia; duy trì CSDL quốc gia; khai thác và sử dụng CSDL quốc gia; quản lý CSDL quốc gia.

Chương IV: Kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước (từ Điều 22 đến Điều 30). Chương này quy định phân loại kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giao dịch điện tử, quản lý giao dịch điện tử thông qua giao dịch dữ liệu; nhân lực, kinh phí kết nối, chia sẻ dữ liệu; dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước phải đảm bảo để thực hiện chia sẻ dữ liệu; ban hành và công bố công khai quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu; phương thức kết nối, chia sẻ dữ liệu; hệ thống trung gian trong kết nối, chia sẻ dữ liệu; mô hình kết nối, chia sẻ dữ liệu; khung kiến trúc tổng thể quốc gia số.

Chương V: Dữ liệu mở và điều kiện bảo đảm thực hiện quy định về dữ liệu mở của cơ quan nhà nước (từ Điều 31 đến Điều 34). Chương V quy định về giấy phép dữ liệu mở, yêu cầu dữ liệu mở, hình thức cung cấp, điều kiện đảm bảo. Chương này có tham chiếu đến các quy định về dữ liệu mở đã được quy định tại Nghị định 47/2020/NĐ-CP ngày 09/04/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

Chương VI: Điều khoản thi hành (từ Điều 35 đến Điều 37). Chương này quy định chuyển tiếp, điều khoản thi hành và trách nhiệm thực hiện sau khi Nghị định được ban hành và có hiệu lực.

VH

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)